Lớn vẫn “bám” cha mẹ: Hiện tượng toàn cầu!

Elisa thổ lộ: “Sau khi mất việc làm và chia tay người yêu, tôi đã có may mắn là được quay về. Cha mẹ rất hiểu tôi nhưng trước đây tôi không tài nào hình dung mình sẽ phải sống một cuộc sống như thế khi đã từng tuổi này”. Cảm xúc tương tự cũng đến với Tadeu, một luật sư 31 tuổi tại Taubaté, bang Sao Paulo, Brazil. Một phụ nữ người Mexico là Claudia (40 tuổi) cũng thế, cô đã ly dị chồng, đang thất nghiệp và đã phải quay về sống trong căn nhà cha mẹ cùng với người anh 41 tuổi cũng đang thất nghiệp. Hoặc trường hợp của Anastasie, giáo viên 28 tuổi, đang sống chung nhà với anh chị em tại thủ đô Athens, Hy Lạp.

Không có tiền để “ra riêng”

Hiện tượng này được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, đến nỗi giới chuyên môn cho rằng đó đang là “một hiện tường toàn cầu”. Thế hệ các thanh niên nam nữ đã học hành thành tài, đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn sống chung hoặc quay về sống chung với cha mẹ sau một thời gian ra riêng, được gọi là thế hệ “boomerang”, thế hệ “chuột túi” hay thế hệ “độc thân ký sinh”. Vì sao có hiện tượng này? Chuyên gia xã hội học Cécile Van de Velde lý giải rằng “hội chứng được giải thích từ các lý do về kinh tế”, do tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng cao, chi phí học tập tăng vọt, giá bất động sản nhảy vọt, tỉ lệ ly thân, ly dị tăng và điều kiện làm việc ngày càng được đòi hỏi cao hơn như giờ giấc phải linh động nhưng mức lương giảm… Một hoặc nhiều những yếu tố trên đã khiến những chàng trai cô gái 25-34 tuổi mặc dù rất muốn nhưng vẫn không thể một mình sắm được hoặc trụ được trong một cuộc sống độc lập cho riêng mình.

Cứ vào dịp cuối tuần, khi Mélanie (26 tuổi) và bạn trai của cô - Alexis (25 tuổi) thức dậy thì bữa ăn sáng nóng hổi đã được chuẩn bị sẵn sàng cho họ: Chính mẹ của Mélanie làm đó! Từ hơn hai năm nay cặp đôi sinh viên này (nàng đang học tiến sĩ về xã hội học, còn chàng đang học năm cuối kỹ sư) sống chung với gia đình của cha mẹ nàng. Mélanie giải thích: “Riết rồi chúng tôi cũng quen thôi, mọi việc đều tốt. Trước đây khi mới quen nhau, Alexis chỉ đến nhà thăm tôi vào dịp cuối tuần. Rồi sau đó từ từ chúng tôi muốn gặp nhau nhiều hơn. Nhưng vấn đề ở đây là không như nhiều cặp đôi bạn bè của chúng tôi đã đi làm, hiện nay chúng tôi chưa có điều kiện để có được một căn hộ riêng nên chúng tôi đã phải nhanh chóng có quyết định”.

Bà Corinne, mẹ của Mélanie, khẳng định: “Tôi hãnh diện vì có con gái chịu khó học hành đến nơi đến chốn nên tôi càng thấy mình cũng phải có nhiệm vụ hy sinh một chút gì đó thêm cho nó...”.

Nói chung thì cuộc sống chung này của Mélanie hoàn toàn suôn sẻ, cô khẳng định: “Chúng tôi luôn chú ý để làm sao không trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Chúng tôi luôn chia sẻ việc nhà với cha mẹ, ví dụ chúng tôi là người đi chợ cho cả gia đình”. Song bà Corinne cũng nhìn nhận rằng giữa hai thế hệ cha mẹ-con cái cũng có những lúc không hiểu nhau, đã có xung đột xảy ra nhưng may mắn đó chỉ là chuyện giữa hai mẹ con bà, chứ đối với anh bạn trai Alexis thì không có gì. Ngược lại, chàng trai đến ở trọ nhà người yêu như Alexis này lại thường là người đứng ra làm trung gian hòa giải các xung đột trong gia đình bạn gái, bởi anh ấy có khiếu hài hước nên những xích mích nhỏ giữa hai mẹ con cô bạn nhanh chóng được quên đi.

Không dám quay về vì sĩ diện

Theo chuyên gia xã hội học Olivier Galland - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS): “Nói chung những sinh viên vẫn còn ở lại nhà cha mẹ là do hoàn cảnh bắt buộc”, bởi trên thực tế có 23% bạn trẻ 18-25 tuổi đang sống dưới mức chuẩn nghèo của xã hội Pháp. Và kết quả là một vài bạn trẻ từng chọn dọn nhà ra sống riêng thì cuối cùng cũng đã quyết định quay về với cha mẹ: Hơn 13% đã làm vậy và 40% đang dự định làm vậy.

Lise là một trong số những người bỏ cuộc đó. Cô sinh viên này đang học cao học toán, nay đã chán ngán việc phải quay tròn như chong chóng giữa một bên là các buổi học và một bên là việc làm bán thời gian trong một tiệm thức ăn nhanh mà ngày nào cũng phải ăn uống kham khổ với bánh bột và khoai tây. Lise nhìn nhận: “Khi tôi ra khỏi nhà cha mẹ để sống riêng cách đây hai năm, tôi chỉ biết hình dung đó sẽ là một cuộc sống tự do, thoải mái và đầy hứng thú. Nhưng cuối cùng thì ngày nào tôi đã phải chạy đua với thời gian giữa việc học và công việc làm thêm. Rốt cuộc mặc dù đã cố gắng hết sức tôi vẫn sạch túi sau khi trả tiền thuê nhà và các chi phí ăn ở, đến nỗi chẳng còn đồng nào để sắm sửa cho riêng mình hay giải trí chút gì đó... Nhưng vì tự ái và sĩ diện, tôi không muốn nhìn nhận những khó nhọc này trước mọi người. Bây giờ tôi đã hết chịu nổi nữa rồi. Cha mẹ tôi đã giang rộng tay đón tôi trở về mà họ cũng không hiểu vì sao”.

Thế nhưng có một vấn đề với Lise, như cô thổ lộ: “Tôi đã quen một cuộc sống tự do từ hai năm nay, tôi đã quen việc mình muốn làm gì thì làm, quen đi sớm về trễ lúc nào cũng được. Giờ đây quay về sống chung với cha mẹ, đôi khi tôi cảm thấy khó chịu khi phải tuân thủ theo giờ giấc và cách sống của cha mẹ”.

Đâu là tâm lý đúng?

Nhìn chung một cuộc sống chung với cha mẹ khi đã đến tuổi trưởng thành ít nhiều cũng xảy ra một số vấn đề đụng chạm về thế hệ giữa cha mẹ và con cái. Theo chuyên gia tâm lý Samuel Lepastier - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh lý tâm thần và phân tâm học (CEPP) của ĐH Paris-Diderot: “Để trở thành người lớn, trước tiên bạn phải tách ra khỏi cha mẹ về mặt tâm lý. Bởi khi không tự mình chấp nhận đương đầu với những khó khăn phát sinh ở tuổi trưởng thành, các bạn trẻ sẽ khó khăn hơn khi muốn vượt qua chúng trong giai đoạn về sau này, khi tuổi ngày càng lớn hơn”.

Nhưng trong thâm tâm, rất nhiều bậc cha mẹ luôn có tâm lý “muốn giữ mấy đứa nhỏ ở nhà” dù các con đã lớn. Trong trường hợp này, con cái có nguyện vọng ra riêng thường sẽ có khuynh hướng nghĩ rằng “mình làm sai”. Chuyên gia Samuel Lepastier bày tỏ: “Thực tế là có một số bạn trẻ không dám ra ở riêng bởi họ có cảm giác nếu làm như thế thì cha mẹ sẽ rất khổ tâm”. Chính cô sinh viên Mélanie đã công nhận rằng cô là người nằm trong số này, cô giải thích: “Sau một năm nữa, nếu mọi chuyện ổn thỏa, Alexis sẽ ra trường và đi làm kiếm tiền. Khi đó chúng tôi sẽ có điều kiện để có con. Nhưng tôi vẫn sợ thời điểm đó sẽ đến, khi chúng tôi phải báo cho cha mẹ là chúng tôi phải ra ở riêng... Khi đó chúng tôi sẽ gây ra một thảm kịch (nho nhỏ chăng?) cho cha mẹ. Thôi thì lúc này đây không nghĩ đến chuyện đó thì tốt hơn...”.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Express)

 

Quốc gia nào có tỉ lệ thanh niên sống riêng nhiều nhất?

Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ (The United States Census Bureau), Mỹ là quốc gia nơi tính độc lập và tự chủ của giới trẻ là một trong những nền tảng tạo nên sự thành công “made in USA” thì trong năm 2013 vẫn có 21,6% thanh niên Mỹ trong độ tuổi 25-34 còn chung sống với cha mẹ, so với con số 15,8% vào năm 2000 và 11% vào năm 1980! Người Mỹ gọi đó là “thế hệ sandwich”. Xu hướng này cũng tương tự tại Úc, Canada và chắc chắn là tại Nhật, nơi dân số già đi và có đến 50% thanh niên Nhật từ 20 đến 34 tuổi vẫn đang sống trong căn nhà của cha mẹ.

Nhà xã hội học Cécile Van de Velde bình luận: “Năm 2000, chúng ta có thể nói rằng các nước Bắc Âu và Anglo-saxon đã bắt đầu cổ súy tính cách độc lập cao của giới trẻ, trong khi theo truyền thống văn hóa của các nước phương Nam, con cái thường sống chung với cha mẹ, cho đến lúc lập gia đình thì mới ra riêng”. Cụ thể là vào đầu thế kỷ 21, tuổi trung bình để giới trẻ ra riêng là 20-21 tại Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển và cả tại Canada, Mỹ, Úc, Anh, trong khi con số này là 27-28 tại các nước vùng Địa Trung Hải và Nam Mỹ. Một thập niên sau đó, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đã đứng đầu danh sách về các nước có tỉ lệ thanh niên tự lập cao nhất, khi chỉ còn dưới 4% thanh niên trên 25 tuổi đang sống với cha mẹ.

(Theo Le Monde)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm