Người đàn bà khâu áo cũ

Căn nhà ở địa chỉ 8/4E đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (TP.HCM) bừa bộn bởi đống quần áo cũ. Trong bóng nhập nhoạng chiều tà, bà Nguyễn Thị Minh cần mẫn đơm từng nút áo bị sứt, vá lại đường may bung chỉ. Những bộ áo quần này bà đem giặt ủi thơm tho.

Góp yêu thương san sớt cho người nghèo

Tiểu thương ở chợ Gò Vấp, chợ Phạm Văn Chiêu đã quen với việc bà già 67 tuổi xin quần áo cũ rồi chở bọc to tướng sau xe máy về nhà.

“Tuổi thơ lớn lên trong nước mắt nên khi chứng kiến người dân lầm than, tôi không chịu nổi. Tôi luôn ấp ủ làm điều gì đó để giúp đỡ những người còn gặp khó khăn”, bà Minh nói về lý do không chịu nghỉ ngơi khi tuổi đã cao.

Ngoài việc xin quần áo cũ, bà còn vận động người quen góp tiền xây cầu bê tông, nhà tình thương, xe lăn giúp đỡ những trường hợp khó khăn ở vùng sâu. Nhiều đợt ai cũng bận rộn nên chỉ một mình bà đi tiền trạm, trao nhà. Mỗi chuyến phải bắt mấy bận xe đò, ghe mới tới nơi nhưng nghĩ đến tình cảm của người dân quê chân chất, bà lại thấy khỏe ra.

Bà vẫn còn nhớ kỷ niệm trong lần đi tìm hiểu hoàn cảnh của một gia đình ở xã Mỹ Thạnh Trung (Vĩnh Long): “Đang đi bộ trên con đê hẹp đến nhà người dân, tôi gặp một người đàn ông say rượu đòi ôm hôn. Sợ quá, tôi nhảy luôn xuống đám ao sình lầy. Người dân gần đó thấy vậy mới nhảy xuống kéo tôi lên. Bộ quần áo màu trắng và đầu cổ của tôi đều bị dính đầy bùn đất. Khi đến nhà người dân đã có ủy ban xã chờ tại đó, họ chạy ra ôm lấy tôi chẳng để ý gì đến bộ dạng. Nhà đó có ba bà cháu sống ở chòi lá dựng tạm trên đê, một cháu bị tâm thần. Nhà không có gạo ăn, phải đào củ mì, xắt cây chuối ăn, thấy mà đứt ruột. Nếu không nhờ nhà hàng xóm tốt bụng cho mảnh đất nho nhỏ thì số tiền 12 triệu đồng vận động được sẽ không đủ cất căn nhà cho ba bà cháu”.

Không ít lần bà đọc được ánh mắt dò xét và ý nghĩ “từ thiện hay bỏ túi” của những người mình đến vận động tấm áo cũ hay vài ký gạo. “Nghĩ tới nhiều người đang trông chờ chút quà, tôi dằn bớt tính nóng nảy của mình lại để xin. Ban đầu họ không tin tưởng nhưng rồi thấy mình đàng hoàng, trao quà cho ai đều có thư cảm ơn của chính quyền xã gửi về nên dần hiểu ra. Biết tôi hay bệnh, không đi lấy quần áo cũ được, họ lại thuê xe ôm chở đến tận nhà” - bà Minh kể.


Bà Minh hỏi thăm người dân để viết bài trong một lần theo đoàn bác sĩ từ thiện khám bệnh. Ảnh: H.LAN

Lấy việc giúp người làm lẽ sống

Tuy nhiên, không phải việc giúp người nào cũng được nhiều hơn mất. Năm 2007, trong một lần đến xã Ba Kè, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Thấy hoàn cảnh của một em trai 17 tuổi vừa nuôi anh bại liệt và mẹ già yếu, bà bỏ tiền túi và vận động người quen cho em một cặp bò. Một thời gian sau, bà nghe tin bò mẹ đẻ được bốn bò con. Bà khấp khởi xuống dắt hai con bò con cho một gia đình khó khăn khác thì thấy chuồng bò bỏ không. Mẹ em khóc hết nước mắt vì xấu hổ, còn em thì trốn mất dạng, nghe đâu em cờ bạc thua hết tiền bèn dắt bò đi bán.

“Tôi buồn tới giờ. Nghĩ đã cho ai thì không mong lấy lại nhưng cái mất lớn hơn là danh dự, uy tín với những người đã tin mình” - bà trầm ngâm nhớ lại.

Có những hoàn cảnh thương tâm khiến bà mãi trăn trở, day dứt. Đó là trường hợp gia đình nghèo ở huyện Ba Kè, Vĩnh Long còn gặp cái “eo” khi người chồng làm công nhân té giàn giáo, gãy xương sống liệt nằm một chỗ. Vợ đi làm mướn, con gái rửa chén thuê, lựa cam cho nhà vườn vẫn không đủ lo tiền thuốc cho chồng, cho cha. Khi bài báo bà giới thiệu về hoàn cảnh của gia đình lên, Đài Truyền hình Vĩnh Long vận động được hơn 60 triệu đồng chữa trị cho người chồng thì mới phát hiện ra người vợ bị ung thư. Tiền đành dành để lo xạ trị cho vợ trước. Người chồng một năm sau chết rồi đến lượt vợ, đứa con gái bỏ đi đâu không rõ. Căn nhà 18 triệu đồng bà cất lên cho gia đình giờ bỏ hoang, chỉ còn lối xóm thỉnh thoảng đến đốt nhang…

Bốn năm gần đây do sức khỏe yếu không thể di chuyển nhiều như trước, bà tham gia đoàn thầy thuốc tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đến những vùng sâu, vùng xa như xã Lý Nhơn, Thạnh An (huyện Cần Giờ), Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau), Giồng Riềng (Kiên Giang)… giúp khám chữa bệnh, xóa cầu khỉ, tặng quà cho bà con nghèo.

Từng có thời gian làm thư ký ở tòa báo Sài Gòn Giải Phóng, bà chụp ảnh, viết bài làm tư liệu và thỉnh thoảng giới thiệu hoạt động của đoàn lên báo, lên mạng xã hội. Bạn bè ở nước ngoài hưởng ứng và về nước tham gia đoàn ngày một đông, lan tỏa thêm tình nhân ái.

BS Trịnh Ngọc Bình, Đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, kể: “Chị Minh là mạnh thường quân và cũng là thành viên năng nổ của đoàn. Mặc dù tuổi cao lại mắc nhiều bệnh như viêm khớp, hở van tim, rối loạn tiền đình nhưng vẫn cố gắng tham gia. Một lần ở Kiên Giang, lúc lên xuồng chị bước hụt chân lọt xuống sông ướt nhem nhưng vẫn cười rồi mặc nguyên bộ quần áo đó đi tiếp cho kịp hành trình. Hình ảnh đó làm tôi nhớ mãi”.

- Bà Tôn Thị Mão, trưởng nhóm từ thiện Thiện Tâm, huyện Hóc Môn, vận động mọi người ủng hộ gạo, rau củ quả tổ chức nấu cơm chay tặng người nghèo. Cá nhân mỗi tháng góp 500.000 đồng và gas để nấu cơm chay, ủng hộ 3 triệu đồng hỗ trợ vốn mưu sinh cho một trường hợp khó khăn.

- BS-thầy thuốc ưu tú Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, ngoài công tác chuyên môn còn quan tâm đến bệnh nhân nghèo: Vận động thiện nguyện tại bệnh viện để hỗ trợ khám bệnh, suất ăn dinh dưỡng; vận động miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo...

Hôm nay (21-11), Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tuyên dương 69 gương điển hình “Hoa việc thiện” tích cực tham gia hoạt động từ thiện năm 2015. Các cá nhân, tập thể được tôn vinh đã có nhiều đóng góp tích cực, luôn đồng hành chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm