Kuwait-Manila căng thẳng vì ‘osin’ bị ngược đãi

Ngày 25-4, chính phủ Kuwait đã quyết định trục xuất đại sứ Philippines, ông Renato Villa, cho ông thời hạn một tuần để rời đi. Kuwait cũng đã triệu hồi đặc phái viên của nước này ở Manila để trao đổi về căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, theo hãng tin AP.

Chỉ một ngày sau, Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận thông tin Đại sứ Kuwait Musaed Saleh Ahmad Althwaikh đã rời Manila, trở về nước. “Bộ Ngoại giao đã chuyển cho Đại sứ quán Kuwait một công hàm bày tỏ sự kinh ngạc và rất không bằng lòng trước việc Đại sứ Renato Pedro Villa bị xem là “người không được chào đón” (Persona non grata); việc bốn công dân Philippines làm việc tại Đại sứ quán Philippines tiếp tục bị tạm giam; và lệnh bắt giữ nhắm vào ba nhân viên ngoại giao khác” - trang tin Philstar dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 26-4.

Căng thẳng từ cái chết của Joanna

Đây là những diễn biến leo thang căng thẳng mới nhất giữa chính quyền Manila và Kuwait trong suốt ba tháng qua. Căng thẳng xoay quanh tình trạng các gia chủ người Kuwait ngược đãi, bạo hành nghiêm trọng người giúp việc là công dân Philippines, đến mức nhiều người phải cầu cứu với đường dây nóng hoặc có ý định tự tử. Đỉnh điểm là vụ án một nữ giúp việc người Philippines là Joanna Demafelis, 29 tuổi, bị gia đình chủ tra tấn và giết hại tại Kuwait. Thi thể của Joanna được cảnh sát phát hiện đông cứng trong căn hộ của chủ sau hơn một năm mất tích. Bị tòa án Kuwait tuyên mức án tử hình vào đầu tháng này, hai hung thủ là Nader Essam Assaf và người vợ là Mona đều đang được giam giữ lần lượt tại Lebanon và Syria chứ không được đưa về Kuwait để thi hành án.

Cái chết của Joanna đã khiến người dân Philippines vô cùng phẫn nộ. Hiện có hơn 250.000 người lao động Philippines làm việc tại Kuwait, trong đó phần lớn là người giúp việc nhà. Theo khẳng định của Tổng thống Rodrigo Duterte vào tháng 2, đã có ít nhất 120 trường hợp người lao động Philippines tử vong tại Kuwait chỉ riêng trong năm 2017.

Cũng như nhiều quốc gia vùng Vịnh, Kuwait nhiều năm qua đã bị chỉ trích gay gắt vì hệ thống “kafala” đối với lao động nước ngoài. Nhiều tổ chức nhân quyền xem mô hình này là một dạng cưỡng ép lao động hay thậm chí là gần với mô hình nô lệ, theo hãng tin AFP. Hệ thống “kafala” buộc người lao động phải được sự chấp thuận của chủ lao động thì mới được phép chuyển sang một công việc khác trước hạn hợp đồng. Hệ thống này còn cho phép chủ sử dụng lao động giữ hộ chiếu và kiểm soát toàn bộ thời gian lưu trú của họ, theo Reuters. Các tổ chức nhân quyền xem đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngược đãi lao động nước ngoài tại Kuwait và nhiều nước vùng Vịnh.

Jessica, chị của Joanna Demafelis, khóc ngất trước quan tài của em gái ngay giữa sân bay Manila. Ảnh chụp ngày 16-2-2018. Ảnh: AFP

Các OFW tại Philippines không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh. Ảnh: REUTERS

Chiến dịch giải cứu công dân

Chính phủ Manila đã phải đưa ra lệnh cấm công dân nước này tới quốc gia vùng Vịnh làm việc. Tổng thống Duterte cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động giúp những người lao động muốn trở về nước hồi hương, kể cả những người đã đánh mất các loại giấy tờ tùy thân. “Tôi sẵn sàng bán linh hồn mình để có đủ tiền giúp đưa các bạn trở về với cuộc sống yên bình tại quê nhà” - ông Duterte từng tuyên bố, đồng thời chỉ thị Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động Philippines lên kế hoạch đưa 10.000 người lao động nước này đã quá hạn visa tại Kuwait bay miễn phí về nước.

Hồi đầu tháng 4, Đại sứ Renato Pedro Villa cho biết các hoạt động được tổ chức trong thời gian qua đã đưa được 4.000 người Philippines ở Kuwait về nước. “Chúng tôi đang đàm phán với chính phủ Kuwait nhằm cho phép đưa 6.000 người Philippines không có các giấy tờ cần thiết trở về quê hương” - ông Villa khi đó cho biết. Không dừng lại ở hoạt động đưa người lao động hồi hương miễn phí, Đại sứ quán Philippines tại Kuwait còn tiến hành nhiều “phi vụ” giải thoát những người giúp việc Philippines liên hệ cầu cứu vì bị ngược đãi.

Ngày 19-4, một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines đã đăng tải hai đoạn video lên mạng xã hội cho thấy hình ảnh một nữ lao động Philippines được đón lên xe rời khỏi nhà gia chủ. Cơ quan này cho biết đã giải cứu 26 người lao động Philippines bằng cách này sau khi nhận được lời kêu cứu của họ thông qua đường dây nóng kể từ ngày 7-4. Philippines tuyên bố nước này sẽ tăng cường đường dây nóng 24/7 đối với người lao động làm việc ở Kuwait, tìm thêm nơi trú ngụ cho họ và đẩy mạnh hợp tác với cảnh sát địa phương, theo Rappler. Ông Villa cũng khẳng định đại sứ quán sẵn sàng tự xúc tiến giúp đỡ công dân Philippines nếu cảnh sát địa phương không phản hồi thông tin cầu cứu trong vòng 24 tiếng đồng hồ vì đây là vấn đề sống còn. Tuyên bố đầy thách thức của ông Villa cũng chính là nguyên nhân Bộ Ngoại giao Kuwait nổi giận và yêu cầu trục xuất đại sứ Philippines.

Con dao hai lưỡi

Những căng thẳng ngoại giao với Kuwait, cũng như tình trạng lao động Philippines bị ngược đãi đã phần nào phản ánh những rủi ro trong chính sách xuất khẩu lao động đại trà của Manila. Xuất phát từ tình trạng thiếu việc làm trầm trọng trong nước và nhu cầu cần công nhân của các nước xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh những năm 1960-1980, Tổng thống Ferdinand Marcos đã xác định tăng thêm thu nhập quốc gia bằng xuất khẩu lao động sang các nước Trung Đông. Chính sách này được duy trì và phát triển đến tận bây giờ.

Lao động Philippines được đánh giá nói tiếng Anh tốt, kỷ luật, cởi mở và lễ phép. Từ nhiều chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu, các lao động được đào tạo từ Cơ quan dạy nghề/cấp phép dạy nghề của chính phủ (TESDA) còn được phổ biến về văn hóa hoặc được dạy những câu bản ngữ căn bản. Do đó, các lao động có chứng chỉ của TESDA được đánh giá rất cao.

Theo đài truyền hình CNN, tính đến năm 2016, có hơn 2,2 triệu người Philippines đang lao động tại nước ngoài. Hơn 56% số này đổ đến các quốc gia vùng Vịnh như Kuwait, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Thậm chí người lao động Philippines tại nước ngoài còn có một cụm từ viết tắt dành riêng cho mình là OFW và được sử dụng phổ biến trong xã hội. Tại các cổng xuất nhập cảnh ở Philippines còn có cả cửa riêng dành cho các OFW. Theo hãng tin BBC, lao động Philippines tại nước ngoài mỗi tháng gửi về nước gần 2 tỉ USD. Chính sách xuất khẩu lao động trở thành một trong những thành tố kinh tế quan trọng đối với Philippines.

Tuy nhiên, chính sách này cũng đang dần trở thành một con dao hai lưỡi đối với sự phát triển bền vững của Philippines. Xuất khẩu lao động ảnh hưởng không nhỏ đến nội lực và phát triển kinh tế bền vững của Philippines, dẫn đến nền kinh tế nội địa thiếu lao động có tay nghề. Tâm lý ỷ lại vào lao động nước ngoài cũng khiến nhiều gia đình mất động lực tìm kiếm việc làm hay cải thiện tay nghề bản thân. Từ trường hợp cái chết của Joanna và những rắc rối tại Kuwait, có thể thấy lượng người lao động khổng lồ tại nước ngoài đang đặt ra hàng loạt bài toán khó đối với năng lực bảo vệ công dân của các cơ quan chính phủ Philippines. Rủi ro càng tăng khi lao động Philippines đổ đến những nước vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách bảo vệ lao động nước ngoài.

Theo đài truyền hình CNN, vấn đề người giúp việc là lao động nước ngoài bị chủ ngược đãi đang ngày một phổ biến tại Trung Đông và thậm chí là tại Đông Á. Vào năm 2017, Tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW) đã lên án Qatar không đảm bảo an toàn cho lao động nước ngoài xây dựng các sân vận động phục vụ World Cup 2022 khiến phần lớn phải sống và làm việc trong tình trạng tính mạng bị đe dọa.

Một khảo sát tại Singapore vào tháng 12-2017 cho thấy phần lớn người giúp việc là lao động nước ngoài cũng bị cưỡng bức lao động hoặc bị ngược đãi. Tình trạng này cũng đang được phản ánh bởi báo chí tại Hong Kong, theo tờ South China Morning Post. Một khảo sát năm 2016 tại Hong Kong cho thấy có hàng ngàn người giúp việc là lao động nước ngoài bị ngược đãi và phân biệt đối xử, theo CNN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm