Gia đình vàng của trẻ mồ côi

Nhờ dự án “Chăm sóc trẻ tạm thời trong môi trường gia đình” do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai phối hợp với tổ chức phi chính phủ Holt thực hiện hơn 10 năm nay, khoảng 100 trẻ mồ côi đã có một gia đình tạm thời hạnh phúc trước khi về với vòng tay đùm bọc của cha mẹ nuôi.

Cả nhà thương nhau

Căn nhà bà Nguyễn Thị Ngon (ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tràn ngập tiếng cười. Trong bộ quần áo đóng thùng chỉnh tề, chồng bà - ông Bùi Văn Đáng dù đã sắp đến giờ đi họp vẫn nấn ná chơi đùa cùng bé gái hơn 10 tháng tuổi. Bé là Ngô Thị Thu Thảo, được Trung tâm Huấn nghệ cô nhi Biên Hòa giao cho gia đình nuôi từ tháng 6 đến nay trông rất hiếu động, nghịch ngợm. “Ngày mới về, bé nhát lắm, gặp ai cũng sợ, giờ thì đeo người lớn suốt. Lúc nào tôi mắc công chuyện thì có ông xã ẵm cho ăn. Dù có cháu ngoại lớn hơn cả bé nhưng vợ chồng tôi vẫn xưng với bé là ba, mẹ để bé cảm nhận được tình cảm gia đình, tập cho bé quen với cách xưng hô khi có gia đình mới” - bà Ngon nói.

Hơn 10 năm trước, con trai bà Ngon mất trong một tai nạn giao thông. Cảm giác trống vắng, hụt hẫng theo suốt bà một thời gian dài, tình cờ biết đến mô hình này, bà ngỏ ý muốn nhận làm cha mẹ tạm thời của các bé để phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất con. Mỗi lần trả bé nào về trung tâm là cả nhà đều rơi nước mắt xen lẫn vui mừng vì phải chia tay các bé nhưng bù lại các bé sẽ sớm hòa nhập với gia đình mới. Có những gia đình mới trong thời gian đầu nhận nuôi bé thường xuyên liên lạc hỏi bà thói quen của các bé, cách dỗ dành khi các bé khó ở; khen các bé ngoan, biết vỗ tay, nghe lời... khiến cả nhà rất vui. Ngoài bé Thảo thì hiện bà Ngon còn nhận nuôi bé Xuân (năm tuổi), đang đi học mẫu giáo.

Chị Huỳnh Thị Thu Hà (thôn Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) cũng đang nhận nuôi hai bé trai. Chị Hà có thâm niên hơn 10 năm trong việc nhận nuôi tạm thời trẻ mồ côi. Thấy khách lạ đến, hai bé Nguyễn Vũ Bảo (hơn hai tuổi) và Nguyễn Ngọc Hưng (gần hai tuổi) vẫn hồn nhiên đùa giỡn với nhau. Chị Hà vốn là công nhân, sẵn lòng yêu trẻ nên tham gia chương trình. Từ lúc bận rộn nuôi trẻ, chị nghỉ việc, ở nhà lo cơm nước và chăm sóc các bé luôn, sẵn phụ chồng làm cơ sở thạch cao. Chị kể: “Có bé ở trung tâm đã 18 tháng nhưng vẫn chưa biết đi, hầu như không nói, cứ cúi gằm mặt xuống nhìn thương lắm. Về đây, mình tập lần nên lúc trả về lại trung tâm ai cũng ngạc nhiên sao đứa bé lanh lẹ, hoạt bát hẳn. Ai cũng bảo nhận nuôi trẻ chi cho cực nhưng mình lại thấy đó là niềm vui”. Một đứa trẻ khác, dù đã theo cha mẹ nuôi sang Mỹ định cư nhưng ngày về bé vẫn ùa vào lòng chị nức nở. Ngày ra đi bé chỉ mới hai tuổi rưỡi nhưng nhờ cha mẹ nuôi vẫn cho con liên lạc với chị qua thư từ, hình ảnh nên bé vẫn nhớ chị. Họ muốn dẫn con về Việt Nam thăm chị để tìm hiểu về nơi ở của một đứa bé ngoan, biết giúp đỡ người khác, hòa đồng với bè bạn.

Bé Thu Thảo đang chơi đùa cùng mẹ Ngon và ba Đáng. Ảnh: H.LAN

Cách hòa nhập tốt nhất cho trẻ mồ côi

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ chăm sóc trẻ em tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Đối tượng thụ hưởng dự án là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa ở Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Hiện có tám cháu đang được nuôi tại năm gia đình trên địa bàn tỉnh. Kinh phí dành cho mỗi trẻ trung bình là 2,3 triệu đồng/tháng (bao gồm 1 triệu đồng cho người chăm sóc). Khi phát sinh đau ốm, dự án sẽ chi trả hoàn toàn cho trẻ.

Các trẻ được đưa ra cộng đồng phải khỏe mạnh, không mắc bệnh lây nhiễm, khuyết tật. Gia đình nhận nuôi phải đáp ứng một số điều kiện về cơ sở vật chất, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, cho trẻ tình cảm gia đình... Sau khi nhận nuôi, trẻ sẽ được đăng ký tạm vắng, tạm trú để địa phương cùng theo dõi, giám sát. Sau sáu tháng đến một năm được nhận nuôi tại các gia đình tạm, các em sẽ được làm thủ tục cho nhận con nuôi theo quy định pháp luật. Nếu chưa có người nhận nuôi và gia đình tạm có nguyện vọng tiếp tục nuôi trẻ thì sẽ ký hợp đồng nuôi tiếp. Người tham gia nhận nuôi được tập huấn các lớp chăm sóc trẻ, dinh dưỡng, chơi với trẻ, cho trẻ học bài…

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, đây là mô hình tốt giúp các trẻ mồ côi làm quen với môi trường gia đình nên các em sẽ không gặp bỡ ngỡ khi về làm con nuôi các gia đình mới. Đa số các trẻ đã ở trong gia đình tạm rồi ra ngoài làm con nuôi đều khỏe mạnh, lanh lợi, có kết quả học tập tốt.

Trước đây, Bộ LĐ-TB&XH cũng có triển khai mô hình này trong cộng đồng nhưng kinh phí chăm sóc, trợ giúp cho người nuôi thấp nên ít người nhận nuôi. Dự án do Holt tổ chức đã cung cấp chi phí chăm sóc và nuôi dưỡng cao hơn, được tổ chức bài bản nên mới thực hiện được kéo dài hơn 10 năm, điển hình là có gia đình đã nhận nuôi trẻ liên tục hơn 10 năm nay.

TP.HCM sẽ làm trong thời gian tới

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã triển khai các hình thức chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Riêng hình thức giao trẻ cho các gia đình không họ hàng thân thích chăm sóc tạm thời chưa phát triển. Nguyên nhân là do người dân chưa nắm rõ chính sách này. Đây là hình thức chăm sóc còn mới đối với Việt Nam, cũng như tại thành phố nên cần thêm thời gian để người dân tiếp nhận tham gia. Bên cạnh đó, mức trợ cấp cho cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng chăm sóc trẻ còn thấp, chưa mang tính khuyến khích.

Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng mạng lưới gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (làm thí điểm ở một địa bàn, sau đó nhân rộng). Trong đó, sẽ đề xuất thêm mức hỗ trợ để động viên, khuyến khích và tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ cho những gia đình muốn nhận nuôi trẻ.

Ông LÊ CHU GIANG, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội,
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Theo số liệu năm 2014, cả nước có khoảng 170.000 trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22.000 trẻ em được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung. Ngoài Đồng Nai thì một số tỉnh như Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng cũng đã triển khai có hiệu quả mô hình gia đình nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm