Mùi “gia đình” ở Nhật

Tokyo đón chúng tôi vào một buổi chiều mùa hè mát lạnh. Ở xứ sở hoa anh đào, mọi thứ dường như lạnh lẽo, kể cả thời tiết. Người người lúi húi di chuyển rất nhanh theo đúng tác phong của một quốc gia công nghiệp. Trái với nhiều nước trên thế giới, không gian công cộng lại là nơi ít lộn xộn và nhốn nháo, luôn sạch sẽ và ít tiếng ồn vì người Nhật tôn trọng không gian chung.

Con người Nhật Bản tận tình, hiếu khách

Có người bảo: “Cuộc sống người Nhật là một cái khung khép kín”. Xin phép miễn luận bàn. Nhưng nếu bạn đến Nhật, có thể bạn sẽ hiểu khác về “cái khung” ấy. Sự vụt dậy nhanh chóng trong vòng 50 năm sau Thế chiến thứ II đã cho thấy tính kỷ luật cao độ của những “võ sĩ đạo”. Thế nên “bận rộn” là điều không khó hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn lạc đường giữa bến tàu; không biết đường về khu khách sạn; cần đến thăm một khu danh lam thắng cảnh; cần dừng đúng trạm xe buýt; hay để quên đồ trong khu thương mại… bạn không bao giờ cô đơn.

Một phóng viên của một tờ báo lớn tại Sài Gòn kể với tôi: “Ngày đó mình bị sốc nhiệt độ khi qua Nhật mùa đông, các nhân viên khách sạn tới lui thuốc men rất nhiều. Đứa bạn chẳng may để quên chiếc iPad tại ghế chờ khu mua sắm, vậy mà 15 phút sau đã có thông báo trả lại từ một vị khách không để lại tên. Ngày tạm biệt Nhật ra sân bay, nếu không có cô gái bản xứ hướng dẫn tận tình, đưa tới tận ga, tặng thêm cao dán chống mỏi vì biết mình bay đường dài… thì thật khốn đốn”.

Nhấp ngụm cà phê giữa lòng Sài Gòn, một sinh viên vừa trở về từ Nhật tâm sự: “Qua đó thời gian đầu cái gì cũng khó, cũng khổ. Có lúc lo chết đói. May nhờ hàng xóm xung quanh, ai thấy sinh viên nghèo cũng thương, cho túi rau, con cá… Nhờ vậy mình nhanh chóng cân bằng”.

 
Ảnh 1: Đến Nhật học tập, du lịch hay làm việc thì “cái ôm người Nhật” luôn khiến nhiều người phương xa lưu luyến mãi.

Những bất ngờ bình dị

Chúng tôi đến thăm gia đình ông bà Izumi Okano đang sinh sống tại Shima, thuộc tỉnh Mie trong một buổi chiều mát lạnh của những tháng mùa hè Nhật Bản. Đoàn chúng tôi gồm bốn sinh viên, trong đó hai bạn đến từ Philippines, một từ Brunei và tôi từ Việt Nam.

Ông Okano và người em gái đến đón chúng tôi từ rất sớm. Họ chuẩn bị mọi thứ rất chu đáo, từ xe đưa đón đến những câu chào hỏi bằng tiếng Anh mà tôi chắc mẫm họ vừa học chưa lâu. Gặp nhau, ông Okano siết tay chúng tôi thật chặt với nụ cười hiếu khách điển hình của người con xứ sở hoa anh đào. Cẩn thận mở cửa xe, cài dây an toàn cho cả bốn chúng tôi, ông mở nhẹ dòng nhạc tiếng Nhật nhẹ nhàng với âm điệu du dương dễ chịu, rồi cho xe lăn bánh trên con đường không mấy rộng nhưng sạch sẽ, trong lành.

Một bạn trong đoàn biết chút ít tiếng Nhật, ông Okano tỏ ra bất ngờ và thích thú. Cứ dăm bảy mét là ông chỉ vào cánh rừng, ngọn núi, chiếc cầu, hay con sông... và nói vài câu tiếng Nhật để giải thích điều gì đó, rồi kết thúc bằng tiếng cười giòn tan, sảng khoái khiến cả bọn chúng tôi thích thú.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi gia đình người Nhật là một sự bất ngờ. Chiếc xe ông Okano dừng trước một tiệm bánh nhỏ trong thị trấn ở Shima. Cẩn thận và tỉ mỉ, ông ra dấu cho cô gái Brunei chọn một cái bánh kem và bập bẹ duy nhất một từ tiếng Anh “birthday” (sinh nhật). Cô gái ngỡ ngàng, bởi hôm nay là sinh nhật của cô nhưng ngay cả chúng tôi trong đoàn cũng không ai biết. Ông Okano tươi cười, chỉ vào chiếc bánh kem sô-cô-la và lấy trong túi ra tờ giấy nhỏ có ghi cẩn thận tên cô gái và dòng chữ “Happy Birthday to Brunei friend!”. Về sau mới biết, khi nhận “nuôi” chúng tôi, ông Okano và gia đình đã lưu ý đến sinh nhật của mỗi đứa.

Ảnh 2, 3: Dù đi xích lô kéo, vào thư viện hay mua bất kỳ món hàng nào, nụ cười người Nhật luôn là điểm nổi bật khiến ai nấy an tâm, thích thú vì thấy được tôn trọng, thấy được gần gũi. Ảnh: GIANG PHẠM

Không hiểu tiếng nói nhưng hiểu tấm lòng

Chiếc xe dừng lại trước sân một ngôi nhà bằng gỗ có vườn cây xung quanh mát rượi. Trời về chiều tối, Mie bắt đầu lạnh, vắng người và đìu hiu khiến chúng tôi bắt đầu cảm thấy nhớ quê hương. Ông Okano cùng cô em gái miệng thoăn thoắt mời chúng tôi vào nhà. Phía hiên nhà, hai hàng dép xếp ngay ngắn, hướng ra ngoài theo đúng kiểu “sẵn sàng” trong phong cách, tác phong của những công dân sống trong thời đại công nghiệp.

Cánh cửa kéo ra, cả bốn đứa đều tròn mắt nhìn nhau. Mọi thứ tinh tươm được xếp trên những chiếc bàn gỗ thấp, với những chiếc gối ngồi theo kiểu võ sĩ đạo. Mì Udon, đậu hủ trắng, cơm và nhiều thứ khác lạ lẫm, thú vị, hấp dẫn, kích thích vị giác lẫn trí tưởng tượng và sự tò mò. Mọi thứ trái ngược với không khí bên ngoài nên chúng tôi hơi “sốc”. Bà Okano cùng cha mẹ và người con trai vội vã chạy từ bếp lên, chưa cất tạp dề, chào chúng tôi ríu rít bằng tiếng Nhật, lẫn tiếng Anh bồi.

Cô Okano mang ra một chiếc Kim từ điển còn rất mới đưa cho chồng. Ông Okano lần lượt bấm nút “cha, mẹ, con trai, em gái...” để chúng tôi biết thành viên của đại gia đình. Phải nhắc lại là người Nhật rất hay cười. Từ nụ cười móm mém của ông bà cụ thân sinh Okano đến nụ cười e thẹn của cô em gái vừa mới đôi mươi và nụ cười lịch lãm của người con trai vừa tốt nghiệp đại học, nhất là nụ cười tít mắt của ông bà Okano khiến cả bốn chúng tôi thấy đỡ nhớ nhà đến lạ. Chỉ nụ cười và vài tiếng lắp bắp nửa Anh, nửa Nhật mà gia đình Okano đã khiến những cu cậu sinh viên xa quê hương thấy gần gũi đến lạ kỳ.

Hơn 8 giờ tối, đèn tắt, nến được thắp lung linh, ca khúc chúc mừng sinh nhật vang lên phá tan không gian lạnh lẽo xung quanh căn nhà. Chúng tôi hát bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, ấm áp và vui vẻ đến nỗi cô gái đến từ Brunei ôm chầm lấy bà Okano bật khóc ngon lành. Xoa đầu cô gái nhỏ, gia đình Okano khiến vài đứa chúng tôi ganh tị trong hạnh phúc, rằng “không phải đi đâu cũng có những ngày sinh nhật bất ngờ và ấm cúng như thế”.

Tới chơi một ngày cũng là người trong nhà

Tiễn chúng tôi về, gia đình Okano tặng mỗi chúng tôi một chuỗi đá lấp lánh, đặc sản của vùng đất Mie mến khách. Tôi chẳng hiểu ông bà giải thích điều gì về chiếc vòng nhưng ánh mắt và cử chỉ của họ cho tôi thấy rằng đó là biểu tượng của sự may mắn, sum họp và hạnh phúc mà chúng tôi vừa trải qua trong vài giờ ngắn ngủi.

Sáng sớm hôm sau, khi chúng tôi khăn gói trở về Tokyo để “ai về nhà nấy” thì bất ngờ bà Okano và cô em chồng đã đợi chúng tôi ngoài cổng. Bà trao tận tay chúng tôi mỗi đứa một chiếc phong bì nhỏ. “Cả bọn thêm một bất ngờ, những tấm ảnh đêm qua, sáng nay đã được rửa rất đẹp. Tấm thiệp nhỏ ghi vài dòng chữ ngoằn ngoèo, như gửi vào chúng tôi tấm lòng bình dị nhưng quý giá và thông điệp “trở lại nhé các con!”.

Tiến về phía tôi, bà Okano chìa ra mảnh giấy ghi sẵn bằng tiếng Anh bồi: “Hôm nay ông Okano đi làm từ sớm. Ông dặn cô gặp cháu và chúc cháu về Sài Gòn bình an, sớm trở lại Nhật Bản. Cháu hãy để lại vài dòng trên tấm thiệp này, khi về ông ấy sẽ đọc”. Tôi hơi bối rối, mọi thứ dường như đi quá sự tưởng tượng của tôi. “Cháu sẽ trở lại Nhật khi có điều kiện và nhất định sẽ tìm ông bà. Cháu sẽ nhớ về tình cảm ấm áp của gia đình ông bà. Hãy giữ sức khỏe và luôn bình an nhé!”, tôi chỉ kịp ghi vội vài dòng như thế gửi đến ông Okano.

Tàu rời bến, bàn tay của gia đình Okano vẫn vẫy vẫy xa xa!

ĐỖ THIỆN

“Tôi yêu Sài Gòn, tôi thích phở”

Ông Okano và gia đình xúm xít cùng chúng tôi bên tấm bản đồ còn mới. Ông dùng cây bút khoanh tròn khu vực TP.HCM và bảo “Sài Gòn”. Ông biết Sài Gòn, nơi mà mấy mươi năm trước, cụ ông Okano từng đến thăm, làm việc và thưởng thức món phở. Thông qua người bạn biết chút ít tiếng Nhật, ông Okano bảo: “Cha tôi thường kể về Sài Gòn. Đó là một vùng đất đẹp và nhiều thứ đặc biệt. Tôi cũng từng ăn phở Việt Nam tại Nhật, nó rất ngon. Nhưng nếu đến Sài Gòn ăn phở thì chắc chắn sẽ tuyệt vời”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm