Đua nhau mua tàu ngầm để khai thác ‘tử huyệt’ của Trung Quốc

Cùng với các động thái ngày càng quyết liệt ở biển Đông, Trung Quốc đang đổ tiền mua nhiều khí tài quân sự tiên tiến. Trước sức ép ngày càng lớn từ quá trình quân sự hóa của Bắc Kinh, các quốc gia ở khắp Nam và Bắc Á quyết định đầu tư mạnh vào tàu ngầm, một loại vũ khí có thể đối phó hiệu quả với quân đội Trung Quốc.

Lộ diện “Bọ cạp”

Tuần trước, báo chí Úc đã công bố một bộ tài liệu kỹ thuật gần 20.000 trang rò rỉ từ hợp đồng đóng tàu ngầm giữa Ấn Độ và hãng đóng tàu DCNS của Pháp. Vụ rò rỉ nhanh chóng thu hút nhiều phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ tài liệu của DCNS miêu tả chi tiết khả năng tác chiến của tàu ngầm lớp Scorpene (Bọ cạp) mà Ấn Độ đặt hàng tập đoàn Pháp.

Bộ tài liệu thậm chí còn bao gồm các thông tin quan trọng như thời gian lặn ngầm, tầm bắn ngư lôi, độ ồn khi di chuyển dưới nước của Scorpene. Người phát ngôn của DCNS Emmanuel Gaudez cho biết: “Vụ việc nghiêm trọng này đang được cơ quan an ninh quốc phòng Pháp điều tra”. Theo nhà báo Cameron Stewart, tác giả bài viết công bố rò rỉ này, người lấy được bộ tài liệu kỹ thuật từ DCNS có thể là một cựu quan chức hải quân Mỹ.

Theo các thông tin được đăng tải, tàu ngầm lớp Scorpene có động cơ điện-diesel, là tàu ngầm quy mô lớn có khả năng di chuyển ngầm dưới nước trong thời gian dài, được trang bị một hệ thống tác chiến của Mỹ. “Đây sẽ là tàu ngầm chất lượng nhất thế giới”, trang bình luận Foreign Policy dẫn đánh giá của chuyên gia phân tích quân sự cao cấp Bryan Clark, thuộc Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ (CSBA).

Tàu ngầm lớp Scorpene đang được Ấn Độ và Úc đặt mua. Ấn Độ đã đặt mua sáu tàu. Hợp đồng riêng này đã bị trì hoãn vài năm so với dự kiến ban đầu. DCNS từng dự kiến giao tàu ngầm đầu tiên là INS Kalvari cho Ấn Độ vào năm 2012. Tuy nhiên, tàu ngầm INS Kalvari thực tế chỉ mới chạy thử trên biển vào đầu năm 2016. Úc cũng đã chi 38 tỉ USD đặt mua của DCNS một tàu ngầm lớp Scorpene. Tàu ngầm này dù chưa được giao nhưng đã được đặt trước tên gọi Shortfin Barracuda. Úc kỳ vọng loại tàu ngầm này sẽ là chìa khóa giúp họ tăng khả năng ảnh hưởng khắp vùng biển phía bắc Úc.

Tàu ngầm đầu tiên của Malaysia KD Tunku Abdul Rahman được sản xuất theo phiên bản lớp Scorpene. Ảnh: CFR

Tàu ngầm INS Kalvari - phiên bản tàu ngầm lớp Scorpene do công ty đóng tàu Mazagon Dock Limited (Ấn Độ) sản xuất.  Ảnh: HẢI QUÂN ẤN ĐỘ

Các công nhân đóng tàu đứng cạnh tàu INS Kalvari trước lễ hạ thủy tại Mumbai vào tháng 4-2015. Ảnh: REUTERS

Chìa khóa chạy đua vũ trang châu Á

Pháp đã vận động rất quyết liệt để DCNS có thể bán các hợp đồng chế tạo tàu ngầm cho các đối tác châu Á-Thái Bình Dương bất chấp thái độ phản đối từ phía Mỹ. Theo bình luận của tờ Foreign Policy, Mỹ muốn Úc ký hợp đồng với Nhật Bản để thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia cùng là đồng minh của Mỹ. Washington trong thời gian qua thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy một Tokyo đảm nhiệm trách nhiệm lớn hơn trong chiến lược kiềm chế Bắc Kinh.

Tiến độ đóng lắp chậm trễ cộng với sự cố rò rỉ bí mật quân sự của tàu ngầm Scorpene càng khiến Ấn Độ nổi đóa. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ngay lập tức đề nghị Pháp điều tra nghiêm khắc vụ việc. Úc cũng đăng đàn cảnh báo DCNS cần lập tức tăng cường an ninh. Chính phủ Canberra lo ngại các vụ việc tương tự có thể xảy ra với các tàu ngầm của các nước đã ký kết cùng DCNS.

Sự cố này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng giữ bí mật thông tin kỹ thuật về tàu ngầm của DCNS, đặc biệt khi Bắc Kinh đang cực kỳ chú tâm đến các diễn biến chạy đua vũ trang khu vực. Vụ rò rỉ bí mật quân sự này cũng được dự đoán là chủ đề bàn luận hàng đầu trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Mỹ. Ngoài Ấn Độ và Úc còn có một số nước khác trong khu vực đang thương thảo đặt mua các phiên bản khác của tàu ngầm lớp Scorpene, trong đó có Chile, Malaysia, Brazil.

Phản ứng gay gắt của các nước quanh việc rò rỉ bộ tài liệu của tàu Scorpene một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của tàu ngầm trong cuộc đua vũ trang châu Á, theo Foreign Policy. Tàu ngầm là một loại vũ khí các nước muốn sở hữu. Nó được xem là cách thức các nước trong khu vực chứng tỏ sẽ không ngồi yên cho Trung Quốc lộng hành bằng các động thái đơn phương và mở rộng phạm vi ảnh hưởng quân sự chiến lược.

Theo Foreign Policy, các quốc gia trong khu vực có thể không đương đầu được với việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống radar, triển khai tên lửa, đưa tàu hải quân và máy bay ra biển Đông. Những tính toán sai lầm có thể khiến leo thang xung đột không cần thiết. Tuy nhiên, tàu ngầm có thể là chìa khóa giúp các nước đối phó Trung Quốc từ dưới biển.

Tử huyệt của Trung Quốc

Theo nhà phân tích quân sự cao cấp Bryan Clark, chiến lược tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc có một tử huyệt chết người: Chống tàu ngầm.

Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD hiện đại hóa quân đội, phát triển hải quân nước sâu, tăng sức mạnh không quân. Tuy nhiên, khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn chưa thật sự phát triển. Các nước trong khu vực có lẽ đã nhìn ra lỗ hổng này và không bỏ qua cơ hội để khai thác tối đa điểm yếu của Bắc Kinh.

Đô đốc Jonathan Greenert, cựu Chủ nhiệm tác chiến Hải quân Mỹ - vị trí cao nhất trong cấp bậc Hải quân Mỹ, cũng cho rằng tàu ngầm là một loại vũ khí rất hấp dẫn đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhận định các nước khu vực nhiều khả năng sẽ tăng chi tiêu mua tàu ngầm trong bối cảnh ngày càng lo ngại về kho tên lửa của Trung Quốc. “Đặc trưng hoạt động “tàng hình” của tàu ngầm là một lợi thế” - Đô đốc Jonathan Greenert nhận xét.

Đây cũng là lý do tại sao việc bộ tài liệu kỹ thuật tàu ngầm lớp Scorpene của DCNS (Pháp) rò rỉ đã làm Ấn Độ và Úc lo lắng nhiều đến thế. Trong hơn một thập niên qua, các nước khu vực đã thi nhau tăng chi tiêu quân sự, dẫn đầu là Trung Quốc. Năm 2014-2015 chi tiêu quân sự châu Á tăng 5,4% trong khi mức tăng trung bình toàn cầu chỉ là 1%, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Một trong những hạng mục được các nước ưu tiên là xây dựng hạm đội tàu ngầm. Cuộc đua tàu ngầm tại khu vực diễn ra đặc biệt mạnh mẽ khi Trung Quốc mở rộng triển khai tên lửa và các căn cứ hải quân, đồng thời ngang ngược đơn phương cấm các nước trong khu vực và thế giới di chuyển vào vùng biển mà Bắc Kinh tự cho thuộc chủ quyền của mình.

Với học thuyết quân sự Chống xâm nhập - chống tiếp cận (A2/AD), Trung Quốc thiết lập một mạng lưới các hệ thống radar có độ bao phủ rộng. Các hệ thống này có thể xác định và đe dọa được tàu chiến của Mỹ, Nhật và một số nước khi tuần tra vùng biển tây Thái Bình Dương. Trung Quốc còn triển khai hàng chục đơn vị tên lửa có khả năng bắn chính xác các mục tiêu xa hàng trăm kilomet dọc bờ biển tây Thái Bình Dương. Lo ngại trước chiến lược của Trung Quốc, Ấn Độ vài năm nay bắt đầu tăng hoạt động tàu ngầm ở Ấn Độ Dương. Ngoài đặt mua sáu tàu ngầm lớp Scorpene từ hãng DCNS của Pháp, Ấn Độ cũng có kế hoạch chế tạo 24 tàu ngầm trong vòng 30 năm tới để đối phó với Trung Quốc.

Indonesia cũng đang rất khẩn trương mở rộng đội tàu ngầm của mình từ hai chiếc hiện tại lên bảy chiếc. Năm ngoái Indonesia thông báo có kế hoạch mua hai tàu ngầm lớp Kilo của Nga, ngoài ra đang chờ Hàn Quốc giao ba tàu ngầm vốn đã đặt mua từ năm 2012. Indonesia đã thông báo kế hoạch triển khai một số tàu và máy bay chiến đấu đến căn cứ ở quần đảo Natuna. Đây vốn là vùng biển bị cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đơn phương áp đặt chủ quyền chồng lấn.

Phản ứng quyết liệt của Ấn Độ và Úc trước sự cố rò rỉ bí mật quân sự của DCNS, những hợp đồng mua tàu ngầm liên tiếp được ký kết bởi các nước Đông Nam Á, Pháp và Nhật Bản tranh nhau chào mời bán tàu ngầm,… tất cả những điều này cho thấy: Tàu ngầm đã thật sự được các nước trong khu vực xem là chìa khóa cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu trí chiến lược quân sự với Bắc Kinh. “Các nước thật sự xem tàu ngầm là át chủ bài trong lực lượng hải quân của mình” - chuyên gia Bryan Clark đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm