Người Mễ gian nan nhập cư Mỹ

Trong căn nhà nhỏ tại TP ven biển San Diego phía Tây Nam nước Mỹ, nơi cô đã sinh sống một cách bất hợp pháp suốt 22 năm vừa qua, cô Sylvia giải thích với hãng tin AFP rằng: “Tôi đã muốn tranh đấu để họ không gửi trả chúng tôi về Mexico nhưng giờ đây tôi chỉ khao khát được bình yên vì rất khó có thể sống lẩn trốn được mãi”.

Nhập cư lậu trót lọt

Vào năm 1992, Sylvia Ocampo đã cùng chồng bồng bế đứa con trai đầu lòng mới một tuổi rưỡi đi bộ băng qua khu vực bãi biển nối liền hai TP Tijuana của Mexico và San Diego của Mỹ. Lúc đó chưa có bức tường đồ sộ mà chính quyền dựng lên để ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp như hiện nay.

Và cũng như hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mà không có giấy tờ tùy thân, hai vợ chồng cô muốn rời Mexico để đi tìm một cuộc sống “tốt đẹp hơn” bởi quê hương cô phải đang đối mặt với tình trạng thiếu việc làm và TP Acapulco nơi cô sinh ra đang đầy rẫy bạo lực. Rồi cuối cùng hai vợ chồng cũng mua được giấy phép lao động và số bảo hiểm xã hội hợp pháp. Họ đã sinh thêm ba đứa con nữa trên đất Mỹ. Tất cả chúng giờ đây đã trở thành công dân Mỹ, đã lớn lên trong sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Mexico và Mỹ.

Bức tường biên giới trên bãi biển giữa hai TP San Diego (Mỹ) và Tijuana (Mexico).

Tan đàn xẻ nghé

Cơn “ác mộng” mà Sylvia Ocampo đề cập đã ập đến cách nay khoảng sáu năm, khi các nhân viên phụ trách di trú đến nhà tìm Sylvia do có một người lạ nào đó tố cáo gia đình cô sử dụng giấy tờ giả trên đất Mỹ. Người “lạ” nhưng không phải là “không biết”, như lời cô Sylvia khẳng định: “Đó là một đồng nghiệp làm chung. Anh này cũng di cư từ Acapulco sang Mỹ như tôi, thế mà thời gian gần đây anh ấy đã liên tục đe dọa, buộc tôi phải bỏ việc làm”. Chẳng là cô Sylvia được nhận vào làm việc trong một khách sạn. Cô chỉ nói vậy chứ không kể thêm chi tiết gì về việc liệu cô và người đồng nghiệp kia có bất hòa, tranh chấp hay thù oán gì không.

Cảnh sát đã đến nhà tìm Sylvia và cũng gặp luôn chồng cô cùng với đứa con trai đầu lòng. Thế rồi cả hai vợ chồng và đứa con đầu đều đã phải trải qua một quá trình giải quyết pháp lý kéo dài và tốn kém. Nhưng cuối cùng cả hai cha con đã bị trục xuất khỏi đất Mỹ cách đây ba năm. Riêng cô Sylvia Ocampo chấp nhận kiên trì tiếp tục bỏ tiền đeo đuổi các thủ tục pháp lý nhưng cuối cùng cũng không thành và phải chịu chung số phận. Cô phải về nước sau khi tòa phán quyết trục xuất vào đầu tháng 8 này.

Cô Sylvia cho rằng chính sách cải cách chế độ nhập cư mà Tổng thống Barack Obama đã hứa nhằm mở đường cho việc hợp pháp hóa khoảng 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp như cô nhưng đã bị Quốc hội chặn lại, chỉ là một “ảo tưởng”. Cô lo sợ khi phải đối mặt với thực trạng tại Mexico, đất nước quê hương nơi chôn nhau cắt rốn mà cô đã bỏ đi suốt hơn 20 năm qua chưa một lần quay lại, một đất nước nơi mà hầu như cô không còn ai thân thuộc, bởi hai người anh em của cô cũng đã di cư sang San Diego từ nhiều năm trước. Song trên hết, theo lời cô, “nơi chúng tôi sinh ra (bang Gerrero, miền Nam Mexico) là khu vực mà tình hình bạo lực tồi tệ nhất”. Vì thế người mẹ đỡ đầu của Sylvia đã khuyên cô nên chọn làm ăn sinh sống ở miền Bắc thì tốt hơn.

Giải pháp tình thế

Ngày 25-8, chồng cô đã ra đón cô tại TP vùng biên Tijuana, nơi anh ấy đang sống sau khi bị trục xuất để có thể gần gũi ba đứa con còn lại, vì chúng giờ đây là công dân Mỹ và có quyền qua lại biên giới một cách hợp pháp.

Cô Sylvia bày tỏ hy vọng: “Chắc là hai vợ chồng chúng tôi sẽ tiếp tục sống tại TP biên giới này để có thể lo lắng tốt cho ba đứa con còn lại (đứa thứ hai 17 tuổi, đứa thứ ba 13 và đứa út năm tuổi) tiếp tục đi học tại Mỹ”. Cô nói vậy chứ thật sự trong thâm tâm cô cũng không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.

Sylvia cũng nói thêm rằng ít ra thì việc cô di cư sang Mỹ sinh sống trong suốt hơn 20 năm qua cũng là để giúp các con cô “khỏi bị hư” và tránh được các băng nhóm bạo lực hoành hành khắp nơi tại Mexico. Nhưng cô cũng than thở: “Vấn đề ở đây là các con tôi đã quen với cuộc sống tại Mỹ, chúng không muốn thay đổi. Tại Mexico, thu nhập rất thấp, khoảng từ 100 đến 150 peso mỗi ngày (tương đương 7,6-11,5 USD). Còn ở Mỹ, chúng tôi làm việc chỉ một giờ là kiếm được bằng ấy số tiền rồi”. Chính vì lý do đó, khi quay về Sylvia đã mang theo tất cả những gì có thể mang vác được, kể cả chiếc tủ lạnh nặng nề.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Express)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm