Đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm: Trung Quốc muốn gì?

Các phân tích từ ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc (TQ) nhiều khả năng đã cho triển khai đến 32 tên lửa phòng không “thế hệ thứ tư” Hồng Kỳ 9 (HQ-9) lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị TQ chiếm đóng trái phép. Đây là một động thái “leo thang quân sự rõ rệt” của TQ tại biển Đông, tạp chí quốc phòng Jane’s (Anh) bình luận.

Lựa chọn thời gian “nhạy cảm”

Tương tự những động thái trước đây của phía TQ gây phức tạp tình hình biển Đông, việc leo thang quân sự lần này tiếp tục diễn ra vào một thời điểm mang tính chất nhạy cảm. Thông tin về việc hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 triển khai tại đảo Phú Lâm xuất hiện đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm cách thúc đẩy sự đoàn kết giữa các lãnh đạo của ASEAN thông qua cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, California từ ngày 15 đến 16-2. Đây là lần đầu tiên cuộc họp thượng đỉnh này được tổ chức ngay trên đất Mỹ.

Những hình ảnh vệ tinh Imagesat International, chụp các hệ thống tên lửa HQ-9 ở phía bắc đảo Phú Lâm, đã được kênh truyền hình Fox News đưa tin đầu tiên vào ngày 14-2, ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh tại Sunnylands. Phải đến ngày 16-2, khi cuộc gặp mang tính lịch sử này đã kết thúc, các nguồn tin trong chính quyền Mỹ mới xác nhận với kênh Fox News rằng TQ đã triển khai HQ-9 lên đảo Phú Lâm. Một ngày sau đó, cơ quan phụ trách Phòng vệ Quốc gia Đài Loan cũng lên tiếng xác nhận sự hiện diện của các hệ thống phòng không này tại hòn đảo.

Theo các phân tích của kênh truyền hình Fox News, ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng tám bệ phóng tên lửa kèm theo các hệ thống radar đã xuất hiện trên bờ biển phía bắc của đảo Phú Lâm. Tạp chí Jane’s cho biết mỗi bệ phóng có khả năng mang theo đến bốn tên lửa HQ-9, điều này đồng nghĩa phía TQ có thể đã triển khai đến 32 tên lửa phòng không lên đảo. Bãi biển phía bắc đảo Phú Lâm đã được TQ cho “cải tạo” và bồi đắp tạo chỗ để bố trí máy bay, tên lửa và quân lính phục vụ cho một đường băng đã được TQ mở rộng lên 3.048 m.

Động thái leo thang quân sự của TQ cũng diễn ra gần hai tuần sau khi chiến hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải vào ngày 30-1, tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà TQ đang chiếm đóng trái phép. Phía TQ thời gian đó đã phản đối kịch liệt và cho rằng cuộc tuần tra của Mỹ là một hành động “khiêu khích có chủ đích”. Trước vụ chiến hạm Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, Bộ Quốc phòng TQ đã đe dọa rằng việc cho tàu đến gần đảo có thể “chuốc lấy các hậu quả cực kỳ nguy hiểm”.

Hình ảnh bãi biển phía bắc đảo Phú Lâm vào ngày 14-2 (trái) và ngày 3-2 (phải). Ảnh: IMAGESAT INTERNATIONAL

Hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ 9 (HQ-9). Ảnh: THE DIPLOMAT

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị phát biểu tại buổi họp báo chung với ngoại trưởng Úc tại Bắc Kinh ngày 17-2. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc tiếp tục lập lờ

Kể từ khi các ảnh chụp vệ tinh được công bố vào ngày 14-2, phía TQ đã cung cấp rất ít thông tin cụ thể để đáp lại cáo buộc họ triển khai tên lửa phòng không lên đảo Phú Lâm. Thay vào đó, phát ngôn viên TQ lên tiếng cáo buộc ngược lại truyền thông phương Tây đã “thổi phồng” câu chuyện và khẳng định rằng TQ có quyền xây dựng cơ sở quân sự trên các lãnh thổ mà họ nhìn nhận là thuộc chủ quyền TQ.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 17-2 vừa qua, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng đã lên tiếng cho rằng “mọi hành động quân sự hóa đều đáng quan ngại”. Tuy nhiên, bà cũng cho biết sau khi trao đổi với người đồng cấp Vương Nghị về các cáo buộc tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm, phía TQ vẫn không thừa nhận hay phủ nhận các báo cáo mà Mỹ và Đài Loan xác nhận.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ thừa nhận rằng “những cơ sở tự vệ cần thiết và có số lượng hạn chế” của TQ trên các đảo và bãi đá “phù hợp với quyền được tự vệ của TQ quy định trong luật pháp quốc tế”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định sẽ nhanh chóng trao đổi nghiêm túc với TQ về vụ việc. Ông cũng bày tỏ quan ngại rằng “có đủ bằng chứng mỗi ngày rằng quá trình quân sự hóa vẫn được gia tăng bằng cách này hay cách khác” bởi phía TQ.

Trong một buổi họp báo tại Tokyo, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, nhận xét việc TQ đưa tên lửa đến Hoàng Sa không có gì là bất ngờ. Tuy nhiên, động thái này cũng gây lo ngại vì nó đi ngược lại cam kết không quân sự hóa khu vực của TQ. Tuy nhiên, theo bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về biển Đông của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới, TQ thật ra chỉ mới cam kết không đẩy mạnh quân sự hóa trên các đảo và bãi đá mà họ cải tạo tại quần đảo Trường Sa. TQ không hề đưa ra các cam kết tương tự đối với quần đảo Hoàng Sa, nơi mà họ đã bố trí các cơ sở quân sự trong nhiều năm qua. Bà cũng cho biết đây không phải là lần đầu tiên TQ đưa tên lửa phòng không ra Hoàng Sa.

Lời cảnh báo gửi đến nước Mỹ

Phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ TQ (CASC), hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 được triển khai đầu tiên cho các đơn vị không quân TQ (PLAAF) vào năm 2003-2004. Phiên bản dùng để xuất khẩu của hệ thống này, hệ thống FD2000, được tạp chí quốc phòng Jane’s cho biết có tầm bắn vào khoảng 125 km. Tuy nhiên, các phiên bản HQ-9 được sử dụng bởi PLAAF được biết có tầm bắn lên đến 150-200 km.

Tạp chí Jane’s cũng cho biết có một số báo cáo cho rằng TQ đã và đang phát triển một phiên bản mới của HQ-9 có tầm bắn lên đến 230 km. Vào cuối thập niên 1990, TQ cũng đã có được những công nghệ tiên tiến của hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga sau khi mua hơn 1.000 hệ thống và bộ phận của S-300 từ Tập đoàn Almaz Antey. Các công nghệ này có thể cũng đã được tích hợp vào HQ-9.

GS Carlyle Alan Thayer chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng việc TQ triển khai một hệ thống phòng không có độ tinh vi và sức hủy diệt cao đến đảo Phú Lâm chắc chắn là để phản ứng lại việc Mỹ tiến hành các chuyến bay do thám trên biển Đông, cũng như đợt tuần tra đảm bảo tự do hàng hải mới đây gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo GS Thayer, nếu thật sự TQ đã triển khai hệ thống phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, nó sẽ là một lời nhắn gửi rằng TQ có thể nhanh chóng triển khai những hệ thống tương tự trên quần đảo Trường Sa trong trường hợp bị Mỹ đe dọa. GS Thayer bình luận: “Những động thái của TQ làm gia tăng các rủi ro và cái giá phải trả cho những chuyến tuần tra của Mỹ ở các vùng biển quanh Hoàng Sa trong tương lai. Hệ thống HQ-9 cũng sẽ đe dọa các máy bay triển khai từ tàu sân bay Mỹ đến hỗ trợ tàu chiến nước này trong trường hợp phải đụng độ phía TQ khi thực hiện các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải tại Hoàng Sa trong tương lai”.

Thêm một bước cho ADIZ trên biển Đông

Một số nhà phân tích cũng đánh giá động thái triển khai tên lửa HQ-9 của TQ ra đảo Phú Lâm không chỉ dừng lại ở mức “thông điệp” mà còn là toan tính chiến lược để thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Theo Rory Medcalf, Giám đốc Trường An ninh Quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Úc: “Việc triển khai tên lửa giúp củng cố các lập luận rằng TQ đang có ý định tăng cường khả năng kiểm soát vùng biển quốc tế, trong đó bao gồm khả năng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm