IS dọa sẽ còn khủng bố Paris

Bảy địa điểm nổ liên hoàn, 158 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố hôm 13-11 không chỉ khiến Paris chấn động mà châu Âu cũng bàng hoàng.

IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm

Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công và đưa ra cảnh báo thêm rằng: “Nước Pháp vẫn sẽ đứng đầu trong danh sách các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo”.

Cả bảy tên khủng bố tấn công đều đã thiệt mạng. Sáu tên đánh bom liều chết và một tên bị cảnh sát bắn.

Các quan chức cho biết ba trong số bảy tên đánh bom là người Pháp và hai trong số ba tên này hiện sống ở Bỉ.

Bảy nghi can đã bị bắt giữ tại Bỉ do liên quan đến vụ thảm sát.

Ba người đàn ông đã bị bắt giữ tại biên giới Bỉ.

Mới chỉ có một tên tấn công được biết tên là Omar Ismaïl Mostefai. Anh trai, cha và em dâu của Mostefai đang bị cảnh sát Pháp thẩm vấn. Mostefai 29 tuổi là người gốc Algeria, tới từ Courcouronnes, một thị trấn ở Essonnes, phía nam Paris. Hắn đã được xác định bởi ngón tay được tìm thấy trong  đống đổ nát tại Nhà hát Bataclan - nơi hắn và hai tay súng khác đã đánh bom liều chết.

Một cuốn hộ chiếu đã được tìm thấy ở gần hiện trường của một vụ đánh bom thuộc về người đàn ông tên là Ahmed Almohamed Syria, 25 tuổi, bị coi là nghi phạm trong vụ tấn công.

Cảnh sát hiện vẫn đang truy tìm kẻ thứ tám liên quan đến vụ tấn công đêm thứ Sáu. Theo nguồn tin từ cảnh sát, một công dân Pháp đã thuê chiếc Volkswagen Polo được nhìn thấy ở bên ngoài nhà hát Bataclan - nơi 89 người đã tử vong và hắn không nằm trong số bảy kẻ tấn công đã thiệt mạng cũng như những người bị bắt giữ tại Bỉ.

Tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố. Ảnh: cdn.timesofisrael

Nguy cơ khủng bố vẫn còn

Magnus Ranstorp - một chuyên gia về khủng bố trả lời tờ The Local rằng IS đã tấn công nước Pháp do “người Pháp đã thử nghiệm sức mạnh quân sự của họ. Đã có những cuộc đàm thoại cứng rắn, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 1-2015 vào trụ sở tòa báo Charlie Hebdo”.

Ông giải thích rằng có gần 2.000 người Pháp đang chiến đấu chống lại IS. Đã có tới 17 cuộc tấn công được công khai hoặc bí mật diễn ra tại Pháp, kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu ở Syria.

Ranstorp nhận định: “Vấn đề đang ngày càng leo thang. Và người Pháp phải lo lắng hơn bất cứ đất nước nào về cả hai mặt trận - Bắc Phi và IS. Tại sao họ lại tấn công Paris? IS đã bị mất lãnh thổ bên trong Syria và bị thiệt hại ở một mức độ nào đó tại Iraq. Vì thế chúng sẽ tiến hành các cuộc tấn công sau những mất mát này. Và không chỉ một lần, nó sẽ còn tiếp tục, trong một khoảng thời gian”.

Cảnh sát Pháp tăng cường tuần tra. Ảnh: Stuff.co.nz

Quân cờ đen IS “chống lưng” khủng bố

Theo Will McCants, một chuyên gia về thánh chiến và là tác giả của cuốn sách The ISIS Apocalypse, sự phối hợp cẩn thận, cần thiết để thực hiện các cuộc tấn công đồng thời ở một thành phố lớn với hệ thống chống khủng bố rất phát triển cho thấy rằng ít nhất một vài người trong những kẻ tấn công đã có kinh nghiệm và được đào tạo.

Những kẻ tấn công đã đồng thời kích nổ một kẻ đánh bom liều chết, xả súng vào một nhà hàng và quán cà phê ở trung tâm thành phố và bắt giữ hàng trăm con tin tại một câu lạc bộ trong một buổi biểu diễn của một ban nhạc rock.

Daveed Gartenstein-Ross, nhà phân tích và chống khủng bố cấp cao của Quỹ Quốc phòng dân chủ, đồng ý với đánh giá này.

Người dân thẫn thờ tại hiện trường vụ khủng bố. Ảnh: STRATFOR

Các nước sát lại gần nhau

Fred Burton, Phó Chủ tịch phụ trách tình báo tại Công ty tình báo toàn cầu Stratfor, trả lời The West Block rằng nước Pháp đã trở thành mục tiêu tiềm năng của các âm mưu khủng bố trong những năm gần đây và đã thiết lập hệ thống để quản lý hầu hết chúng.

Trong khi các chính phủ có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, ông cho rằng các cuộc tấn công ở Paris có thể sẽ kết thúc trong im lặng nhưng nguồn lực giám sát ở hầu hết nước phương Tây như Pháp, Đức, Anh và Canada sẽ tăng cường đáng kể: “Sẽ có rất nhiều chuyển biến ở hậu trường, các cuộc họp sẽ được diễn ra và hoạt động tình báo sẽ triển khai bất cứ khi nào có một ai đó ở phương Tây nhận thấy biểu hiện bất thường”.

- Theo AFP, báo chí Anh ngày 15-11 đưa tin các lực lượng đặc nhiệm nước này đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát Anh sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris (Pháp). ​Đây là một phần của các biện pháp tăng cường an ninh có quy mô lớn hơn. ​Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May không phủ nhận thông tin trên, chỉ cho biết rằng “những kế hoạch” đã được triển khai để đưa quân cảnh tới hỗ trợ tại những nơi cần thiết.  ​

Trong khi đó, truyền thông Anh cho biết các lực lượng đặc nhiệm đang hỗ trợ cảnh sát để đảm bảo an ninh tại các địa điểm công cộng tập trung đông người, trong đó có các nhà ga tàu hỏa và tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí.
​Trước đó, giới chức cảnh sát Anh cũng cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện của cảnh sát tại các sân bay, bến cảng và tại các sự kiện lớn trong những ngày tới. Cảnh báo khủng bố tại Anh hiện vẫn giữ nguyên ở mức nghiêm trọng, vốn đã được đưa ra từ tháng 8-2014, đây là mức cao thứ hai trong cấp độ cảnh báo khủng bố ở Anh.

- Tân Hoa xã đưa tin ngày 15-11, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Paris sẽ điều chỉnh chiến lược an ninh để ứng phó hiệu quả hơn với tấn công khủng bố sau khi xảy ra một loạt vụ xả súng và đánh bom liều chết ở Paris hôm 13-11. ​Phát biểu trên tuần báo Journal de Dimanche của Pháp, ông Le Drian cho biết: “Quy mô của mối đe dọa (khủng bố) đã thay đổi. Hoạt động khủng bố đã được quân sự hóa và chiến lược quốc phòng của chúng tôi phải sửa lại cho phù hợp”.

Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào đêm 13-11 ở Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh triển khai thêm 1.500 quân nhân tại Paris nhằm đảm bảo an toàn tại các nơi công cộng. Hãng tin AFP cho biết đã xác định một số nạn nhân người nước ngoài thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra đêm 13-11 tại thủ đô Paris và các khu vực lân cận.

TNL (theo TTXVN)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm