‘Người đặc biệt’ Henry Kissinger trên bàn cờ Nga-Mỹ

Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, chiến lược gia kỳ cựu Henry Kissinger, 92 tuổi, đã thường xuyên có các nhận định nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Nga-Mỹ và bày tỏ mong muốn những căng thẳng hiện tại được xóa bỏ. Theo trang Politico, êkíp của Kissinger cũng đang có những động thái mở đường để ông có sức tác động lớn hơn lên Donald Trump. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhận định: “Nếu kinh nghiệm và chuyên môn của Kissinger được trọng dụng, chúng tôi sẽ hoàn toàn hoan nghênh”. Liệu “cáo già” của chính trường quốc tế sẽ một lần nữa tạo ra bước ngoặt cho chính sách đối ngoại Mỹ?

“Người đặc biệt”

Để tìm cách phân tích những suy nghĩ của ông Putin, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đã tiến hành theo dõi và ghi nhận danh sách những công dân Mỹ nào thường xuyên được gặp gỡ nhà lãnh đạo của nước Nga tại điện Kremlin, Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Moscow (2012-2014), tiết lộ với tờ The New York Times. Vào thời điểm trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, ba nhân vật đứng đầu trong bản danh sách những “người đặc biệt” này của nhà lãnh đạo Nga có: Ngôi sao phim hành động Steven Seagal, vừa được ông Putin tận tay trao hộ chiếu Nga vào năm 2016; ông trùm dầu khí Rex Tillerson, người vừa được ông Donald Trump chọn đề xuất cho vị trí ngoại trưởng Mỹ và nhà ngoại giao Mỹ kiêm cố vấn chính sách kỳ cựu Henry Kissinger.

Trong quyển tự truyện First Person xuất bản năm 2000, Tổng thống Putin đã kể lại cuộc gặp đầu tiên giữa hai người. Khi đó, Kissinger đã hỏi rất nhiều về xuất thân và quá khứ của nhà lãnh đạo Nga. Khi ông Putin tiết lộ: “Tôi từng làm việc trong ngành tình báo”, chiến lược gia người Mỹ đã bày tỏ sự đánh giá cao và thân mật dành lời khen: “Những người giỏi đều bắt đầu từ ngành tình báo. Bản thân tôi cũng thế”. Mối quan hệ thân mật này được ông Kissinger duy trì suốt nhiều năm qua, mặc cho quan hệ giữa Washington và Moscow có nhiều lúc thăng trầm. Trong khi đó, hãng tư vấn Kissinger Associates, Inc. của chiến lược gia 92 tuổi cũng có chân trong Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Nga, vốn bao gồm cả Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của trùm dầu khí và ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ và từng là cố vấn an ninh cho hai đời tổng thống, liệu sẽ giữ vai trò lớn trong “phá băng” quan hệ Nga-Mỹ. Ảnh: AP

Mới đây trong chương trình “Gương mặt quốc gia” của kênh truyền hình CBS News, ông cũng dành lời khen Putin là “nhà hoạch định lạnh lùng cho lợi ích của nước Nga”. Giới lãnh đạo Nga và bản thân ông Putin có vẻ khá hài lòng với nhận định này. Trả lời hãng tin Sputnik, phát ngôn viên điện Kremlin là Dmitry Peskov cho biết: “Ông Kissinger hiểu rất rõ về đất nước Nga. Có thể ông ấy không đồng tình với nước Nga về tất cả vấn đề và chẳng ai trông mong điều đó xảy ra cả nhưng ít ra ông ấy cũng có một sự hiểu biết sâu rộng về Nga”. Ông Peskov cũng xác nhận rằng Kissinger và Tổng thống Putin đã quen biết nhau trong một thời gian rất dài.

Không chỉ riêng ông chủ điện Kremlin, đối với chủ nhân tương lai của Nhà Trắng là Tổng thống tân cử Donald Trump, Kissinger cũng được xem là “người đặc biệt”. Theo trang bình luận Politico, “cáo già” trên chính trường quốc tế đã nhiều lần gặp riêng ông Trump để nói chuyện. Kể từ khi tỉ phú New York đắc cử vào ngày 8-11, Kissinger đã có ít nhất một lần gặp trực tiếp ông Trump để chia sẻ các lời tư vấn về chính sách đối ngoại Mỹ và tình hình quốc tế.

Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng có nhiều phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “hiện tượng” Donald Trump. Kể cả khi ông Trump gây nên cú địa chấn điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn “chọc giận” Bắc Kinh, ông vẫn “tự tin, lạc quan và tràn đầy hy vọng” rằng người kế nhiệm ông Obama sẽ tôn trọng truyền thống ngoại giao Mỹ-Trung và chính sách “một Trung Quốc” mà ông từng đàm phán thành công.

Các cộng sự của Kissinger cũng giữ liên lạc rất chặt chẽ với những nhân vật thân cận với ông Trump. Một trong các cố vấn hàng đầu của cựu ngoại trưởng Mỹ Thomas Graham đang được các thành viên trong ban chuyển giao quyền lực của ông Trump đề xuất làm đại sứ Mỹ tại Nga. Trong tháng 12-2016, ông Graham đã tiếp xúc với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và đang tìm cách tiếp cận Thượng viện Mỹ. Trang Politico đánh giá những cuộc gặp là để êkíp của Kissinger nhận diện những ai có cùng quan điểm về quan hệ Mỹ-Nga và có khả năng tác động lên ông Trump.

Trị Trung Quốc, Trump cần nước Nga

Viết trên tờ The Washington Post, cây viết kỳ cựu về quan hệ Mỹ-Trung John Pomfret kể lại: Khi Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger ngồi lại vào ngày 14-2-1972 để bàn luận về chuyến đi sắp tới của Nixon đến Trung Quốc, ông Kissinger đã so sánh rằng Trung Quốc “cũng nguy hiểm” đối với Mỹ tương tự như Nga, thậm chí “trong một giai đoạn sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều”. Nhà chiến lược kỳ cựu của Mỹ khi đó đã nhận định với Nixon: “Trong vòng 20 năm tới, người kế nhiệm ngài, nếu đủ thông minh như ngài, sẽ phải ngả về phía Nga để đối đầu với Trung Quốc”. Ông cho rằng để “chơi ván cờ cân bằng quyền lực này”, Washington sẽ không được phép để cảm xúc chen vào. Ông dự đoán Nixon thời điểm đó cần Trung Quốc để kiềm tỏa và đưa ra các biện pháp "trừng phạt" Liên Xô, nhưng trong tương lai đièu này sẽ thay đổi ngược lại.

Suốt nhiều năm qua, Kissinger luôn cho rằng việc thúc đẩy sự cân bằng quyền lực Nga-Mỹ sẽ giúp cải thiện sự ổn định của thế giới. Trong bài viết của mình về tương lai quan hệ Mỹ-Nga, đăng trên trang National Interest vào tháng 2-2016, Kissinger đánh giá mối quan hệ giữa hai nước hiện nay thậm chí còn tệ hơn cả giai đoạn cuối thời Chiến tranh lạnh. “Sự tin tưởng lẫn nhau đã tiêu tan. Đối đầu thế chỗ cho hợp tác” - ông Kissinger nhận định. Ông cho rằng vấn đề lớn nhất giữa cả hai nước là sự khác biệt về nhận thức giữa hai quốc gia và thách thức lớn nhất trong mối quan hệ giữa hai cường quốc là đưa nền tảng nhận thức giữa hai nước trở lại gần nhau hơn. Đối với Kissinger, nước Nga với vai trò là nước lớn luôn là một phần không thể thiếu để duy trì sự ổn định của thế giới. Vì thế, ông cho rằng cần nhanh chóng xây dựng một nhận thức chiến lược chung cho mối quan hệ Nga-Mỹ, mà trong đó các điểm khác biệt và gây căng thẳng có thể được kiểm soát thông qua đối thoại.

Bài viết của ông Kissinger được đăng tải vào đầu năm 2016, giai đoạn mọi người còn ngỡ rằng bà Hillary Clinton đang băng băng về đích và nắm chắc phần thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. “Những mục tiêu này sẽ không thể hoàn thành với những di sản của chính quyền hiện tại” - chiến lược gia 92 tuổi nhận định. Thế nhưng điều bất ngờ đã xảy đến. Chiến thắng của ông Donald Trump thay đổi hoàn toàn cục diện. Di sản chính sách đối ngoại của ông Obama cùng với chủ trương đối đầu với Nga đứng trước khả năng bị sụp đổ. Ngày 8-11 xảy đến như một món quà ngoài ý muốn cho những dự định của Kissinger về quan hệ Nga-Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng hoài nghi cách tiếp cận này sẽ buộc Mỹ phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị mà Washington theo đuổi kể từ sau Chiến tranh lạnh, cũng như tạo điều kiện để Nga có những động thái “xấu” đối với các lợi ích của Mỹ như vấn đề tin tặc can thiệp bầu cử Mỹ, khủng hoảng tại Ukraine hay sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al’Assad.

“Kissinger đang chuẩn bị một đợt “tiến công” ngoại giao mới. Ông ấy là một nhà hiện thực chủ nghĩa. Điều quan trọng nhất đối với ông ấy là một không gian quốc tế cân bằng, mà sẽ chẳng đoái hoài gì đến các vấn đề nhân quyền hay dân chủ” - Marcel H.Van Herpen, Giám đốc Quỹ Cicero - Trung tâm cố vấn chính sách của Hà Lan, nhận định.

“Người cũ” làm nên chuyện lớn

Việc những “người cũ” trong các chính phủ tiền nhiệm được nhờ đến để phá băng mối quan hệ căng thẳng hay giải quyết các bài toán khó về ngoại giao là điều không hiếm tại các nước.

Mới đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã nhờ đến cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos làm “đặc phái viên” không chính thức để nối lại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila. Sau chuyến đi của ông Ramos đến Hong Kong làm tiền đề, quan hệ giữa hai nước đã được “phá băng” và thu hút hàng loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng được chính phủ của Tổng thống Barack Obama nhờ thực hiện sứ mệnh giải cứu hai nhà báo người Mỹ Euna Lee và Laura Ling bị Triều Tiên bắt giữ với tội danh vượt biên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm