Đồng Tháp Mười mùa không lũ

Nhưng sự hào phóng của tự nhiên luôn luôn có giới hạn. Sự thật là những năm gần đây, lũ ở Đồng Tháp Mười đang ngày càng “nghèo” đi về nhiều nghĩa, theo sau nó là những nỗi niềm trăn trở của người dân mùa nước nổi.

Thưa dần những đồng hẹ nước, bông súng

Tờ mờ sáng, cánh đồng hẹ nước ở Tân Lập, Mộc Hóa (Long An) đã lác đác người đi nhổ. Những cơn mưa lâm râm ảnh hưởng từ cơn bão đêm qua không ngăn được công việc của những người phụ nữ trung niên, họ mặc thêm áo mưa chế từ bao nilon cũ đựng phân bón để chống lại cái lạnh khi trầm mình cả ngày trong nước lũ.

“Tụi tui nhổ thuê cho chủ ruộng và ăn chia 6-4, mỗi kí lô hẹ giá 10.000 đồng thì công nhổ được 6.000 đồng. Một người nhổ cả ngày được khoảng 20 kg. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng phải cần mẫn, mất thời gian lại vừa lạnh nên đa số công nhổ đều là chị em phụ nữ lớn tuổi ở xóm”, bà Trần Thị Hoa, một công nhổ gần 60 tuổi nói.

Còn nhớ cách đây 5-10 năm, hình ảnh đầu tiên mà người ta nhìn thấy được ở Đồng Tháp Mười vào mùa lũ là những cánh đồng bông súng bạt ngàn. Mỗi buổi sớm, hoa súng nở trắng muốt và thơm nức cả một vạt đồng mênh mông nước. Chỉ cần nắm nhẹ một cọng súng và nhổ bật lên, nhìn độ dài của cọng súng người ta biết được mực nước dưới ruộng sâu bao nhiêu.

 Những đồng hẹ lưa thưa ở Tân Lập, Mộc Hóa

Bên dưới những cành hoa súng cơ man nào là các loại rau mã đề, hẹ nước, nhiều đến nỗi không ai thèm tranh giành để hái vì ruộng nào cũng có. Khi lũ rút, xả nước làm đồng, người ta phải dùng những sợi dây cước làm từ ruột thắng xe đạp dàn hàng ngang và hè nhau kéo để phát đứt chúng cho ruộng sạch.

Vậy mà bây giờ, đi dọc hết con kênh 79, từ Mộc Hóa đến Tân Hưng với 2 bên là những cánh đồng nước nhìn mút tầm mắt, họa may lắm mới có một vài cánh đồng hẹ, bông súng lưa thưa. Người ta bảo do nhiều năm liền lũ nhỏ, cộng với sự lạm dụng phân thuốc hóa học nên bây giờ những cánh đồng hẹ, bông súng được ví von là “lộc trời”, không phải ruộng nào cũng có.

Vài năm gần đây, chỉ nói riêng hẹ nước, thứ rau sạch tự nhiên đúng nghĩa chỉ mọc ở chỗ nước trong và duy nhất vào mùa lũ mỗi một kí lô khi lên xe ra phố, vào các nhà hàng sang trọng, cũng đắt gấp đôi, gấp ba. Thế nên bây giờ, việc người ta “rào đồng, phân lô” để độc quyền khai thác thứ rau dân dã này cũng là chuyện dễ hiểu.

Cạn kiệt cá tôm

Chiếc ghe như ngôi nhà di động của vợ chồng chị Trần Thị Ngân, 36 tuổi neo bên một bờ kênh ở huyện Tân Thạnh. Bên cạnh đó, có vài chục chiếc ghe như thế tạo thành một xóm chài lưu động nhỏ trên sông. Năm nào lũ về, từ khoảng tháng 7 đến tháng 10, anh chị cũng chèo chống từ An Giang về đây, hòa cùng phường hội đánh bắt cá từ lợp ếch, cá, tép, dớn, câu lưới,…để khởi đầu cho một mùa bươn chải mưu sinh nuôi hai đứa con ăn học, đứa lớp 7, đứa lớp 3.

“Trước đây tụi tui đặt lợp cỡ lớn ở những ngã ba sông, cá nhiều nên có hôm một cái lợp cả trăm ký cá là chuyện bình thường. Bây giờ chuyển qua lợp nhỏ hơn 300 cái nên từ tờ mờ sáng tui nấu sẵn cơm cho ảnh đi đặt, đến chạng vạng tối mới xong. Lũ không về nên cá mắm giờ nhỏ và ít, bữa nào trúng lắm chỉ tầm 4-5 kí lô, bán được khoảng 300.000 đồng”, chị Ngân nói. Đang giữa câu chuyện, người hàng xóm từ ghe bên cạnh cũng vừa trở về với thau lưới đầy rêu cùng mớ cá ít ỏi.

Tôi chợt nhớ đến những năm lũ cá nhiều, sáng sớm chỉ cần đem tay lưới vài chục thước ra đồng, đến trưa đã cuốn không nổi do cá linh, cá mè, cá chốt dính dày đặc, tính bằng đơn vị chục ký, bằng giạ chứ không phải đánh bắt kiểu chắt mót như bây giờ.

Những đồng hẹ lưa thưa ở Tân Lập, Mộc Hóa

Giữa trưa hôm sau, chúng tôi ghé một xóm chài ven sông khác ở xã Vĩnh Lợi (Tân Hưng), bắt gặp ông Lê Văn Hợp đang lui cui sửa mấy cái xà di bị gãy mất mấy nan tre. Làn da đen móc cời và đôi bàn tay chai đầy sẹo, nặng mùi mắm thối chứng tỏ ông là một tay đặt xà di “thứ thiệt”. Ông Hợp là dân gốc Đồng Tháp lớn lên ở Biển Hồ Tonle Sap. Sau này, việc đánh bắt ở nước bạn bị kiểm soát chặt nên gia đình ông trôi dạt trên chiếc ghe cũ về đây sinh sống bằng nghề xà di.

Xà di cũng tương tự như lợp, có hom đặt bằng mồi mắm thối trộn với đất và lúa lừng, chỉ bắt được duy nhất loài cá rô. Muốn bắt cá lớn thì phải làm nan thưa và ngược lại. Do cá tôm ngày càng ít nên dân đặt xà di, lợp tép, lợp ếch chuyên nghiệp như ông Hợp bây giờ còn nghĩ ra cách pha thêm một số vị thuốc để “dụ” cá tôm, trong đó có nhiều loại thuốc độc không rõ nguồn gốc.

“Không có lũ thì ít cá, ít cá thì người ta phải nghĩ ra nhiều cách hơn chứ không thì làm sao có ăn”, ông Hợp phân trần.

Chúng tôi chia tay lão ngư và xóm chài. Đứng ở một doi đất cao sát bờ sông, phóng tầm mắt về phía cánh đồng lũ xa xa, thấy đằng xa cơ man nào những chiếc xuồng giăng câu, đặt lợp, những hàng lưới đăng, cọc tiêu đâm tua tủa lên trời từ những “miệng dớn” dài hàng trăm mét để gần như chặn triệt để đường đi của cá tôm theo dòng nước lũ mùa này vốn đã rất nghèo nàn.

Ngóng lũ

Đây là con kênh Phước Xuyên, ranh giới giữa Long An và Đồng Tháp tại Tân Hưng, cột mốc chứng kiến bao nhiêu mùa lũ đã đi qua. Gần đây nhất là mùa lũ năm 2011, mùa lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua, chỉ thống kê sơ bộ cũng đã có gần 30.000 nhà dân bị ngập, hàng chục người chết, nhiều hệ thống đường bộ bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại mùa lũ năm 2011 là gần 800 tỷ đồng. Để giảm thiểu thiệt hại, ở bên kia tỉnh bạn Đồng Tháp đã hình thành những đê bao cao 4-5 mét để ngăn lũ. Vậy mà ở bên đây ranh giới Tân Hưng, Long An, những đê bao lửng chỉ cao ngót nghét chưa đến 3 mét so với đỉnh lũ hơn 4,32 mét năm 2000 và 3,88 năm 2011.

Lý giải về sự “chủ quan” này, ông Trần Tấn Tài, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, cho biết ngăn lũ là hạ sách, muốn kiểm soát được lũ thì cách duy nhất là phải sống chung với nó, làm đê thấp để lúc thích hợp sẽ cho lũ tràn bờ ngâm ruộng.

Những con rắn hổ hành hiếm hoi 

Thực tế, nông dân vùng Đồng Tháp Mười đã làm việc này từ rất lâu rồi. Họ đợi lũ về như một người bạn đồng hành thân thiết và khi lũ không về họ da diết ngóng trông.

Thế nhưng càng về sau, những mùa lũ dường như không còn theo một quy luật nào nhất định. Minh chứng là mùa lũ năm nay bắt đầu từ tháng 7 chứ không phải là tháng 8 như mọi năm. Mực nước khoảng 2,11 mét thời điểm này, mùa lũ năm nay ở Đồng Tháp Mười được dự báo sẽ không cao, và như thế có nghĩa là nó sẽ tiếp tục “nghèo nàn” hơn mọi năm.

“Lũ về sẽ rửa trôi mầm bệnh, cỏ dại, bồi đắp phù sa cho ruộng đồng và mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào cho nông dân và ngược lại”, ông Tài nói.

Theo dự báo, chỉ khoảng một tháng nữa thôi Đồng Tháp Mười sẽ đạt đến đỉnh lũ. Một điều nghịch lý là người ta có thể cụ thể hóa những thiệt hại do lũ gây ra, nhưng đến nay, chưa ai ghi chép được những khoản thất thu khi lũ không về. Và năm nay, người dân Đồng Tháp Mười lại phải đối mặt với nỗi buồn… không lũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm