Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm với thanh thiếu niên

Lệnh giới nghiêm được cho là một trong những văn bản luật nghiêm khắc nhất của Mỹ nhằm kéo giảm tội phạm vị thành niên. Tuy nhiên, biện pháp này cũng nhận nhiều ý kiến chỉ trích chống đối.

Bị bắt nhốt như chơi

Nhằm tránh cái nóng gắt của những ngày mùa hè, cậu bé Isaiah Jackson 15 tuổi đã phải đợi đến cuối chiều để ra khỏi nhà đi chơi bóng rổ với đám bạn ở khu vỉa hè rộng gần nhà. Thường thì cậu nhóc chơi đùa như thế đến tận đêm khuya, trong ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn đường. Nhưng giờ đây Isaiah có thể là mục tiêu chú ý của cảnh sát.

Chiếu theo một quyết định được thị trưởng TP Baltimore ban hành vào trung tuần tháng 6 vừa qua, các đối tượng thanh thiếu niên từ 14 đến 16 tuổi sẽ phải trở về nhà trước 22 giờ vào những ngày trong tuần và trước 23 giờ vào ngày nghỉ cuối tuần và vào mùa hè, còn thiếu niên dưới 14 tuổi thì phải về nhà trước 21 giờ.

Biện pháp này đã được bà thị trưởng Stephanie Rawlings-Blake ký duyệt ngày 16-6 và sẽ có hiệu lực thi hành sau 60 ngày. Khi đó cảnh sát sẽ có thể bắt tạm giam để thẩm tra những thanh thiếu niên nào lang thang ngoài đường phố sau giờ giới nghiêm ban đêm, sau đó sẽ dẫn các em về một trung tâm tạm giữ của cảnh sát để phụ huynh đến bảo lãnh nhận về. Phụ huynh khi đó có thể phải nộp phạt lên đến 500 USD. Tuy nhiên, biện pháp này loại trừ các trường hợp thiếu niên đi cùng cha mẹ, trên đường từ trường về nhà hay đi tham gia một hoạt động ngoại khóa học đường nào đó.

Nhiều tổ chức tuần hành phản đối quy định cấm người vị thành niên ra đường vào ban đêm, cho rằng như thế là xâm phạm quyền công dân. Ảnh: NBC NEWS

Cũng như nhiều TP khác tại Mỹ, Baltimore cũng đã có cho riêng mình một “lệnh giới nghiêm dành cho giới trẻ” cách đây vài năm, song việc áp dụng còn chưa triệt để và thiếu đồng bộ. Mãi cho đến mùa hè này, chính quyền TP mới quyết định siết chặt thêm quy định vốn đã nghiêm khắc này, trong mục đích cấm triệt để giới trẻ bước ra khỏi nhà khi màn đêm buông xuống. Lý do là để bảo vệ giới trẻ và làm giảm thiểu tình trạng tội phạm trong TP. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến chống đối cảnh báo nguy cơ những người thi hành công vụ sẽ áp dụng lệch lạc biện pháp này nếu chủ yếu chỉ nhắm vào các đối tượng “đã được chọn lọc trước” như thanh thiếu niên da đen và gốc Mỹ Latin.

Lệnh giới nghiêm tràn sang các TP khác

Nhiều TP khác trong đó có Indianapolis, Las Vegas và Oakland của bang California mới đây cũng đã dự tính siết chặt thêm nữa lệnh giới nghiêm dạng này và cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt. Tình hình bạo lực gia tăng trong những năm gần đây cũng đã khiến hai TP Kansas City, bang Missouri và Philadelphia, bang Pennsylvania triển khai các biện pháp hà khắc tương tự. Lệnh giới nghiêm tại Kansas City đã được bổ sung các quy định chặt chẽ hơn vào năm 2011 sau khi xảy ra một vụ nổ súng làm ba thanh niên bị thương tại một quảng trường công cộng trong khi ngài thị trưởng đang có mặt gần đó. Cùng năm, TP Philadelphia cũng đã thông qua một lệnh giới nghiêm nhằm triệt phá hiện tượng “flash mobs” (tụ tập chớp nhoáng) trong giới trẻ, bởi những băng nhóm tụ tập nhất thời này sau đó đã “hành quân” len lỏi khắp trung tâm TP và quậy phá người dân. Tuy nhiên, sau đó chính quyền TP đã bãi bỏ quy định này sau khi hiện tượng quậy phá nói trên chấm dứt. Ngài Michael Resnick, Ủy viên Hội đồng TP phụ trách an ninh, đã giải thích: “Tôi nghĩ rằng đây chỉ cần là một giải pháp nhất thời để nhanh chóng lập lại trật tự đường phố và để giáo dục mọi người biết tôn trọng luật pháp tốt hơn”.

Các hành vị bạo lực nhắm vào giới trẻ cũng là một trong những lý do khiến chính quyền TP Baltimore siết chặt lệnh giới nghiêm. Theo nhật báo địa phương Baltimore Sun, tính đến nửa đầu năm 2014, TP này đã có chín thiếu niên thiệt mạng, so với bốn em của cả năm 2013.

Có lợi hay phản tác dụng?

Những người chống đối biện pháp nói trên lo sợ sẽ có những trường hợp bắt giữ người không đúng đối tượng, thậm chí cả những em có dáng vẻ bề ngoài hơi trẻ con so với tuổi thật của mình cũng có nguy cơ bị vạ lây. Tessa Hill-Aston, Chủ tịch “NAACP” (một hiệp hội bảo vệ quyền công dân và vì sự thăng tiến của người da màu tại Mỹ) của TP Baltimore, giải thích: “Tôi không nghĩ rằng cảnh sát cứ phải thay phiên nhau lùng sục khắp TP vào ban đêm để tìm bắt các đứa trẻ trong khi họ cũng đang phải bận bịu với nhiều trường hợp tội phạm đang chờ xử lý”.

Một vài đối tượng vị thành niên đã công khai bày tỏ trên Facebook và Instagram thái độ ác cảm và chống đối của họ trước biện pháp này, thậm chí còn thách thức là sẽ không tuân thủ. Nhiều đối tượng khác tuyên bố rằng họ sẽ bỏ chạy khi gặp cảnh sát vào ban đêm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thế. Taqi Juba (17 tuổi, mới tốt nghiệp trung học) nói anh hy vọng thấy cảnh sát sẽ nhẹ nhàng hỏi xem thanh thiếu niên đang làm gì vào giờ đó ngoài đường hơn là bắt giữ họ ngay lập tức mà chưa biết rõ nguyên do.

Taqi (hiện đang làm nghề rửa bát đĩa ban đêm trong một nhà hàng hải sản gần khu cầu cảng) nhấn mạnh rằng anh sẽ không bất bình nếu như bị cảnh sát bắt giữ do diện mạo bề ngoài “trẻ hơn tuổi” của mình. Anh kết luận: “Đơn giản là cảnh sát chỉ đang thi hành nhiệm vụ để bảo đảm an ninh trật tự cho đường phố của chúng ta mà thôi”.

LẬP BÌNH (Theo The New York Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm