Làng nghề sư tử điêu đứng vì ế

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin (trên số báo ngày 3-1), nhiều địa phương đang lúng túng trước Công văn 2662/2014 của Bộ VH-TT&DL khuyến cáo không được sử dụng các linh vật “lạ” ở những nơi công cộng. Trong khi đó, làng điêu khắc đá lớn nhất cả nước - làng Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đang điêu đứng. Các hộ chuyên sản xuất mặt hàng này nợ nần đầm đìa; cơ sở sản xuất lân, sư tử phải giải tán vì không ai mua.

“Tai họa” trút xuống làng nghề

Anh Trần Văn Xuất (chủ cơ sở Ánh Xuất) nói: “Trước đây việc sản xuất, buôn bán các mặt hàng này hết sức bình thường. Hiện giờ các mặt hàng khác cũng bán được nhưng lân, sư tử thì chịu. Không ai mua hết. Hiện cơ sở tồn đọng tới 120 cặp lân, sư tử trị giá 20 tỉ đồng không bán được. Từ khi có công văn ấy, doanh thu của chúng tôi giảm tới 70%, 80 người thợ của chúng tôi chuyên làm lân, sư tử thì thất nghiệp. Đáng lẽ trước khi ra công văn Bộ VH-TT&DLphải đi khảo sát, đánh giá sự tác động của công văn đó đến doanh nghiệp, làng nghề như thế nào đã. Ở đây các anh không đi, không đánh giá hết tác động, lại ra công văn khiến doanh nghiệp và làng nghề khốn đốn. Chúng tôi hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà bị ảnh hưởng bởi một công văn thế này, ai sẽ bồi thường cho chúng tôi?”.

Anh Phạm Văn Dũng (thợ điêu khắc ở Non Nước) buồn rầu nói: “Trước đây cơ sở của chúng tôi nuôi 3-4 thợ điêu khắc lân, sư tử. Giờ thì phải dẹp hết, học nghề điêu khắc lân, sư tử mất 4-5 năm chứ ít đâu…”.

1. Anh Trần Văn Xuất bên một con sư tử trong số 120 cặp sư tử, lân mà cơ sở của anh tồn đọng không bán được.

Không rõ yếu tố “lạ”

Nhiều cơ sở chuyên điêu khắc sư tử, lân cho biết họ phải cầm cố nhà cửa để trả nợ. Ông Huỳnh Chín, Trưởng ban Quản lý nghề đá mỹ nghệ Non Nước, bần thần: “Làng vừa được công nhận di sản phi vật thể quốc gia nhưng giờ nghề làm lân, sư tử đình đốn vì thị trường không ai mua. Lao động điêu khắc lân, sư tử thì phải tìm việc khác làm. Kiểu ni rồi làng nghề cũng mai một thôi”.

Ông Chín cho biết ông từng tranh luận với một số cán bộ ở Bộ VH-TT&DL về sự khác nhau giữa con sư tử và lân trong điêu khắc. “Đồng ý với Bộ là nên cấm đưa các linh vật ngoại lai vào chốn tâm linh, di tích, thờ tự. Nhưng họ ưng làm con sư tử thì kệ họ chứ sao lại khuyến cáo. Mấy anh bên Bộ nói lại với mình là Trung Quốc người ta coi con sư tử cũng là con lân. Tôi nói con sư tử mà anh nói là con lân là không được. Con sư tử hoàn toàn khác con lân chứ. Con lân không có thật, nó là truyền thuyết còn con sư tử là có thật. Nhiều nước có con sư tử chứ đâu phải chỉ Trung Quốc. Do không phân biệt được đâu là lân, đâu là sư tử nên nghề điêu khắc sư tử cũng bị vạ lây, điêu đứng vì công văn” - ông Chín tâm sự.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng nghề đá Non Nước: “Công văn đó không nói rõ và phân biệt được đâu là con lân, đâu là con sư tử nên khách hàng sợ, không mua. Hiện tại có rất nhiều đơn đặt hàng làm sư tử trị giá vài chục tỉ đồng nhưng giờ phải dừng lại vì người ta ngại sau công văn khuyến cáo đó”.

2. Anh Phạm Văn Dũng, thợ điêu khắc ở Non Nước lo lắng vì lân, sư tử làm ra không ai mua.

Làng nghề sư tử điêu đứng vì ế ảnh 3

3. Một góc làng nghề điêu khắc đá Non Nước. Ảnh trong bài: LÊ PHI

Sở nói có ảnh hưởng, Bộ bảo không

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho hay công văn của Bộ không đụng đến quyền lợi của các doanh nghiệp. Bộ chỉ yêu cầu ở các di tích không được trưng bày các linh vật lạ thôi mà. Cho nên không phải vì công văn của Bộ mà gây ra chuyện này. “Chúng tôi không cấm các doanh nghiệp sản xuất, nếu có các đơn đặt hàng ở các nơi thì vẫn cứ sản xuất. Nhưng cái chính là vì ở các di tích không được trưng bày các mặt hàng này nữa thì đương nhiên các doanh nghiệp có cảm giác như vậy” - bà Liên nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, văn bản này không cấm sản xuất, không cấm kinh doanh nhưng vì văn bản này mà các làng nghề không buôn bán được. Không ai mua thì lấy chi mà bán. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ thống kê lại những tác động của chủ trương đó như thế nào, để có định hướng giúp cho họ, mở lối thoát ra cho người lao động, để họ sản xuất kinh doanh được chứ không cấm.

Để giải tỏa số sản phẩm tồn đọng phải từng bước động viên người ta tìm hướng xuất khẩu. Với các mẫu tượng lớn các chủ cơ sở sản xuất còn có thể cải tạo được sang mẫu mã linh vật của Việt Nam. Nhưng nếu nhỏ quá thì thôi coi như không thể đục đẽo gì được nữa” - ông Chiến nói.

Công văn 2662 do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên ký gửi các bộ, ban, ngành và các địa phương, đơn vị có nội dung: “Đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, không sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng. Sở VH-TT&DL các tỉnh/thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương”.

Sư tử đá tại TP.HCM cũng bị ế

Tại TP.HCM, nhiều cửa hàng bán mặt hàng sư tử đá cho biết gần đây mặt hàng này bị ế ẩm. Anh Sơn, chủ cửa hàng Tâm Kim Sơn, quận Tân Bình, lắc đầu: “Từ khi có công văn khuyến cáo của Bộ, mặt hàng này trở nên ế hẳn, thậm chí có người mua rồi đến ngỏ ý muốn trả lại, khi tôi không đồng ý thì họ muốn tui mua lại với giá rẻ. Họ mà trả lại thì tui cũng không biết xử lý như thế nào với đống tượng đó, chưa kể còn hàng đã mua về chưa bán hết được, giờ tôi cũng không biết đưa nó đi đâu, giải quyết số tượng đó như thế nào”. Gần đó, anh Vinh, chủ cửa hàng điêu khắc đá Mỹ Sơn, quận Tân Bình, cũng trong tình trạng này. Anh nói: “Thời gian gần đây, tượng sư tử đá không thể bán được. Tôi làm nghề hơn 10 năm rồi nhưng thật sự không biết phân biệt đâu là sư tử ngoại lai để biết mà không mua bán”.

Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Từ công văn khuyến cáo của Bộ, vì đây là vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh nên chúng tôi chỉ nhắc nhở, vận động, tuyên truyền để người dân hiểu vấn đề chứ không thể cưỡng ép được. Ở TP.HCM, tôi chưa nghe báo cáo có đơn vị nào trả lại tượng cả. Với số tượng mà các cửa hàng đã nhập trước đó mà có dấu hiệu ngoại lai, không phù hợp với văn hóa của nước ta, chúng tôi đang tính toán các phương án để có thể giải quyết tốt vấn đề này. Trên hết, tôi vẫn khuyến khích và mong các chủ cửa hàng có thể điều tiết việc nhập các mặt hàng này lại, không tiếp nhận thêm nữa”.

THANH TUYỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm