Đình cổ nhất Nam Bộ đã được giữ ra sao?

Hơn 300 năm trước, những lưu dân xứ Bắc mang gươm mở cõi Nam tiến đã đưa bài vị của hai hoàng tử lập đình Thông Tây Hội phụng thờ, hương khói. Trải qua giặc giã, bể dâu, chính những người dân là những người bền gan, vững chí giữ gìn cho mái đình rêu phong được yên ả.

Lòng dân giữ vẹn mái đình

Đất Hạnh Thông Tây ngày trước được nổi lên như một gò lớn giữa đồng hoang nước mặn, bời bời cỏ lác. “Tổ tiên đã đến dựng nghiệp nơi đây, mang theo bài vị hai con của vua Lý Thái Tổ để phụng thờ. Ấy mới gọi là tổ tiên. Nay đã xưa lắm rồi, sử tre cũng không có chép, chỉ nghe cha ông kể lại, chuyện còn chuyện mất” - cụ Nguyễn Văn Tý, Trưởng ban Quản lý di tích đình Thông Tây Hội (107/1 Nguyễn Văn Lượng, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM hiện nay), cho biết.

Theo tích xưa, đây vùng u tịch, trên bờ hùm beo gầm, dưới sông rắn sấu lội nhưng đất đai xôi mật, cây cối tốt tươi. Cư dân vừa chống thiên nhiên hoang dữ, vừa sản xuất cấy cày dựng nghiệp; rồi giặc giã chiến chinh là cả một câu chuyện dài. Ông Tý trầm ngâm: “Mái đình lúc đó là tranh tre nứa lá, che chắn cho linh vị khỏi nắng rọi, mưa sa; bà con tiện bề hương khói, an yên sản xuất. Giữ mái đình lúc đó vừa là giữ ý chí hướng về nguồn cội, vừa là nơi sinh hoạt tâm linh. Năm 1698, chúa Nguyễn mới đặt địa giới, phân xã, định thôn sức dân được quan lại huy động để xây đình to đẹp như ngày nay”.

Sử cũ ghi lại khuôn viên đất của đình do một hào phú địa phương tên Huỳnh Văn Thu hiến. những người dân khác thì hiến công, góp của. “Ông cha kể bao quanh đình bốn bề cây cối, đường sá khó khăn, cọp beo rình rập… nên việc xây dựng, tôn tạo rất hao công” - ông Tý chậm rãi.

Theo những bậc cao niên giữ đình, đình Thông Tây Hội trải qua ba lần xây dựng. đến năm 1883 mới hoàn thiện và được giữ nguyên trạng đến ngày hôm nay. “Đình là nơi sinh hoạt của quan, quan ra lệnh gia đình nào có tráng đinh thì đi làm xâu theo bổn phận, nhà không có thì phải nộp bạc. Nhưng đình là nơi thờ thành hoàng, thành hoàng bảo vệ cho dân nên chỉ có lòng dân mới giữ được mái đình (nơi ở của thần - PV) cho vẹn nguyên được. Lời của quan sao giữ được đình” - ông Tý tâm tình.


Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tý, Trưởng ban Quản lý di tích đình Thông Tây Hội, gắn liền với những thăng trầm của ngôi đình cổ. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Sức dân giữ mái nhà chung

Xưa, rất nhiều lễ cúng diễn ra ở đình Thông Tây Hội, trong đó sôi động nhất là lễ Kỳ yên, được tổ chức vào trung tuần tháng 8 âm lịch. Ông Tý nhớ lại: “Ngày đó, dân làng tập trung, già trẻ lớn bé, ai ai cũng vui. Đến đình vừa là gắn kết tình cảm, vừa là bàn chuyện xóm làng cũng như dạy bảo cháu con đạo lý. Lễ lạt thì người góp gạo, góp xôi, góp gà cúng thần hoàng. Đình có hư hại thì được sửa sang, chăm chút. Với xô bồ phố thị, cảnh ấy nay thưa vắng…”.

Đình Thông Tây Hội nay kèo cột nhiều loại gỗ khác nhau, ngói âm dương viên cũ viên mới. “Bởi đất này ít gỗ tốt, muốn có gỗ dựng đình, bà con phải kéo xe bò đến tận Lái Thiêu, Bình Dương để cưa xẻ phục vụ việc xây dựng. Viên ngói nào vỡ thì người dân cạy cục mua lại từ những ngôi nhà cổ vùng Đông Thạnh, Hóc Môn” - ông Nguyễn Tân Tâm (63 tuổi), phó ban quản lý, góp chuyện.

Cho đến hôm nay, đình Thông Tây Hội vẫn giữ được kèo cột nơi chánh điện là nhờ công đức chăm chút của người dân bản địa và du khách chiêm bái. Cách đây vài năm, mèo hoang nhảy làm bể ngói, nước mưa dột, mối mọt đục làm kèo cột hư khiến một thanh xà nhà đổ xuống. “Mình huy động sức dân, ai có tiền thì góp tiền, ai có sức thì góp sức. Một thanh xà nhà thôi đã tiêu tốn gần 30 triệu đồng, làm từ gỗ căm xe, thuê thợ về gắn” - ông Tâm chỉ tay vào cây gỗ mới gắn trên mái nhà võ ca cho hay.

“Những hư hại nhỏ như hư máng xối, ngói bể, mối mọt mới đục thì bà con tự sửa được. Hư lớn quá thì đành chờ các cấp chính quyền, vì nguồn lực của đình hạn hẹp” - ông Tý bộc bạch. Nghe nói năm 2016 có thể thành phố sẽ trùng tu ngôi đình cổ nhất Nam Bộ với hơn 300 năm này, bà con lấy làm phấn khởi.

Với bà Châu Thị Nở, phường 11, quận Gò Vấp thì mái đình cũng như mái nhà chung, nơi ở của thành hoàng, đến thắp nén hương mong cầu thành hoàng cũng như mong cầu cha mẹ, ông bà tổ tiên. Bà Nở tâm sự: “Ai góp gì được thì góp để giữ đình. Sức mình yếu thì góp chút ngân những mong nơi đây được yên ả, người dân cũng an lòng trong năm mới”.

Những người dân xung quanh đình Thông Tây Hội vẫn lưu truyền những câu chuyện đầy huyễn hoặc về chốn linh thiêng này như chuyện về đôi rắn, chuyện về ông Cả (ông cọp).

Những người giữ đình cho biết có huyền tích kể rằng ông Cả của làng Hạnh Thông Tây xưa rất gần người. Một bà mụ vườn sống cạnh ngôi đình được ông Cả mời đi đỡ đẻ cho vợ. Tối bà mụ vườn được ông Cả vác lên vai đưa vào rừng hoang đỡ đẻ cho vợ ông, đến sáng thì đưa về. Sau bà kể lại cho dân làng nghe. Bà con vốn đã kính sợ nên càng thêm nghiêm cẩn, gọi bằng ông, lập miếu phụng thờ nay vẫn còn (ảnh).

Đình cổ nhất Nam Bộ đã được giữ ra sao? ảnh 2

Có chuyện kể rằng trước hai bên chánh điện có hai gò mối. Mỗi bận người dân hương khói cúng thờ thì có hai “ông rắn” đến chầu, tàn hương, tan khói mới đi. Đôi rắn không làm hại bất kỳ một ai. Sau phố thị mở mang, nhà xây san sát, không gian xô bồ, đôi rắn bỏ đi đâu không rõ. Lễ vẫn cúng đều đặn, những người nhớ chuyện đến tìm hỏi nhưng không bao giờ được thấy nữa.

Làng Hạnh Thông Tây (xưa thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình) tách ra từ làng gốc là Hạnh Thông. Theo Gia Định Thành Thông Chí thì tiếng gốc của làng là Hanh Thông. Người dân cho rằng Hanh Thông biểu trưng cho khát vọng cầu cho việc đi, việc làm được xuôi chèo mát mái, thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, gốc người làng là người vùng Nghệ Tĩnh nên tiếng nói nặng, trệch ra thành Hạnh Thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm