Ngôi nhà 120 tuổi ở Tây Ninh kêu cứu

 Toàn cảnh ngôi nhà.  

Ngôi nhà được xây dựng hoàn thành năm 1894 với những đường nét chạm trổ tuyệt đẹp, hướng nhìn ra dòng kênh thơ mộng (thuộc khu phố Gia Long, TP Tây Ninh). Ngôi nhà cổ hiếm hoi ở Tây Ninh này đang gồng mình chống lại sức tàn phá vô hình nhưng khắc nghiệt của thời gian.

Ngôi nhà của sáu thế hệ

Ngôi nhà gỗ màu nâu trầm cổ kính có bốn cánh cửa ra vào gian chính rất rộng, đúng theo kiểu nhà chữ Đinh xưa. Khi bà Trần Ngọc Sương (78 tuổi) mở cửa, những vệt nắng sớm loang đến tận bậc thềm làm cho gian nhà bừng sáng. 

Ở ngay giữa gian nhà là bàn thờ quan Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên uy nghi. Các khung gỗ, phù điêu được chạm trổ cầu kỳ, lộng lẫy bao quanh bàn thờ. Khung ảnh thờ cũng bằng gỗ được chạm rồng, mây và các hoa văn khác được thếp vàng. Giữa khung ảnh là hình ảnh vị quan cao, gầy mặc áo dài, khăn đóng, gương mặt cương nghị. Trước bàn thờ là bộ binh khí cán gỗ bịt đồng rất đẹp.

  Giữa gian nhà lớn là bàn thờ quan đốc phủ sứ

Bà Sương chậm rãi kể: “Đây là ông cố của tôi. Ông quê gốc miền Trung được phái vào đây giữ chức quan đốc phủ sứ, là chức quan lớn thời Pháp thuộc”. Anh Nguyễn Anh Kiệt là con trai út của bà Sương, sẽ là người kế tiếp nhận trách nhiệm trông coi ngôi nhà cổ.

Nhà chữ Đinh cổ thường không có gác nhưng ngôi nhà này lại có một gian gác gỗ khá rộng, thoáng mát, từng chi tiết như lan can, cầu thang, tường đều chạm trổ rất cầu kỳ. Anh Kiệt cho biết ngày xưa nhà khá đông người, họ hàng đến ở thoải mái trên căn gác này. Sau đó qua nhiều biến cố, mỗi người mỗi ngả mưu sinh, ngôi nhà chỉ còn vợ chồng anh và mẹ anh sống ở đây. Con trai anh Kiệt (bốn tuổi) đã là thế hệ thứ sáu trong ngôi nhà này.

Những tàn phá của thời gian

Ngoài những bức vách, hàng cột, phù điêu gỗ được chạm thủ công khéo léo, ngôi nhà còn nhiều đồ cổ bằng gỗ như đồ thờ, bộ lư, bình hoa, giường tủ, bàn ghế cũng được làm thủ công rất đẹp. Anh Kiệt cho biết vào thời điểm chiến tranh loạn lạc, gia đình anh đã mang nhiều đồ cổ, đồ nội thất đi gửi, sau đó bị mất khá nhiều.

Mái ngói âm dương của ngôi nhà cũng từng bị trúng pháo kích hư hỏng. Sau đó gia đình anh Kiệt sửa lại bằng ngói thường, có lúc thay bằng mái tôn. Anh Kiệt cho biết: “Ngói âm dương giờ rất hiếm và mắc. Mà gia đình chưa đủ điều kiện để trùng tu lại theo đúng thiết kế ngày xưa”.

 
Những kiến trúc đẹp của ngôi nhà đang bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H.MINH

Ngôi nhà 120 tuổi ở Tây Ninh kêu cứu ảnh 6
 

Ngôi nhà làm chủ yếu từ gỗ cẩm và nhiều loại gỗ quý khác. Dù vậy, gỗ quý cũng không chống chọi được với thời gian. Mối mọt đã xâm hại làm hư hỏng nhiều. Kinh phí trùng tu khá lớn, trong khi anh em của anh Kiệt mỗi lần góp tiền để gia cố lại ngôi nhà chỉ được trên dưới chục triệu đồng. Vì vậy, số tiền đó chỉ đủ để xử lý mối mọt tạm thời và bảo dưỡng những phần gỗ còn chắc khỏe. Anh Kiệt trăn trở: “Ngày xưa tôi còn nhỏ cũng khắc tùm lum lên cột chơi. Rồi mấy lần sửa nhà, nhiều đoạn gỗ, thanh gỗ chạm trổ cầu kỳ bị lấy ra, thay vô bằng gỗ trơn. Lúc đó mình không nghĩ gì hết, giờ mới thấy hối tiếc…”.

Bà Sương nói: “Mấy lần tôi kêu người ta tới coi tu bổ hết bao nhiêu. Người ta nói phục hồi hết những chỗ hư thì nhiều tiền lắm, hơn cả trăm triệu đồng. Mình không có tiền nhiều nên hư chỗ nào sửa sang chỗ đó, ráng không để hư thêm nữa. Hy vọng tới đời con, cháu mình vẫn ráng giữ”.

Nhiều người yêu mến ngôi nhà cổ đã tìm đến đây để thăm viếng. Có người còn ngỏ ý muốn mua toàn bộ ngôi nhà và sẽ xây một căn biệt thự khác cho gia đình. Nhưng tất cả người trong gia đình đều từ chối. “Ngoài ý nghĩa là một nhà thờ cổ thiêng liêng của dòng họ, ngôi nhà này còn mang lại cảm giác khi bước vào nhà rất bình an, thư thái và hạnh phúc. Đó là điều không có thứ gì mua nổi” - anh Kiệt nói.

Cũng có nhiều lần bà Sương từ chối tiếp những người lạ mặt vì sợ đồ cổ trong nhà sẽ mất mát thêm. Nhưng khi các cặp uyên ương đến đây xin chụp ảnh cưới, chủ nhà rất sẵn lòng. Nơi đây đã ghi dấu biết bao cuộc tình đẹp.

Bà Sương là người được dòng họ giao chăm sóc ngôi nhà. Bức tường bảo vệ căn nhà đã phủ kín dây leo

Ngôi nhà sẽ được bảo vệ

Từ trước tới nay chưa có ngôi nhà cổ nào trong tỉnh được xếp hạng di tích. Ngày 17-12-2014, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh. Ngôi nhà này là một trong hai ngôi nhà cổ ở Tây Ninh được nằm trong danh mục, lập hồ sơ. Kể từ khi có quyết định này, ngôi nhà sẽ được bảo vệ theo tinh thần của Luật Di sản để tránh xuống cấp, hư hại. Trước khi có quyết định, việc tu bổ là do gia đình tự thực hiện, Sở không can thiệp. Bây giờ Sở đã có thể can thiệp để bảo vệ tốt hơn. Qua kiểm tra đã phát hiện những giá trị về lịch sử và văn hóa, khả năng được xếp hạng di tích trong bước tiếp theo là rất lớn.

Ông ĐỖ VĂN TRẮNG, chuyên viên phòng Di sản văn hóa
Sở VH-TT&DL tỉnh Tây Ninh

Tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và được biết Đốc phủ sứ Kiên làm nhà này khi đang làm quan ở quận Trảng Bàng, lúc này ông có binh lính trong tay nên huy động được sức người, sức của dựng nhà này. Điều tôi ấn tượng nhất là ông theo Tây học nhưng làm nhà hoàn toàn thuần Việt và thuần gỗ rất đẹp. Ngôi nhà này quá xứng đáng để xếp hạng di tích nhà cổ. Hiện nay nhà đang xuống cấp và quả thật với điều kiện hiện nay, gia đình bà Sương đang gồng mình để giữ gìn với kinh phí không hề nhỏ.

Ông TRẦN QUỐC VIỆT, kiến trúc sư, Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm