Mỹ-Nga: Căng thẳng dưới đất có lan lên trời?

Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) là công trình nghiên cứu không gian hoạt động dưới sự hợp tác của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (RKA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Trong đó Nga và Mỹ nắm phần lớn vai trò.

ISS hình thành cách đây 16 năm, trị giá khoảng 100 tỉ USD, quy mô ISS cỡ bằng diện tích một sân bóng đá. Chiến dịch nghiên cứu không gian của ISS sẽ kéo dài đến năm 2024.

Phải lờ đi bất đồng

Ngày 2-4, vì căng thẳng Ukraine và Crimea, NASA tuyên bố “ngưng đưa người đến Nga và tiếp đón các đại diện Nga sang Mỹ thăm cơ sở của NASA, ngưng các cuộc gặp song phương, ngưng các hoạt động liên lạc viễn thông qua lại (thư điện tử, họp hành qua điện thoại, qua video). Báo New York Times (Mỹ) dẫn lời nhà điều phối các quan hệ quốc tế và quan hệ liên cơ quan của NASA Michael F. O’Brien. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác hai bên trên ISS vẫn được duy trì như cũ.

Dù NASA có phản ứng như thế nhưng trả lời kênh truyền hình Fox News (Mỹ), người phát ngôn NASA Trent Perrotto vẫn lạc quan tình hình căng thẳng Mỹ-Nga quanh vấn đề Ukraine và Crimea sẽ không ảnh hưởng đến chuyện hợp tác không gian hai bên. Ông tin tưởng NASA và RKA sẽ tiếp tục làm việc bên nhau như đã từng cùng nhau vượt qua các thời điểm lên xuống trong quan hệ Mỹ-Nga trước đây, như vì chiến tranh Nga-Grudia, cuộc xung đột Syria, bất đồng quanh số phận Edward Snowden trong vụ bê bối nghe lén của chính phủ Mỹ (đang tị nạn tại Nga)…

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cũng nhận định căng thẳng chính trị giữa hai cựu đối thủ thời Chiến tranh lạnh không có nhiều khả năng sẽ tác động xấu đến lĩnh vực hợp tác không gian, ít nhất là trong tương lai gần vì điều này sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho cả hai.

Trên hãng tin CBS News (Mỹ) gần đây, Giáo sư danh dự về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế John Logsdon tại ĐH George Washington (Mỹ) cùng nhận định lý do hai bên đều có sự phụ thuộc sống còn vào nhau và cả hai đều bất lợi khi cắt bỏ hợp tác.

 

Các phi hành gia trên ISS vẫn rất thân thiện, đoàn kết bất kể căng thẳng chính trị dưới mặt đất. (Ảnh chụp ngày 22-2-2014) Ảnh: PRESS TV

Vì quá cần nhau

Năm 2011 Mỹ ngưng chương trình tàu con thoi (STS - hệ thống chuyên chở vào không gian). Từ đó Mỹ không còn phương tiện đưa phi hành gia lên ISS. Dự kiến Mỹ sẽ có phương tiện thay thế STS vào năm 2017. Tuy nhiên, từ giờ cho đến lúc đó Mỹ vẫn phải trông chờ vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để vận chuyển các phi hành gia Mỹ từ mặt đất lên ISS với mức phí cho mỗi người là 70,7 triệu USD/lần, con số từ NASA. Theo nhiều chuyên gia thì đây là một trong những lý do chính Mỹ không thể để quan hệ hợp tác trong lĩnh vực không gian với Nga đổ vỡ. Năm 2013 NASA đã thống nhất sẽ chi cho Nga tổng cộng 424 triệu USD cho sáu vé vận chuyển các phi hành gia Mỹ từ mặt đất lên ISS hoặc từ ISS về lại mặt đất đến năm 2017.
Tuy thế, theo chuyên gia John Logsdon, thành viên Hội đồng Cố vấn NASA, sự phụ thuộc này trong tương lai có được duy trì hay không giờ tùy vào thái độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với các động thái trừng phạt Nga của Mỹ quanh vấn đề Crimea. Ông cho rằng nguy cơ Nga cắt bỏ dịch vụ chở phi hành gia Mỹ lên ISS hoàn toàn có thể xảy ra, khả năng này ước lượng khoảng 20%-25%.

Một lo ngại nữa là hiện Mỹ vẫn phụ thuộc vào động cơ tên lửa RD-180 do Nga sản xuất để phóng tên lửa đẩy Atlas V đưa các vệ tinh quân sự của Mỹ lên không gian. Nga hoàn toàn có khả năng sẽ ngưng cung cấp động cơ tên lửa RD-180 vì căng thẳng Crimea. Vừa rồi Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo quân chủng không quân Mỹ xem lại việc này và an tâm phần nào khi được báo cáo không quân Mỹ hiện đang lưu kho số động cơ tên lửa RD-180 đủ cho sử dụng trong hai năm.

Trong khi đó trên ISS, mọi sinh hoạt và hoạt động nghiên cứu không gian của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn cung cấp điện, hệ thống viễn thông vệ tinh của NASA và cả sự điều khiển từ mặt đất của Trung tâm Không gian Johnson (TP Houston, Mỹ).

Ngoài ra, cùng các nhà du hành vũ trụ các nước khác, các nhà du hành Nga và Mỹ cùng chia sẻ các hệ thống duy trì sự sống trên ISS.

ISS vẫn ổn

Trên ISS, hiện các phi hành gia người Nga và Mỹ vẫn sát cánh làm việc, sinh hoạt cùng nhau. Điểm riêng duy nhất của các phi hành gia Nga và Mỹ trên ISS là họ có khu vệ sinh và hệ thống điều hòa không khí riêng. Còn lại tất cả  hoạt động khác đều chung, cần sự hợp tác chặt và cao độ, trên ISS và cả ở các trung tâm điều khiển dưới mặt đất.

Trả lời phỏng vấn của CBS News tuần trước, phi hành gia người Mỹ Reid Wiseman, đang trong quá trình huấn luyện để bay vào ISS tháng 5 tới, cho biết căng thẳng chính trị Mỹ-Nga hiện tại không hề có dấu hiệu len lỏi vào quan hệ tốt đẹp giữa ông với các đồng nghiệp Nga. Theo ông, tất cả họ đều xác định một khi cùng chung con thuyền nghiên cứu không gian thì họ đã thống nhất gạt bỏ mọi vấn đề chính trị sang một bên.

Theo phi hành gia Chris Hadfield (Canada), từng là chỉ huy ISS năm 2013, bất đồng chính trị là chuyện của mặt đất, không có khả năng tác động gì lên việc thám hiểm không gian trên ISS bởi trên ISS mỗi thành viên đều lệ thuộc lẫn nhau để có thể duy trì sự sống.

Nhận định của ông hoàn toàn có cơ sở khi đã từng có tiền lệ: Cao điểm Chiến tranh lạnh năm 1975, bất kể căng thẳng chính trị, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Gerald Ford đều có những cuộc điện đàm chúc mừng các phi hành gia hai nước đã bay thành công vào quỹ đạo trên bầu trời Đại Tây Dương trên hai tàu vũ trụ Soyuz và Apollo vào ngày 17-7-1975.

Minh chứng cho các nhận định này, ngày 25-3, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Nga và Mỹ tiếp tục trải qua một bước thử mới. Từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, tàu vũ trụ Soyuz TMA-12M của Nga đã đưa hai phi hành gia Nga (một người gốc Crimea) và một phi hành gia Mỹ lên ISS.

ĐĂNG KHOA

 

Nga sẽ không mạo hiểm cắt đường lên ISS

Theo GS John Logsdon, cắt đường lên ISS của Mỹ sẽ chỉ là biện pháp cuối cùng của Nga, cũng đồng nghĩa với việc quan hệ Nga-Mỹ gãy đổ hoàn toàn. Và ông không tin điều này sẽ xảy ra vì Nga sẽ không mạo hiểm đến mức phá hủy quan hệ với Mỹ.

Dù thế ngày 25-3, Chủ tịch Ủy ban Khoa học Hạ viện Mỹ Lamar Smith lên tiếng đề nghị chính phủ Mỹ đẩy nhanh tiến trình phát triển các chuyến bay thương mại vào vũ trụ để khỏi lệ thuộc vào Nga nhằm giảm thiểu rủi ro. Vì theo ông, không thể trông đợi tất cả vào Nga bởi Nga và Mỹ luôn có những bất đồng chính trị mang tính lịch sử. Mặt khác, dẫn đầu trong lĩnh vực thám hiểm không gian là vị trí mà nước Mỹ cần đạt được để xứng đáng là cường quốc hàng đầu thế giới.

Vấn đề này đã được Giám đốc NASA Charles Bolden đề cập năm 2013. Ông mong muốn Mỹ có thể tự đưa phi hành gia của mình lên ISS và ngược lại để vừa thuận lợi cho công việc nghiên cứu không gian của Mỹ, vừa bảo đảm các phi hành gia Mỹ trên ISS có phương tiện về lại mặt đất trong trường hợp Mỹ và Nga trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm