Người “vác tù và” tìm mộ liệt sĩ

Ông chính là cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Khả (50 tuổi, ở phường Phước Long, TP Nha Trang), Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 307 tại Khánh Hòa, từng là người lính Quân tình nguyện Sư đoàn bộ binh 307 năm xưa.

28 mộ liệt sĩ được CCB các sư đoàn cất bốc tại những nghĩa trang phía Nam đưa về nghĩa trang quê nhà.

Kết nối nghĩa tình đồng đội 

Trở về với đời thường, ông đi khắp các vùng từ Đà Nẵng, vào Nam Bộ kết nối với các CCB từng chung chiến hào năm xưa. Qua đó, thực hiện những nghĩa cử cao đẹp “Đi tìm đồng đội đã hy sinh”.  

Cẩn thận lên kế hoạch các đợt đi cất bốc hài cốt đồng đội, đến nay trong tay anh là danh sách của hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ quê ở các tỉnh duyên hải miền Trung, hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, hiện đang được an táng ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác nhau.

Nhiều phần mộ đồng đội được tìm thấy sau 31 năm, thậm chí sau gần 40 năm. 

Trong chuyến đi cùng các CCB đi cất bốc bảy hài cốt đồng đội liệt sĩ ở một nghĩa trang sát biên giới Campuchia, dưới cái nắng trưa hè gay gắt, tôi cùng ông Khả kéo nhau vào dưới bóng mát cây thốt nốt, ông vui vẻ chia sẻ: “Tôi nhập ngũ tháng 2-1986, chỉ sau ba tháng huấn luyện tại Tuy Hòa, rồi cấp tốc lên xe chạy nhiều ngày mới đến nơi tập kết. Khi biết đây là một vùng đất biên giới thuộc tỉnh Prết - vi - hia của nước bạn Campuchia với nhiều cao điểm chiến lược. Suốt hơn hai năm liên tục cùng đồng đội Quân tình nguyện phối hợp giúp bạn bảo vệ đất nước, chứng kiến nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh. Vì vậy ngay sau khi trở về quê nhà tôi luôn trăn trở và ấp ủ trong lòng quyết tâm làm một việc gì đó vì đồng đội.

Ngày trở về gia đình những năm đầu còn rất nhiều khó khăn. Xây dựng gia đình (vợ là giáo viên), phải lao vào công việc làm ăn, vừa làm vừa học đại học (tốt nghiệp cử nhân kinh tế và Anh ngữ). Năm 2012, kinh tế gia đình tạm ổn, tôi may mắn được chứng kiến các anh CCB Sư đoàn 309 đưa một số hài cốt đồng đội về Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung - TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Qua gặp gỡ những thân nhân liệt sĩ, tôi thấy ai cũng mong muốn tìm được phần mộ liệt sĩ để đưa về nghĩa trang quê nhà, tiện cho việc thăm viếng. Thế là động lực quyết tâm kết nối với anh em, đồng đội càng thôi thúc, trước mắt là đồng đội cùng đơn vị (Trung đoàn 94 – Sư đoàn 307), tiếp đó là Ban liên lạc CCB Sư đoàn 309, Sư đoàn 315, Trung đoàn 726 và tham gia tích cực Chi hội nghĩa tình người lính được lập trên trang mạng xã hội”.

Vui khi thân nhân hạnh phúc

Bất ngờ gặp được hai mẹ con đang ôm những bó hoa tươi thắm và lặng người đứng trước một ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương. Đó là anh Nguyễn Văn Hải (38 tuổi), con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1955, hy sinh năm 1980 tại chiến trường K). Anh Hải cùng người mẹ (bà Trần Thị Thuận, sinh năm 1957), đã đến nghĩa trang và nghẹn ngào thắp nén hương đầu tiên lên ngôi mộ người chồng, người cha sau hơn 35 năm hy sinh.

Anh Hải kể lúc ông bà nội còn sống có khai theo bộ hồ sơ gốc được lập tháng 11-1981, thì anh mang cái tên Nguyễn Rụng, sinh 1975 (có cha là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh và mẹ là Trần Thị Thuận).

Chị Thuận (Mẹ của anh Hải) tái giá, nên ông bà nội đón anh về nuôi và đặt tên là Nguyễn Rụng, nhưng chỉ để gọi trong nhà mà ông bà nội không làm giấy khai sinh. Cho đến tháng 11-1982 đến tuổi đi học, nên mẹ anh (bà Thuận) mới đi làm giấy khai sinh với cái tên và năm sinh hoàn toàn mới: Nguyễn Ngọc Hải, sinh ngày 20-11-1978. Mặt khác, toàn bộ giấy chứng nhận liệt sĩ (lập 1981) do ông bà nội giữ và nhận chế độ nhưng khi ông bà nội qua đời, vì anh Hải còn nhỏ nên không hề hay biết gì đến giấy tờ chứng nhận liệt sĩ của cha mình và cũng từ đó không nhận được chế độ con liệt sĩ.

Khi Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả tìm đến nhà bàn tìm cách đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh (cha của anh Hải) hồi hương, cả nhà mới hay biết về ngôi mộ của người chồng, người cha đã hy sinh trong suốt hơn 35 năm qua. Liền sau đó, anh Nguyễn Văn Khả đã tận tình hướng dẫn, rồi đôn đáo lo hoàn thành thủ tục hồ sơ. Như vậy, sau hơn 35 năm Nguyễn Ngọc Hải, người con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã nhận lại đủ giấy tờ pháp lý và được đồng đội của người cha đưa đi cất bốc hài cốt về nghĩa trang quê nhà (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). 

Niềm vui nhân đôi

Ông Nguyễn Văn Khả đôi mắt ngấn lệ kể về những chi phí, những khó khăn của những chuyến đi tìm và cất bốc đưa hài cốt đồng đội về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà: "Các khoản được hưởng theo diện chính sách khi di dời hài cốt liệt sĩ còn ít lắm. Thường thì do anh em trong Ban liên lạc quyên góp, ăn cơm đĩa là được rồi. May mắn thay, mấy đợt gần đây khi di dời hài cốt về chùa Huê Nghiêm (quận Thủ Đức, TP.HCM) được anh em trong Chi hội nghĩa tình người lính ở phía Nam đóng góp tài chính, lo nơi tập kết hài cốt trang trọng và đài thọ toàn bộ chi phí lễ cầu siêu, ăn nghỉ qua đêm và cũng là nơi để đồng đội phía Nam đến viếng thuận tiện hơn.

Hiện nay, mỗi khi có đợt di dời hài cốt liệt sĩ là các CCB phía Nam lại xin nghỉ việc cơ quan, đơn vị để đến các nghĩa trang liệt sĩ trực tiếp cất bốc. Đây là công việc nghĩa tình và chỉ có người lính chúng tôi luôn đồng cảm, tận tâm với nhau… gian nan có, vất vả có, thậm chí có cả những lời nghi kị. Chính vì vậy anh em chúng tôi càng phải đoàn kết hơn, kết nối nhiều hơn những người may mắn còn sống lại với nhau.

Sắp tới, anh em chúng tôi sẽ có đợt cất bốc hài cốt liệt sĩ (đợt thứ 8) và hy vọng còn có những đợt tiếp theo. Chúng tôi luôn tâm niệm, chỉ khi nào không còn đủ sức khỏe thì mới “xin phép” đồng đội cho chúng tôi được nghỉ ngơi". 

Năm 2015, Nguyễn Văn Khả vinh dự được Tỉnh hội CCB tặng thưởng bằng khen. Đại tá Trần Văn Hạnh, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Khánh Hòa đã đánh giá cao tinh thần, phẩm chất đạo đức trong sáng của CCB Nguyễn Văn Khả. Đồng thời, tin tưởng gửi gắm niềm tin vào các CCB tiếp tục có thêm nhiều đóng góp cho phong trào thi đua yêu nước của CCB nói chung và cho công tác tìm kiếm, quy tập những hài cốt liệt sĩ nói riêng, bởi đây là một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng và cao cả của cả nước.

Chị Thuận và anh Hải bên mộ người chồng, người cha, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh sau hơn 35 năm hy sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm