Nạn giáo sĩ “chăn dắt” ăn xin

Tại đây các em được truyền thụ kiến thức tôn giáo, được rèn luyện để trở thành người đàn ông bản lĩnh về sau. Tuy nhiên, nhiều giáo sĩ lợi dụng truyền thống giáo dục này để bóc lột trẻ em.

Ở Senegal, các giáo sĩ rất được trọng vọng, thậm chí được tôn sùng như thánh. Ảnh hưởng của các vị này rất lớn, thậm chí ảnh hưởng đến cả chính trị khi nhiều lãnh đạo phải nhờ đến sự ủng hộ của các giáo sĩ nổi tiếng để củng cố vị trí của mình. Đối với người dân, họ được tìm đến xin ý kiến về rất nhiều vấn đề trong đời sống như khúc mắc gia đình, tiền bạc, việc làm, kể cả việc nên bầu cử cho ai.
Rất nhiều bậc cha mẹ xem trở thành học sinh tôn giáo là con đường duy nhất để con mình thu thập kiến thức và thành người. Xuất xứ của các giáo sĩ phần lớn cũng từ các vùng nông thôn. Họ đến các vùng đô thị như thủ đô Dakar, thuê địa điểm, nhận học trò mở trường dạy kinh Koran. Thời gian học kinh Koran khoảng 11 năm, thông thường các cậu bé đến với các giáo sĩ lúc sáu tuổi và phải ở cho đến 17 tuổi. Thực tế nhiều cậu học sinh chẳng hề được học kinh Koran đến nơi đến chốn cũng như không hề được trang bị kiến thức để có thể xin được việc làm khi lớn lên, hãng tin IRIN (Kenya) dẫn thông tin từ một số tổ chức phi chính phủ.

Lang thang ăn xin cả ngày

Theo ước tính của Tổ chức Nhân quyền Thế giới, con số các em theo học các giáo sĩ ở Senegal hiện tại hơn 50.000. Riêng ở Dakar có khoảng 10.000 em. Nguồn gốc xuất thân của các môn sinh có thể từ gia đình nghèo khó lẫn giàu có. Với các nhà nghèo ở nông thôn vốn không có điều kiện chi trả cho việc học hành của con, để đổi lấy kiến thức tôn giáo, hằng ngày trẻ phải đi xin ăn và nộp hết tiền, thực phẩm xin được cho các giáo sĩ. Phần lớn trẻ em đi xin ở Dakar là các em đang theo tu tập.

 Các em tập tu ngủ chen chúc trong một căn phòng chật chội vừa làm phòng học trước đó tại một trường ở ngoại ô thủ đô Dakar, Senegal. Ảnh: AP

Một báo cáo năm 2010 của Tổ chức Quan sát Nhân quyền cho thấy mỗi ngày các em này phải thức dậy trước khi mặt trời mọc để ra đường đi xin. Sau một ngày lang thang ngoài đường xin ăn, các em trở về nhà để học kinh Koran vào buổi tối.

Bữa sáng, trưa, tối của các cậu bé đều là phần ăn thừa ở các quán ăn ngoài phố. Hằng ngày các em phải cố gắng xin cho đạt hạn mức các giáo sĩ đề ra nếu không muốn bị đánh đòn. Hạn mức trung bình theo IRIN là 350 CFA francs (hơn 16.000 đồng VN). Theo bà Isabelle de Guillebon, Giám đốc Tổ chức Samusocial Sénégal, đây là mức thu nhập đáng kể ở một đất nước mà hơn 50% dân số sống ở mức dưới 2 USD mỗi ngày.

Tình trạng chung là các em phải đi chân trần và ăn mặc bẩn thỉu đi xin, ban đêm thì ngủ chen chúc nhau trên sàn trong những căn phòng đầy muỗi. Rất nhiều em bị thương và chết vì tai nạn, đặc biệt tai nạn giao thông trong khi đi ăn xin trên đường phố nhưng không được thống kê.

Hai anh em Cheikhou và Bamba Diallo lớn lên ở quận Ndame, ngoại ô TP Touba (cách Dakar 180 km). Cha mẹ hai cậu bé sống bằng nghề trồng kê, lúa và nuôi dê. Năm 2008, hai anh em Cheikhou, Bamba và một số anh em họ lên đường về thủ đô khi người chú Mountakha Diallo mở một trường ở Dakar.

Như mọi đêm, vào một đêm tháng 3-2013, 50 cậu bé trong trường của thầy Mountakha Diallo nằm chen chúc, chồng lấn nhau trong một căn phòng hẹp tìm giấc ngủ để sáng sớm mai lại bắt đầu một ngày lang thang ăn xin. Một ngọn nến đổ, cả căn nhà trở thành ngọn đuốc.

Cậu bé Cheikhou 13 tuổi thoát được đám cháy nhưng em trai Bamba 10 tuổi và ba đứa em họ bảy tuổi của cậu đã không thoát được. Tổng cộng chín cậu bé bị chết cháy, thi thể không còn nhận dạng được và được chôn tập thể ở ngoại ô Dakar. Tất cả những gì còn lại của trường này là những chiếc cốc dùng đi xin.

Ông Cheikhou Mbow chịu trách nhiệm thanh tra các tu viện thừa nhận trước khi vụ cháy xảy ra, nhà chức trách chưa từng đến kiểm tra hoạt động tại nơi do Mountakha Diallo quản lý. Ông xác định đây là một trường dạy kinh Koran không đạt chuẩn.

Nỗ lực ngăn chặn khó thành

Thảm kịch này một lần nữa hướng sự chú ý và chỉ trích của quốc tế vào tình trạng các môn sinh bị các giáo sĩ buộc đi ăn xin hiện nay.

Sau vụ cháy trường dạy kinh làm chín trẻ chết, Tổng thống Senegal Macky Sall một lần nữa tuyên bố chính phủ sẽ có biện pháp mạnh với các giáo sĩ lạm dụng, bóc lột trẻ em, tất cả  trường không đạt tiêu chuẩn bị sẽ bị đóng cửa, các em ở đây sẽ được trả về cho gia đình.

Thực tế, trong thảm kịch cháy trên, chỉ có ba giáo sĩ bị tạm giữ để thẩm vấn điều tra, không ai bị truy tố. Và chín tháng sau thảm kịch, sau lời tuyên bố mạnh của Tổng thống Macky Sall, vẫn chưa có một trường nào bị đóng cửa, chưa có một giáo sĩ nào phải vào tù. Nhiều người dân Dakar chỉ trích chính phủ đã phản bội họ vì chịu áp lực từ sức mạnh tôn giáo.

Trong khi đó, chính phủ Senegal cho rằng tình trạng các trường không đạt chuẩn ngày càng nhiều và phức tạp vì ngày càng có nhiều trẻ em ở các nước nghèo lân cận như Guinea-Bissau qua theo học.

Thực tế nhiều năm qua, chính phủ Senegal đã có nỗ lực ngăn chặn tình trạng này nhưng vẫn chưa có hiệu quả. Năm 2005, chính phủ Senegal ra luật cấm ăn xin, phạt nặng những ai buộc trẻ em ăn xin. Nhưng trớ trêu thay, luật này không áp dụng với các trường dạy kinh Koran. Có thông tin chính phủ đang xúc tiến mở các “trường Koran hiện đại” mà các em tập tu trong đó không phải đi ăn xin, cụ thể nhiều trường dạy kinh Koran sẽ được mở ở các vùng nông thôn để các cậu bé vừa có thể theo học vừa được cha mẹ chăm sóc, để mắt.

Ngoài chính phủ Senegal, Tổ chức Quan sát Nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ… cũng có nhiều hoạt động hạn chế tình trạng các em bị bóc lột. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức phi chính phủ như tổ chức Samusocial Sénégal, mặc kệ nỗ lực ngăn chặn, tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí sẽ còn tăng. Các tổ chức phi chính phủ thừa nhận quy mô các chương trình giúp đỡ các em tập tu của họ khá nhỏ, không đủ sức giải quyết vấn đề.

IRIN dẫn nhận định của nhiều chuyên gia của một số tổ chức phi chính phủ và chính phủ Senegal cho rằng sở dĩ việc ngăn chặn có kết quả hạn chế vì có nhiều cản trở như cái nghèo dai dẳng, chính phủ chưa phản ứng đúng mức và quan trọng nhất là sức mạnh quá lớn của các giáo sĩ trong mọi tầng lớp xã hội Senegal.

Nhiều chính trị gia Senegal cũng than phiền sở dĩ tình trạng các em nam bị bắt đi ăn xin cứ tồn tại hoài là vì chính phủ không quyết liệt giải quyết do e ngại sức mạnh tôn giáo của các giáo sĩ.

Một số chính trị gia đề nghị chính phủ nên có giải pháp giúp các giáo sĩ kiếm thu nhập từ nguồn khác để họ bớt phụ thuộc vào nguồn tiền ăn xin của các em nhỏ. Mỗi năm, Bộ Thống nhất Senegal chi tiền hỗ trợ cho khoảng 100 daara (trung bình khoảng 500.000 CFA francs mỗi năm, tương đương 1.105 USD) để các giáo sĩ tại đây bớt bắt các em đi ăn xin. Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ không xem đấy là giải pháp mà chỉ làm tình hình phức tạp thêm.

Trong khi đó, theo Giám đốc điều phối chương trình Mouhamed Chérif Diop của tổ chức Tostan, chỉ khi chính phủ Senegal thắt chặt tiêu chuẩn mở trường dạy kinh, quyết liệt siết chặt hoạt động thì tình trạng này mới được giải quyết.

Một số tổ chức phi chính phủ cố gắng khuyến khích các marabout ở Dakar trở về quê nhà và tìm nguồn sinh sống khác. Với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), tổ chức ENDA-GRAF đã thuyết phục được một giáo sĩ và 47 em tập tu trở về quê nhà. Hiện giáo sĩ này đang sống bằng nghề trồng rau, các em tập tu trên không còn phải đi xin nữa. Tuy nhiên, ENDA-GRAF thừa nhận lựa chọn của giáo sĩ trên chỉ mang tính biểu tượng, quá nhỏ bé so với số đông hiện nay.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm