Nghe lén điện thoại thế nào để hợp pháp?

Tại Úc, hoạt động nghe lén điện thoại đã được luật hóa từ năm 1979 với Đạo luật về Can thiệp và Truy cập Liên lạc viễn thông (TIAA), hay tại Anh với Đạo luật Quy định về Các quyền hạn điều tra (RIPA) được thông qua vào năm 2000.

Được sử dụng khi không còn cách nào khác

Nhìn chung việc nghe lén điện thoại thường phải được cấp phép bởi tòa án. Hoạt động này chỉ được tòa án thông qua một khi có đủ bằng chứng thuyết phục rằng không còn cách thức nào khác để phát hiện các hành động trái pháp luật hay âm mưu lật đổ chính quyền.

Bên cạnh đó, tội danh khiến cơ quan chức năng buộc phải sử dụng đến phương thức nghe lén thường phải đạt đến một mức độ nghiêm trọng nhất định. Việc nghe lén điện thoại trái pháp luật hay được tiến hành khi chưa được cấp phép, thường bị cáo buộc tội danh hình sự.

Mặc dù vậy, tòa án tại một số quốc gia, chẳng hạn như tại Đức, vẫn sẵn sàng chấp nhận các đoạn ghi âm điện thoại bất hợp pháp làm chứng cứ phục vụ quá trình điều tra và xét xử.

Tờ The Australian (Úc) bình luận việc luật hóa hoạt động nghe lén điện thoại là để cho phép các cơ quan chính quyền có thể điều tra các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật.

“Đạo luật này trao cho các cơ quan chuyên trách khả năng vi phạm quyền tự do cá nhân trong hiến pháp, trong những trường hợp mà vấn đề cần điều tra quan trọng hơn quyền của một cá nhân”.

Tuy nhiên, việc xây dựng điều luật về hoạt động nghe lén cũng nhằm ngăn chặn hệ thống hành pháp lạm dụng phương thức điều tra này, bảo vệ quyền tự do cá nhân.

Nó buộc các cơ quan hành pháp chỉ được tiến hành nghe lén khi đã được cấp phép và trong phạm vi điều tra, chỉ được phép sử dụng và tiết lộ thông tin trong một phạm vi nhất định, phải được đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan tư pháp và lập pháp.

Edward Snowden tiết lộ Cục An ninh Quốc gia Mỹ đã tiến hành nghe lén hàng triệu người với danh nghĩa chống khủng bố. Ảnh: REUTERS

Bị lạm dụng do kiểm soát lỏng lẻo

Tuy nhiên, tại một số quốc gia, hoạt động nghe lén để phục vụ điều tra sau khi được cấp phép không bị tòa án hay các cơ quan cấp phép giám sát chặt chẽ.

Tại Mỹ, kể từ sau sự kiện khủng bố tại Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11-9-2001, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật PATRIOT, mở rộng khả năng giám sát và nghe lén điện thoại của các cơ quan an ninh.

Trước sức ép bảo vệ an ninh quốc gia, đạo luật này cũng đã nới lỏng ràng buộc về giấy phép từ tòa án, tham khảo ý kiến các bên, cũng như trách nhiệm phải bị chất vấn trước tòa về hoạt động giám sát đặc biệt. Vịn vào đạo luật này, Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tiến hành các hoạt động giám sát điện thoại mà không cần xin phép.

Edward Snowden, cựu chuyên viên an ninh của NSA, tiết lộ rằng mỗi ngày cơ quan này thu thập thông tin của hàng triệu thuê bao di động thuộc Công ty viễn thông AT&T và Verizon.

Tiết lộ của Edward đã làm chấn động toàn nước Mỹ trước sự lạm dụng quyền lực của NSA dưới danh nghĩa “vì an ninh quốc gia”.

Đến ngày 16-12-2013, Thẩm phán liên bang Richard Leon đã tuyên bố hoạt động nghe lén của NSA là bất hợp pháp và yêu cầu cơ quan này hủy toàn bộ dữ kiện thu thập được từ hoạt động nghe lén của mình.

Cơ quan chức năng Ấn Độ vào năm 2006 đã bắt giữ một thám tử tư và nhân viên một hãng điện thoại tư nhân vì tội nghe lén điện thoại ông Amar Singh, Tổng Thư ký đảng Samajwadi.

Các cáo buộc cho rằng việc nghe lén này là nhằm mục đích gian lận trong bầu cử và có liên quan đến đảng nắm giữ chính quyền đương nhiệm. Trước đó, cũng có nhiều vụ rùm beng liên quan đến các thành viên cấp cao trong chính quyền cho người nghe lén các đối thủ chính trị.

Như vụ Thủ tướng Ấn Độ Ramakrishna Hegde buộc phải từ chức năm 1988 trước cáo buộc nghe lén điện thoại. Hay chính trị gia Chandra Shekhar cáo buộc bị chính quyền Mặt trận Quốc gia nghe lén điện thoại vào năm 1990. Các vụ việc này đã chỉ ra những chỗ hở trong Đạo luật Viễn thông của Ấn Độ thông qua vào năm 1885.

Đạo luật này cho phép chính quyền tự can thiệp vào bất kỳ cuộc điện thoại trong các trường hợp “khẩn cấp đối với xã hội” hoặc “vì sự an toàn của xã hội”. Thế nhưng các điều luật này lại vô tình tạo điều kiện cho những cá nhân có quyền lực trong chính phủ lạm dụng và nghe lén vì lợi ích chính trị cá nhân.

Khả năng giám sát của tòa án đối với hoạt động nghe lén cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Khi Úc vừa thông qua Đạo luật về Can thiệp và Truy cập Liên lạc viễn thông, các lãnh đạo chính phủ nước này đã cam đoan những thể chế giám sát tòa án cấp cao sẽ bảo vệ người dân khỏi hiện tượng lạm dụng giám sát.

Thế nhưng trong bài viết đăng trên tờ The Australian, chủ tịch Hội đồng Quyền tự do công dân của Úc (một tổ chức phi chính phủ) - ông Terry O’Gorman đánh giá rằng tòa án vẫn còn kiểm soát hoạt động nghe lén một cách khá lỏng lẻo.

Theo báo cáo năm 2009-2010 của Văn phòng Tổng Chưởng lý của Úc, đã có 3.589 yêu cầu nghe lén điện thoại được chấp thuận, trong khi chỉ có vỏn vẹn năm đơn yêu cầu là bị từ chối. Những con số này khiến dư luận lo ngại liệu những kiểm soát của tòa án Úc còn quá dễ dãi.

Trong khi đó, việc cấp giấy phép thực hiện hoạt động nghe lén được tổ chức trong một phiên tòa kín, chỉ với luật sư của phía cảnh sát và quan tòa mà không có ý kiến cố vấn nào khác.


Quá trình điều tra cái chết của Mark Duggan tại Anh vấp phải rào cản là các điều luật về thông tin nghe lén. Ảnh: THE GUARDIAN

Những ràng buộc làm khó cơ quan điều tra

Đáng lưu ý là những ràng buộc về hoạt động nghe lén cũng phần nào làm khó cơ quan điều tra. Cụ thể vào năm 2011, cảnh sát Anh dựa trên thông tin nghe lén đã tiếp cận rồi bắn chết một thanh niên tên Mark Duggan do bị tình nghi có mang súng và âm mưu thực hiện một vụ khủng bố.

Vụ việc làm dấy lên một làn sóng phản đối gay gắt giữa cộng đồng người da màu tại Anh và cảnh sát nước này. Thế nhưng khi điều tra các bằng chứng của cảnh sát, cơ quan điều tra lại vấp phải các rào cản về luật nghe lén.

Theo tờ The Guardian, luật pháp Anh quy định những thông tin, thu thập được thông qua việc nghe lén, không được phép sử dụng trong một phiên tòa công khai và cũng không cho phép một điều tra viên bên ngoài vụ án được nghe vì lý do an ninh.

Cơ quan nội vụ Anh vào năm 2012 đã khẳng định với tờ The Guardian rằng họ bị chính đạo luật RIPA cản đường điều tra. Theo đạo luật này, chỉ có tòa án hoàng gia Anh và công tố viên chứ không phải các điều tra viên ngoài vụ án mới có thẩm quyền tiếp cận các thông tin nghe lén.

Theo Ủy ban Độc lập về Các khiếu nại đối với cảnh sát (IPCC), ngay cả việc tiết lộ một số chi tiết thông tin chứ không trực tiếp nghe, các đoạn ghi âm điện thoại cũng bị xem là vi phạm đạo luật RIPA.

Chính vì lý do này, vụ điều tra về cái chết của Mark Duggan đã bị hoãn lại vào năm 2012 mà mãi đến nay vụ án này vẫn chưa có kết quả thuyết phục.

Từ đây, IPCC đã đệ đơn yêu cầu đổi mới đạo luật RIPA của Anh, cho phép các đơn vị điều tra độc lập và các phiên tòa công khai được tiếp cận các đoạn ghi âm để tăng tính minh bạch, tính thuyết phục cho các quyết định của tòa án.

Đề xuất này cũng đã được các quan chức cấp cao của lực lượng cảnh sát London ủng hộ.

Thông tin ghi âm: Sử dụng hạn chế

Tại Úc, sau khi tiến hành hoạt động nghe lén “có giấy phép”, các thông tin thu được chỉ được sử dụng trong khuôn khổ một số mục đích “được cho phép” bởi pháp luật. Theo tờ The Australian, các mục đích này đã được quy định cụ thể trong Đạo luật Can thiệp và Truy cập Liên lạc viễn thông (TIAA), được chính quyền nước này thông qua từ năm 1979 như phục vụ quá trình điều tra, tố cáo tội ác, hỗ trợ việc đưa ra phán quyết, làm bằng chứng tố cáo tham nhũng hay hành vi sai trái của quan chức,… Đối với người sử dụng các thông tin nghe lén nằm ngoài phạm vi cho phép, mức xử phạt tối đa có thể lên đến hai năm tù giam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm