Cộng đồng ASEAN

'Hành động như đi ô tô, nhận thức như đi bộ'

Những ngày qua Cộng đồng ASEAN và công dân ASEAN là những từ khóa phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, hay ngay như các cơ quan hành chính địa phương thi nhau mừng Cộng đồng ASEAN ra đời. Sau đêm 31-12-2015, thế giới xuất hiện hơn nửa tỉ công dân ASEAN. 

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại nhiều người vẫn còn mơ hồ về khái niệm, nội hàm và ảnh hưởng của Cộng đồng ASEAN. Nói một cách nôm na, vô số người sau một đêm tỉnh giấc trở thành công dân ASEAN nhưng cũng chẳng nhận thức được quyền lợi, cơ hội và rủi ro sắp xảy ra với nghề nghiệp, công việc kinh doanh, di chuyển ra nước ngoài,... của họ là gì.

Các con số và đánh giá có phần tiêu cực về nhận thức quá kém của đại bộ phận công dân ASEAN đã được một số nghiên cứu điều tra hay bài viết của các học giả chỉ ra và cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về thực trạng đáng tiếc này, TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng đang có vấn đề lệch pha giữa nhận thức và hành động về Cộng đồng ASEAN và nhu cầu thông tin hóa.

Xu hướng nhanh như ô tô, nhận thức thì như đi bộ

 . Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của nhiều người dân Việt Nam lẫn các quốc gia thành viên ASEAN về sự ra đời của Cộng đồng ASEAN?

+ TS Trương Minh Huy Vũ: Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về nhận thức ASEAN của các nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu và đánh giá còn hạn chế trong việc chọn mẫu, chỉ tập trung vào phạm vi 1-2 quốc gia và quan trọng nhất là chưa có một phương pháp luận chung để định nghĩa nhận thức ASEAN là gì. Chúng ta thường được nghe, được biết đến ASEAN là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm 10 nước thành viên. Nay tự nhiên qua một đêm khái niệm quen thuộc này trở thành một cộng đồng với ba trụ cột, nhiều tổ chức và nhiều nguyên tắc khác nhau. Điều này lý giải cho sự hiểu lầm và nhầm lẫn.

Trong một bối cảnh khác, Cộng đồng ASEAN còn đi liền với những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về việc các hàng rào thuế quan bị cắt giảm, thị trường riêng trở thành thị trường chung, các cơ hội kinh doanh làm ăn ào ạt đến cùng với những nghi ngại “thua trên sân nhà” hay bị thôn tính bởi các đại gia từ các nước láng giềng. Câu chuyện từ nhầm lẫn chuyển sang quan ngại về các lựa chọn của các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong khi đó những quan ngại này dù chính đáng nhưng vẫn có nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận.

. Xin ông giải thích thêm về sự quan ngại này. Và tại sao ông cho rằng những quan ngại này dù chính đáng nhưng vẫn có nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận?

+ Quá trình hội nhập của các nền kinh tế ASEAN không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Nếu bạn nhìn vào kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chẳng hạn thì lộ trình các biện pháp ưu tiên được đưa ra cách đây đã hơn tám năm, từ 2007, cho giai đoạn thực thi 2008-2015. Để giám sát quá trình thực hiện thì biểu đánh giá ASEAN được thiết lập nhằm kiểm điểm tiến độ thực hiện các kế hoạch được lãnh đạo ASEAN thống nhất.

Thành lập Cộng đồng ASEAN được đánh dấu mốc bằng buổi lễ ký kết, tuy nhiên vận hành Cộng đồng ASEAN một cách hiệu quả phải bắt đầu bằng sự thay đổi nhận thức của các công dân ASEAN. Ảnh: AP

Nhận thức đúng về ASEAN sẽ giúp công dân ASEAN theo kịp các mục tiêu chung. Ảnh: ADB

Trong mỗi giai đoạn thì các báo cáo từ biểu đánh giá đưa ra số liệu % thực hiện công việc và những việc còn lại cần tiến hành tiếp. Tính đến đầu năm 2015, theo các báo cáo thì tỉ lệ thực thi của kế hoạch lên đến 90,5% các biện pháp ưu tiên được đặt ra. Xét về mặt con số, đây là một tỉ lệ khá cao. Nhưng cũng chính con số này đã làm những người phân tích như chúng tôi phải giật mình khi đọc những báo cáo đánh giá về nhận thức ASEAN của nhiều nhóm khác nhau trong xã hội. Báo cáo năm 2012 được Ban Thư ký ASEAN thực hiện chỉ ra 76% người dân không biết rõ về AEC, 45% doanh nghiệp không có hiểu biết căn bản về ASEAN. Về các nghiên cứu như đã nói ở trên, dù chưa tiếp cận được một đánh giá mang tính toàn diện nhưng những con số khoảng 40%-50% về ý thức của cộng đồng doanh nghiệp hay người dân về AEC đang là một thực tế. Nói một cách ví von, xu hướng hội nhập ASEAN với các cộng đồng hình thành đang đi với vận tốc ô tô, trong khi nhận thức về nó vẫn di chuyển bằng tốc độ của người đi bộ. Và đây là vấn đề cần được giải quyết càng sớm càng tốt để đảm bảo mục tiêu Cộng đồng ASEAN đề ra.

Hai khoảng trống cần khỏa lấp

. Vậy theo ông chúng ta đã thiếu sót chỗ nào khiến hai tốc độ của hành động và nhận thức hội nhập chưa đồng điệu và vẫn còn lệch pha?

+ Đầu tiên cần xác định “chúng ta” trong khái niệm Cộng đồng ASEAN ở đây là ai. Khi lựa chọn mô hình “cộng đồng”, các nhà lãnh đạo ASEAN không giới hạn cuộc chơi của mình trong khuôn khổ bị bó hẹp, tức có nghĩa Cộng đồng ASEAN không phải chỉ có các đại diện là các phái đoàn ngoại giao nhà nước. Cộng đồng cũng không phải chỉ là những tiếng nói ảo của dư luận nhân dân chung chung, không có địa chỉ, không có họ tên. Một cộng đồng hình thành bao gồm nhiều tác nhân hoạt động vì các mục tiêu chung, theo một khuôn giá trị được đồng thuận và chia sẻ công bằng các lợi ích mà tập thể chung mang lại. Nó có những đối tượng cụ thể với các lợi ích nhất định sẽ được thặng dư hoặc bị tổn thương từ quá trình hội nhập khu vực. Đó là lý do tại sao chữ “chúng ta” cần phải được đặt trong bối cảnh rộng và đa chiều.

Sự lệch pha về nhận thức và hành động, chẳng hạn như về AEC, có thể nằm một phần trong khâu truyền tải thông tin nhưng cũng có thể nằm ở sự vắng mặt, chưa mạnh dạn hiện diện của các hiệp hội, đại diện doanh nghiệp trong quá trình đàm phán và hoạch định các chính sách ưu tiên được triển khai khi AEC được đưa vào vận hành. Trong khi đó chính họ là những đối tượng bị tác động trực tiếp từ những chính sách này. Mặt khác, việc tương đối thụ động trong tiếp nhận thông tin còn cho thấy có một khoảng trống thông tin trong việc vận động các chiều tiếp cận giữa hai khu vực công và tư, từ trong khuôn khổ Việt Nam cho đến ngoài khu vực.

. Vậy theo ông chúng ta phải làm gì để hai tốc độ của hành động và nhận thức có thể bắt kịp nhau?

+ Dựa trên những nguyên nhân dẫn đến lệch pha tôi vừa phân tích, theo quan điểm của cá nhân tôi thì các hiệp hội, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức dân sự và cơ quan ngôn luận, truyền thông, báo chí cần hoạt động như cầu nối để lấp đầy những khoảng trống này, bao gồm khoảng trống thông tin (hiểu chưa đúng và hiểu chưa đủ) và khoảng trống hiện diện (không hiện diện hoặc thụ động hiện diện trong quá trình xây dựng, triển khai và phản hồi thực thi chính sách). Không gian ASEAN và cuộc chơi mới tầm khu vực (và cả quốc tế qua những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và sẽ thực thi) đang là những chất xúc tác cho quá trình khỏa lấp các khoảng trống mà tôi đã nêu trên.

. Xin cám ơn ông.

Vượt rào cản chênh lệch giàu nghèo ASEAN

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một trong những thách thức lớn nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính là kết nối các nền kinh tế ASEAN vốn có chênh lệch lớn giữa nhóm nước “ASEAN cũ” đang phát triển ở bậc cao hơn gồm Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (hay còn gọi là ASEAN-6), với nhóm nước gia nhập ASEAN muộn hơn và có nền kinh tế kém phát triển hơn bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tương tự như vấn đề chênh lệch giàu nghèo trong xã hội một nước, việc chênh lệch giàu nghèo trong Cộng đồng ASEAN nói chung và AEC nói riêng sẽ cản trở hợp tác thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường chung của ASEAN. Nhận thức đúng đắn và sẵn sàng chia sẻ mang tính tương trợ sẽ là điều kiện tiên quyết để xây dựng cộng đồng trở nên thuận lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm