Gần 3 tỉ đồng bồi thường và chuyện 18 năm đi đòi công lý

Sáng 8-12, người con gái đầu của ông Vũ Đức Liêm (ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã đến tòa soạn Pháp Luật TP.HCM cảm ơn báo đã đồng hành cùng gia đình chị trong hành trình đi tìm công lý. Mới đây, gia đình chị đã được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bồi thường gần 2,6 tỉ đồng vì đã làm sai trong vụ thi hành án liên quan đến gia đình chị. Ngoài ra nơi này còn phải trả cho ông Liêm 263 triệu đồng tiền lãi do chậm thi hành án.

Khổ không sao kể xiết

Mừng cho gia đình nhưng chúng tôi không khỏi ngậm ngùi bởi cha chị, sau 18 năm kiên trì đeo đuổi khiếu kiện khắp nơi tìm lẽ công bằng, từ nửa năm trước đã bị tai biến phải ngồi xe lăn, không thể nói năng gì. “Cha đã yếu lắm rồi, trí óc lơ mơ nhưng có lẽ cha cũng hiểu rằng cuối cùng ông trời vẫn có mắt với gia đình em” - chị nói mà rưng rưng.

Lần đầu chúng tôi gặp ông Vũ Đức Liêm là năm 2001. Ấn tượng đầu tiên là một ông già gầy gò nhưng minh mẫn và một chồng hồ sơ, giấy tờ, đơn thư khiếu kiện nặng chừng hơn 30 ký.

Ông Liêm kể theo quyết định của tòa, vợ ông phải trả cho một số người 309 triệu đồng và hơn 65 chỉ vàng. Năm 1996, Đội Thi hành án huyện Thống Nhất đã tổ chức kê biên căn nhà trên lô đất thổ cư (15 x 62 m) của vợ chồng ông rồi bán đấu giá cho người khác.

Điều đáng nói là suốt quá trình thi hành án, đội thi hành án đã không đếm xỉa gì đến quyền lợi hợp pháp của ông Liêm - người không có nghĩa vụ trả nợ. Ông cũng không được tham gia vào quá trình thi hành án. Ngoài ra, quá trình thi hành án còn nhiều điều tùy tiện khác như khi kê biên nhà không có mặt đại diện VKS, không có hội đồng định giá tài sản, thu giữ sạch mọi đồ dùng sinh hoạt của gia đình…

Đỉnh điểm của bất hạnh đối với gia đình ông Liêm là vì quá bức xúc, không chấp hành lệnh cưỡng chế giao nhà đất của đội thi hành án mà ông Liêm và người con gái đầu bị bắt, bị quy kết chống người thi hành công vụ. Ông Liêm bị kết án một năm tù. Người con gái đầu, lúc đó đang là sinh viên sư phạm, phải từ bỏ giấc mơ làm cô giáo vì lãnh sáu tháng tù.

Ông Liêm lúc còn khỏe mạnh (ảnh 1) và hiện nay (ảnh 2). Ảnh: NGÂN NGA

Nhà bị bán, ông Liêm và con gái lớn vào tù, vợ con ông phải tá túc qua ngày ở nhà bà con. Mấy đứa nhỏ học hành dang dở, đứa lớn làm công nhân, đứa giữa nhổ cỏ thuê, đứa út sáu tuổi theo bà nội ra chợ bán rau. Nhà chỉ còn lại chiếc xe lam cũ may mắn thoát khỏi tay đội thi hành án nhờ trước đó ông Liêm gửi bên nội. Nhưng vắng chủ, chiếc xe xếp xó ở góc sân han gỉ dần. Rồi sau này, khi ông Liêm ra tù, vì ốm đau suốt không chạy xe nổi nữa, nó dần trở thành khối sắt vụn và ông Liêm vẫn giữ làm kỷ niệm.

Ròng rã đòi lẽ công bằng

Ra tù, ông Liêm bắt đầu hành trình khiếu nại. Ông đi khắp các cơ quan ở huyện và tỉnh, ông gửi đơn tới khắp những nơi mà ông nghĩ có thể giúp được mình. Ông lưu giữ cẩn thận từng cái phiếu hẹn, từng cái thông báo chuyển đơn hay công văn trả lời. Ông tìm đến trung tâm trợ giúp pháp lý nhờ tư vấn. Ông tìm mua sách luật đọc, rồi tiếp tục đi khiếu nại.

Khiếu nại không xong, ông Liêm khởi kiện Đội Thi hành án huyện Thống Nhất đòi bồi thường. Năm 2001, tòa huyện tuyên người mua trúng đấu giá nhà đất phải trả lại một nửa diện tích đất, buộc đội thi hành án phải bồi thường 22 triệu đồng và giao lại đồ dùng sinh hoạt cho ông Liêm. Bản án này bị tòa tỉnh hủy. Rồi sau đó, hai tòa đùn đẩy vụ kiện cho nhau.

Bảy năm tiếp theo, vụ kiện bị ngâm một chỗ, cũng là bảy năm ông Liêm ngược xuôi khiếu nại. Đến năm 2008, tòa tỉnh xử sơ thẩm bác đơn kiện của ông. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng vào thời điểm đó chưa có quy định buộc cơ quan thi hành án làm sai phải bồi thường.

Trong tận cùng của nỗi thất vọng và đau đớn của ông Liêm, dường như ông trời cũng có mắt. Đầu tiên là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời năm 2009 có quy định việc cơ quan thi hành án làm sai phải bồi thường. Tiếp đó, vì các sai phạm trong vụ thi hành án của gia đình ông Liêm cùng một số vụ khác, hai cán bộ thi hành án đã bị khởi tố, truy tố, kết án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhờ thế, ông Liêm có căn cứ khởi kiện Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom (tách ra từ huyện Thống Nhất). Tháng 7-2012, tòa huyện đã buộc Chi cục Thi hành án phải bồi thường cho ông Liêm gần 2,6 tỉ đồng. Tháng 5-2013, tòa tỉnh xử phúc thẩm đã giữ nguyên án sơ thẩm. Và mới đây, gia đình ông đã nhận được tiền bồi thường như đã nói.

Bao năm ròng rã ông Liêm đi đòi lẽ công bằng cũng là bao năm Pháp Luật TP.HCM đồng hành bên ông với ba thế hệ phóng viên dõi theo vụ việc. Từ bài báo đầu tiên năm 2001, đến nay đã có thêm hàng chục bài báo khác chia sẻ về cảnh đời ngang trái, cơ cực của gia đình ông. Nhiều lần ngồi với chúng tôi, nước mắt người đàn ông tưởng như rất quật cường ấy đã rơi. Có lẽ những cay đắng, vất vả thì chỉ có ông và gia đình mới thấm thía nhất!

Công lý cũng đến dẫu muộn màng, khi người đàn ông đó giờ hầu hết thời gian là ngồi xe lăn, lâu lâu lại vịn tường tập đi mà không nói năng gì được…

Đồng hành cùng với gia đình ông Liêm còn có Văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM). Từ khi ông Liêm tìm đến nhờ giúp đỡ, nhiều năm qua Văn phòng luật sư Người Nghèo đã cử luật sư Trần Văn Hiếu tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí và lên Đồng Nai tham gia tố tụng để giúp ông Liêm.

Tại phiên xử phúc thẩm tháng 5-2013, sau khi tòa tuyên án, ông Liêm đã run run bắt tay, cảm ơn luật sư rối rít, nói: “Vậy là tối nay tôi được ngủ ngon rồi!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm