Hệ lụy của cuộc chiến giá dầu

Giá dầu thô Brent ở Mỹ ngày 18-1 chỉ còn 27,7 USD/thùng, ở Anh là 28,6 USD/thùng, mức thấp nhất trong 13 năm nay, thấp không tưởng so với giá dầu thế giới đầu năm 2014 là 107 USD/thùng. Tính đến thời điểm này giá dầu đã giảm liên tục 15 tháng, mất hơn 70% và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Giá dầu vẫn sẽ tiếp tục là nỗi nhức nhối của các nước xuất khẩu dầu và có ngân sách lệ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu trong một thời gian dài nữa.

Tiếp tục đua nhau sản xuất dầu

Cuối năm 2015, có ý kiến rằng giá dầu lao dốc do Saudi Arabia và Mỹ bắt tay nhau cùng giảm giá để uy hiếp Nga ủng hộ chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu giảm bắt nguồn từ việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC - kiểm soát khoảng 40% sản lượng dầu thế giới), dẫn đầu là Saudi Arabia, muốn kiềm chế giá dầu thế giới để phá công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Mỹ có trữ lượng dầu đá phiến nhiều thứ hai thế giới với 58 tỉ thùng, sau Nga với 75 tỉ thùng. Nhiều thập niên qua, Mỹ đã chú trọng đầu tư phát triển công nghệ khai thác nguồn dầu khổng lồ nhưng khó động đến này. Hàng loạt công ty năng lượng đã được cho vay vốn để khai thác dầu đá phiến. Trong thời gian 2005-2013, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng từ 5% lên 35% tổng sản lượng dầu khai thác của Mỹ, giúp biến Mỹ thành quốc gia khai thác dầu lớn thứ ba thế giới với sản lượng gần chín triệu thùng/ngày. Đà khai thác của Mỹ không ngừng tăng nhanh. Và theo dự báo của các chuyên gia về dầu thì Mỹ sẽ nhanh chóng vượt qua Saudi Arabia và cả Nga để giữ vị trí nước khai thác dầu lớn nhất thế giới.

Hiện Mỹ chưa cho phép xuất khẩu dầu thô, do đó lượng dầu khai thác chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Đó chính là nguyên nhân vì sao nhiều năm nay Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn của các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu lớn lo ngại nhất. Theo các chuyên gia, Mỹ chẳng chóng thì chầy sẽ bãi bỏ luật cấm xuất khẩu và phế truất quyền lực xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia và Nga.

Theo tính toán thì giá thành dầu đá phiến của Mỹ nằm ở mức 40 USD/thùng. Nếu giá dầu giảm xuống thấp hơn mức này thì khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ không thể phát triển và có thể Mỹ phải từ bỏ. Đó chính là điều OPEC và Saudi Arabia mong muốn. Bước đi của OPEC và Saudi Arabia phần nào đã có tác dụng. Thực tế là giá dầu “tuột dốc không phanh” đã khiến hàng loạt công ty năng lượng của Mỹ lao đao. Tuy nhiên, việc mất nguồn thu từ dầu không làm khó nền kinh tế Mỹ vì họ không chỉ phụ thuộc vào dầu.

Hãng tin BBC (Anh) ngày 18-1 dẫn lời ông Paul Stevens, chuyên gia về Trung Đông tại ĐH Dundee (Anh), cho rằng hầu hết công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ vẫn đủ sức chịu đựng được đà giảm giá này. Chi phí khai thác một thùng dầu đá phiến ở mức 40 USD nhưng theo GS Paul Stevens, giá dầu có giảm xuống 25 USD thì các công ty Mỹ vẫn sẽ tiếp tục khai thác.

Mỹ đến giờ vẫn không tỏ ra nao núng vì giá dầu giảm và không có dấu hiệu gì sẽ nhượng bộ Saudi Arabia trước trong cuộc chiến này. Theo nhiều chuyên gia lý giải, chính phủ Mỹ xác định dầu đá phiến là mặt hàng chiến lược lâu dài, còn việc Saudi Arabia can thiệp làm giá dầu giảm chỉ là tạm thời. Và trong cuộc đua dài hơi này, Mỹ quyết tâm làm kẻ chiến thắng.

Một nhà máy khai thác dầu ở Nasiriyah (Iraq) vẫn khẩn trương khai thác bất kể giá dầu giảm mạnh. Ảnh: AFP

Cuộc chiến giá dầu giữa Mỹ và Saudi Arabia vẫn chưa đến hồi kết. Tranh biếm họa: KAL/ECONOMIST

Gậy ông đập lưng ông

Trong khi Mỹ vẫn ung dung trước cơn lốc giá dầu giảm, những nước có nguồn thu chính từ dầu như Nga và Saudi Arabia lại là đối tượng chịu hậu quả kinh khủng nhất của việc giá dầu giảm.

Dầu là nguồn thu chính của ngân sách Nga. Để ngân sách Nga không bị thâm thủng thì dầu phải được bán ít nhất ở giá 82 USD/thùng, quá xa mức hiện tại chưa tới 30 USD/thùng. Bên cạnh việc bị phương Tây cấm vận do các vấn đề về Ukraine, giá dầu giảm là một nguyên nhân lớn đẩy nền kinh tế Nga chìm vào suy thoái năm 2015.

Theo kênh CNBC (Mỹ), Nga đang cân nhắc cắt giảm ngân sách tài khóa 2016 đi 10%. Ngày 13-1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thừa nhận kinh tế Nga năm 2016 sẽ phải đối mặt nhiều thách thức và Nga sẽ cân nhắc bán một số tài sản ngân hàng để bù vào khoản thất thu từ việc giá dầu giảm. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết Nga bắt buộc phải cân nhắc đến biện pháp này vì giá dầu thấp thế này sẽ còn kéo dài hàng thập niên nữa.

Ngày 15-1, Bộ Kinh tế Venezuela tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp kéo dài 60 ngày, cắt giảm ngân sách, thắt lưng buộc bụng. GDP của Venezuela năm 2015 giảm hơn 7% so với năm 2014. Hiện lạm phát ở Venezuela đang ở mức cao nhất thế giới (141,5%). Nhiều nước vùng Vịnh thuộc OPEC như Qatar, Kuwait, Bahrain, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trước giờ chăm chăm trông chờ vào xuất khẩu dầu thời gian gần đây đã bắt đầu cải tiến nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn để bớt phụ thuộc vào nguồn thu dầu. Các nước này lần đầu tiên phải lên kế hoạch tăng thu thuế để bù thất thu từ dầu.

Ngay cả đại gia dầu Saudi Arabia cũng không thoát khỏi tổn thương. Có lợi thế là chi phí khai thác dầu thấp - chỉ khoảng 5-6 USD/thùng cộng với dự trữ ngoại hối cao (900 tỉ USD) khiến Saudi Arabia tự tin trong cuộc đấu với Mỹ vì cho rằng giá dầu thấp còn lâu mới ảnh hưởng đến mình. Nhiều năm qua Saudi Arabia vẫn kiên cường rút ngân sách hỗ trợ ngành khai thác dầu đang chịu tổn thương. Tuy nhiên, với thực tế giá dầu giảm quá mạnh và kéo dài trong thời gian quá lâu đã khiến Saudi Arabia gần đây phải bán nhiều tài sản ở các ngân hàng Mỹ, châu Âu để bù cho ngân sách. Ngân sách năm 2015 của Saudi Arabia thâm hụt 98 tỉ USD.

Xuất hiện người chơi mới

Trong khi các đối thủ vùng Vịnh đang lao đao, cơn say tuột dốc giá dầu lại là cơ hội tốt cho Iran. Ngay sau khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây được dỡ bỏ, Iran đã tuyên bố tăng xuất khẩu dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày và sẽ tiến tới tăng thêm một triệu thùng/ngày trong sáu tháng nữa. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhiều năm nay khiến Iran phải giảm xuất khẩu một triệu thùng/ngày, không mua được công nghệ và thiết bị khai thác dầu tiên tiến. Mức khai thác hiện nay của Iran chỉ “khiêm tốn” có 2,9 triệu thùng/ngày.

Chưa giải quyết xong cuộc chiến giá dầu với Mỹ thì Saudi Arabia lại có thêm nỗi lo mới. Nhiều nhà phân tích thị trường dầu, trong đó có nhà phân tích Ric Spooner tại công ty tài chính CMC Markets (Anh) nhận định việc Iran quay lại với thị trường xuất khẩu dầu là một đòn mạnh giáng vào Saudi Arabia, vốn xem Iran là đối thủ chính trị và xuất khẩu dầu.

Nhiều chuyên gia còn lo ngại Iran sẽ lại chơi bài của Saudi Arabia đã áp dụng với Mỹ là tiếp tục giảm sâu giá dầu để giành thị phần, cũng như phá nền công nghiệp dầu của Saudi Arabia. Công ty dịch vụ tài chính Barclays (Anh) và ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng Iran sẽ tìm cách chiếm lại thị phần của mình ở châu Âu, vốn chiếm 1/4 lượng xuất khẩu của Iran trước khi bị cấm vận vào năm 2011. Ngoài ra, Iran cũng sẽ tiến sang cả thị trường Ấn Độ và Trung Quốc.

OPEC còn lâu mới giảm sản lượng

Hiện trong khối OPEC, Saudi Arabia là nước duy nhất có khả năng điều chỉnh giá dầu bằng việc điều chỉnh sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, đến giờ Saudi Arabia và nhiều nước OPEC vẫn ngoan cố ưu tiên giữ vững thị phần xuất khẩu của mình chứ không chịu giảm sản lượng để cứu giá dầu. Trung bình mỗi ngày lượng dầu xuất ra thế giới tăng đều đặn 1-2 triệu thùng.

Theo giải thích của công ty thẩm định tài chính Moody’s (Mỹ), Saudi Arabia và nhiều nước OPEC không chịu giảm mà thậm chí phải tăng sản lượng để kiếm nguồn thu bù lại cho ngân sách đang teo dần của mình. Trong khi đó theo BBC, việc Iran tăng xuất khẩu sẽ càng khiến Saudi Arabia cố gắng giữ sản lượng để không mất thị phần vào tay Iran. Trong một cuộc họp của OPEC tháng 11-2014, Saudi Arabia từng nói rõ OPEC chỉ giảm sản lượng chừng nào Nga, Iran và Iraq đồng ý giảm sản lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm