Nga phẫn nộ vì VĐV ‘hết cửa’ dự Paralympic 2016

Ngày 23-8, Tòa Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS) đã chính thức bác bỏ đơn kháng nghị của Ủy ban Paralympic Nga, phản đối lệnh cấm đoàn thể thao người khuyết tật của Nga tham gia Thế vận hội Paralympic 2016. Động thái này có thể khiến vụ lùm xùm thể thao dần leo thang thành một vấn đề chính trị giữa Nga và các tổ chức quốc tế.

“Hết cửa” dự Paralympic

Lệnh cấm này được đưa ra bởi Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) liên quan đến các kết luận của Tổ chức Chống doping Thế giới (WADA), cáo buộc các vận động viên Nga được hưởng lợi từ một chương trình doping có sự hậu thuẫn của chính phủ. CAS đã giữ nguyên quyết định của tổ chức IPC, khẳng định cơ quan quốc tế này “không vi phạm bất cứ điều luật nào trong quá trình ra quyết định kỷ luật”. Cơ quan trọng tài quốc tế cũng cho biết quyết định cấm đoàn thể thao Nga tham gia Paralympic Rio 2016 “được đưa ra đúng với các điều luật của IPC và hoàn toàn phù hợp với các yếu tố hoàn cảnh hiện nay”. Như vậy, các vận động viên khuyết tật của Nga không còn bất kỳ một hy vọng nhỏ nhoi nào để tham dự thế vận hội Paralympic 2016 tại Rio de Janeiro, theo kênh truyền hình CNN.

Quyết định cấm toàn bộ đoàn vận động viên khuyết tật Nga tham dự Paralympic Rio 2016 được đưa ra vào ngày 7-8, chỉ hai ngày sau khi Thế vận hội Oplympic khởi tranh. Khi tuyên bố quyết định này, Chủ tịch của IPC Philip Craven đã quy trách nhiệm cho chính phủ Nga. Ông khẳng định chính phủ Nga “gây ra thảm họa đối với các vận động viên khuyết tật của nước này”. “Thứ tâm lý đề cao huy chương trên cả đạo đức thi đấu của chính phủ Nga làm tôi cảm thấy ghê tởm”, ông Craven cho biết tại buổi họp báo. Ông Craven đánh giá phán quyết lần này của CAS là một sự “động viên rất lớn” đối với cơ quan phụ trách thế vận hội người khuyết tật. “Quyết định được đưa ra hôm nay đã nhấn mạnh niềm tin chung của chúng ta, rằng doping hoàn toàn không có chỗ trong phong trào Paralympic. Nó cũng giúp chúng tôi tăng cường khả năng đảm bảo sự công bằng trong thi đấu và xây dựng một sân chơi bình đẳng cho mọi vận động viên khuyết tật trên thế giới” - chủ tịch của IPC chia sẻ.

Tuy nhiên, tổ chức này dường như cũng tìm cách xoa dịu phía Nga, khẳng định: “Đây không phải là dịp để ăn mừng. Chúng tôi rất chia sẻ với các vận động viên Nga bị vuột mất cơ hội tham dự Paralympic Rio 2016. Hôm nay là một ngày buồn cho phong trào Paralympic thế giới”. Vị quan chức cao nhất của IPC cũng bày tỏ hy vọng chính phủ Nga sẽ thay đổi chính sách thể thao sau phán quyết lần này của CAS. “Chúng tôi hy vọng có thể sớm đón chào Ủy ban Paralympic Nga quay lại với tư cách thành viên một khi tổ chức này đáp ứng được các quy định về một môi trường thi đấu thể thao công bằng” - ông Craven chia sẻ. Phía IPC khẳng định sẽ sớm phối hợp cùng tổ chức chống doping đưa ra các điều kiện để dỡ bỏ lệnh cấm đối với phía Nga.

Thủ tướng Nga tức giận trước quyết định cấm vận động viên khuyết tật Nga, chỉ trích động cơ chính trị đằng sau lệnh cấm. Ảnh: VEDOMOSTI

Vận động viên khuyết tật Nga không còn hy vọng tham dự Paralympic Rio 2016. Ảnh: SPUTNIK

Bản điều tra “định mệnh”

Thể thao Nga đối mặt với đợt sóng gió này chính là do bản điều tra “định mệnh” của Tổ chức WADA, dẫn đầu thực hiện bởi luật sư người Canada, ông Richard McLaren. Bản điều tra này đã tố cáo một mạng lưới sử dụng doping quy mô lớn của thể thao Nga, được phối hợp che đậy bởi nhiều cơ quan an ninh quốc gia Nga. IPC đã liên hệ với ông Richard McLaren để thu thập thêm thông tin trước khi đưa ra lệnh cấm vô cùng cứng rắn lần này, kênh CNN cho biết. Vị luật sư đã phát hiện ra một mạng lưới “làm bốc hơi kết quả dương tính” vô cùng tinh vi tại Nga. Theo bản báo cáo, các kết quả kiểm tra dương tính với doping đã được các cơ quan chức trách hoán đổi với kết quả của những vận động viên không sử dụng chất cấm.

Theo bản báo cáo của McLaren, có đến 35 kết quả dương tính với doping của vận động viên Paralympic Nga đã biến mất. Tuy nhiên, theo tin trang thể thao Inside the Games, chỉ có 21 trường hợp nằm trong danh sách các chất cấm của Tổ chức IPC. Kể từ khi bản báo cáo điều tra đươc công bố, đã có thêm 10 trường hợp tương tự được IPC phát hiện trước khi đưa ra quyết định cấm vào ngày 7-8. Dựa vào những thông tin thu thập được, ông Philip Craven khi đó nhận xét rằng hệ thống chống doping của Nga đã “thất bại, biến chất và không còn tính công bằng”.

Theo bản báo cáo của vị luật sư người Canada, toàn bộ mạng lưới doping đươc tiến hành dưới sự chỉ đạo của các cơ quan thể thao Nga. Mạng lưới này bao trùm lên phần lớn các môn thể thao mùa đông lẫn mùa hè. Phát hiện của McLaren từng khiến nhiều nước đòi cấm cửa vận động viên Nga bước chân vào Olympic Rio 2016. Tuy nhiên, với sự vận động mạnh mẽ từ các quan chức thể thao Nga, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ra quyết định chỉ cấm những vận động viên Nga dính doping. Còn những vận động viên “sạch”, đáp ứng các tiêu chuẩn chống doping cực kỳ nghiêm ngặt, chưa từng sử dụng chất cấm, đồng thời phải được cơ quan thể thao Nga cho phép thi đấu đều được đến Rio de Janeiro.

Sau nhiều quá trình xét nghiệm nghiêm ngặt, IOC cuối cùng cho phép 271 vận động viên Nga được quyền tham gia Olympic Rio 2016. Những vận động viên này đã mang về cho thể thao Nga đến 56 huy chương và góp phần làm giảm tính căng thẳng chính trị trong đấu trường thể thao quốc tế. Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Muko khi đó đã ca ngợi quyết định của IOC là “khách quan”. Lãnh đạo cơ quan Olympic Nga là Alexander Zhukov cũng vui vẻ nhận xét: “IOC đã đưa ra một quyết định thấu tình đạt lý, cho phép các vận động viên của chúng tôi được thi đấu tại Olympic dưới màu cờ sắc áo nước Nga, bất chấp sức ép từ truyền thông phương Tây”.

Tuy nhiên, lần này quyết định cứng rắn của IPC hoàn toàn đi ngược lại cách mà tổ chức “anh em” của họ dùng để giải quyết vụ lùm xùm doping của Nga. Và đương nhiên rằng phía Moscow không một chút nào hài lòng.

Âm mưu chính trị?

Là một vấn đề thể thao và thuộc phạm vi của Ủy ban Olympic Nga, tuy nhiên phán quyết cuối cùng của CAS ngày 23-8 vừa qua đã buộc cơ quan thuộc chính phủ Nga phải lên tiếng. Trả lời hãng thông tấn Itar TASS, Bộ trưởng Thể thao Vitaly Mutko chỉ trích: “Quyết định cấm này vốn không tồn tại trong khung pháp lý quốc tế. Nó mang tính chất chính trị nhiều hơn là để đảm bảo sự công bằng. Không có gì để Tòa Trọng tài bác bỏ đơn kháng nghị của chúng tôi. Thế mà điều này vẫn cứ xảy ra”. Ông Mutko cũng cho biết: “Nga sẽ nghiên cứu các khả năng để đưa ra những động thái mạnh hơn nữa. Sau đó chúng tôi sẽ đưa ra quyết định”. Lãnh đạo cơ quan thể thao Nga cũng chỉ trích IPC và CAS là “các cơ quan đáng lẽ phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ những vận động viên khuyết tật nhưng thay vào đó lại đi trừng phạt họ”.

Các vận động viên khuyết tật và các huấn luyện viên của Nga cũng cảm thấy vô cùng sốc và phẫn nộ trước quyết định của IPC và CAS. Truyền thông Nga cho rằng quyết định này thực chất nhằm loại bỏ Nga với vị thế là “ứng viên sáng giá” cho vị trí dẫn đầu thế vận hội, theo hãng tin RT. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thì cho rằng quyết định của CAS là nhằm phục vụ “lợi ích cá nhân”. Ông cho biết: “Rõ ràng một số lãnh đạo của phong trào Paralympic thế giới muốn loại bỏ một đối thủ mạnh ra khỏi cuộc chơi. Đoàn thể thao của chúng ta luôn luôn chiếm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng. Các liên đoàn thể thao quốc tế bị tác động từ vụ điều tra tham nhũng FIFA vừa qua và sợ hãi trước hệ thống tư pháp xuyên biên giới của Mỹ. Đây là lý do vì sao doping được phát hiện ở một số nước rất nhanh, còn ở một số nước thì chẳng thấy đâu”.

Viết trên Facebook cá nhân, ông Medvedev cáo buộc đây là một thái độ “tiêu chuẩn kép” và không công bằng. Thủ tướng Nga cho rằng vụ lùm xùm về doping của Nga “thật đáng ghê tởm, với 80% là chính trị còn chỉ 20% là doping”. Trong khi đó, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc lệnh cấm đã vi phạm nhân quyền. Ủy ban điều tra Nga, thành lập sau bản báo cáo của WADA, cũng kết luận chưa có “bằng chứng vững chắc” cho các cáo buộc doping. Đáp lại bản báo cáo, thủ tướng Nga Medvedev cũng đã quyết định ký lệnh “trừng phạt” ngược lại tổ chức chống doping thế giới. WADA đã bị gạch tên khỏi danh sách các tổ chức quốc tế được Nga rót tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm