HOANG MẠC MÙA HẠN KHỐC LIỆT - KỲ 3:

Ngàn năm kênh Chàm

Chòm rẫy xanh mướt ở làng Bàu Trúc, bên dòng mương Nhật dẫn nước từ đập Nha Trinh chảy về - Ảnh: Viễn Sự
Chòm rẫy xanh mướt ở làng Bàu Trúc, bên dòng mương Nhật dẫn nước từ đập Nha Trinh chảy về - Ảnh: Viễn Sự

Và từ ngàn năm năm ấy, cư dân xứ hoang mạc này đã làm gì để vượt qua cái khốc liệt của những mùa “gió như phang, nắng như rang”? Chúng tôi đi tìm một phần câu trả lời bằng hành trình dọc theo bờ mương Chàm - con mương gần ngàn năm tuổi, đã tưới tắm cho hồn người và những cánh đồng phì nhiêu ở khắp nẻo paley Chăm.

Không bao giờ để tức nước!

Giữa mùa nắng hạn nhưng các cánh đồng nho, táo, thuốc lá của người dân Hoài Nhơn, Chất Thường, Hiếu Lễ, Phước An, Phước Thiện... vẫn xanh um. Đó là những thôn xóm dọc theo bờ kênh Chàm ở huyện Ninh Phước dẫn lên thượng nguồn đập Nha Trinh. Dòng nước mát lành dẫn từ đập Nha Trinh về dòng kênh Chàm ấy đã mải miết chảy gần 900 năm, do vị vua giỏi nhất trong trị thủy và xây đền tháp của người Chăm là Poklongirai (1151 - 1205) đắp đào nên.

Đập Nha Trinh từ năm 1889 được người Pháp trải bêtông và đến nay đã gia cố lại nhiều lần nhưng nền cốt của con đập thì từ thế kỷ 12 đến nay vẫn chưa hề suy suyển. Thân đập được tạo thành bằng tảng đá nặng hàng vài tạ, xếp đều nhau. Giữa các tảng đá là những bụi cây phun chai, một loài cây thủy sinh có rễ bám chắc vào thân đá để giữ đập.

Chỉ vào các tảng đá này, anh Châu Văn Huynh - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận - nói: “Các đơn vị thủy nông trước và sau năm 1975 chỉ làm mỗi việc là trám trét bêtông trên thân đập để tạo thành một đập tràn cho người dân qua lại, còn nền cốt của đập vẫn bền bỉ từxa xưa”.

Con đập dài hơn 500m, tượng hình nên những cánh đồng xanh tốt ở xứ hoang mạc này đã mang trong mình những trầm tích về kỹ thuật trị thủy của người Chăm mà các kỹ thuật tiên tiến của người Pháp, người Nhật sau này khi xây dựng lại hệ thống kênh Chàm đều phải kế thừa.

Ông Dương Tấn Ngọc, một kỹ sư thủy lợi có hơn 30 năm làm trạm trưởng thủy nông Ninh Phước, kể: Tài liệu thủy nông còn ghi năm 1889 khi người Pháp cho tu bổ hệ thống kênh Chàm, họ đã không đủ tin tưởng vào con đập chỉ là đá được xếp chồng lên nhau và giữ chắc hơn bằng những đụn rễ cây phun chai nên đã dời đập Nha Trinh lên thượng nguồn khoảng 50m, ngay đoạn nước trũng sâu nhất, chảy mạnh nhất nhưng thất bại. Chỉ sau một mùa lũ con đập bêtông của người Pháp đã bị cuốn phăng, nay vẫn còn móng nằm sâu trong nước.

Trong khi sử cũ của người Chăm chép rằng vua Poklongirai chọn địa điểm xây đập chỉ bằng việc thả một thân cây chuối từ thượng nguồn, đến khúc sông nào cây chuối trôi chậm lại và tấp vào bờ thì nơi đó được chọn. Ông Dương Tấn Ngọc nói đó không phải là sự tích truyền miệng, bởi các vua Chăm xưa đã không chọn cách cưỡng lại dòng nước mà thuận theo nước để xây đập. Nơi cây chuối tấp vào là nơi sông uốn khúc, dòng chảy chậm và sức phá nước sẽ giảm đi. Còn thân đập, những tảng đá được xếp kề nhau vẫn đủ tạo ra những khe hở để nước có thể luồn qua và tạo thành khe nhỏ chảy về xuôi nên không bao giờ bị tức nước.

“Người Chăm không chặn luôn dòng nước mà chỉ đắp đập để dâng cột nước, đủ chảy về ruộng đồng... Không bao giờ để tức nước” - ông Dương Tấn Ngọc giải thích thêm. Triết lý ấy không chỉ được đặt vào đập Nha Trinh mà tất cả các con đập khác của người Chăm ở xứ hoang mạc này đều chọn.

Các tảng đá được sắp đều nhau từ thế kỷ 12, tạo nên con đập Nha Trinh vững chãi đến ngày nay - Ảnh: Viễn Sự
Các tảng đá được sắp đều nhau từ thế kỷ 12, tạo nên con đập Nha Trinh vững chãi đến ngày nay - Ảnh: Viễn Sự

Tri ân tiền nhân

Từ đập Nha Trinh, gần chín thế kỷ, dòng nước mát lành đã theo kênh Chàm xuôi về những vùng đất khô cằn của vùng Panduranga. Men theo bờ kênh Chàm, chúng tôi càng thấm thía hơn triết lý “không bao giờ để tức nước” của người Chăm trong trị thủy. Giữa một vùng đồng bằng phẳng lì qua Liên Sơn, Phước An, Phước Thiện (xã Phước Sơn - Ninh Phước), dòng kênh vẫn cứ uốn quanh co để làm chậm dòng chảy vào mùa lũ, giúp tưới tắm được nhiều hơn vào mùa khô cạn. Khi chảy về cuối làng Phước An con kênh Chàm chia đôi nhánh, một nhánh vẫn là kênh Chàm, còn nhánh kia nay đã mang tên kênh Nam hay còn gọi là mương Nhật, chảy về tưới mát cho các làng Chăm: Hoài Trung, Như Bình, Bàu Trúc...

Anh Nguyễn Lâm Dân, trưởng trạm thủy nông ở đây, cho biết dòng kênh Chàm đào hơn chín thế kỷ vẫn vẹn nguyên chảy về mạn bắc Ninh Phước. Còn dòng mương Nhật, chảy về mạn nam huyện Ninh Phước, được kè bêtông vững chãi hơn nhưng cũng được xây trên chính “bản vẽ” mà vua Poklongirai từng thiết kế. Và quanh nhánh rẽ ấy của kênh Chàm lại là một câu chuyện thú vị khác.

Ông Dương Tấn Ngọc kể sử cũ người Chăm ghi lại khi đắp xong đập Nha Trinh, vua Poklongirai đã lên ý tưởng chia đôi dòng kênh chảy qua các paley Chăm như đúng với dòng kênh Chàm và mương Nhật ngày hôm nay. Khi ấy không gọi là kênh Chàm như bây giờ mà vua Poklongirai gọi là kênh Đực và kênh Cái, giao cho bên nam và bên nữ đào. Nhưng rồi chỉ có kênh Cái đào xong, nhờ các cô gái Chăm luôn chăm chỉ và biết tận dụng “mỹ nhân kế” làm các chàng trai Chăm suốt ngày chỉ lo qua đào phụ bên kênh Cái để lấy lòng các cô mà quên việc vua giao. Vì thế sau cùng chỉ có kênh Cái hoàn thành, ruộng đồng phía đó tốt tươi, còn kênh Đực thì mãi không xong được.

Chuyện xưa đã nhuốm màu huyền sử. Nhưng có một điều rất thật là năm 1964 trong gói bồi thường chiến tranh của Nhật Bản cho Việt Nam, khi cải tạo đập Nha Trinh và hệ thống kênh Chàm, người Nhật đã tìm các bô lão để xin xem lại những tài liệu cổ của người Chăm về trị thủy. Và sau cùng quyết định giữ nguyên hệ thống đập và kênh mương có từ hơn chín thế kỷ, chỉ gia cố đập Nha Trinh và khơi lại dòng kênh Đực như ý tưởng của vua Poklongirai. Kể từ đó vùng phía nam huyện Ninh Phước có thêm một dòng kênh, ăn nước từ con đập cổ, tưới tắm cho nhiều làng Chăm và được đặt tên là kênh Nam. Còn người dân trong vùng thì quen gọi là mương... Nhật.

Vùng đất Ninh Phước, thủ phủ xưa của vùng Panduranga, từ đó có thêm nhiều cánh đồng xanh tốt. Và sau năm 1975 khi thành lập ban quản lý dòng kênh này, UBND huyện Ninh Phước đã đặt tên là “Nhà quản lý kênh Chàm” mà nay trụ sở vẫn ở nơi chia đôi nhánh rẽ của dòng kênh ở thôn Phước An. Cái tên giản dị nhưng đầy ý nghĩa, như một lời nhắc nhớ, tri ân đến tiền nhân.

Đập Nha Trinh và hệ thống kênh Chàm dù đã trải qua gần ngàn năm nhưng đến nay vẫn phát huy tác dụng rất tốt trong nông nghiệp cho Ninh Thuận, đặc biệt là vào mùa hạn hán. Đây có thể coi là những kinh nghiệm quý báu trong việc dẫn thủy nhập điền mà người Chăm xưa đã để lại cho hôm nay -Ông PHAN HOÀNG TỰU (Phó giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận)

_______________

Không có con sông nào chảy qua nhưng hàng trăm năm nay cánh đồng làng Thành Tín vẫn xanh tốt như một biệt lệ của tự nhiên nhờ hai giếng cổ ở cuối làng.

Kỳ tới: Bí ẩn giếng cổ

Theo NGUYỄN VIỄN SỰ (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm