Lính biên phòng dạy lễ nghĩa cho trẻ nhập cư

Thấy nhiều em nhỏ đến tuổi đi học mà chưa được đến trường, chưa biết đọc, biết viết, Ban Chỉ huy Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM đã tổ chức một lớp học xóa mù chữ để dạy cho các em.

Lớp học có gần 20 em học sinh, không gian lớp là căn phòng nhỏ của ban điều hành khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM. Thầy giáo đứng lớp là các chiến sĩ ở trạm biên phòng.

Thầy giáo biên phòng giữa lòng phố thị

Không gian tĩnh lặng vào cuối chiều của con hẻm nhỏ nằm kế bên trụ sở ban điều hành bị xé toang bởi tiếng trẻ con nô đùa, cười vui với những trò chơi mà các em tự tổ chức. Đều đặn vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, các em lại kéo nhau đến lớp học. Dù 18 giờ buổi học mới bắt đầu nhưng từ 17 giờ  các em đã tập trung đầy đủ.

Hầu hết trẻ em ở đây là con cái trong các gia đình lao động nghèo, là dân nhập cư từ các tỉnh miền Tây. Họ lên TP thuê trọ quanh khu vực hệ thống cảng Bến Nghé, quận 7 để kiếm việc làm.

Đại úy Vũ Trường Tính (nhân viên kiểm soát của trạm, thầy giáo đứng lớp chính) chia sẻ trong một lần cùng đi đến các khu nhà trọ ở hành lang cảng Bến Nghé, anh cùng các chiến sĩ chứng kiến không ít những trường hợp trẻ đến tuổi đi học mà vẫn ở nhà chơi đùa, có em trên 10 tuổi vẫn chưa biết rõ mặt con chữ.

“Anh em chiến sĩ chúng tôi rất trăn trở về việc làm sao để giúp các em được học chữ. Sau đó được sự đồng ý của cấp trên, chúng tôi phối hợp với phường Tân Thuận Đông đứng ra tổ chức một lớp học dạy riêng cho các em. Năm 2012, lớp học chính thức ra đời” - anh Tính kể.

Những ngày hè khi các thầy giáo bộ đội không đến lớp được, các bạn sinh viên thay thầy đứng lớp, dạy vi tính cho các em. ẢNH: THANH TUYỀN

Thầy cô đứng lớp là các cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé thay phiên nhau dạy, tiếp đến là đoàn viên thanh niên của phường và sinh viên ở các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh việc dạy chữ theo sách giáo khoa, các thầy còn dạy các em không nói tục chửi thề, ăn nói lễ phép, cư xử đúng mực với bạn bè và người lớn.

Những đứa trẻ ở đây khi nhắc đến thầy của mình, em nào cũng nhanh miệng gọi bằng cái tên thân thương là “thầy giáo bộ đội”. Tới giờ học mà thầy chưa đến, tụi nhỏ cứ nháo nhào: “Thầy giáo bộ đội của chúng con sao hôm nay đến trễ vậy ta, chắc thầy bận chuyện gì đó. Không biết hôm nay thầy có tới lớp không nữa”.

Đi đâu cũng nhớ thầy

Em Nguyễn Khánh Đạt (12 tuổi) đang học chương trình lớp 5 tại đây cho biết em thích học ở đây vì bất cứ cái gì không hiểu em đều có thể hỏi thầy, được thầy giải thích cặn kẽ. “Học ở đây mấy thầy chỉ dạy đã lắm, cái gì không hiểu cứ hỏi, không có sợ bị la đâu. Lúc nào thầy cũng dặn tụi em nhớ phải hỏi” - Đạt nói.

Em Quách Mỹ Quyên (học lớp 5) đã theo học ở đây hơn hai năm. Không những Quyên mà cả chị họ của em ở xóm dưới cũng đến đây để theo học. “Cha em nói nhà em không có đủ tiền để cho học thêm bên ngoài nên gửi em đến lớp nhờ thầy dạy thêm. Hai chị em cứ đến chiều là rủ nhau đi học, cuối năm vừa rồi còn đạt loại giỏi là nhờ các thầy hết. Chỗ nào con không hiểu là mang tập vở lại hỏi thầy” - Quyên hồn nhiên.

Một niềm vui nho nhỏ của các thầy giáo ở đây là đã có em thi đậu vào ba trường cấp hai trên địa bàn.

Nhiều em cũng đã không còn đến lớp vì phải theo gia đình đến mưu sinh ở nơi khác. Thầy Tính cho biết ở lớp có nhiều em học rất khá và ngoan vì phải di chuyển theo cuộc mưu sinh của gia đình nên đành nghỉ ngang.

 “Tôi nhớ nhất là hai em nhỏ đã chuyển đi cách đây hai năm. Buổi học cuối cùng, em nói lời chia tay với lớp, nước mắt ngắn dài bảo rằng muốn được đi học ở đây lắm nhưng vì gia đình phải chuyển đi nên em không ở lại được. Em nhắn rằng sau này nếu em có trở lại đây ở thì xin các thầy cho em đi học tiếp. Còn một em khác thì hoàn cảnh gia đình quá bấp bênh, ở đây không đủ sống nên cũng đành rời xa lớp. Cả hai em đều hiếu học và rất lễ phép”-  thầy Tính nhớ lại.

Chú trọng dạy lễ nghĩa bên cạnh dạy chữ

Bên cạnh việc dạy chữ, các thầy giáo cũng chú trọng việc dạy lễ nghĩa cho các em nhỏ ở đây. Tôi cũng cùng các thầy giáo bộ đội để đứng lớp dạy, bày trò chơi cho các em trong giờ giải lao. Gần gũi với các em được bốn năm nay, tôi nhận thấy có nhiều em rất thích đi học, có thái độ học tập nghiêm túc và cầu tiến. Tuy nhiên, các em vẫn còn nói ngang với người lớn, nhiều lúc không biết phân biệt phải trái nên các thầy luôn chú trọng dạy các em sự lễ phép. Có nhiều lúc tụi nhỏ nói hỗn ghê lắm nhưng vì thương cho hoàn cảnh của các em nên cố khuyên nhủ, phân tích để các em nhận thức và tiếp cận được cái đúng, cái đẹp.

Anh TRẦN ĐỒNG BẢO AN, Bí thư Chi đoàn KP5,
phường Tân Thuận Đông, quận 7

________________________________

Có lớp học này, dân nghèo chúng tôi đỡ nhiều lắm. Không muốn con khổ như đời cha mẹ chúng thì phải cho con học tới nơi tới chốn. Nhiều khi muốn cho con đi học thêm như bao bạn bè khác nhưng nghèo quá. Lớp học mở ra, tôi mừng lắm vì con có thể được học chữ với các thầy giáo bộ đội, không cần phải đi học thêm.

Chị NGUYỄN THỊ THOA, một phụ huynh có con đang học tại lớp học

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm