Huyền thoại giếng cổ không bao giờ cạn ở Cù Lao Phố

Giếng do vị sư Tổ tự tay đào để tìm nguồn nước từ thuở đó. Thật lạ kỳ, dù trải qua hàng trăm năm, mạch nước rất mát trong, luôn dâng đầy không bao giờ cạn. Xung quanh sự tích cái giếng cổ này, dân gian Cù Lao Phố thêu dệt thành nhiều câu chuyện tâm linh, huyền bí.

Ngôi chùa cổ Hoàng Ân vẫn lưu giữ một nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của chùa xưa ở Nam Bộ

Giai thoại cảm động về hai vợ chồng bệnh phong

Chuyện kể rằng: Một hôm, trời nhá nhem tối, vị sư tổ đang tụng kinh thì có đôi vợ chồng từ xa đến xin trú qua đêm. Hai người kể sự tình vì không có con cháu và xin ở lại chùa làm công quả. Ba năm trôi qua, vợ chồng cho nhà sư biết cả hai đều bị bệnh phong (cùi). Không muốn cho những người xung quanh dị nghị, xa lánh, nhà sư bèn làm một cái chòi nhỏ cạnh chùa cho hai vợ chồng ra đó tá túc. Bệnh tình của hai người khởi phát và càng nặng thêm, họ không làm gì được nên ẩn ở chòi trông chờ vào bố thí của chùa. Hằng ngày, đích thân nhà sư đem cơm cho vợ chồng.

Giếng cổ có tuổi thọ gần 300 tuổi đến nay nhà chùa sử dụng sinh hoạt bởi dòng nước rất mát trong và không bao giờ cạn

Ngày kia, trong làng có tang, nhà sư phải đi cúng suốt ngày. Trưa hôm đó, người đệ tử phải đem cơm đến cái chòi. Nhìn thấy hai vợ chồng phong cùi ghẻ lỡ, người đệ tử tỏ vẻ gớm ghiếc, xem thường. Cơm được người đệ tử đưa qua một cái lỗ nhỏ bằng cành cây. Đôi vợ chồng tủi thân, ôm nhau khóc rồi hai người lết ra cái giếng gần đó và gieo mình quyên sinh. Khi vớt xác hai người lên, người ta thấy xác của người chồng thiếu một ngón chân, người vợ thiếu một ngón tay. Nhà sư bèn ra giếng và nhặt được hai thứ đó nên múc nước giếng rửa sạch sẽ, cất giữ.

Bức tượng bán thân nữ thần Shiva linh thiêng vớt được dưới giếng cổ được thờ cúng trang trọng, nhưng sau đó bị kẻ gian đánh cắp.

Hai mươi năm sau, vị sư trụ trì đời kế tiếp đón một đôi nam thanh nữ tú đến viếng chùa. Họ xin bái kiến Phật và Tổ sư. Đứng nhìn họ lạy Phật, sư trụ trì bàng hoàng khi thấy bàn chân người thanh niên thiếu một ngón chân, thiếu nữ thiếu một ngón tay. Nhớ lời Sư Tổ dặn, ông bèn đem giao “vật lạ” cho nam thanh nữ tú này: “Tôi làm theo lời Tổ dặn, thí chủ hãy nhận cái hũ này”. Đôi nam nữ này ngạc nhiên nhận lấy hũ, mở ra và nhìn thấy trong đó có một ngón chân và một ngón tay. Họ đem gắn vào bàn chân, bàn tay thiếu ngón của mình thì kỳ lạ thay vừa vặn, da thịt kéo liền lại nguyên vẹn.

Khi kể về gốc tích của nhau, sư trụ trì mới biết họ chính là công chúa và hoàng tử đến viếng. Nhà sư thầm nghĩ có thể họ là hậu thân của đôi vợ chồng bị bệnh phong xưa kia từng náu thân nơi nhà chùa. Trở về kinh thành, họ đem câu chuyện thuật lại vua cha hay. Vua biết chuyện cảm động, ngài cho xuất tiền tu bổ chùa rồi đặt tên làHoàng Ân, có nghĩa làchùa được hưởng ân sủng của nhà vua...

Dẫu biết rằng câu chuyện truyền thuyết trên là hư cấu, huyền hoặc nhưng lại chứa đựng một tinh thần nhân văn sâu sắc mang đậm triết lý nhà Phật rằng: con người trong kiếp sống nhân sinh có khổ đau, bất hạnh, bị khinh khi, rẻ rúng bao nhiêu đi nữa thì có thể hy vọng trong một kiếp lai sinh họ sẽ được hưởng hạnh phúc, phú quý và viên mãn.

Vớt một pho tượng nữ thần dưới đáy giếng

Theo lời kể của ni trưởng trụ trì Thích Nữ Huệ Tâm không biết chính xác năm nào nhưng vào một lần vét giếng, nhà chùa có vớt một bức tượng bán thân, tạc hình người nữ. Bước tượng làm bằng chất liệu đất sét nung, cao khoảng 40cm, nét chạm khắc như tượng nữ thần Shiva Ấn Độ giáo. Việc phát hiện bức tượng niên đại hàng trăm năm giúp cho các nhà khảo cổ học có cơ sở chứng minh được dấu vết người Chân Lạp từng lưu dấu trên mảnh đất Cù Lao Phố thuở xa xưa. Sau đó, tượng nữ thần được nhà chùa thờ phụng nghiêm trang tại một thạch thất trong khuôn viên chùa, rất linh ứng cầu gì được đó. Rất tiếc vào năm 2014, một tên trộm biết là cổ vật quý đã lẻn vào "rinh" bức tượng đi mất. Hiện nay, ngôi miếu trước tiền sảnh chùa chỉ còn thờ di ảnh bức tượng.

Trong trí nhớ của các cụ cao tuổi, những năm hạn hán nặng, nhờ nguồn nước giếng chùa mà hàng trăm người dân Cù Lao Phố thoát khỏi cảnh khát khô. Ông Nguyễn Văn Út, người làm công quả ở chùa cho biết thêm: “Thật kỳ lạ, giếng không bao giờ cạn vì người ta nói dưới đáy giếng có một mạch nước ngầm thông dài ra tận sông Đồng Nai. Lâu rồi, nhà chùa không sử dụng cách xách gàu như xưa, mà dùng máy bơm. Dù 2 -3 máy bơm hết công suất thì mực nước cứ thế dâng đầy như cũ...”.

Chùa cổ Hoàng Ân còn được người dân gọi là chùa Xá Lợi. Sở dĩ gọi như vậy là vì sư cô trụ trì chùa Huệ Tâm do cơ duyên đã thỉnh về chùa được rất nhiều xá lợi Phật cho du khách từ nhiều nơi đã về đây chiêm bái.

Cũng có người “đồn” nước giếng có khả năng chữa bệnh. Bệnh ngoài da thì tắm, nội khoa thì uống cho nên người bị bệnh hiểm nghèo, y học bó tay tìm đến giếng cổ xin nước để hy vọng cuối cùng cho sinh mạng chính mình. Nước giếng có thể không còn linh thiêng như giai thoại xưa nhưng vẫn là chiếc phao niềm tin cho nhiều người bệnh tật. Để bảo vệ lâu dài giếng cổ có mạch nước trong vắt trước sự xâm phạm của con người vào năm 2009, Ni trưởng trụ trì Thích Nữ Huệ Tâm cho trùng tu giếng, ốp đá hoa cương, xây theo hình lục giác rất đẹp.

Chùa Hoàng Ân (còn được người dân gọi là chùa Xá Lợi) có nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của chùa xưa ở Nam Bộ. Trên các mái ngói, vòm nóc là cả một công trình điêu khắc độc đáo với các tượng được ghép bằng mảnh sứ có men xanh, minh họa đủ mọi đề tài chim muông, hoa lá, cây cối. Thêm vào đó, có nhiều pho tượng được thợ đá Bửu Long tác tạo tinh xảo đã ngả màu thời gian càng tôn thêm nét cổ kính cho chùa. Đặc biệt với giếng cổ như là chứng nhân sống động của thời gian đã chứng kiến biết bao thăng trầm bể dâu của vùng đất Đồng Nai xưa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm