Giải thưởng Hòa bình của TQ: Uy tín đến đâu?

Ngày 22-10 vừa qua, giải thưởng Hòa bình Khổng Tử năm 2015 đã được trao cho vị tổng thống 91 tuổi của Zimbabwe, ông Robert Mugabe. Giải thưởng vừa được công bố thì mức độ uy tín và chất lượng của nó cũng nhanh chóng  vấp phải sự chỉ trích bởi phương Tây cho rằng chính ông Mugabe đã kéo Zimbabwe xuống vũng lầy của nghèo đói và lạm phát.

Hòa bình Khổng Tử - đối trọng của Nobel?

Cuối năm 2010, Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy công bố người sẽ được trao giải Nobel Hòa bình là Lưu Hiểu Ba, một nhà phê bình văn học bất đồng chính kiến ở Trung Quốc (TQ). Đúng như lời chủ tịch ủy ban này, ông Thorbjoern Jagland nói trước giờ công bố, giải Nobel Hòa bình năm 2010 không chỉ gây tranh cãi mà còn khiến chính quyền TQ không mấy hài lòng. Bởi lẽ ông Lưu Hiểu Ba khi đó đang thụ án 11 năm tù vì tội kích động lật đổ chính phủ.

Giữa lúc giới chức TQ lên tiếng chỉ trích quyết định của Ủy ban Na Uy, ý tưởng về một giải thưởng thay thế đã ra đời khi tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 17-11 cho đăng tải một bài bình luận của doanh nhân Liu Zhiqin, đại diện của ngân hàng Thụy Sĩ tại Bắc Kinh. Ông Liu lúc đó đã đề xuất giải thưởng Hòa bình Khổng Tử với thông điệp “cho cả thế giới thấy quan điểm về hòa bình và quyền con người của người TQ”.

Ý tưởng của ông Liu được Hiệp hội Nghệ thuật nội địa TQ chắp cánh và giải thưởng Hòa bình Khổng Tử đã ra đời. The Guardian dẫn thông báo của hiệp hội này khẳng định giải thưởng Hòa bình Khổng Tử nhằm truyền tải cách nhìn nhận về hòa bình của người TQ. Đúng tính chất là “lời đáp” đối với Nobel Hòa bình, giải thưởng Hòa bình Khổng Tử đã xướng tên người nhận giải đầu tiên vào ngày 9-12-2010, một ngày ngay trước lễ trao giải Nobel Hòa bình tổ chức ở Oslo, Na Uy. Cựu phó lãnh đạo chính quyền Đài Loan - ông Liên Chiến đã được ban tổ chức vinh danh “vì những đóng góp cho hòa bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Năm 2011, đến phiên ông Vladimir Putin (lúc bấy giờ là thủ tướng Nga) được trao giải này.

Các chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới tiếp tục được đưa vào danh sách ứng viên. Năm 2012, giải thưởng Hòa bình Khổng Tử lần đầu tiên được trao cho hai người cùng lúc - Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anna và một nhà khoa học nông nghiệp người TQ, Viên Long Bình  - “Cha đẻ của lúa lai thế giới”. Giải thưởng của năm 2014 đã vươn sang châu Mỹ khi ban tổ chức chọn cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro để vinh danh.

Do người đoạt giải không đến nên giải thưởng Hòa bình Khổng Tử đầu tiên được trao cho người đại diện là một bé gái địa phương. Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Zimbabwe, ông Robert Mugabe, được công bố thắng giải Hòa bình Khổng Tử năm 2015. Ảnh: REUTERS

Người nhận giải không biết mình đoạt giải

Có thể thấy nhóm sáng lập và tổ chức giải thưởng Hòa bình Khổng Tử ngay từ ngày đầu tiên đã đặt ra một tham vọng nghe có vẻ to lớn là: “Truyền tải cách nhìn nhận về hòa bình của người TQ”. Thế nhưng sự khởi đầu của giải thưởng này lại tạo nên một cảm giác vụng về, gấp gáp và kém độ uy tín.  Theo mô tả của phóng viên tờ The Diplomat tại Bắc Kinh, buổi lễ trao giải Hòa bình Khổng Tử năm 2010 không có sự tham gia của bất kỳ một học giả uy tín đáng chú ý nào tại TQ. Thậm chí người được tuyên bố đoạt giải là cựu phó lãnh đạo Đài Loan ông Liên Chiến cũng không hề có mặt tại buổi lễ.

Thành viên ban xét giải khi đó đã thông báo rằng ông Liên Chiến không thể đến dự buổi lễ vì “những lý do mà ai cũng biết”, ý chỉ những khác biệt về mặt chính trị giữa chính quyền hai bờ eo biển Đài Loan. Thế nhưng điều kỳ lạ là chính bản thân ông Liên Chiến cũng không biết rằng mình đã đoạt được giải Hòa bình Khổng Tử cho đến khi truyền thông trong nước và quốc tế cho đăng tải thông tin. Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN vào tháng 12-2010.

Tại buổi lễ công bố năm 2010, do ông Liên Chiến không có mặt, chiếc cúp lưu niệm, giấy chứng nhận giải Hòa bình Khổng Tử, cùng với giải thưởng được thông tin là có giá trị lên đến 15.000 đôla Mỹ đã được ban tổ chức giải trao cho một cô bé người địa phương là Zeng Yuhan. Những thành viên ban tổ chức lý giải rằng họ lựa chọn cô bé làm người đại diện nhận giải thưởng là vì “trẻ em là tượng trưng cho tương lai và hòa bình”. Những thông tin tiếp nối sau đó về số tiền thưởng được sử dụng ra sao cũng dần bặt vô âm tín.

Vào năm 2011, người đàn ông quyền lực Vladimir Putin, cũng đã được tuyên bố thắng giải Hòa bình Khổng Tử. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của báo giới, người phát ngôn của ông Putin lại cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe đến giải thưởng này thông qua báo giới. Chúng tôi không biết gì nhiều về giải thưởng này cả”.

Giải Hòa bình Khổng Tử năm 2014, người được tuyên bố thắng giải năm đó là nhà cựu lãnh đạo Cuba - ông Fidel Castro. Nhà chính khách nổi tiếng của Cuba cũng đã không đến tham dự buổi lễ trao giải thưởng Hòa bình Khổng Tử. Thay vào đó, theo hãng tin NPR, ban tổ chức tại Hong Kong đã quyết định trao giải thưởng này lại cho một sinh viên người Cuba đang học tại TQ.

Ai là “đạo diễn” của Hòa bình Khổng Tử?

Những “quán quân” của giải thưởng Hòa bình Khổng Tử không xuất hiện tại buổi lễ trao giải chủ yếu là vì giải thưởng này thiếu đi tính chính danh và mức độ uy tín cần thiết. Thay vì được tổ chức bởi một cơ quan chuyên trách trực thuộc chính phủ TQ, giải thưởng lại được tổ chức bởi Hiệp hội Nghệ thuật nội địa TQ, vốn là một tổ chức tư nhân của những công dân TQ tại Hong Kong.

Thông tin về hiệp hội này cũng không hoàn toàn rõ ràng. Trong buổi lễ trao giải năm 2010, chủ tịch của ủy ban xét giải là ông Tan Changliu đã từ chối trả lời báo giới về thông tin chi tiết của tổ chức này cũng như cách thức mà ban giám khảo của ủy ban xét giải lựa chọn ra ứng cử viên và người thắng cuộc. Ông Tan Changliu chỉ nhấn mạnh rằng tổ chức của ông là một tổ chức phi chính phủ - phi lợi nhuận và nguồn tiền hoạt động cũng như giải thưởng được tài trợ từ một nhà hảo tâm giấu tên.

Tờ The New York Times năm 2014 từng bình luận nhiều nhóm hoạt động tại TQ cạnh tranh lẫn nhau đã tự nhận là người sáng lập hoặc chi phối sáng lập nên giải thưởng này. Một số nhà tổ chức giải thưởng được cho rằng có mối quan hệ không rõ ràng với Bộ Văn hóa TQ. Theo hãng tin Reuters, trong thư mời tham dự sự kiện lễ trao giải vào năm 2010, ban tổ chức của giải thưởng có đề cập rằng hoạt động của họ có sự tham gia của một phòng ban trực thuộc Bộ Văn hóa TQ. Thế nhưng khi được liên hệ thẩm định bởi Reuters, phát ngôn viên của Bộ Văn hóa TQ lại khẳng định họ không biết thông tin và không hỗ trợ gì cho giải thưởng này.

Theo The New York Times, một nhóm hoạt động khác tại TQ thậm chí còn lên kế hoạch xây dựng một giải thưởng nhằm cạnh tranh, lấy tên là giải Hòa bình Khổng Tử Thế giới. Tháng 9-2011, phía Bộ Văn hóa TQ đã tìm cách để ngăn không cho giải Hòa bình Khổng Tử tiếp tục hoạt động và công bố người thắng cuộc. Bộ này tuyên bố rằng phía ban tổ chức đã sử dụng tùy tiện tên tuổi của Bộ Văn hóa để tổ chức giải. Phía chính phủ Bắc Kinh tuyên bố sẽ giải tán ban tổ chức giải và sẽ cho hủy giải thưởng. Thế nhưng kế hoạch này cuối cùng vẫn không thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm