Giá thuốc trên trời, dân Mỹ ‘vượt biển’ trị ung thư

Các dịch vụ y tế và giá thuốc men quá đắt đỏ là gánh nặng tài chính đè lên vai không ít người dân Mỹ. Với những trường hợp chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, giá thuốc và các liệu pháp đặc trị đôi khi có thể khiến một gia đình phải khuynh gia bại sản. Trước gánh nặng này, nhiều người dân Mỹ đã tìm cách lách luật để sang nước ngoài chữa bệnh.

Giá y tế “trên trời”

Giá thuốc và giá các dịch vụ y tế “trên trời” là vấn đề được tranh cãi lâu nay tại Mỹ. Trang mạng ATTN đưa ra ví dụ: Một bệnh nhân cần phẫu thuật thay thế khớp hông tại Mỹ sẽ phải tốn hơn 40.000 USD, trong khi mức giá này tại Tây Ban Nha chỉ 7.000 USD. “Nghĩa là một bệnh nhân Mỹ có thể bỏ tiền để bay đến Tây Ban Nha, phẫu thuật thay khớp hông, rồi ăn chơi thoải mái tại thủ đô Madrid trong hai năm trời. Anh ta có thể tham gia lễ hội đua bò để rồi bị tai nạn và phải phẫu thuật lần thứ hai, sau đó mua vé máy bay về nhà. Làm hết những thứ ấy mà vẫn còn dư tiền” - trang ATTN so sánh đầy hóm hỉnh.

Theo một điều tra khác của tờ The New York Times, tại nhiều bệnh viện của Mỹ, việc truyền nước biển có thể tốn đến 546 USD. Trong khi đó, liệu pháp này tại Pháp chỉ tốn của bệnh nhân vỏn vẹn có… 4,73 USD, tức là rẻ hơn gần 115 lần. Trong một điều tra khác của hãng tin CNN, dẫn lại thông tin từ Hiệp hội Quốc tế về bảo hiểm sức khỏe (IFHP), người dân Mỹ thường phải trả tiền thuốc đắt gấp 2-6 lần so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Các thuốc đặc trị và điển hình nhất là thuốc phục vụ điều trị ung thư được xếp vào hàng đắt đỏ nhất. Chẳng hạn như thuốc Gleevec (dùng phổ biến cho điều trị ung thư) được tính giá điều trị theo toa tại Mỹ là 6.214 USD/tháng/bệnh nhân, còn tại Canada và Anh lần lượt là 1.141 USD và 2.697 USD.

Các hãng mua bán dược phẩm cho rằng giá thuốc cao là do chi phí nghiên cứu và phát triển đưa thuốc vào thị trường thành công cũng quá cao. Hãng PhRMA cho biết một loại thuốc muốn đưa vào thị trường Mỹ sẽ tốn khoảng 10 năm và gần 2,6 tỉ USD để phát triển, chưa kể đến chi phí các loại thuốc không phát triển thành công. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá thuốc “cắt cổ” tại Mỹ là do nước này không có một hệ thống hiệu quả để quản lý giá cả. Ông Aaron Keselheim, ĐH Y Harvard, cho rằng trong khi các nước khác hạn chế đơn vị được phép mua thuốc cho cả nước, ở Mỹ lại tồn tại quá nhiều tổ chức hoạt động độc lập để các hãng dược thoải mái thách giá. Ông Tom Sackville, CEO của IFPH, nhận định: “Người dân Mỹ không có được nhiều sự bảo vệ trước giá thuốc trên trời”.

Mick Phillips, bệnh nhân Mỹ sống tại bang Wiscosin, cầm trên tay lọ vaccine Cimavax mà ông mua được từ Cuba. Chính bác sĩ của ông đã đề nghị ông nên tìm loại thuốc này. Ảnh: CBC

Giá thuốc trên trời tại Mỹ buộc nhiều bệnh nhân lựa chọn con đường “du lịch trị bệnh” nhiều rủi ro. Ảnh: CNN

“Vượt biển” tìm thuốc

Đối mặt với “núi” chi phí dịch vụ y tế trong nước, nhìn qua đất nước láng giềng Cuba, nhiều người Mỹ không khỏi chạnh lòng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá hệ thống y tế của Cuba như một mô hình mẫu mực cho các nước. Dù gặp muôn vàn khó khăn vì bị cấm vận, mọi người dân Cuba đều được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Chi phí y tế của Cuba dành cho người nước ngoài cũng rẻ hơn đáng kể so với tại Mỹ. Chính Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cũng từng gọi Cuba là “nước duy nhất có hệ thống y tế sâu sát với quá trình nghiên cứu và phát triển”, theo The Huffington Post.

Không những thế, các nhà khoa học Trung tâm Miễn dịch học phân tử Havana những năm qua đã phát triển thành công được một loại vaccine hỗ trợ điều trị ung thư phổi mang tên Cimavax. Loại vaccine này đã được đưa vào sử dụng chính thức tại Cuba từ năm 2011, theo BBC. Dù chi phí sản xuất Cimavax không được tiết lộ nhưng chắc chắn rẻ hơn các phương pháp điều trị khác.

Theo The New York Times, mặc dù gọi là vaccine nhưng Cimavax được điều chế không để ngăn ngừa ung thư mà giữ cho khối u không phát triển và tái phát. Cimavax kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể gắn vào E.G.F, một protein kích thích tế bào ung thư phát triển, từ đó ngăn không cho bệnh tiến triển thêm.

BS Elia Neninger tại BV Hermanos Ameijeiras (Havana) từng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bằng Cimavax chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ giúp được rất nhiều người cải thiện sức khỏe như thế này. Tôi có những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 vẫn đang khỏe mạnh, đã được 10 năm kể từ lúc được chẩn đoán”. Tuy nhiên, bác sĩ này khẳng định Cimavax không phải hiệu quả với mọi người. Trong quá trình thử nghiệm, khoảng 20% bệnh nhân không có phản ứng, thường là do bệnh phát triển nhanh hoặc có liên quan đến các bệnh khác gây khó khăn cho liệu trình điều trị. Dẫu vậy, con số 80% thành công cũng đủ thắp lên niềm hy vọng cho những bệnh nhân ung thư tại Mỹ.

Trước cả khi Viện Ung thư Roswell Park tại TP Buffalo (bang New York, Mỹ) hợp tác với phía Cuba và cơ quan chức năng Mỹ cấp phép cho Cimavax thử nghiệm lâm sàng tại New York, không ít người Mỹ đã bất chấp các quy định du lịch “vượt biển” để được điều trị hoặc tự mua thuốc này mang về tự dùng, theo BBC.

Tờ The New York Times tiết lộ đa số người Mỹ lách luật bằng cách bay sang một nước thứ ba rồi mới tới Cuba mua vaccine, hoặc họ sẽ khai đi du lịch theo diện thông thường. Cimavax dĩ nhiên cũng bị giấu nhẹm trong quá trình khai báo hải quan. Chưa có báo cáo nào ghi nhận vaccine này bị chặn lại ở biên giới Mỹ. Một mạng xã hội chăm sóc sức khỏe trực tuyến đang hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư phổi với 53.000 thành viên, thậm chí còn chia sẻ cách đến Cuba mua thuốc về Mỹ để không bị phát hiện.

Trang tin CBC News cho biết thậm chí nhiều bệnh nhân Mỹ còn không cần phải “vượt biển” đến Cuba để tìm Cimavax. Một số người chỉ cần lái xe qua láng giềng Canada hoặc bay đến một số nước Mỹ Latinh để tìm mua loại vaccine này, đồng thời tránh được các kiểm soát nghiêm ngặt về du lịch. Tuy nhiên, việc đưa thuốc trở về Mỹ dĩ nhiên vẫn phải diễn ra tuyệt đối bí mật.

“Du lịch trị bệnh” nhiều rủi ro

Dẫn lại một báo cáo của Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết trang tin Vice cho biết trong năm 2016 có đến gần 1,4 triệu người Mỹ quyết định ra nước ngoài để chữa bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán làn sóng “du lịch trị bệnh” sẽ còn tăng mạnh trong một thập niên tới. Thế nhưng lựa chọn này vẫn tồn tại nhiều rủi ro chết người.

Dù các liệu pháp và thuốc chữa trị tại nước ngoài có thể rẻ hơn so với mức giá tại Mỹ, người bệnh khi ra nước ngoài điều trị còn phải tự chi trả các khoản phụ như đi lại, ăn ở bên cạnh tiền thuốc và tiền phẫu thuật. Những chi phí này nằm ngoài khuôn khổ bảo hiểm nên đôi lúc thậm chí mắc hơn nhiều so với tổng số tiền điều trị trong nước, CDC cho biết. Các cơ quan y tế Mỹ cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp gặp phải thuốc giả hoặc chất lượng điều trị kém ở nước ngoài, gây ra các hậu quả khôn lường đối với sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Một số trường hợp mắc phải HIV hoặc các bệnh truyền nhiễm khác do truyền máu không được xét nghiệm kỹ lưỡng.

BS Phyllis Kozarsky, cố vấn Bộ phận Di cư và cách ly toàn cầu của CDC, cho biết: “Đã có nhiều trường hợp bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có liên quan đến bệnh nhân điều trị tại nước ngoài. Một số liệu pháp điều trị ở nước khác hiện chưa được cho phép tại Mỹ hoặc thậm chí là lừa đảo. Thuốc điều trị tại nước ngoài cũng xảy ra các trường hợp tương tự”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm