Người chuyển giao thông điệp xuyên thế kỷ

Rồi dồn hết tâm huyết, tinh lực để cho ra đời hàng loạt đầu sách về Bác với những phác thảo chân dung Người thật sinh động. Phẩm chất nghệ sĩ, tinh thần công dân và tiết tháo nho gia xứ Nghệ đã hợp thành nhân cách ông. Nhà văn Sơn Tùng.

Ông giờ vẫn sống trong căn hộ tập thể khuất sâu trong ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên. Ngõ hẹp, cầu thang hẹp, gác hẹp. Phòng khách chưa đầy 10 m2, đơn sơ vài bức tranh thủy mặc, ảnh Bác treo tường. Không bàn, không ghế, chủ khách cùng ngồi trên chiếu trải.

Gác chật nhưng lòng đủ rộng cho qua những toan tính vụn vặt

Ngày xưa Văn Cao, Đặng Đình Hưng và nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từng họp mặt tại gian phòng này. Từng ngồi lặng ngắm hoàng hôn buông chùng ngoài khung cửa với rưng rưng chén rượu trên tay. Bỗng nhiên. Bóng người ấy che mất. Nửa mặt tôi. Một nửa mặt của tôi. Của tôi nửa mặt trắng. Miệng tôi nửa miệng đắng. Một con mắt tôi. Lặng lẽ lấp lánh. Sau bóng đen người ấy. Như còn nghe giọng Văn Cao khẽ khàng đọc Nguyệt thực đâu đây, những câu thơ thăm thẳm cuộc đời dâu bể.

Ngõ Văn, Chiếu Văn thành tên gọi, thành chốn đi về của tri âm tri kỷ. Gác chật nhưng lòng người đủ rộng để cho qua những toan tính vụn vặt đời thường. Để không bị vấy bẩn bởi miệng lưỡi thế gian, sống trọn vẹn với điều tâm niệm: Lập thân tối hạ thị văn chương. Nếu không thế, với hai lần bỏ tiền mua nhà, một lần được cấp theo tiêu chuẩn thương binh 1/4, ông thừa có nhà cửa đàng hoàng như ai mà không cần sử dụng bất kỳ mối quan hệ nào khác. Dù cuộc đời không hề mỉm cười với ông, dù ông từng băng qua khói lửa chiến tranh trở về từ cõi chết, tôi vẫn tin ông là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì được sống gần bên Bác, bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những nhân cách vượt tầm thời đại. Nhân cách lớn tự thân luôn tỏa sáng và có sức thu phục rất lớn, nhất là với những tâm hồn đồng điệu. Đó chính là động lực cho ông sức mạnh vượt qua thương tật hiểm nghèo, cho ông niềm tin yêu với đời, với người dẫu trên cơ thể xã hội hôm nay vẫn còn tồn tại nhiều ung nhọt nhức nhối cần khoét bỏ.

Vẫn còn nhiều điều nhà văn Sơn Tùng chưa thể viết ra và sẽ là nỗi ân hận nếu những nguồn tư liệu quý ấy vĩnh viễn bị mất đi.

Soi vào quá khứ để định vị hiện tại

Với ông “Viết lịch sử không phải để triệu bóng ma quá khứ về mà để giải đáp câu hỏi thời đại”. Đó là phương châm sống và viết của ông. Vì thế nhà ông thường xuyên có khách. Là bạn bè văn nghệ, nhà báo, nhà nghiên cứu, sinh viên…, đủ thành phần độ tuổi, trong nước và nước ngoài. Người đến thăm, người đến vì công việc. Lạ, quen đều được ông tiếp hết sức chân tình. Mái tóc điểm sương phơ phất, mắt vời vợi dõi nhìn qua cặp kính, ông miên man chìm trong biển tháng ngày. Ông truyền cho người nghe những cung bậc tình cảm, từ bồi hồi uẩn ức đến bi tráng hào hùng. Những sự kiện lịch sử, số phận đời người cứ hiện lên, hiện lên rười rượi tinh khôi. Phong trào Cần Vương và những chí sĩ yêu nước. Không đơn thuần là kể chuyện, ông đang làm công việc của một sứ giả chuyển tải thông điệp xuyên thế kỷ. Những thông điệp ướt máu và nước mắt thuở nước mất nhà tan cùng sự xả thân quên mình của bao anh hùng liệt nữ. Con người không thể sống bằng quá khứ nhưng phải biết soi vào quá khứ để định vị hiện tại và hướng tới tương lai. Và trong hành trang mang theo nhất thiết phải có một niềm tin hướng về những điều tốt đẹp, cao cả. Bằng những mẩu chuyện giản dị, ông đã truyền cho người nghe niềm tin ấy. Bởi độ tin cậy, tính xác thực của tư liệu, những tư liệu quý mà ông dày công thu thập được hoặc từng chứng kiến với tư cách người trong cuộc. Trong đó chiếm phần lớn vẫn là những chuyện kể về Bác cùng gia đình Người, chuyện đã viết và cả những chuyện chưa viết. Trong lĩnh vực này, ông xứng đáng là một chuyên gia về mặt sưu tầm, khảo cứu. Đồng thời tái tạo lại bằng một phong cách riêng, đầy ắp niềm rung cảm nghệ sĩ mà vẫn bảo đảm tính chân thực, khách quan trong tác phẩm. Như là duyên tiền định, buổi gặp gỡ đầu tiên với O Thanh, chị gái Bác, tại túp nhà mái lá trong vườn cách đây hơn 60 năm đã tạo thành dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn ông. Thành nỗi khát khao được tìm hiểu, được viết về Bác và những người thân một cách trọn vẹn nhất, từ những điều vĩ đại lớn lao cho đến giản dị đời thường.

Đua nước rút với thời gian, bệnh tật

12 năm làm phóng viên, trong đó có bốn năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam đã tạo điều kiện cho ông được đi, được tiếp xúc với nhiều nhân chứng, đầu mối quan trọng. Nhưng ông không thu thập, lưu giữ tư liệu cho riêng mình theo cách người đời sưu tập cổ vật quý. Suốt cuộc đời ông chỉ theo đuổi một nguyện vọng, một mục đích duy nhất là viết về Bác. Từ Xuân Lỗ Khê, bài báo đầu tiên ông viết về Bác năm 1964 đến tác phẩm Búp sen xanh xuất bản lần đầu vào năm 1982 là cả một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi. Vượt qua thời gian và những định kiến ban đầu, tác phẩm ngày càng tạo được tình cảm yêu mến của bao thế hệ bạn đọc, tạo được tiếng vang rộng rãi khắp trong và ngoài nước. Không chỉ là Búp sen xanh, những Hoa râm bụt, Trái tim quả đất, Bông sen vàng, Kỷ niệm tháng Năm… đều là những tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao trong số 12 đầu sách ông đã viết về Bác. Những tác phẩm đem lại cho người đọc những xúc cảm sâu sắc để từ đó thêm hiểu, thêm yêu kính Bác hơn.

Đã qua độ tuổi cổ lai hy, ông vẫn miệt mài viết, gấp gáp viết vì ông đang phải chạy đua nước rút với thời gian, bệnh tật. Vẫn còn nhiều, rất nhiều điều ông biết nhưng chưa viết ra. Và sẽ là nỗi ân hận muộn màng nếu những nguồn tư liệu quý ấy vĩnh viễn bị mất đi, chìm vào hư vô mãi mãi.

Cũng như mọi người, tôi cầu mong ông sẽ thực hiện được điều tâm nguyện ấy, không chỉ cho riêng ông mà còn cho cả cuộc đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm