Giác hơi Trung Quốc ‘gây bão’ tại Olympic Rio

Michael Phelps và các vận động viên (VĐV) khác xuất hiện trong Thế vận hội Rio với các vòng đỏ trên người khiến nhiều người thắc mắc. Những vết bầm bí ẩn này từ đầu kỳ thế vận hội đến nay đã và đang “gây bão” trên truyền thông quốc tế.

Những vết bầm bí ẩn

Chỉ trong vòng ba ngày đầu tiên, nhiều VĐV tại Olympic Rio đã ghi nhận nhiều VĐV xuất hiện những vết bầm tím bí ẩn hình tròn trên cơ thể. Trong số đó có cả thành viên đội tuyển thể dục nghệ thuật nam của Mỹ Alex Naddour và siêu sao Michael Phelps. Các bình luận trên mạng còn đồn đoán rằng những VĐV bị dị ứng tảo độc hay bị bạch tuộc hoặc sứa biển cắn phải khi bơi tại bờ biển Rio de Janeiro. Ban tổ chức Olympic Rio trước đó cũng từng chịu nhiều chỉ trích về mức độ ô nhiễm nguồn nước và chất lượng cơ sở vật chất phục vụ thế vận hội lần này. Tuy nhiên, những vết bầm bí ẩn này thật ra là dấu vết của liệu pháp giác hơi. Các VĐV đã nhờ những chuyên gia sức khỏe riêng của mình dùng cách này nhằm hồi phục cơ bắp sau khi tập luyện.

Trả lời tờ USA Today, Alex Naddour chia sẻ: “Liệu pháp này là bí mật giữ tôi khỏe mạnh suốt năm nay”. Anh cũng khẳng định rằng điều trị bằng giác hơi giúp giảm cảm giác đau cơ rõ rệt sau khi tập luyện. Trả lời báo chí sau lần thi đấu 400 m bướm ngày 8-8 vừa qua, Michael Phelps cũng thừa nhận: “Tôi đã sử dụng liệu pháp này trong một thời gian rồi nhưng ít khi nào tôi bị các vết bầm lâu và rõ như thế này”. Anh chia sẻ rằng vai trái của anh thường là nơi đau nhất sau khi được các chuyên gia sức khỏe cho giác hơi. “Thường mỗi khi tôi đến gặp các huấn luyện viên thể lực, tôi đều yêu cầu được thực hiện liệu pháp này. Tôi có đề nghị giác hơi một tí vào Chủ nhật vừa rồi vì thấy đau nhức”. Kevin Rindal, chuyên viên điều trị thể lực của Michael Phelps, cũng xác nhận được nam VĐV này đồng ý điều trị bằng giác hơi. Rindal là một trong bốn chuyên viên thể lực được phép điều trị cho “kho báu” của làng bơi lội Mỹ. Trước đó tám tháng, nữ VĐV bơi của Mỹ Natalie Coughlin cũng đã đăng tải hình ảnh mình được giác hơi trên Instagram.

VĐV Mỹ nổi tiếng Michael Phelps sử dụng liệu pháp giác hơi khiến truyền thông thế giới xôn xao. Ảnh: GETTY

Trung Quốc hớn hở, Nga giận dỗi

Tờ Tân Hoa xã hớn hở khẳng đinh “sau thảo dược và châm cứu, liệu pháp giác hơi có thể sẽ trở thành phương thức y học Trung Quốc thịnh hành mới nhất” để hồi phục cơ bắp cho VĐV sau khi tập luyện và thi đấu. Tờ báo này đưa ra phỏng đoán nhà vô địch Olympic đã trở thành một “fan hâm mộ” của liệu pháp điều trị này. Tân Hoa xã viện dẫn rằng tài khoản Instagram của Phelps trong gần một năm qua đã vài lần đăng tải hình ảnh điều trị giác hơi. Tờ báo cũng dẫn lại ngay câu trả lời của VĐV Alex Naddour rằng giác hơi có công dụng “tốt hơn bất kỳ liệu pháp nào tôi từng tốn tiền chi trả”.

Dẫn lại bài viết của hãng thông tấn AFP, tờ Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cũng đặt câu hỏi: “Liệu huy chương vàng mới nhất của Michael Phelps là một chiến thắng của y học cổ truyền Trung Quốc”. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu cũng nhanh chóng giật tít: “VĐV Mỹ phát điên vì giác hơi”. Trang tin The Shanghaiist cũng hân hoan không kém trước tin này, khẳng định Michael Phelps ắt phải là một người rất tin tưởng vào liệu pháp y học của Trung Quốc. Trang tin này cũng cho rằng liệu pháp điều trị này đang ngày một phổ biến đối với những người nổi tiếng, từ ca sĩ Justin Bieber, Victoria - vợ cựu danh thủ David Beckham cho đến Gwyneth Paltrow - nữ minh tinh Hollywood.

Trong khi đó, truyền thông Nga lại phản ứng hoàn toàn trái ngược với những người đồng nghiệp Trung Quốc. Đài 24 thuộc truyền hình quốc gia Nga cho rằng Phelps đang bị ám ảnh bởi một liệu pháp điều trị có tác dụng chẳng khác gì meldonium - loại doping được phát hiện trong mẫu máu của nhiền VĐV Nga. Trong 389 VĐV đoàn Olympic Nga, có đến 118 người bị cấm thi đấu tại Rio de Janeiro. Cơ quan Chống doping Thế giới đã kết luận chính phủ Nga tài trợ chương trình cho phép VĐV sử dụng một số chất doping trong đó có meldonium.

Người dẫn chương trình truyền hình của Nga cho biết: “Theo trào lưu của các ngôi sao Hollywood, liệu pháp này đã được các VĐV Mỹ sử dụng. Cách điều trị này giúp cơ bắp được hồi phục nhanh hơn sau khi được sử dụng quá mức. Nói một cách khác, tác động của liệu pháp này thật chẳng khác các ảnh hưởng của chất meldonium một chút nào”. Đài truyền hình Nga cũng không quên “nhắc khéo” rằng các VĐV Nga khi sử dụng meldonium đã bị Olympic thẳng tay cấm tham dự. Hồi tháng 4-2016, Tổng thống Nga Putin cũng từng khẳng định: “Meldonium chưa bao giờ bị xem là doping trước đây. Nó không tác động đến kết quả thi đấu. Tôi có thể nói chắc chắn điều đó. Chất này chỉ giúp giữ cơ tim ở trạng thái tốt nhất khi phải chịu cường độ hoạt động cao mà thôi”.

Dẫu vậy, vẫn chưa có một cơ quan thể thao quốc tế nào lên án việc các VĐV Olympic điều trị bằng liệu pháp giác hơi. Theo tờ The Guardian, không có điều luật nào của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cấm các VĐV sử dụng liệu pháp này, dù cho các tác động của nó vẫn chưa được chứng minh cụ thể về mặt khoa học.

Kênh truyền hình Nga liên hệ việc Phelps giác hơi với scandal về doping mới đây của nước này. Ảnh:YOUTUBE

Một số liệu pháp giác hơi còn chích vào vùng da để hút “máu độc” ra khỏi cơ thể. Ảnh: GETTY

Tranh cãi khoa học

Theo hãng tin AFP, đã có nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy cách điều trị này đã xuất hiện tại Trung Quốc từ khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Tờ Tân Hoa xã cho biết trong các ghi chép y học cổ đại, người Trung Quốc từng dùng các cốc làm bằng tre, hơ nóng rồi áp vào vùng da bệnh nhân để tạo lực hút. Cách điều trị này tác động đến sự lưu thông của máu, giúp giảm cảm giác kiệt sức, mệt mỏi và giảm các cơn đau trên cơ bắp. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho biết liệu pháp này còn được phát hiện trong các nền văn minh cổ xưa của Ai Cập và vùng Trung Đông. Cách điều trị này từ lâu cũng đã rất thịnh hành ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tờ USA Today, các tác động của liệu pháp này đối với sức khỏe con người vẫn chưa được các nhà khoa học phương Tây hiện đại chứng minh được. Truyền thông Mỹ lo lắng việc tung hô liệu pháp điều trị này sẽ khiến nhiều người dễ tin vào các liệu pháp y học thiếu cơ sở khoa học. “Cơ chế khoa học cho việc giảm đau nhờ giác hơi hiện vẫn rất mơ hồ”, một bài viết năm 2015 trên tạp chí Khoa học Y học Cổ truyền Trung Quốc (Mỹ) cho biết. Trang Vox bình luận hiện vẫn chưa có một thang đo khoa học nào đủ thuyết phục và phù hợp để đánh giá các tác động của liệu pháp này.

Tờ The Atlantic cho rằng các tác động của liệu pháp này một khi chưa được chứng minh bằng khoa học thì không nên được các VĐV áp dụng phục vụ thi đấu. Nhiều tờ báo cũng đoán rằng giống như việc đeo bùa hay mặc hoài một bộ quần áo thi đấu, liệu pháp giác hơi giống như một “doping tinh thần” hơn là một biện pháp điều trị có cơ sở khoa học.

Để chiến thắng, thử mọi “bí kíp”

Đã có không ít trường hợp các VĐV sử dụng một số bí kíp “điều trị” để giúp đạt được thành tích tốt trong thi đấu. Các bí kíp này nhiều khi chưa từng được chứng minh bằng khoa học, hay thậm chí mang màu sắc mê tín. Hồi World Cup năm 2006 trên đất Đức, thủ quân Michael Ballack còn từng được đồn đoán thường mang theo một chai nước bí ẩn được chuyên viên điều trị cung cấp. Việc VĐV sử dụng biện pháp giác hơi cũng đã từng xuất hiện tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 bởi các VĐV của nước chủ nhà. Nhiều cầu thủ bóng đá cũng luôn sử dụng một đôi giày hay đôi găng chụp bóng để thi đấu trong một thời gian dài để giữ “may mắn”. Thủ thành đội bóng Arsenal - Jens Lehmann từng sử dụng đúng một đôi găng tay trong suốt mùa giải bất bại năm 2004 của đội bóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm