Đức Giáo Hoàng - cầu nối ngoại giao

Đức Giáo hoàng Francis đã bắt đầu chuyến công du lịch sử tới Cuba và Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này. Chuyến thăm kéo dài từ ngày 19 đến 22-9. Kết thúc chuyến thăm Cuba vào hôm qua, Đức Giáo hoàng tiếp tục hướng về nước Mỹ để tham dự Đại hội đồng LHQ. Có khoảng 200.000 người đã đến đón mừng, nghe Đức Giáo hoàng nói chuyện tại Quảng trường Cách mạng của Cuba tại thủ đô Havana. Ông còn đến thăm và nói chuyện thân mật với cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro, có hai bài phát biểu và được dân chúng Cuba đón chào nồng nhiệt trong suốt chuyến thăm.

“Cầu nối ngoại giao” hữu hiệu

Đây là chuyến công du có ý nghĩa rất quan trọng với quan hệ Havana - Washington, nối tiếp sau bức thư mà ông gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro năm 2014 nhằm cổ vũ hai nước chấm dứt mối quan hệ thù địch kéo dài nhiều thập kỷ. Chủ tịch Cuba Raul Castro lẫn Tổng thống Mỹ Barack Obama đều cảm ơn vai trò của Giáo hoàng trong việc làm cầu nối giúp hai nước tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Trong hầu hết hoạt động của mình tại Cuba, Đức Giáo hoàng luôn phấn khởi khi nói về việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba. Theo tờ Cruxnow, Đức Giáo hoàng gọi đó là thành công lớn trong việc thiết lập nền hòa bình quý giá của thế giới. Người phát ngôn của Vatican tối thứ Hai (21-9) cho biết chuyến thăm Cuba, sau đó là Mỹ của Đức Giáo hoàng là một trong những nỗ lực thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Washington-Havana trong nhiều lĩnh vực, từ hợp tác tài chính, thương mại đến các vấn đề môi trường.

Liên quan đến những hệ lụy mà Cuba đang đối mặt vì chịu cấm vận suốt nhiều thập kỷ từ Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến việc đoàn tụ gia đình. Kinh tế trì trệ, sụp đổ đã khiến không ít gia đình ra đi khỏi Cuba, nhiều gia đình ly tán suốt nhiều năm. Đức Giáo hoàng thể hiện nỗ lực trong việc kết nối và đoàn tụ các gia đình Cuba, đồng thời định hướng và khuyến khích người dân tiếp tục duy trì, phục hồi các giá trị truyền thống của đất nước như cần cù, chăm chỉ, trung thực nhằm bảo vệ bản sắc của đất nước Cuba.

Với vai trò to lớn về mặt ngoại giao, hồi tháng 12 năm ngoái, Đức Giáo hoàng được Tổng thống Obama tôn vinh là nhân tố then chốt trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba.

Đức Giáo hoàng và cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro tặng sách cho nhau.

Đức Giáo hoàng Francis được đông đảo người dân Cuba chào đón tại thủ đô Havana hôm Chủ nhật 20-9.

Đức Giáo hoàng và Tổng thống Obama gặp nhau hồi tháng 3-2014. Ảnh trong bài: AP

Trách nhiệm của thế hệ trẻ

Trước chuyến thăm Cuba, khi trao đổi với năm thanh niên đến từ các trường học ở thủ đô Havana và năm thanh niên đến từ New York hôm 17-9, Đức Giáo hoàng đã thảo luận vấn đề lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chiến tranh và hòa bình.

Phát biểu trước giới sinh viên, Đức Giáo hoàng Francis cho hay ông sẽ làm những gì có thể để làm chiếc cầu nối cho quan hệ hai nước Mỹ và Cuba. Nhưng ông nhấn mạnh rằng các chính sách cần phải có thời gian để cho thấy hiệu quả và tình bạn là điều đầu tiên mà cả Mỹ lẫn Cuba đều phải nhận thức và cùng nhau nuôi dưỡng.

Câu hỏi đầu tiên được một thanh niên Mỹ đặt ra với Đức Giáo hoàng Francis liên quan tới trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đức Giáo hoàng Francis cho rằng bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, những người phải tự đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên vai mình. Đầu tiên phải quan sát mọi vấn đề xảy ra quanh nơi mình sống, ở trong TP và trong quốc gia của bạn rồi đặt ra những câu hỏi mà chính bản thân mình quan tâm. Giải pháp đôi khi cũng rất lớn lao nhưng nhiều khi cũng vô cùng đơn giản. Ví dụ, chúng ta biết rằng túi nylon không có khả năng phân hủy, tồn tại hàng thiên niên kỷ và phá hủy môi trường. Việc sử dụng nguyên liệu phân hủy sinh học tuy đơn giản nhưng rất cần thiết.

Một thanh niên New York bày tỏ quan ngại về tình trạng giáo dục lạc hậu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đức Giáo hoàng Francis nhận định giáo dục là một trong những quyền của con người. Tuy nhiên, chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng giáo dục trên thế giới. Ở những nước đang có chiến tranh, hàng ngàn trẻ em không được đến trường, đó là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Để giải quyết vấn nạn lạc hậu giáo dục, trước khi chính phủ các nước hành động thì chính thanh niên phải chủ động. Và chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta, đừng đợi cho tới khi chính phủ đạt được thỏa thuận hợp tác. “Một phần của giáo dục là dạy trẻ em cách chơi đùa bởi vì chúng phải học cách ứng phó với cuộc sống và biết cách hưởng thụ niềm vui trong cuộc đời” - Đức Giáo hoàng nhấn mạnh. Những đứa trẻ sống trong vùng nội chiến, những đứa trẻ sống trong nỗi thống khổ của đói khát, cô đơn và vô gia cư. Chúng không biết làm cách nào để chạm tới niềm vui, trở thành miếng “mồi ngon” cho những tên buôn người. Thế nên, môi trường vui chơi cho trẻ em là một điều vô cùng quý báu.

Ý tưởng về “nhà lãnh đạo tốt”

Trước câu hỏi từ một thanh niên ở Havana hôm 17-9 về tinh thần lãnh đạo, Đức Giáo hoàng Francis cho rằng nhà lãnh đạo thực thụ có ở khắp nơi, trong mỗi chúng ta, trong số các bạn trẻ đã có sẵn tố chất, tinh thần trở thành lãnh đạo.

Theo Đức Giáo hoàng, chính phủ và các nhà chức trách phải phát triển các “hạt giống” lãnh đạo đó. Nhà lãnh đạo tư tưởng, nhà lãnh đạo hành động, nhà lãnh đạo tinh thần, nhà lãnh đạo niềm tin, nhà lãnh đạo để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là con đường đi của bạn nhưng bạn phải có trong mình hạt giống lãnh đạo đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm