Một ngày tất bật ở làng hoa Vạn Thành

Vừa qua khỏi cổng chào dẫn vào làng hoa, chúng tôi đã thấy từng dãy lồng kính che nắng cho hoa san sát nhau. Giữa các lồng kính sát bên đường ấy là những con đường nhỏ dẫn vào vườn hoa của gia chủ với đủ loại hoa từ hoa hồng, ly, cẩm chướng, đồng tiền…

Sống cùng hoa

Công việc của người làm vườn bắt đầu từ mờ sáng. Lúc này họ đang nhổ cỏ trong các luống hoa Păngxê vừa trồng được một tháng. Cô Điệp, chủ vườn hoa, cho biết: “Công việc hằng ngày của cô chỉ là nhổ cỏ trong các luống hoa, sau đó thu hoạch hồng ở vườn hồng phía sau, ngày nào cũng phải ra vườn với hoa”.

Trong lúc cô Điệp đang nhổ cỏ thì chú Hải, chồng cô, cặm cụi tưới nước cho luống hoa Păngxê. Vườn hoa rộng gần 300 m2 vì vậy việc tưới nước cũng hết cả buổi sáng. Chú nói: “Dạo này thời tiết hơi nắng nên phải tưới nước nhiều, nếu không đất mà khô thì hoa mới trồng sẽ héo”.

Phía bên kia đường, 3-4 người khác đang tất bật chăm sóc cho vườn hoa ly. Đây là vườn hoa của cô Nguyễn Thị Hương, vườn chủ yếu trồng hoa ly, hồng dại và cát tường. Bên cạnh những luống hoa đã lên bông là hàng cây vừa gieo củ. Hai người phụ nữ đang dùng bay đào những lỗ nhỏ trên đất lớn bằng nắm tay, cẩn trọng đặt từng củ hoa ly vào và lấp đất lại bằng tay.

 Cô Hương - chủ vườn hoa ly đang rải xơ dừa lên luống ly mới gieo. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Công việc cũng không nặng nhọc nhiều nhưng để có được một bông hoa chất lượng bán cho người ta thì tốn nhiều thời gian lắm” - cô Hương giải thích. Sau khi ly được gieo củ, chủ vườn sẽ lấy xơ dừa rải đều trên luống để giữ nước cho đất.

Đến 9 giờ sáng, nắng đã chiếu mạnh hơn nhưng vườn hoa vẫn xanh tươi mơn mởn nhờ hệ thống phun nước tự động và lồng kính bao quanh. Ở những luống ly mới nảy mầm khoảng 5 cm, anh Huân (con trai cô Hương) dùng những tấm lưới màu đen che lên phía trên để giảm bớt ánh nắng chiếu vào cây con.

Sát bên  luống hoa ly xanh mướt là đất vườn nhà cô Nguyễn Thị Lành chỉ trồng mỗi loại hoa đồng tiền. Hoa đang ở thời kỳ phát triển tốt và có thể thu hoạch được. Mỗi ngày nhà vườn đều phải đi kiểm tra từng luống hoa để phát hiện sâu bệnh nếu có. 

 Những bông hoa hồng được cắt tại vườn chuẩn bị giao cho các cửa hàng ở Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đợi khi nước tưới thấm đều trên các luống hoa, cô Lành làm nhiệm vụ quan trọng là cắt từng cành hoa đồng tiền mang vào nhà, bó thành từng bó 20 bông. “Mỗi bó hoa được bán với giá 20.000 đồng, lúc giá tăng thì 30.000 đồng, cũng có lúc giá hoa xuống rất thấp” - cô tâm sự.

Các cây hoa đồng tiền được bó cẩn thận và chờ xe mối đến lấy hàng mang xuống TP.HCM tiêu thụ. Tranh thủ lúc đợi xe, cô Lành tiếp tục ra vườn tỉa lá, làm cỏ xung quanh các gốc hoa để cây có thể sinh trưởng tốt hơn.

Trồng hoa bằng kinh nghiệm tích lũy

Những hộ dân trồng hoa ở Vạn Thành chủ yếu trồng hoa theo kinh nghiệm riêng của bản thân, không được học các kỹ thuật chăm hoa theo sách vở. Ở đây, nhà nào trồng hoa thì tự mày mò tìm hiểu. "Trồng mà đẹp, thu hoạch lãi cao thì cho là đúng chứ không biết kỹ thuật phải như thế nào” - cô Lành chia sẻ.

Việc tỉa cành, dọn cỏ cho hoa cũng được làm tùy hứng, người dân thấy rảnh giờ nào thì ra vườn làm. Mỗi khi hoa bệnh thì tự mua thuốc về phun, định kỳ một tuần phun thuốc ba lần, chủ yếu là phun thuốc sâu bệnh cho hoa hồng. Người dân tự làm tự chịu, may mắn thì lấy lại được vốn, cũng có lúc phải trắng tay vì sâu bệnh. 

 Chủ vườn đang thu hoạch hoa hồng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc trồng hoa thiếu khoa học nên đầu ra cũng bị thương lái ép giá rất nhiều. Chủ yếu mối mua đồng giá chứ không lựa chọn hoa tốt giá cao hơn nên người trồng phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu.

Từ trồng hoa hồng giống cũ (hồng Hà Lan), nay nhiều hộ dân chuyển sang trồng loại hồng sa, rồi đến hoa ly ly cho năng suất và lợi nhuận cao hơn. Cô Thương (phường 5) chia sẻ: “Gia đình mới vay mượn bà con được hơn 20 triệu đồng để đầu tư ba luống hoa ly ly, giống hoa này tuy đắt giá nhưng chỉ ba tháng là thu hoạch được với giá cao gấp hai trồng hoa hồng”.

Chú Vũ Hoàng Anh, con trai cụ Vũ Như Lâm - là một trong những người đầu tiên mạnh dạn chuyển từ trồng rau xanh sang hoa hồng ở Vạn Thành, cho biết: “Vấn đề trồng hoa ở Vạn Thành, nói về kinh nghiệm thì tương đối đồng đều, còn kiến thức kỹ thuật như trên sách vỡ thì không có. Qua mỗi vụ mùa, từng hộ dân tự rút ra cho mình những phương pháp trồng hoa tốt hơn và duy trì cho đến bây giờ”.

Khó thành lập HTX hoa Vạn Thành

Các hộ dân sống trong khu vực Vạn Thành đã từng nghĩ sẽ có một HTX đứng ra dẫn dắt họ làm ăn và tạo đầu ra cho hoa Vạn Thành. Tuy nhiên, không một tổ chức nào nhận trách nhiệm thành lập và quản lý HTX, cũng như người dân không đồng tình khi tham gia vào một HTX chung. Chính vì vậy làng hoa Vạn Thành vẫn chưa có HTX dù đã lên làng nghề từ hai năm trước.

 Bạn trẻ yêu hoa phụ giúp nhà vườn mang những bó hoa mới thu hoạch vào nhà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Gia đình cô Thương, trồng hoa hồng đã 20 năm, cho biết: “Trước đây, cô từng tham gia vào HTX trồng rau quả, nhiều lúc cô phải đi mua rau về để cung ứng cho đủ số lượng mà HTX đưa ra. Điều làm người dân rút khỏi là vì HTX chỉ tuyển chọn mua hoa loại tốt nhất, số không trúng tuyển thì người dân ôm hết”.

Ông Nguyễn Đức Học - Chủ tịch Hội Nông dân phường 5, đồng thời là người đại diện cho làng hoa Vạn Thành cho biết: “Chính quyền địa phương cũng từng cân nhắc việc thành lập HTX nhưng ý dân không thuận vì đã quen tự làm”.

 Hoa sau khi cắt, được chủ vườn đóng thành bó trước khi giao hàng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để có một làng hoa nổi tiếng như Vạn Thành ngày hôm nay là nhờ chính bàn tay những người nông dân ngày ngày cần mẫn chăm sóc, vun trồng. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến hướng phát triển của làng nghề này, để hoa Vạn Thành ngày càng khẳng định vị trí của mình và vươn xa hơn ra các thị trường trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm