Những cây cầu ngộ nghĩnh - Bài 1: Trăm năm tên cũ vẫn còn

LTS: Sở GTVT TP.HCM hiện quản lý khoảng 380 cây cầu với hơn 40 km chiều dài nhưng đến nay vẫn chưa có hội đồng đặt tên cho cầu. Những cây cầu mang tên kỳ lạ, tiếu lâm cũng xuất phát từ đây.

Theo các nguồn sử liệu, vào giữa thế kỷ XIX, có bà Nguyễn Thị Khánh, nhà ở bên con rạch nằm giữa vùng Bình Thạnh và quận 1 bây giờ.

Từ kế thừa tên gọi dân gian…

Bà có chồng là thư ký nên người dân gọi là bà nghè. Khi khai hoang đất ở bên này, bà nghè cho bắc cây cầu gỗ ngang qua bên kia để chồng và người dân tiện việc đi lại nên dân gọi cầu ấy là cầu bà nghè và rạch là rạch bà nghè. Nhiều năm sau, cầu và rạch được đổi tên là Thị Nghè.

Khoảng năm 1865, cầu Thị Nghè bị lở bờ, sập hai bên đầu, còn trơ các trụ cọc gỗ và nhịp cây, mặt ván ở giữa. Từ sự cố ấy, người Pháp định danh cho nó là Avalanche bridge, tức cầu tuyết lở hay cầu sập.

Vào cuối thập niên 1860, sau khi làm xong 26 con đường cơ bản cho đô thị Sài Gòn, chính quyền Pháp bắt đầu cho xây dựng các cầu sắt Effell thay thế cho các cầu có trụ bằng cây, mặt ván gỗ. Chiếc cầu sắt đầu tiên được xây dựng ở ngay chính vị trí chiếc cầu gỗ Avalanche - Thị Nghè. Thời gian sau người dân vẫn cứ gọi cây cầu sắt mới làm ấy bằng cái tên quen thuộc: Cầu Thị Nghè.

Sau cùng, theo bản đồ hành chính được ấn hành năm 1881 thì con đường vốn đánh số 25 được đặt là Chasseloup Laubat (tức đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh bây giờ) nhưng tên tiếng Pháp của cầu không có mà chỉ còn tên rạch và vùng đất vẫn hoang vu phía bên kia cầu là Thị Nghè.

Đến khoảng những năm 1970, chính quyền Sài Gòn cho tháo dỡ cầu sắt cũ, xây cầu mới bằng xi măng cốt thép và vẫn lấy tên là cầu Thị Nghè. Khoảng giữa những năm 1990 cầu Thị Nghè được nâng cấp bằng kết cấu bê tông dự ứng lực và mở rộng lên như bây giờ.


Cầu Thị Nghè 1 nối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với Nguyễn Thị Minh Khai có tên gốc từ hơn 150 năm. Ảnh: LĐ 

… Đến “ăn theo” và nghèo suy nghĩ

Từ năm 1997 đến 2005, TP cho mở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Trên tuyến đường này, lùi về hạ lưu rạch Thị Nghè, gần cửa sông Sài Gòn có cây cầu mới được xây dựng cho sáu làn xe. “Do không có “tích để dịch ra… tên” nên người ta đơn giản gọi cầu ấy là Thị Nghè 2 nhằm phân biệt với cầu Thị Nghè quá nổi tiếng ở phía trên!” - một cán bộ Sở GTVT TP.HCM nói.

Theo vị cán bộ này, thuở đầu con đường mới mở từ ngã ba Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn đến chân cầu Sài Gòn dài hơn 3,7 km mang tên Lê Thánh Tôn nối dài. Khi nó được đưa vào khai thác từng phần, người ta nghĩ phải đặt tên chính thức. Cái tên Nguyễn Hữu Cảnh được chọn đặt cho đường nhưng hai chiếc cầu trên tuyến thì vẫn mang tên hồi dự án còn trên giấy là Thị Nghè 2 và Văn Thánh 2. Cùng thời điểm đó, ở hai chiếc cầu mới này liên tiếp xảy ra sự cố, mọi người phải dồn sức vào khắc phục, chẳng còn ai nghĩ tới đặt tên cho cầu nữa. Lại nữa, đang khắc phục sự cố đường, cầu, hầm mà đặt tên mới thì sẽ phải đổi tên công trình trên các loại hồ sơ dự án, giấy tờ. “Làm thế lại mang tiếng là “xóa dấu vết” nên thôi chẳng ai đặt vấn đề nữa và hai cái tên “nhân bản” ấy tồn tại đến giờ!” - vị cán bộ Sở GTVT cung cấp thông tin.

Thế nhưng với các nhà văn hóa khó tính thì những cái tên “nhân bản” trên thể hiện nếp “ăn theo”, nghèo suy nghĩ của những người làm giao thông, quản lý đô thị… Nhận xét trên có phần phù hợp khi “áp” với toàn tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vì dọc theo tuyến kênh dài gần 9 km ấy có 20 cầu đường bộ thì có 11 cầu đã “nổi danh” từ trước 1975, như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Công Lý... Còn lại chín cầu mới xây trong giai đoạn cải tạo kênh thì được “đánh” theo số thứ tự từ 1 đến 9, tính từ thượng lưu xuống.

“Hỏi cầu Ông Tạ (đã gỡ bỏ) ở đâu thì tui biết nó nằm ở khu đường và chợ Phạm Văn Hai. Còn hỏi cầu số 2, số 3 trên kênh Nhiêu Lộc ở đâu, dù biết rằng nó nằm hai bên cầu Ông Tạ cũ đấy nhưng tôi thấy lợn cợn, nghe mông lung, khó hình dung quá!” - một người dân nói.

 
Cầu Ông Lớn, Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh với bản tên in song ngữ. Ảnh: LĐ

Trả lại tên cho ong

Rạch Ong Bé nằm ở ranh giới phường 3 và phường 4, quận 8, kéo từ Kinh Đôi đến rạch Cây Khô, dài 1.960 m. Rạch Ong Lớn nằm giáp ranh giữa quận 7 và quận 8, kéo từ ngã tư rạch Bến Nghé - Kinh Đôi tới rạch Bà Lào, dài 3.800 m. Ngày xưa, quanh các con rạch trên là rừng tràm, có nhiều ong làm tổ nên hai con rạch có tên Ong Lớn và Ong Bé. Người ta lấy mật từ các con rạch ấy ra bán ở khu kế bên có chiếc cầu gỗ nên cầu ấy mang tên cầu Mật. Ngày nay cầu Mật nằm trên đường Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8 vẫn còn tên gốc, còn rạch Ong Bé và rạch Ong Lớn đã bị gọi/đặt/viết chệch thành Ông Bé, Ông Lớn.

Cũng từ cách gọi/viết chệch ấy mà từ trước năm 1975 trên đường nối từ Nhà Bè sang quận 8 (bây giờ là đường Trần Xuân Soạn từ quận 7 sang) bắc qua rạch Ong Lớn có cầu mang tên Rạch Ông.

Khoảng từ năm 2000 đến 2010, đại lộ Nguyễn Văn Linh được xây dựng nhưng do đã thành nếp như nêu trên nên những cây cầu bắc qua các con rạch Ong Lớn, Ong Bé được gắn luôn tên là cầu Ông Lớn, cầu Ông Bé… Điều khác lạ và duy nhất là toàn bộ biển báo cho 10 cầu nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh đều in song ngữ, như cầu Ông Lớn/Ong Lon Bridge, cầu Ông Bé/Ong Be Bridge… Một vị chuyên gia cầu đường nói với tôi: “Anh cứ đọc phần tiếng Tây bên dưới đi. Dù ngọng, nhịu, lơ lớ và cả diễn nghĩa tiếu lâm nữa nhưng anh sẽ tìm được tên gốc của các con sông, rạch ở vùng đất này!”.

 

Tư duy số, chữ

Sinh thời, ông Lê Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, kể với PV trước năm 1997, khi chuẩn bị tách huyện Nhà Bè, cấp trên chỉ đạo quận mới được tách, lập phải lấy tên số, không lấy chữ. Hỏi vì sao? Trên trả lời, chủ trương lấy đủ quận số là 12, các quận còn lại là chữ. Bóp trán nghĩ, phần đất tách ra từ Nhà Bè nằm bên này sông Sài Gòn, Nhà Bè và kẹp giữa các quận đều đã có số từ 1, 3, 4 đến 5, 6 và 8. Vậy cho quận em số 7 cho nó nổi nghe anh. Quận em lấy số rồi nhưng các phường thì cho em lấy chữ nha anh!

Sau đó, từ cơ sở tên các xã cũ như Phú Mỹ, Tân Thuận (Đông và Tây), Tân Quy (Đông và Tây)… đã ra đời các phường tên chữ như Tân Phong, Tân Phú, Tân Hưng, Tân Quy, Phú Mỹ, Phú Thuận… Toàn những cái tên đẹp, hứa hẹn sự phát triển, giàu mạnh. Quả thật sau vài năm, quận 7 là một trong những quận mới tách, lập có tốc độ phát triển cao nhất. “Thành quả đó có được phần nào là từ sự kết hợp giữa tư duy số và chữ. Quận (số 7) nổi lên, dân tìm đến. Phường toàn những tên chữ đầy hứa hẹn, mời gọi (gió mới, hưng, thuận, giàu, đẹp…). Thế thì ai chẳng thích!” .

 

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Bài 2: Gọi tên cầu bằng “ông nọ, bà kia”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm