Kho báu núi Tàu (Kỳ cuối): Tấm bản đồ ba thế hệ

Biết mình bị lừa, ông Hiền viết đơn tố cáo nhưng cho đến bây giờ tung tích của hai người này vẫn là một dấu chấm hỏi.

Niềm tin không suy suyển

Tính ra, ông Hiền đã bị lừa cả trăm triệu đồng từ tiền đi lại ăn ở, hóa chất v.v…cộng thêm quá trình tìm kiếm quá lâu vẫn không có kết quả. Thế nhưng, cả ông Tiệp và ông Hiền vẫn một mực tin rằng “kho báu” đang hiện hữu đâu đó trên đỉnh núi Tàu.

Với ý thức của những người từng vào sinh ra tử để giành độc lập tự do, việc săn lùng kho báu đối với họ đã trở thành một đức tin để tài sản không lọt vào tay kẻ xấu, bảo vệ nguyên vẹn cho đất nước. Ông Tiệp từng ngỏ ý nếu tìm được kho báu, ông sẽ xin xây một khu nhà trên đỉnh núi Tàu để cán bộ hưu trí, thương bệnh binh nghỉ mát, điều dưỡng. Tiếc thay, dự định tốt đẹp ấy đến nay vẫn chưa thành.

Cụ Trần Văn Tiệp và bác sĩ Quýnh, người cùng đồng hành với ông Tiệp và hiện nay cũng rất tin kho báu núi Tàu là có thật

Đáng nói là có nhiều người khác cũng có niềm tin về kho tàng ấy. Như chủ xưởng gỗ tại Căn cứ 5 trước đây là ông Năm Thuận. Có tin rằng chính ông Thuận là người thông ngôn cho một số tướng tá của quân đội Nhật  cùng các quan chức người Việt về địa điểm chôn giấu kho báu vào thời điểm quân Nhật sắp bị giải giới. Đó cũng là niềm tin của bà Vũ Thị Thanh Xuân, vợ bé của Tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy Lê Văn Bường đã sang Pháp  định cư từ năm 1987, và ông Huỳnh Xuân Há, nguyên cán bộ Phòng Công nghiệp tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận hiện nay) cũng đồng tình quan điểm này. Chính ông Há cũng từng “lên xuống” núi Tàu nhiều lần vì kho báu.

Tấm bản đồ ba thế hệ

Giữa lúc Kho báu Yamashita đã chìm trong tuyệt vọng thì có một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi xuất hiện trên núi Tàu. Anh ta xưng tên T.V.A ngụ thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) dưới chân núi Tàu và đang giữ bản đồ kho báu.

Theo lời kể thì cha ruột của anh ta chính là viên Trung đội trưởng lính Bảo An đã từng nhận lệnh dẫn trung đội của mình bảo vệ cho nhóm chuyên gia Mỹ đổ bộ bằng trực thăng xuống núi Tàu vào năm 1971. Đặc biệt là ông nội anh là công nhân gác ghi của đề-pô xe lửa Vĩnh Hảo đã phát hiện ra ánh đèn sáng rực suốt 18 đêm trên đỉnh núi Tàu vào năm 1943.

Người gác ghi đã bí mật theo dõi và ghi nhớ. Sau đó ông nội và cha đã dẫn anh A. lên đỉnh núi Tàu, hai người đã cùng vẽ lại tấm bản đồ vị trí kho báu. Thật kỳ lạ là tấm bản đồ này gần như trùng khớp với vị trí khai thác chính và những tài liệu mà ông Tiệp có được. Đối với ông Tiệp, điều này càng khẳng định hơn nữa Kho báu Yamashita là có thật.

Một số ký tự được cho là để đánh dấu trên bản đồ kho báu Yamashita

Tuy nhiên khi anh A. ra điều kiện được hưởng cổ phần trong kho báu thì ông Tiệp kiên quyết từ chối. Đến nay anh A. vẫn còn giận vì cho rằng vị trí ông Tiệp đào là đúng nhưng “cửa hầm” sai hoàn toàn, nếu không căn cứ vào tấm bản đồ ba thế hệ của anh ta!

Huyền thoại về Kho báu Yamashita tại núi Tàu xem như đã khép lại với những thất bại mà ông Tiệp phải gánh.

Và …. những kho báu khác 

Thế nhưng ít ai biết từ 1990-1993, ông Tiệp còn thất bại thêm một lần nữa khi săn lùng “kho báu Ioshida” tại Bình Giã, Vũng Tàu.

Có tin cho rằng Ioshida là một đại tá và là sĩ quan thân cận của tướng Yamashita. Sau khi chôn giấu “kho báu” ở Bình Giả, quân đội Nhật bị giải giới và Ioshida phải về nước.

Năm 1971, Ioshida bất ngờ quay lại Việt Nam và đến Vũng Tàu trong vai một nhà sư. Thế là bằng mọi giá, ông Tiệp tiếp cận được Ioshida và nắm một số bí mật về “kho báu” này được chôn dưới nền một căn nhà rất lớn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, qua hàng lọat thủ tục, ông Tiệp mới được cấp phép cho thăm dò, khai thác “kho báu Ioshida” tại Bình Giã.

 Ròng rã ba năm đổ hàng núi của cải vào “kho báu” này nhưng vẫn cuốc lấy thảm bại.

Đối với ông Tiệp, hai “kho báu” trên vẫn chưa phải là chấm hết. Do không còn sức khỏe và con cháu muốn ông vui hưởng tuổi già nên ông đành dừng bước.

Theo nhiều tài liệu, khi quân đội Nhật đang chiếm đóng Việt Nam biết mình sắp thua trận, họ đã bí mật đưa toàn bộ số của cải khổng lồ vơ vét, cướp bóc được ở Việt Nam đến Căn cứ 6 (thuộc thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận ngày nay) chôn giấu vào một khu rừng già giáp với Suối Kiết (Tánh Linh).

Một Tộc trưởng người dân tộc Rắc Lây đã biết được điều này và đã được “ngài cố vấn’ Ngô Đình Nhu mời vào Dinh Độc lập yết kiến. Sau cuộc gặp gỡ, người Tộc trưởng chết đột ngột còn Ngô Đình Nhu được Tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bườn tháp tùng, chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh, trang bị tận răng quần nát  vùng đất này

                           

 Việc thăm dò, đào bới nhiều năm liền đã tiêu tốn hàng tỉ đồng

Kho báu Yamashita”, “kho báu Ioshida” và “kho báu Căn cứ 6” cho đến nay vẫn là những huyền thọai. Dù sao, những người săn tìm kho báu ở Việt Nam vẫn còn được an toàn. Trong khi đó, tại Philippines, một người đã chết và ba người khác bị thương vì bị sụp hầm khi tìm kiếm “kho báu Yamashita’ tại đảo Mactan vào năm 2003.

Trước đó cựu chỉ huy lực lượng Mũ nồi xanh của Mỹ, Charles McDougan đã đưa hàng loạt nhân công đến Fort Santiago, nơi từng là nhà tù dưới thời Nhật chiếm đóng Philippines để săn tìm kho báu. Hai người đã thiệt mạng ở đây.

Vì ảo vọng, họ bất chấp tất cả để tìm kiếm. Chừng nào chưa tìm ra, chừng đó họ vẫn tin rằng niềm tin ấy vào kho báu là có căn cứ và hành động này là thực sự cần thiết. Bao nhiêu tiền của, công sức và hi vọng đã đổ ra, đến nay đem về vẫn chỉ là con số 0. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm