Người Sài Gòn tử tế - Bài 3: ‘Ông cấp cứu’ Ba Nhiều

Chạy vào con đường Bùi Công Trừng (xã Nhị Bình, Hóc Môn), hỏi nhà ông Huỳnh Văn Nhiều, người ta hỏi lại: “Chú Ba Nhiều có xe cấp cứu hả? Ở đây gọi ổng là ông cấp cứu”. Rồi người ta chỉ: Cứ chạy trên lộ, nhìn tay mặt, nhà nào có cái bảng to chảng xìa ra đường: “Cấp cứu từ thiện, cho mượn bình oxy” là nhà ổng đó.

Mua xe dùng riêng chở cấp cứu người

Tiếp chúng tôi, ông Ba Nhiều khiêm tốn nói: “Chuyện không có gì, có chút xíu hà”. Chuyện “chút xíu hà” như cách nói của ông là việc ông dành tiền mua một chiếc xe 15 chỗ dùng riêng cho việc chở người đi cấp cứu miễn phí. Từ lúc mua xe (2006) đến nay, bất cứ đang làm việc gì, hễ có ai gọi điện thoại nhờ chở cấp cứu, ông đều nhận lời. “Từ xã tôi chạy ra BV huyện Hóc Môn xa tới 12 km nhưng xã chưa có xe cấp cứu, mỗi lần có ai đau ốm gọi xe rất khó khăn nên tôi bàn với cả nhà mua chiếc xe. Lỡ có ai đau ốm đột xuất thì mình đưa đi cho kịp thời” - ông Nhiều lý giải.

Có lúc mới bưng chén cơm lên, chưa kịp và một đũa, điện thoại đổ chuông, ông Nhiều bắt máy hỏi ngắn gọn “bị sao? ở đâu?” rồi bỏ dở chén cơm, ngoắc người con trai đi ngay.

Không chỉ có người nhà của người bệnh gọi đến, nhiều trường hợp người dân thấy tai nạn giao thông cũng gọi ông. Khi đưa người bị tai nạn vào bệnh viện, người thân của họ chưa tới kịp, ông Nhiều nán lại khai tên tuổi, có khi rút luôn tiền túi đóng tạm ứng viện phí cho người gặp nạn.

Ông Huỳnh Văn Nhiều lau chùi, vệ sinh chiếc xe cấp cứu sau khi chuyển người gặp nạn đến bệnh viện. Ảnh: TRÀ GIANG

Tấm biển trước nhà ông Huỳnh Văn Nhiều làm ấm lòng người dân nơi đây. Ảnh: TRÀ GIANG

Ông Nhiều cũng “bao” luôn việc chuyển cấp cứu của Trạm y tế xã Nhị Bình. Các nhân viên của Trạm y tế xã Nhị Bình thuộc làu số điện thoại của ông Nhiều. Chị Xuân Hồng, y sĩ Trạm y tế xã Nhị Bình, cho biết: “Cứ có cấp cứu là chúng tôi gọi ngay cho chú Ba Nhiều. Từ nào tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy chú từ chối một ca cấp cứu nào, bất kể giờ giấc”.

Ông Nhiều còn nhận chở bà bầu đi sinh. Ông cười khoe: “Đang có một “mối” đặt lịch rồi, hễ đau bụng là chạy thôi”. Nhiều người cảm kích, mang tiền tới hậu tạ, ông không bao giờ lấy. “Trái cây, bánh kẹo thì nhận cho người ta vui chứ tôi làm việc này không phải để thu tiền” - ông Nhiều nói chân thành.

Cha truyền con nối

Từng công tác tại Hội Chữ thập đỏ xã nên ông Nhiều đã được tập huấn hầu hết các kiến thức sơ cứu. Do đó, chiếc xe cấp cứu được ông trang bị khá đầy đủ các dụng cụ y tế như băng ca, băng cá nhân, nẹp, bình oxy… Gặp người bị nạn có vết thương hở, ông cẩn thận đeo găng tay cao su, băng bó cầm máu. Gặp người gãy xương, ông thành thạo bó nẹp cho họ rồi mới khiêng người bị nạn lên xe. Mỗi lần ông Nhiều đi chuyển cấp cứu đều có một trong hai người con trai đi cùng. Nhiều lần thành quen, hai anh con trai “học nghề” sơ cứu từ cha. Mỗi lần ông ốm mệt hoặc khuya hôm mà có điện thoại nhờ cấp cứu, họ buộc ông phải ở nhà để hai anh em thay cha chạy xe chuyển bệnh nhân đi cấp cứu.

Tuy bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ chiếc xe cấp cứu thường xuyên nhưng một lần chiếc xe cấp cứu ì ạch không chịu nổ máy. Ông Nhiều không ngần ngại dùng chiếc xe tải nhỏ (dùng kinh doanh vận tải của gia đình) chở cấp cứu người bệnh. Gia đình ông Ba Nhiều cũng kinh doanh xe du lịch nhưng có lúc vì chở người cấp cứu, ông bỏ vuột luôn nhiều mối làm ăn.

“Có lần tui gọi ổng chở gia đình tui về quê gấp có chuyện đại sự. Ổng nói: Chết! Chết! Tao đang bận chở cấp cứu mày ơi”. Tui bực quá nói: Nhà tui dưới quê có người chết cần về gấp chứ ông chết, chết cái gì”, anh Phan Văn Tài (xã Nhị Bình, Hóc Môn) cười vui kể lại lần ông Ba Nhiều bận chở cấp cứu từ chối chở gia đình anh, dù chở có phí.

Mỗi lần chuyển bệnh nhân xong, ông ba Nhiều lại tự tay rửa xe, giặt băng ca, sát trùng các vết máu trên xe cẩn thận, trả lại sự sạch sẽ cho chuyến cấp cứu tiếp theo.

Chạy xe cấp cứu phải phóng nhanh trên đường, có lúc ông Ba Nhiều gặp những sự cố bất ngờ nhưng chưa xảy ra điều gì đáng tiếc. Ông Ba Nhiều đoán rằng có lẽ do ông làm điều thiện nên “có người đỡ cho”.

Ông Ba Nhiều năm nay đã gần 60 tuổi, tôi hỏi đùa liệu ông có còn đủ sức để làm “tay lái lụa” chở xe cấp cứu. Ông cười: “Thì chở tới khi nào hết nổi thì thôi, chừng đó con tui chở”.

BS Phạm Văn Nghĩa, Trưởng Trạm y tế xã xã Nhị Bình, Hóc Môn, nói: “Trạm y tế xã Nhị Bình hiện chưa có xe cấp cứu. Trước đây, khi cần chuyển bệnh viện, chúng tôi phải chuyển bệnh nhân bằng xe máy hoặc UBND xã cũng hỗ trợ xe nhưng xe không chuyên dụng. Có chiếc xe cấp cứu của anh Nhiều, bệnh nhân được chuyển bệnh viện đúng tư thế, kịp thời và an toàn. Còn gì quý hơn tấm lòng hiệp nghĩa như vậy chứ!”.

Lặng lẽ giúp đời

 25 năm trước, thấy nhiều trẻ em là con người dân nhập cư, mồ côi cha mẹ, có cha mẹ nhiễm HIV hoặc đi tù thường dang dở học tập, bà Huỳnh Thị Tươi (hiện ngụ  ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) mở lớp học tình thương, do bà trực tiếp đứng lớp để nối dài giấc mơ con chữ cho các em. Để các em yên tâm theo học, bà còn vận động đồng phục cũ, kết nối nhóm từ thiện hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập và mời sinh viên các trường đến dạy vẽ, hát cho các em. Mỗi năm lớp học đều có học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và được chuyển cấp. Nhiều em học sinh cũ ngày nào giờ thành đạt lại quay về để tiếp tục công việc ươm mầm tri thức thầm lặng của cô Tươi.

Chứng kiến hoàn cảnh của nhiều mảnh đời bất hạnh, ông Dương Vũ Hưng, ngụ xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi luôn trăn trở. Ông đã xây tặng cho hai hộ gia đình khó khăn ở xã hai căn nhà tình thương. Ông còn hỗ trợ xe lăn cho người bị khuyết tật có phương tiện sinh hoạt và học tập. Mỗi dịp lễ ông và gia đình luôn làm ấm lòng người khó khăn và neo đơn, người nhiễm chất độc da cam trong xã bằng nhiều phần quà nghĩa tình…

HOÀNG LAN

Năm 2011, ông Huỳnh Văn Nhiều đã sơ cứu và chuyển bệnh viện 49 trường hợp tai nạn giao thông và bệnh tật đột xuất. Năm 2012, ông sơ cứu và chuyển bệnh viện 65 trường hợp tai nạn giao thông và bệnh tật đột xuất… Rất nhiều trường hợp cần cấp cứu tại xã, nhờ có sự giúp đỡ về phương tiện của ông mà đã giải quyết nhanh chóng, đảm bảo được an toàn tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân. Ông Nhiều còn giúp đột xuất cho người gặp khó khăn như hỗ trợ tiền viện phí cho bà NTK neo đơn ở ấp 4, hỗ trợ áo quan cho người nghèo khi mất…

(Trích báo cáo của Ủy ban MTTQ TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm