Giới trẻ siêu giàu Trung Quốc ùn ùn du học

Hình ảnh được đăng tải bởi “cậu ấm” của một trong những gia đình giàu nhất nước hiện đang du học.

Tờ Asia Pacific Daily (APD) đầu tháng 6-2016 cho biết các tranh luận về sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học (ĐH) tại Trung Quốc (TQ) đang diễn ra ngày một gay gắt. Con đường bước chân vào ĐH càng gian khó càng nhiều những gia đình giàu có TQ quyết định cho con mình đi du học.

90% con nhà siêu giàu và con quan chức du học

Kiểu “di cư giáo dục” chính là sự lựa chọn của phần đông các gia đình khá giả, tầng lớp siêu giàu và các quan chức TQ. Theo báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Công nghiệp TQ và tổ chức khảo sát Hurun Report, có đến 90% những người giàu có tại TQ lựa chọn con đường du học nước ngoài cho con cái của mình. Theo đó, trong nhóm những người TQ có tài sản trên 16 triệu USD, cứ 10 người thì có đến chín người quyết định gửi con mình ra nước ngoài. Với nhóm có tài sản ít nhất là 1 triệu USD, 85% số người tham gia khảo sát đồng tình với phương án “di cư giáo dục”. Con số này không hề suy giảm theo thời gian. Báo cáo năm 2015 của Ngân hàng HSBC với các khách hàng TQ có thu nhập cao cho biết 82% khách hàng muốn dùng tiền để đưa con du học nước ngoài, theo The Pie News. Báo cáo của Hurun Report năm 2016 cũng cho thấy 80% người giàu tại TQ vẫn muốn đưa con mình du học nước ngoài, theo tờ 1843 Magazine.

Mặc dù không công khai trên truyền thông TQ, các quan chức cấp cao nước này cũng ưu tiên việc cho con du học hơn là ở lại nước thi ĐH. Theo tờ IBTimes, con gái của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng từng được gửi sang ĐH Havard để tiếp cận nền giáo dục Mỹ. Tuy nhiên, ái nữ của ông Tập vẫn sử dụng một tên khác để tránh gây sự chú ý. Một người con trai của ông Bạc Hy Lai - tham quan “ngã ngựa” năm 2012 - cũng được gửi sang Mỹ du học.

Theo tờ 1843 Magazine, du học sinh TQ hiện đang chiếm gần 1/3 số du học sinh tại Mỹ, đóng góp gần 9,8 tỉ USD/năm cho nền kinh tế nước này. Tại Anh, TQ cũng dẫn đầu danh sách số lượng du học sinh. Tờ The New Yorker cho biết Canada cũng là điểm đến ưa thích của con cái giới siêu giàu TQ.

Theo nhà báo gạo cội Brook Larmer của New York TimesNational Geographic, đại đa số các du học sinh TQ tại Mỹ “đổ bộ” vào các trường ĐH ở các bang có diện tích lớn. Đặc biệt ở vùng miền trung phía tây nước Mỹ, số du học sinh TQ đông đến mức có thể lập ra một “thị trấn nhỏ” trong khuôn viên trường ĐH.

Có hẳn một chương trình truyền hình thực tế về lối sống xa hoa của các “phú nhị đại” Trung Quốc tại Canada. Ảnh: The New Yorker

Trùm gian lận thi cử và ăn chơi trác táng

Theo Global Times, Chen Hang, Giám đốc phát triển của cơ quan chuyên cung cấp dịch vụ du học cho học sinh TQ WholeRen Education, cho hay hình ảnh của du học sinh TQ trên đất Mỹ đang dần xấu đi, đặc biệt là trong năm năm trở lại đây.

Những trường hợp gian lận thi cử thường xuyên xảy ra, như sử dụng hộ chiếu giả để đánh lừa giám thị hòng đi thi hộ trong các cuộc thi đầu vào của các trường ĐH Mỹ. Theo ước tính năm 2015, có khoảng 8.000 sinh viên TQ đang học tập tại Mỹ bị thôi học trong năm 2014. Nhiều học sinh TQ không thể theo đến cùng khóa học, phần vì thiếu kỹ năng tiếng Anh, phần vì sống quá buông thả trong thời gian trên đất Mỹ.

Bộ phận những người trẻ TQ đầy tai tiếng này phần đông là các fuerdai - những “phú nhị đại”, con cái các đại gia TQ. Những bộ phim truyền hình nước này thường mô tả các “phú nhị đại” yêu đương thiếu chín chắn, đe dọa cơ nghiệp của gia đình. Thậm chí một chương trình truyền hình thực tế mang tên “Những cô gái Á châu siêu giàu tại Vancouver” còn được ra đời. Chương trình được theo dõi bởi hàng triệu người TQ trên toàn thế giới, mô tả các cô gái nhà giàu TQ tiêu xài xa xỉ tại nước ngoài để khẳng định vị thế của mình.

Các “công dân mạng” TQ chỉ trích rằng các “phú nhị đại” đang “khoe mẽ những thứ không phải chúng kiếm được” và “đầu độc đạo đức xã hội TQ”. Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí đã phải lên tiếng, kêu gọi “dẫn dắt thế hệ trẻ, con cái các đại gia cần biết suy nghĩ đồng tiền từ lao động mà có được và phải biết sống một cuộc sống tích cực hơn”. Chính phủ TQ thậm chí còn phải mở một trung tâm giáo dục đặc biệt với hơn 70 con cái các tỉ phú nước này, với mục đích dạy lại cho chúng các giá trị truyền thống của TQ và các trách nhiệm xã hội.

Khó chen chân vào ĐH trong nước

Từ trước đến nay, phụ huynh tại TQ luôn bức xúc khi cho rằng dân thủ đô Bắc Kinh có quá nhiều lợi thế không công bằng để đưa con cái vào các trường ĐH chất lượng. Theo APD, các trường ĐH tại Bắc Kinh luôn có quy định mức điểm xét tuyển cho thí sinh tại đây thấp hơn so với thí sinh bên ngoài Bắc Kinh. Trong khi đó, những trường danh giá hàng đầu TQ như ĐH Bắc Kinh hay ĐH Thanh Hoa đều nằm tại TP này. Được bước chân vào các trường ĐH nổi tiếng này sẽ tạo ra cơ hội lớn để các thí sinh thăng tiến trong tương lai, thế nên cuộc thi ĐH - gaokao tại nước này tạo các căng thẳng vô cùng lớn trong xã hội TQ.

Dịch vụ ăn nên làm ra

Gần như mọi học sinh TQ đều có thể đọc thuộc lòng tên tốp 10 trường hàng đầu nước Mỹ. Ngành công nghiệp “định hướng du học” trở nên cực thịnh tại đất nước này.

Báo cáo năm 2015 của OECD cho biết số du học sinh TQ tăng liên tục trong 10 năm qua. Vô số các trung tâm tư vấn du học ra đời. Những cẩm nang chứa “bí kíp” để phụ huynh đưa con mình vào các trường ĐH danh tiếng xứ cờ hoa tràn ngập mọi nhà sách. Các trường phổ thông chuyên ngoại ngữ trở nên vô cùng thịnh hành tại TQ. Các trường chuyên và cơ sở tư vấn này có hàng triệu lượt tìm kiếm trên Baidu - “Google” của TQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm