Khi những lãnh tụ trở về với đất mẹ

Từng sống một cuộc đời hào hùng đầy vinh hiển nhưng nơi an nghỉ của nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lịch sử thế giới thường vô cùng giản dị.

Sống đời hào hùng, nằm xuống bình dị

Ông Olof Palmer là lãnh tụ đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển 17 năm liền, từ năm 1969 đến khi ông qua đời (1986). Hai lần làm thủ tướng Thụy Điển, ông là một trong những người Thụy Điển nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, người gây ấn tượng mạnh mẽ về các chính sách an sinh xã hội cho đất nước mình và trợ giúp các nước đang phát triển.

Hoạt động của ông từng gây khủng hoảng ngoại giao giữa Thụy Điển với Mỹ khi xuống đường chống cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ với Việt Nam. Ngày 21-2-1968, Palmer lúc đó là bộ trưởng Bộ Giáo dục đã tham gia một cuộc tuần hành phản đối Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam ở Stockholm cùng với đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Liên Xô Nguyễn Thọ Chân. Cuộc biểu tình do Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam tổ chức, cả Palmer và ông Chân đều được mời phát biểu ý kiến. Do việc này, Mỹ đã triệu hồi đại sứ của mình ở Thụy Điển về, còn ông Palmer bị phe đối lập chỉ trích dữ dội về việc tham gia cuộc tuần hành đó.

Thụy Điển dưới thời ông từng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, trong đó có Nhà máy giấy Bãi Bằng, BV Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thụy Điển Uông Bí. Ông bị ám sát năm 1986 khi đang là thủ tướng. Đêm đó ông cùng vợ đi bộ về sau một buổi xem kịch. Thủ phạm được cho là một tay nghiện ma túy. Mộ Olof Palmer cũng như mọi ngôi mộ khác trong khuôn viên nhà thờ Adolf Fredick, Stockholm. Bia mộ là một tảng đá khắc chữ ký của ông, không một dòng chức danh, công trạng. Nhưng hoa tươi chưa bao giờ thiếu vắng trên mộ ông, ngay cả trong những ngày Bắc Âu buốt giá.

Tro cốt của Fidel Castro được đặt vào bên trong tảng đá giữa Nghĩa trang Santa Ifigenia, ngoại ô TP Santiago de Cuba, cái nôi của cách mạng Cuba. Ảnh: CUBA DEBATE

Điểm khác biệt duy nhất...

Ở bờ bên kia Đại Tây Dương, một trong những tổng thống nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ cũng được an nghỉ một cách giản đơn tại nghĩa trang quân đội Arlington. Người đó chính là J.F. Kennedy với câu nói nổi tiếng đã đi vào tâm thức của không chỉ người Mỹ mà còn phản ánh tinh thần cống hiến cho tổ quốc đối với người trẻ tại nhiều nước: “Hỡi những người bạn Mỹ của tôi. Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc”. Câu hỏi đau đáu này được ông Kennedy nêu lên trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 20-1-1961, giữa lúc xã hội Mỹ đang khủng hoảng sâu sắc với vấn đề phân biệt sắc tộc, giữa lúc những thanh thiếu niên Mỹ đang chênh vênh giữa những giá trị cũ và mới. Nước Mỹ khi đó đang đứng trước giai đoạn căng thẳng cao trào của Chiến tranh lạnh, của bóng ma chiến tranh hạt nhân và người dân Mỹ đang đòi hỏi Washington chấm dứt sa lầy vào chiến tranh Việt Nam.

Lập “kỷ lục” là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ thời điểm đó, lại là người theo Công giáo La Mã (Kitô giáo) đầu tiên trở thành “chủ nhân” của Nhà Trắng, J.F. Kennedy trở thành một biểu tượng để người dân Mỹ hy vọng chấm dứt những chia rẽ và khủng hoảng của xã hội.

Khi ông bị ám sát ngày 22-11-1963, vụ việc đã được ví von như một nhát dao đâm vào trái tim người Mỹ. Thi thể của ông được an táng giản đơn tại một sườn đồi khu nghĩa trang Arlington dành cho những quân nhân Mỹ, cũng chỉ với dòng chữ “John Fitzgerald Kennedy 1917-1963”. Điểm khác biệt duy nhất của ngôi mộ so với những bia tưởng niệm quân nhân Mỹ có lẽ chính là “Ngọn lửa vĩnh cửu” đặt trước khu mộ, được thiết kế bởi kiến trúc sư John Carl Warnecke, một người bạn lâu năm của Kennedy. Có một vài ghi chép lịch sử cho rằng chính vị cố tổng thống đã trong một lần viếng thăm Arlington vào tháng 3-1963, chỉ bảy tháng trước khi ông bị ám sát, đã chọn khu sườn đồi làm nơi an nghỉ cho ông sau này.

Thi hài cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos được chuyển đến Nghĩa trang Libingan ng mga Bayani vào tháng 11-2016. Ảnh: CNN

Nghĩa trang của những anh hùng

Nằm tại TP Taguig thuộc vùng đô thị Manila, Nghĩa trang Libingan ng mga Bayani (Nghĩa trang của những anh hùng) với diện tích 103 ha, là nơi an nghỉ của hơn 49.000 quân nhân, chính khách và các anh hùng của người dân Philippines.

Libingan ng mga Bayani được chính phủ Philippines xây dựng vào năm 1947 với cái tên ban đầu là “Nghĩa trang tưởng niệm cộng hòa”. Mục đích xây dựng là để tưởng nhớ các binh sĩ Philippines hy sinh trong Thế chiến thứ hai. Một điều luật được ký bởi cựu Tổng thống Elpidio Quirino vào thời điểm đó cũng nói rõ nghĩa trang này sẽ được dùng làm nơi an nghỉ cho các tổng thống, các anh hùng dân tộc và các nhà yêu nước. Số tiền ban đầu được thông qua để xây dựng nghĩa trang là 1 triệu peso. Năm 1954, cựu Tổng thống Ramon Magsaysay đã chính thức đổi tên nghĩa trang trang trọng bậc nhất của Philippines thành Libingan ng mga Bayani.

“Mộ binh sĩ vô danh”, một trong những công trình chính của khu nghĩa trang, đã được dựng lên ở trung tâm nghĩa trang. Bên trên công trình này là dòng chữ: “An nghỉ tại đây là một binh sĩ Philippines với tên tuổi mà chỉ Chúa biết”. Công trình tưởng niệm này nổi bật với ba thanh cột mang ý nghĩa đại diện cho ba nhóm đảo chính của Philippines. Đây là nơi các quan chức chính phủ Philippines thường tiến hành nghi thức đặt vòng hoa tưởng niệm.

Việc quyết định ai sẽ là người được chôn cất ở nghĩa trang này là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong những năm qua. Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) giữ vai trò quản lý và giám sát nghĩa trang cũng đã ra các chỉ dẫn cụ thể nêu rõ những ai sẽ được chôn cất tại nơi đây. Những đời tổng thống Philippines, các bộ trưởng Quốc phòng và những tổng tham mưu trưởng AFP sau khi qua đời sẽ được đưa về Libingan ng mga Bayani để an nghỉ. Đây cũng là nơi chôn cất những quân nhân từng được trao huy chương cao quý nhất của quân đội Philippines.

Tháng 8-2016, trong một quyết định gây tranh cãi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đồng ý đưa thi hài của nhà độc tài Ferdinand Marcos, cựu tổng thống Phillippines từ năm 1965 tới 1986, vào an táng ở Nghĩa trang của những anh hùng dân tộc thể theo ước nguyện của người dân phía Bắc đất nước.

Nằm xuống cùng những người đồng chí

Nếu TP Villa Clara ở miền Trung Cuba gắn liền với tên tuổi của người du kích anh hùng Argentina Che Guevara thì Santiago de Cuba lại được coi là TP ghi dấu ấn của cố lãnh tụ cách mạng Fidel Castro. Bài phát biểu đầu tiên của lãnh tụ Fidel Castro sau khi cách mạng thắng lợi được phát ra từ ban công của Tòa thị chính Santiago de Cuba, nằm cạnh Công viên Cespedes ở trung tâm TP. Nghĩa trang Santa Ifigenia ở ngoại ô Santiago de Cuba, TP có gần nửa triệu dân, cũng chính là nơi an nghỉ của vị lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba.

Tại nghĩa trang này được đặt một tảng đá lớn mang về từ dãy núi Sierra Maestra, nơi lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo phong trào du kích lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista năm 1959. Bên trong tảng đá chính là chiếc hộp đựng tro cốt của người đã lãnh đạo cách mạng Cuba đi đến thắng lợi.

Lễ an táng nhà lãnh đạo kiệt xuất của cuộc Cách mạng Cuba vào tháng 12-2016 cũng được tổ chức vô cùng giản dị tại Santiago de Cuba, chỉ với sự tham gia của những thành viên trong gia đình và đài truyền hình quốc gia Cuba phải 13 tiếng đồng hồ sau mới đưa tin. Nơi an nghỉ của ông cũng được đặt gần đài tưởng niệm những người đồng chí của ông, những chiến sĩ đã tham gia trận công đồn Moncada những ngày đầu của cách mạng Cuba. Theo tờ Cuba Debate, có khoảng 2.000 lượt người tới thăm viếng ngôi mộ của vị lãnh tụ đáng kính mỗi ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm