NATO lo sợ học thuyết hạt nhân mới của Nga

Những lo ngại về viễn cảnh Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để xâm lược các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bỗng được giới chuyên gia liên tục nhắc tới gần đây, đặc biệt sau khi cuộc tập trận chiến lược Zapad 2017 của Nga vừa kết thúc cách đây hơn một tuần. Giới quan sát và các chuyên gia về Nga đã chuyển sang săn tìm bằng chứng xác minh Moscow đang theo đuổi chiến lược “ngưỡng hạt nhân được hạ thấp” (LNT), theo tạp chí quân sự War on the Rocks.

Ý tưởng gây bất an

Học thuyết này cho rằng: “Nga duy trì quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng với hành động dùng hạt nhân hay các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác tấn công Nga và các đồng minh Moscow, đồng thời để phản ứng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công sử dụng các vũ khí truyền thống gây đe dọa cho sự tồn vong của nước Nga”. Vế thứ hai của ý tưởng này chính là điều gây tranh cãi, cho rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu.

Trước hết, có thể diễn giải “ngưỡng hạt nhân được hạ thấp” là chiến lược ngăn chặn tình hình bùng phát vượt ngưỡng có thể kiểm soát, trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn. Vậy tại sao chiến lược ngăn chặn vượt “ngưỡng hạt nhân” của Moscow lại khiến NATO bất an? Nga hiện đối mặt với hàng loạt thách thức trong việc duy trì các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của nước này, trong đó phải kể đến tình trạng dầu mất giá cũng như chi phí cho các chiến dịch ở Syria và Ukraine. Chính vì vậy, Nga chọn trọng tâm là hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Qua quá trình thay đổi và đạt dấu mốc quan trọng vào năm 2010, học thuyết quân sự mới của Nga được hoàn thiện hồi năm 2014 tiếp tục nhấn mạnh tính chính yếu của vũ khí hạt nhân trong chính sách quốc phòng của Moscow, theo trang Real Clear Defense. Chính học thuyết này đã khiến NATO nhìn nhận “ngưỡng hạt nhân được hạ thấp” một cách đề phòng và đầy lo ngại.

Những năm trở lại đây, ý tưởng “ngưỡng hạt nhân được hạ thấp” của Nga đã trở thành mối lo ngại chính đối với các nhà làm chính sách phương Tây. Điều này có thể được thấy rõ trong các tuyên bố phản bác của NATO. Từ bóng gió “những kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân trong khu vực” chớ ảo tưởng có khả năng leo thang mối đe dọa, NATO thậm chí chỉ trích trực tiếp rằng Nga sẽ không thể răn đe thành công các đồng minh của Mỹ chỉ bằng cách dọa dùng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) giám sát cuộc tập trận quân sự Zapad 2017 chung giữa Nga và Belarus. Ảnh: GETTY

Sự lựa chọn của Moscow

Năm 1993, Nga bỏ cam kết “không là nước sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên” vốn có từ thời Liên Xô. Đến năm 2000, Nga phát triển học thuyết hạt nhân theo một hướng “khiêm tốn” hơn hiện tại, theo đó Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công quy mô lớn đe dọa hủy diệt lực lượng vũ trang Nga. Sau đó 10 năm, vào năm 2010, học thuyết này có sự thay đổi đáng chú ý: Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu “sự tồn vong của đất nước bị đe dọa”. Học thuyết nhấn mạnh sự tích hợp của ba “vũ khí” là hạt nhân, truyền thống và phi quân sự để đối phó kẻ thù trong thời bình và thời chiến. Xương sống của chiến lược này dĩ nhiên là vũ khí hạt nhân.

Có ba nguyên nhân lý giải tại sao Nga muốn dùng tới vũ khí hạt nhân đầu tiên trong một cuộc chiến. Thứ nhất, giới phân tích cho rằng Nga muốn sử dụng học thuyết “leo thang để giảm leo thang” căng thẳng. Theo đó, khi một cuộc xung đột nổ ra, Moscow trước hết sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để gây sốc và chặn nguy cơ leo thang. Thứ hai, các chuyên gia nhấn mạnh tới kho vũ khí hạt nhân chiến thuật quy mô lớn của Nga. Đây sẽ là hậu phương vững chắc cho các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của Nga. Thứ ba, một số chuyên gia cho rằng sự bất lực của NATO trong việc bảo vệ các quốc gia vùng Baltic cùng với năng lực quân sự ngày một cải thiện của Nga có thể là lời chào mời để Moscow răn đe hạt nhân nhằm vào liên minh.

Khi đó, Nga có thể chiếm cứ các khu vực chủ chốt trong khu vực ngay tức khắc. Đồng thời, Moscow sẽ bảo vệ thành quả của mình bằng cách đe dọa trả đũa hạt nhân nếu NATO khởi động chiến dịch giành lại những khu vực trên. Trong con tính của Moscow, với mong muốn giảm mất mát, NATO sẽ tìm tới hòa bình thay vì dính vào cảnh đối đầu hạt nhân quy mô lớn. Như vậy, nó đã không vượt ngưỡng “chiến tranh hạt nhân” như Nga kỳ vọng. Tuy nhiên, đối với NATO, đây là một mất mát không thể chấp nhận.

NATO cáo buộc thông qua cuộc tập trận Zapad từ ngày 14 tới 20-9, Nga đã bí mật thử các chiến thuật có thể áp dụng cho thực chiến như vậy. Theo War on the Rocks, học thuyết quân sự mới của Nga được hoàn thiện không lâu sau hai cuộc tập trận Zapad gần nhất vào năm 2009 và 2013.

Nga tăng lợi thế

Ý tưởng của Nga về vũ khí hạt nhân lại trái ngược với các động thái của Mỹ và NATO trong những năm gần đây nhằm hướng tới giảm vai trò của lực lượng này. Điển hình, vào năm 2010, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một chiến lược hạt nhân mới có tên gọi Tái xem xét chính sách hạt nhân (NPR-2010). Theo đó, Mỹ sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng với các vụ tấn công phi hạt nhân với mục đích cuối cùng là “biến việc ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ hay các đồng minh và đối tác trở thành mục đích duy nhất của vũ khí hạt nhân của Mỹ”.

Theo tướng Curtis M. Scaparrotti, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM), hiện châu Âu đang đối mặt với tình trạng an ninh khó đoán định nhất trong lịch sử. Theo ông, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là việc Moscow đầu tư cho các vũ khí hạt nhân và tăng cường học thuyết kêu gọi sử dụng loại vũ khí này để giành thắng lợi chiến trường. Việc tích hợp vũ khí hạt nhân và vũ khí truyền thống khiến Nga giữ ưu thế với phương Tây.

Real Clear Defense cho biết lực lượng hạt nhân Nga hiện được nâng cấp nhanh chóng với trọng tâm là hiện đại hóa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Điều này có thể được thấy rõ thông qua việc ra mắt tên lửa bệ phóng cơ động SS-27 Yars và tên lửa RS-28 Sarmat trong năm 2018. Các hệ thống tên lửa Yars và Sarmat sẽ thay thế hàng loạt hệ thống tên lửa chiến lược có từ thời Liên Xô. Trong khi đó, hải quân Nga sẽ chuyển sang dùng các tên lửa đạn đạo Sineva và Bulava hiện đại. Còn không quân Nga thì xúc tiến sản xuất hàng loạt máy bay ném bom Tu-160M2 và đưa vào biên chế trong những năm 2020. Biến thể nâng cấp từ Tu-160 này được đánh giá vượt trội tất cả loại oanh tạc cơ chiến lược khác trên thế giới, trong đó có cả mẫu B-1B Lancer và B-2 Spirit của Mỹ.

Trong khi đó, Kristin Ven Bruusgaard, thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng Na Uy (IFS), nhận định đang ngày càng có ít dấu hiệu cho thấy Nga muốn “hạ ngưỡng chiến tranh hạt nhân”. Trước hết, có rất ít bằng chứng cho thấy “giảm leo thang chiến tranh” là một phần trong học thuyết hạt nhân của Nga. Thứ hai, ý tưởng về việc giảm ngưỡng hạt nhân bắt nguồn từ việc thiếu sức mạnh quân sự truyền thống nhưng cuộc chiến tại Syria cho thấy Nga thừa sức mạnh. Thứ ba, Nga sẽ không muốn theo đuổi ý tưởng châm ngòi cho một cuộc đối đầu tổng lực với NATO. Ông công nhận vũ khí hạt nhân vẫn là vũ khí ngăn chặn quan trọng nhất mà Nga hiện có. Tuy nhiên, Nga ít có khả năng sẽ dùng tới năng lực này so với thời điểm cách đây 10-15 năm. Những tiến triển trong năng lực truyền thống và phi quân sự sẽ giúp Nga ít lệ thuộc vào vũ khí hạt nhân để đối phó các mối đe dọa về an ninh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm