Khẩn thiết yêu cầu khai tử các ‘thiên đường trốn thuế’

Vào ngày 9-5, các dữ liệu tiếp theo của hồ sơ Panama đã được công bố. Đáng chú ý, với 61.000 tài liệu liên quan đến New Zealand, đất nước này đang bị cáo buộc là một “thiên đường trốn thuế” khác trong giới tài chính. Theo đó, các chủ tài khoản là giới nhà giàu Mỹ Latin đã sử dụng các tổ chức, quỹ và các công ty tài chính New Zealand để luân chuyển vốn trên toàn cầu.

“Thiên đường trốn thuế” New Zealand

Trung tâm của các tổ chức này là Bentleys New Zealand, văn phòng đại diện của Mossack Fonseca, do Roger Thompson - cựu nhân viên Sở Thuế vụ New Zealand (IRD) sáng lập. Nhiều luật sư sẽ đóng vai trò giám đốc, thư ký, thủ quỹ cho các cá nhân, tổ chức để thành lập các quỹ tài chính ở hải ngoại, chủ yếu tại Đảo Virgin thuộc Anh. Không chỉ bảo mật về danh tính, theo luật New Zealand hiện hành, các công ty này sẽ không phải đóng thuế.

Tuy nhiên, đây không phải là điều gây ngạc nhiên. Bởi lẽ ngay từ khi hồ sơ Panama được công bố, các hãng luật của New Zealand có liên kết với Mossack Fonseca đã bị nghi ngờ. Theo điều tra của Radio New Zealand, One News và nhà báo điều tra Nicky Hager, một thư điện tử trong hồ sơ vào năm 2014 cho thấy có bốn hãng luật đã gặp gỡ Todd McClay, người sau này trở thành bộ trưởng Tài chính New Zealand. Các hãng luật lo sợ rằng chính phủ New Zealand sẽ “dỡ bỏ” nền công nghiệp quỹ tài chính nước ngoài vốn có nhiều “đóng góp” cho nền kinh tế New Zealand. Theo dữ liệu được hồ sơ Panama công bố, 3/4 hãng luật tham gia buổi gặp mặt đều có liên hệ mật thiết với Mossack Fonseca. Trong đó tích cực nhất là hãng luật Cone Marshall, được đề cập 357 lần trong hồ sơ. Ba hãng luật còn lại bao gồm Anchor Trustees, John W. Hart và Asiaciti Trust.

Cùng với những tài liệu được công bố, Thủ tướng New Zealand John Key ngày càng gặp nhiều áp lực vì những liên hệ gián tiếp của ông với Mossack Fonseca. Cụ thể, Ken Whitney - cố vấn tài chính cá nhân của John Key có liên hệ với Mossack Fonseca qua hai công ty ở Đảo Virgin thuộc Anh. Hơn thế, ông Whitney còn là người chứng thực cho Cone Marshall vào năm 2009. Những mối liên hệ này đã đặt nhiều áp lực và chỉ trích lên ông Key. Mặc dù vị thủ tướng này luôn phản bác cáo buộc về “thiên trốn đường thuế”, ông vẫn sẵn sàng thay đổi điều luật về các quỹ đầu tư nước ngoài: “Nếu cần bất kỳ thay đổi gì trong lĩnh vực này, chính phủ sẽ cân nhắc và nếu cần thiết sẽ hành động”.

Thủ tướng David Cameron (giữa) và chính phủ Anh sắp chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về tham nhũng hải ngoại tại London vào ngày 12-5. Ảnh: GETTY

Công khai truy cập toàn cầu

Không chỉ riêng ở New Zealand, truyền thông trên khắp thế giới đang nóng dần lên với đợt cập nhật mới nhất của hồ sơ Panama. Bởi lẽ giờ đây, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể truy cập/tìm kiếm thông tin từ hồ sơ này. Theo đó, nguồn dữ liệu truy cập được bao gồm 214.000 chủ thể trong 40 năm, kể từ năm 1977 đến cuối năm 2015.

Đối với các dữ liệu này, hồ sơ sẽ cung cấp tên thật của chủ tài khoản thường bị giấu đi của các công ty, quỹ, tổ chức tài chính nước ngoài. Bên cạnh đó, nguồn cơ sở dữ liệu cũng cung cấp thông tin của các trung gian giữa chủ sở hữu và Mossack Fonseca như các ngân hàng và các công ty luật. Hồ sơ cũng cho thấy địa chỉ đăng ký của các công ty, mối liên kết giữa các chủ thể, chủ sở hữu, trung gian. Ngoài ra, người dùng còn có thể lọc thông tin theo quốc gia hay quyền tài phán (tức những nơi có thể thành lập công ty tránh thuế). Hơn thế, cơ sở dữ liệu này cũng bao gồm 100.000 chủ thể, thuộc vào một vụ rò rỉ đã được Hiệp hội Các nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố vào năm 2013.

Dù vậy các thông tin có thể tiếp cận mới chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ hồ sơ bao gồm 11 triệu tài liệu này. Thông tin không bao gồm địa chỉ thư điện tử, các giao dịch tài chính, cũng như các dữ liệu thô khác đã tạo nên sự “nghiêm trọng” của hồ sơ Panama. Cũng không phải tất cả chủ sở hữu tài khoản được truy xuất công cộng, bởi lẽ một số thông tin liên kết trực tiếp với thư điện tử của Mossack Fonseca và các tài liệu nội bộ nên không thể trích xuất theo hệ thống. ICIJ cho biết việc công khai một phần hồ sơ là vì lợi ích chung. Các cá nhân tiết lộ những thông tin ban đầu cho nhà báo cũng tuyên bố lý do hành động của họ là nhằm chống lại sự bất công và bất bình đẳng khi nhiều công ty được lập nên để phục vụ cho việc trốn thuế.

Kể từ khi hồ sơ Panama được công khai cho đến nay, đã có nhiều nhân vật nổi tiếng, chính trị gia gặp phải những cáo buộc, điều tra về thuế. Điển hình, sau khi bị đề cập tên tuổi trong hồ sơ Panama, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức.

Thủ tướng New Zealand John Key (trái) đang đối mặt nhiều áp lực sau khi hồ sơ Panama được cập nhật. Ảnh: POOL

Khai tử các “thiên đường trốn thuế”

Hơn 300 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đều đồng loạt lên tiếng khẩn thiết yêu cầu các chính phủ nhanh chóng khai tử những “thiên đường trốn thuế”. Theo trang mạng của tổ chức chống đói nghèo Oxfam, các chuyên gia kinh tế từ hơn 30 quốc gia đã cùng ký tên vào một lá thư cảnh báo những lãnh đạo thế giới rằng việc tiếp tục cho các “thiên đường trốn thuế” tồn tại sẽ không đem lại lợi ích kinh tế nào. Lá thư yêu cầu chính phủ các nước nhanh chóng chấm dứt chính sách đảm bảo bí mật tài chính hải ngoại. Lá thư được công bố ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh về tham nhũng hải ngoại tổ chức tại London vào ngày 12-5. Dự kiến hội nghị sẽ có sự tham dự của các chính trị gia từ hơn 40 quốc gia, cùng đại diện của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong các chuyên gia tham gia ký tên vào lá thư có những cái tên nổi tiếng như: Thomas Piketty - tác giá cuốn sách Tư bản trong thế kỷ hai mốt; Angus Deaton - người đoạt giải Nobel Kinh tế học năm 2015; và Jeff Sachs - cố vấn kinh tế hàng đầu cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của IMF - ông Olivier Blanchard. Lời kêu gọi này đã thu hút sự ủng hộ của các chuyên gia kinh tế từ những trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard (Mỹ), Oxford (Anh), Sorbonne (Pháp) và từ các quốc gia trải rộng trên nhiều châu lục như Phần Lan và Cameroon. Tất cả chuyên gia này đều đồng lòng cho rằng các “thiên đường trốn thuế” hiện đang làm suy yếu khả năng thu thuế của quốc gia, trong đó những nước nghèo là nạn nhân trầm trọng nhất của hệ thống tài chính ngầm này. “Các lãnh thổ cho phép cất giấu tài sản bằng công ty hải ngoại hoặc khuyến khích giấu lợi nhuận bằng các công ty ma đều đang làm méo mó sự vận động của nền kinh tế toàn cầu” - bức thư được tổ chức Oxfam đăng tải nêu rõ.

Các chuyên gia kinh tế kêu gọi những tổ chức tài chính và chính phủ các nước thống nhất xây dựng những điều luật quốc tế buộc các công ty phải báo cáo công khai về những hành vi nằm trong diện đóng thuế tại bất kỳ quốc gia nào mà họ hoạt động. Đồng thời, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều cần phải công khai thông tin về những chủ nhân thật sự của các công ty và quỹ tài chính ở nước họ. Nếu điều này được hiện thực hóa, hệ thống những “thiên đường trốn thuế” trên thế giới sẽ chính thức bị khai tử.

Chuyên gia kinh tế Jeff Sachs nhận định: “Các “thiên đường thuế” không phải tự dưng xuất hiện. Đảo Virgin của Anh không tự dưng biến mình thành một nơi có chính sách thuế lỏng lẻo và giữ bí mật thông tin tài chính. Những thiên đường này là sự lựa chọn có chủ đích của chính phủ các nước lớn như Anh và Mỹ với sự hợp tác của các tổ chức tài chính, kiểm toán và pháp lý lớn tham gia vào quá trình lưu chuyển dòng tiền toàn cầu”. Ông khẳng định rằng “hệ thống lạm dụng mang tính toàn cầu này cần phải được nhanh chóng chấm dứt”. Hơn một nửa các công ty được tạo ra bởi hãng luật Mossack Fonseca (Panama) đều có mối liên hệ với các lãnh thổ hải ngoại của Anh, đặc biệt là Đảo Virgin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm