Lời cảnh tỉnh cho Đông Á

Thái độ ngang ngược của TQ là động lực khiến toàn bộ Đông Á cần xích lại gần nhau hơn nhằm tạo thành một khối và tạo cân bằng quyền lực mới để kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh.

Đông Á cần xích lại gần nhau hơn

GS Sreeram Chaulia ở Trường Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ) ghi nhận trước năm 2008, TQ vẫn duy trì thái độ hòa nhã với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên kể từ năm này, chính sách ngoại giao không đối đầu của TQ đã xói mòn, mở đường cho một quốc gia TQ thường xuyên gây hấn và bắt nạt các nước láng giềng.

Bắc Kinh hiện đang áp dụng “chiến lược bắp cải” dưới vỏ bọc nhiều tầng của các tàu quân sự hiện diện trên vùng biển Việt Nam cũng như vùng biển Nhật. Trong bối cảnh đó, GS Sreeram Chaulia nhận định đã đến lúc khu vực Đông Á cần phải đoàn kết lại.

Ông nhận định mục tiêu của Bắc Kinh trong công cuộc thúc đẩy “một môi trường láng giềng hòa hợp, an toàn và thịnh vượng” đang bị đe dọa bởi chính TQ - một quốc gia ác độc đang dần lộ nguyên hình. TQ đang lợi dụng mọi lợi thế sức mạnh không cân xứng với các nước yếu để uy hiếp.

Các đại sứ ASEAN tại Nam Phi bày tỏ tinh thần đoàn kết nhất trí của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế. Ảnh: TTXVN

Mỹ sẽ không hành động

Trong khi đó, GS James R. Holmes ở ĐH hải quân Mỹ nhận định sự kiện TQ đưa tàu chiến để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam đã cho thấy TQ xác định Việt Nam là một lực lượng đối kháng thực sự. Ông cho rằng  TQ chưa quên đã từng đương đầu với Việt Nam, một đối thủ rất cứng rắn và quyết tâm cả trên đất liền lẫn trên biển.

Dù vậy, TQ vẫn thích hành xử bá quyền, muốn đe dọa và kiểm soát các nước láng giềng.

Trong bối cảnh đó Mỹ nên làm gì? GS James R. Holmes  cho rằng Mỹ chỉ có thể giúp đỡ trong những trường hợp thật sự rõ ràng. Mỹ khó có thể chiến đấu vì Hoàng Sa hay Trường Sa trừ phi tòa án quốc tế đưa ra phán quyết cuối cùng trước các tranh chấp.

Ông nhận định nếu châu Á-Thái Bình Dương muốn dễ thở hơn, khu vực này cần đưa ra một phản ứng công bằng và đối kháng trước hành động của TQ.

Đoàn kết với các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ

Đã đến lúc bốn nước ASEAN (Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam) phải có động thái mạnh mẽ nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ của mình với Trung Quốc (TQ). Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 14-5 đăng bài viết với nhận định như trên.

Tạp chí The Diplomat đã đưa ra ba hướng giải quyết khả dĩ mà bốn nước tranh chấp Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam có thể áp dụng:

Hình thành một mặt trận thống nhất và đoàn kết trước TQ: Trên thực tế, tranh chấp tại biển Đông chỉ tồn tại do thái độ không khoan nhượng của TQ. Giải pháp dễ nhất để đạt được thỏa hiệp lâu dài trên biển Đông là bốn nước cần buộc TQ chấp nhận các đường ranh giới mà bốn bên tranh chấp đã nhất trí.

Bắc Kinh khó có thể chấp nhận điều này nhưng ít nhất các đường ranh giới sẽ là điểm khởi đầu cho bất cứ cuộc đàm phán nào. Nói cách khác, đường ranh giới sẽ hình thành các điều khoản tranh luận.

Giải quyết tranh chấp trên diễn đàn đa phương: Theo cách này, bốn nước tranh chấp sẽ tạo ra một tiền lệ buộc TQ phải tuân theo một khi TQ đồng ý tham gia thảo luận nghiêm túc để tìm ra giải pháp toàn diện ở biển Đông. Dù TQ luôn theo đuổi biện pháp đàm phán song phương nhưng bằng cách đưa ra minh chứng về sự thành công của một diễn đàn đa phương trong giải quyết tranh chấp (không liên quan đến TQ), Bắc Kinh buộc phải chấp nhận đàm phán tại diễn đàn đa phương vốn được ASEAN ủng hộ.

Quốc tế hóa vấn đề biển Đông: TQ tuyên bố chỉ ủng hộ đàm phán song phương chứ không liên quan đến Mỹ hay các tổ chức từ ASEAN. Tuy nhiên, bốn nước Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam có thể đưa ra sáng kiến mời Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ hoặc ASEAN tham gia các cuộc đàm phán đa phương. Động thái này sẽ tạo ra một tiền lệ mạnh mẽ rằng TQ phải tham gia nếu thực sự muốn nghiêm túc giải quyết tranh chấp DK.

DUY KHANG

 

Mỹ: Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ngày 12-5 (giờ địa phương), cùng với nhiều Việt kiều ở bang California, các bô lão đại diện cho Hội Đền Hùng TP San Jose đã vượt gần 100 km đến trước Tổng Lãnh sự quán TQ ở San Francisco để trao thư gửi các nhà lãnh đạo TQ và tọa kháng bốn tiếng nhằm phản đối TQ xâm lấn vùng biển Việt Nam. Các bô lão sẽ tiếp tục tọa kháng vào thứ Hai hằng tuần tới khi TQ rút giàn khoan Hải Dương 981.

Lời cảnh tỉnh cho Đông Á ảnh 2
 

Các bô lão đại diện cho Hội Đền Hùng TP San Jose phản đối TQ trước Tổng Lãnh sự quán TQ ở San Francisco (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Nam Phi: Chiều 13-5 (giờ địa phương), tại thủ đô Pretoria, Ủy ban Các nước ASEAN tại Nam Phi đã tổ chức cuộc họp cấp đại sứ nhằm trao đổi tình hình căng thẳng tại biển Đông. Đại sứ Việt Nam Lê Huy Hoàng chủ trì cuộc họp. Các đại sứ ASEAN đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến căng thẳng gần đây tại biển Đông và nhất trí cho rằng ASEAN cần tăng cường đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thúc đẩy duy trì bảo đảm hòa bình ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải trên biển Đông.

Angola: BCH Hội Người Việt Nam tại Angola đã ra tuyên bố cực lực phản đối TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, đồng thời huy động nhiều tàu có hành động khiêu khích chống lại các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. BCH hội đã quyết định phát động đợt quyên góp “Chung sức bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại biển Đông” từ ngày 14-5 đến 14-6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm