Làng nghề Sài Gòn: Linh hoạt hay là chết? - Bài 2

Lồng đèn Phú Bình: Đánh đu với hàng Trung Quốc

Những ngày này, đến cư xá Phú Bình (quận 11, TP.HCM), không khí nhộn nhịp chuẩn bị mùa Trung thu sẽ khiến nhiều người cảm thấy phấn khởi.

Đèn Trung Quốc đừng về nữa

Lúi húi với công đoạn uốn và ghép các thanh lạt lồ ô lại với nhau bằng dây thép rồi dùng kềm bấm bỏ lạt thừa để làm khung lồng đèn, chị Bùi Thị Ngọc Lan, cư trú số 3K cư xá Phú Bình, cho biết đã theo nghề được hơn 20 năm. Chị gọi nghề này là nghề của tuổi thơ. Những cánh bướm, con gà, cánh sao… trang trí bằng giấy màu sặc sỡ ra đời từ bàn tay tần tảo của mẹ đã song hành cùng tuổi thơ chị. Nghề vận vào đời từ lúc nào không hay. “Hồi đó, cả trăm nhà xung quanh đây đều làm lồng đèn nhưng giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hai năm nay, lồng đèn Trung Quốc bị phát hiện có chất độc nên lồng đèn Việt đang trên đà tuột dốc bỗng có cái níu lại” - chị Lan cho biết.

Gần nhà chị là gia đình bà Nguyễn Thị Lan, năm nay bà Lan đã 62 tuổi. Nhà bà chuyên làm lồng đèn kiểu như Tề Thiên, thiên nga, gà Tây để biếu, trưng bày. Từ 15 tuổi bà đã rành rọt hết các công đoạn kể cả khâu vẽ. “Công nhận lồng đèn Trung Quốc bắt mắt, tích hợp cả nhạc, đèn LED nên con nít thích cũng đúng. Lúc trước, con của tôi hay nghĩ ra kiểu mới, khách hàng thích nên đặt nhiều lắm. Giờ nó đi làm ở ngoài, về mệt nên không làm nữa” - vừa nói bà Lan vừa tháo đôi kiếng lão ra lau bụi, xong đeo vào để cặm cụi với khung lồng đèn Tề Thiên. Cứ năm mười phút bà lại đấm lưng thùm thụp: “Tui già rồi, làm không được bao nhiêu nhưng ráng để giữ nghề truyền thống mà ba mẹ để lại”.

Đầu tháng 7 âm lịch, phụ huynh đã bắt đầu sắm lồng đèn cho con tại phố Lương Nhữ Học. Ảnh: H.LAN

Trong những dòng tâm tư ấy, có cả những nỗi hoài niệm về tổ tiên, quê hương. Bà nhớ tuổi thơ mình, những đứa trẻ ở xóm cùng trang lứa cặm cụi làm lồng đèn để mang tết cho những đứa trẻ khác. “Cứ gần đến dịp lễ, mẹ tôi lại đem lồng đèn đi bán lẻ ở Chợ Lớn, ở phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5). Hồi đó người giàu thường mua lồng đèn cho con chơi sớm. Còn người nghèo, bán buôn đến cận ngày thấy mới sực nhớ lũ con nheo nhóc vẫn chưa có lồng đèn mới vội mua. Người sản xuất “làm vét” là làm cho những người này” - bà kể, giọng chợt trở nên xa xôi, ánh mắt mông lung kiếm tìm một không khí, một hình ảnh chỉ còn trong quá khứ.

Rồi như chợt tỉnh, bà nói ước gì lồng đèn Trung Quốc đừng về nữa, lồng đèn người Việt mình làm bán chạy thì bà làm không biết mệt, càng làm càng ham. Hồi SEA Games 22 Việt Nam tổ chức, bà còn làm cả 500 con trâu vàng nữa.

Nghề truyền thống nhưng không được bảo thủ

Nhiều làng nghề tại TP bắt buộc phải luân chuyển theo dòng chảy của thời gian và nhu cầu xã hội. Giỏ trạc Xuân Thới Sơn tròn chuyển sang vuông để dễ vận chuyển, bánh tráng Phú Hòa Đông vanh tròn trăm cái như một đẹp mắt thì ở làng lồng đèn, người thợ cũng phải nhanh nhẹn nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, linh hoạt sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới.

Hộ bà Lan là nơi hiếm hoi còn lại của khu lồng đèn Phú Bình còn làm lồng đèn kéo quân. “Trước đây, lồng đèn này kén người mua vì công phu nhiều, giá cao. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại thì lồng đèn được quan tâm tìm mua nhiều hơn. Nhà càng to treo đèn càng sang. Vừa uống trà đàm đạo vừa nhìn đoàn quân đi là một thú vui tao nhã của người già. Nhà hàng, khách sạn cũng mua để trang trí” - bà hồ hởi nói.

Hài lòng với sản phẩm vừa hoàn thiện, ông Quyền cẩn thận treo lên. Ảnh: H.LAN

Hộ ông Nguyễn Mạnh Tùng, 17D cư xá Phú Bình, mỗi người phụ trách một công đoạn sản xuất lồng đèn. Ảnh: H.LAN

Trẻ con phụ giúp bố mẹ làm lồng đèn là chuyện bình thường ở xóm Phú Bình. Ảnh: H.LAN

Đặc biệt, năm nay bà còn làm cả những nhân vật yêu thích của bọn trẻ là Ben 10, người nhện. Chính niềm vui mang đến sự thích thú cho trẻ con và ký ức tuổi thơ bình dị đã gắn kết cuộc đời bà với cái nghề tưởng chừng sắp lụi tắt từ bao nhiêu năm nay.

Cách nhà bà Lan không xa là nhà ông Nguyễn Văn Quyền, giờ đã khá tất bật với khâu vẽ áo cho những con giống như bướm, gà, voi… Ông cũng là một trong số những hộ còn cầm cự để duy trì nghề kể từ thời điểm đèn Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bảy, tám năm trước.

Trong tất cả công đoạn làm lồng đèn, khâu vẽ mang lại hồn cho con giống là quan trọng nhất. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ thì những cánh bướm thô thiển sẽ trở nên nhẹ nhàng, chấp chới, con gà sẽ trở nên rực rỡ, oai phong hơn, con cá cũng sinh động khác thường… Cùng một loại lồng đèn nhưng mỗi gia đình sẽ có cách vẽ trang trí khác nhau. Mỗi hộ tự quyết định số lượng và mẫu mã sản phẩm, tùy theo sức sản xuất. Dù sản phẩm chỉ có thể bán được hai đợt là vào mùa Trung thu và Giáng sinh nhưng người thợ phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất nhiều tháng trước.

Từ tháng 5, tháng 6 âm lịch, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Loan trong căn nhà nhỏ đầu hẻm đi vào nhà thờ Phú Bình không khí đã nhộn nhịp khẩn trương đóng hàng giao cho đại lý. Chị Loan cho biết đầu tháng 7 âm lịch năm ngoái đã hết lồng đèn nên năm nay họ tranh thủ lấy từ tháng 6. Loại lồng đèn Trung thu có cái khó là lấy hàng phải đúng thời điểm, lấy sớm quá đèn bị cũ đi, con nít lẫn phụ huynh đều chê. Bởi vậy, tới mùa là chẳng thiết cơm nước gì, vắt chân lên cổ mà chạy.

Hộ chị Loan chủ yếu làm hàng Trung thu là cá ba đuôi, cá chim, cá chép, tàu, bè, ngựa, voi để chưng hoặc chơi. Giá thành của mặt hàng này mắc hơn gấp hai, gấp ba hàng thường vì đòi hỏi công phu hơn. Chị cho biết khách hàng mua lồng đèn cá về chưng thường hay để ý đến con mắt. Mắt phải có thần, sang, nhìn như thật thì làm ăn mới phát. Ngày trước, lúc ba chị còn sống, mặt hàng rồng nhà chị chưa ai địch nổi. Thậm chí lên khu Chợ Lớn, hỏi nhà “bà rồng” là ai cũng biết. Tuy nhiên, làm rồng rất tốn thời gian, có khi ba ngày cả nhà xúm lại làm mới được năm con. Sang năm sau, nhiều nhà còn mang cả xác rồng nước sơn cũ rách đến nhờ sửa. Theo chị, đó là những con rồng mang lại may mắn, phát tài cho gia chủ nên họ muốn giữ lại. Nhưng kể từ khi ba chị mất, nghề cũng thất truyền…

Lồng đèn Phú Bình từng có thời huy hoàng, năm 1995 lồng đèn còn xuất khẩu đi các nước như Đài Loan, Singapore, Úc, Nhật Bản… Nhưng sau này xuất khẩu là chuyện hiếm. Giờ xóm lồng đèn Phú Bình chủ yếu bỏ mối cho những thương lái ở Chợ Lớn, Bến Tre, Cần Thơ, Tây Ninh, Phú Yên, Hà Nội và bán lẻ cho những người đến mua tại chỗ. Khi có mặt trên thị trường, những chiếc lồng đèn đều không thể hiện bất cứ chiến lược tiếp thị thương hiệu riêng nào. Sau cú sốc lồng đèn Trung quốc có chất gây hại, người dân quay lại với lồng đèn truyền thống Phú Bình, làng nghề từ đó có tươi tỉnh trở lại. Tuy nhiên, không biết những nghệ nhân ở đây có tự hỏi nếu hàng Trung Quốc không bị phát hiện độc hại thì số phận của chiếc lồng đèn Phú Bình bây giờ về đâu?

HOÀNG LAN

Trong một nghiên cứu của mình về làng nghề tại TP, PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, chỉ ra rằng:  “Thị trường ảnh hưởng quan trọng đến sự sống còn của làng nghề. Thị trường là kết quả các hoạt động làng nghề, vừa là động lực thúc đẩy làng nghề phát triển. Các làng nghề phát triển thường có thị trường TP, trong nước lẫn ngoài nước…”. Lồng đèn Phú Bình không nằm ngoài quy luật, nếu không giải được bài toán thị trường thì bấp bênh sẽ tiếp tục bấp bênh, phập phù tiếp tục phập phù như tình trạng bao năm qua là điều dễ hiểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm