ĐI TÌM “NÀNG THƠ” CỦA NHỮNG CA KHÚC NỔI TIẾNG - BÀI 4

Nhạc sĩ chưa kịp gặp, nhà thơ đã đi xa

Trên thi đàn văn học Nghĩa Bình (Bình Định - Quảng Ngãi) đầu những năm 1990, Quang Vĩnh Khương nổi lên như một hiện tượng. Đó là cây bút trẻ tài hoa nhưng đoản mệnh. Trong tuyển tập 100 bài thơ lục bát hay nhất thế kỷ 20, bài thơ Trương Chi được độc giả bình chọn là một trong số bài yêu thích nhất. Và có lẽ Vĩnh Khương cũng là một trong những nhà thơ trẻ nhất có mặt trong tập này. Đây cũng chính là bài thơ được nhạc sĩ Trần Huân phổ nhạc đổi tên thành Gã si tình mà ca sĩ Quang Linh hát khá nổi tiếng một thời.

Khóc cho tình chàng Trương Chi

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Huân người nghe nhớ tới ca khúc Họa mi tóc nâu lời và nhạc do anh viết đã làm nên thương hiệu cho ca sĩ Mỹ Tâm một thời. Chàng nhạc sĩ sinh năm 1976, khi mới hơn 30 tuổi đời đã có cho mình gia tài trên 200 bản nhạc, trong đó có những bản nổi tiếng như Đến bên em, Yêu, Chiều ký túc xá, Chia tay... Từng học khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy tại Nhạc viện TP.HCM, Trần Huân khởi nghiệp và bắt đầu tạo dựng tên tuổi cho mình với những ca khúc viết cho thiếu nhi, sau đó đến những bản hợp xướng, tình ca đôi lứa rồi anh bén duyên với thơ phổ nhạc. Và bài thơ Trương Chi của Quang Vĩnh Khương là một trong những tác phẩm phổ thơ thành công của nhạc sĩ Trần Huân.

Trần Huân kể: “Năm 1996, lúc ấy tôi mới ngoài 20 tuổi và cũng đang sống với những ảo vọng, nỗi buồn. Tình cờ một lần ghé tiệm sách cũ tìm thấy cuốn thơ tình tuyển chọn. Tôi không còn nhớ chính xác tên tập thơ ấy nhưng trong đó có bài thơ Trương Chi bốn câu của Vĩnh Khương. Tôi thích bài thơ này và ngay lúc ấy nảy ra ý định sẽ phổ nhạc...”.

Vĩnh Khương viết bài thơ Trương Chi khi ấy cũng ngoài đôi mươi. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kẻ đôi mươi viết nhạc phổ thơ nổi tiếng, người đôi mươi nổi tiếng với thơ. Chắc hẳn phải có sự đồng điệu lắm trong tâm hồn anh mới cảm được và yêu thích bài thơ đến thế. “Lúc đó tâm trạng tôi cũng hệt như tâm trạng của nhà thơ Trương Chi. Vật vờ đau khổ rồi uống hết giấc mộng này đến giấc mơ khác... Uống riết thì quên cái tôi, quên sự đời!” - nhạc sĩ nói.

Bạn bè kể vào một đêm Vĩnh Khương thất tình nằm dài trên bãi biển Quy Nhơn. Trong cơn mộng mị ấy anh đã sáng tác ra bài thơ Trương Chi: Đêm xưa có một gã khờ/ Uống trăng rồi khóc trang thơ đời mình/ Uống thơ rồi khóc cuộc tình/ Uống tình rồi khóc một mình dưới trăng.

Nhưng em gái Vĩnh Khương, người gắn bó nhất với anh suốt ấu thơ và cũng là người lưu giữ những bản thảo cuối cùng của anh, nói: “Anh ấy thương cảm với câu chuyện về chàng Trương Chi, bị ám ảnh và đau đáu về nó nên viết lên những câu thơ buồn đó. Chứ nói anh Khương thất tình à, có mà thất tình quanh năm!”. Không biết khi viết Gã si tình lúc ấy chàng nhạc sĩ “du ca” Trần Huân có thất tình như Vĩnh Khương không? Trần Huân cười: “Trong đời ai cũng đã từng ít nhất bị một hay vài lần như thế, tôi đâu phải là trường hợp đặc biệt gì”.

 
Nhà thơ Quang Vĩnh Khương

Nghi án “đạo thơ”

Thực tế bài thơ ra đời đã được bạn đọc yêu mến và nó nổi tiếng hơn nữa khi nhạc sĩ Trần Huân phổ nhạc với cái tên Gã si tình. Năm 1998 ca sĩ Quang Linh thu âm bài hát này, tất nhiên nó tạo được một hiệu ứng mới mẻ cho người nghe với chất giọng riêng biệt của Quang Linh và giai điệu ma mị của nhạc. Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì trên một số trang nhạc chỉ đề tên nhạc sĩ Trần Huân, còn thơ… thì không đề tên tác giả. Khi ấy đã dấy lên những đồn đại và hoài nghi về người sáng tác. Thậm chí có tờ báo còn công khai nói nhạc sĩ Trần Huân đạo thơ. Khi được hỏi về chuyện này, Trần Huân từ tốn: “Tôi luôn ghi trên bản nhạc thơ Quang Vĩnh Khương nhưng không hiểu vì sao người ta cứ vu cho là đạo thơ. Tôi không nhớ chính xác... Hình như có một video nào đó của ca sĩ Quang Linh đã quên đề tên nhà thơ thì phải. Bởi vì về phía tác quyền gia đình anh Khương đã nhận được đầy đủ, như thế không thể nói là tôi đạo thơ được!”.

Trần Huân trầm ngâm: “Tôi luôn quan tâm và dõi theo Vĩnh Khương cũng như luôn có ý tìm gặp anh ấy. Hỏi thăm bạn bè, những ai quen biết xem Vĩnh Khương là ai, như thế nào, đang sống ở đâu và cả lai lịch bài thơ Trương Chi nữa. Bởi tôi trân trọng nó vì nó làm nên bản nhạc của tôi. Nhưng mọi thông tin dội về là con số không. Ngay cả quê anh ở Bình Định tôi cũng còn không biết”.

Cuộc đời đầy oái oăm. Gần 10 năm trời kể từ sau khi Gã si tình trở nên nổi tiếng nhưng nhạc sĩ vẫn không thể gặp được nhà thơ, chỉ đến lúc tìm được manh mối thực sự thì mới hay nhà thơ đã trở thành người thiên cổ!

Món nợ thơ-nhạc và lời dự cảm định mệnh

Khi nghe ca sĩ Quang Linh thu âm bản Gã si tình của nhạc sĩ Trần Huân, biết bản nhạc phổ từ thơ mình mà không thấy nhạc sĩ có ý kiến gì, Vĩnh Khương khăn gói định vào Sài Gòn tìm cho bằng được nhạc sĩ để “nói chuyện” tác quyền. Dù rằng bạn bè ai cũng biết nếu có được tiền tác quyền thì số tiền đó có khi lại nằm trong túi áo một kẻ hành khất nào đó bên đường mà Vĩnh Khương nhìn thấy hay một bạn trẻ bập bẹ nào đó làm thơ khiến anh xúc động đem tặng. Nhưng rồi dự định ấy đã vĩnh viễn không bao giờ thành sự thực. Chỉ trước ngày định khăn gói vào Sài Gòn, một ngày tháng 5 năm 2001, sau một giấc ngủ trưa, Vĩnh Khương đã không còn thức dậy nữa...

Nhắc đến Vĩnh Khương, bạn bè trong giới thường say mê kể hết giai thoại này tới giai thoại khác. Rằng nhà thơ là một gã tài hoa, kẻ giang hồ sống bửa, đồng thời lại là một chàng lãng tử phóng khoáng. Biết bao tính cách trong một con người. Mà chỉ như thế mới ra được cái chất của Vĩnh Khương.

Tuổi thơ anh nhọc nhằn và chai sạm nắng gió. 11 tuổi Vĩnh Khương đã dẫn em trai lên cao nguyên tự kiếm sống. Sau này anh làm nghề khuân vác ở bến xe, bến cảng, rồi sáng tác, viết báo, viết kịch. Anh đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, lên rừng, xuống biển. Cứ khi hết tiền thì chạy lại nơi anh em thân tín gõ cửa mượn. Đi mượn tiền nhưng rồi vừa từ nhà bạn bước ra nhìn thấy đứa trẻ nghèo bán vé số anh lại quên mất mình đang túng thiếu, vét đến đồng tiền cuối cùng trong túi đem cho. Sau đó sực tỉnh thì lại kiếm bạn hữu khác. Giận nhưng vì yêu mến thơ anh, bạn bè cứ lần lữa cho qua.

Năm 25 tuổi Khương từng viết “Tôi là chiếc xe ngựa cà tàng cực nhọc lao trong đêm, chở gió và cỏ và cỗ quan tài chưa bỏ xác”. Chưa kịp vào Sài Gòn gặp nhạc sĩ thì Vĩnh Khương đã đột ngột ra đi ở cái tuổi 38. Không ai biết nguyên nhân vì sao, chỉ là anh đi ngủ rồi quên không dậy nữa... Mẹ già, con thơ và người vợ còn rất trẻ từ đó khóc thương anh. Bạn bè bần thần nói: “Vậy là rốt cuộc cỗ quan tài đã có xác!”.

YÊN KHANH

Bài thơ được chọn trong tập 100 bài thơ tình lục bát hay nhất thế kỷ 20

Quang Vĩnh Khương sinh năm 1964 tại Quảng Nam nhưng lớn lên ở Bình Định.

Anh từng đoạt giải nhất thơ Tạp chí Văn nghệ Gia Lai - Kon Tum 1989-1990, giải nhất kịch ngắn - Trại sáng tác kịch ngắn Nghĩa Bình 1985, tặng thưởng thơ báo Tiền Phong 1994... Mới đây, nhân kỷ niệm 13 năm ngày mất của anh, bạn bè, đồng nghiệp đã tập hợp ấn hành tập thơ Trăm năm một giấc mơ buồn - NXB Hội Nhà văn (2014) như một niềm tưởng nhớ và tiếc thương vô hạn đối với một tài năng trẻ đoản mệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm