Chuyện bây giờ mới kể:

Đền Tưởng niệm Bến Dược Củ Chi được xây dựng như thế nào ?

Đó là ông Trần Văn Nguyên (Mười Nguyên) – sinh năm 1932 tại An Nhơn Tây, Củ Chi. Ông chính là người có ý tưởng, khởi xướng xây dựng Đền Tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi trở thành biểu tượng chung cho cả nước tưởng nhớ về các anh hùng, liệt sĩ…

Ông Trần Văn Nguyên (Mười Nguyên) - Ảnh Nguyễn Tý

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước diễn ra rất ác liệt ở Củ Chi, ông là một trong những nhân chứng từng bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Trở về ông tiếp tục cùng một số đồng chí cách mạng lãnh đạo Củ Chi đào hầm địa đạo. Củ Chi trở thành khu căn cứ kháng chiến vững chắc của Khu Sài Gòn-Chợ Lớn- Gia Định. Ngoài ra Củ Chi nổi tiếng với lực lượng du kích làm khiếp vía Mỹ-ngụy.

Ông Mười Nguyên cho biết: “Đối với Củ Chi thời kháng chiến chống Pháp kể cả chống Mỹ, không lúc nào là không có lực lượng luyện quân ở đây. Ngay từ hồi đó đã có chợ trong kháng chiến”.

Đền tưởng niệm Bến Dược-Củ Chi

Đền Tưởng niệm Bến Dược Củ Chi được xây dựng như thế nào ? ảnh 2
Toàn cảnh  Đền tưởng niệm Bến Dược-Củ Chi - Ảnh TL

Trong hai cuộc kháng chiến, Củ Chi thoát ly 16.000 người, hy sinh trên 13.000 người. Toàn thành phố trên 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, riêng Củ Chi gần 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Ông Trần Văn Nguyên (bên trái) chụp chung với ông Mười Hương (Trần Quốc Hương) - Ảnh tư liệu

Củ Chi xây dựng Đền tưởng niệm (cả nước chưa có). Ý tưởng đề xuất đó của ông được đồng chí Nguyễn Văn Linh đồng ý.

Ông cho biết: “Anh Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) gọi tôi và anh Mười Hải (Lê Thanh Hải qua đời 9-2013) về thành ủy.

Anh Mười Cúc hỏi:

- Nghĩ sao mà đồng chí đề xuất xây dựng đền?

Mười Hải nói:

- Thôi Mười Nguyên phát biểu đi.

Tôi nói:

- Dạ thưa anh, mỗi năm cứ đến rằm tháng Giêng nhân dân họ đến Núi Bà Đen (Tây Ninh) đông quá nhưng sao mình không xây dựng một địa điểm để cho bà con tưởng niệm con em của mình.

Ý tôi ban đầu làm Bia tưởng niệm Củ Chi nhưng cuối cùng anh Mười Cúc tiếp nhận, nói:

- Nếu đã làm là làm cho thành phố coi như trách nhiệm của thành phố.

Anh nhấn mạnh từng lời, từng chữ: “Đối tượng thứ nhất là con em của thành phố trong hai cuộc kháng chiến hy sinh trên đất Sài Gòn và bất cứ ở nơi nào. Đối tượng thứ hai là con em của ba miền, chiến đấu hy sinh trên đất Sài Gòn- Chợ Lớn – Gia Định”.

Thành ủy quyết định giao ông làm Trưởng Ban Quản trị Quỹ Xây dựng đền, rồi thành lập bộ phận nội dung, bộ phận xây dựng, bộ phận vận động (ông ở trong ban nội dung và vận động). Ông đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước để vận động. Khi vận động được gần hai tỷ đồng, ông Mười Cúc bảo ông thôi đừng đi nữa, để thành phố cân đối ngân sách.

Đền khởi công vào ngày 19-5-1993, nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch trên một vùng đất rộng 7 ha trong quần thể của khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 19-12-1995.

Ông Trần Văn Nguyên (bên trái)  chụp chung cùng ông Tư Mạnh, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh quân khu 7 - Ảnh tư liệu

Ông nhớ như in việc xây dựng đền và tổ chức viết văn bia: “Chúng tôi tổ chức thi viết Văn bia. Tôi, Mười Hải, Hai Phụng trong ban nội dung. Phát động hình thành ban giám khảo có giáo sư Trần Văn Giàu (Sáu Giàu) làm Chủ tịch Hội đồng, anh Sáu Chiến, nhà thơ Viễn Phương… Tôi đi gặp anh Tư Quản, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội gởi danh sách về khắc tên. Có 29 tỉnh, thành tham gia, trong đó có 217 bài tất cả đều được đánh mã số (từ 01 đến 217). Khi còn ba bài, gút chọn một bài, hội đồng đề nghị tôi đọc thêm lần nữa. Bác Sáu Giàu hỏi: “Bài này của ai?”. Tôi bảo: “Của anh Viễn Phương”. Cả hội đồng vỗ tay nhất trí tán thành bầu chọn 100%.

“Có điều đáng tiếc, trong ban quản trị có 18 người, đến nay qua đời mười người nhưng giai đoạn hai vẫn chưa xong”- ông trăn trở.

Nội dung bài văn bia

Vùng đất sáng ở Miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xăm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối. Thuở đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tím ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ Bến Nhà Rồng.

(…) Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn.

Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?

Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại,

mẹ khóc mỗi hoàng hôn...

Văn bia “Đời đời ghi nhớ” của nhà thơ Viễn Phương là bản hùng ca về đất và người Củ Chi khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về quá khứ hào hùng của cha anh. Bản hùng ca giáo dục thế hệ trẻ với ngôn từ giàu sức biểu cảm, hào hùng và là một trong những bài văn bia được rất nhiều du khách khi đến nơi ghi chép lại.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã viết: “Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Củ Chi đã chiến đấu kiên cường, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Đền Tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những biểu tượng đời đời ghi nhớ, biết ơn và tôn vinh, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giành Độc lập – Tự do – Thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam yêu quí” (TP.Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1997).

“Theo tôi, Đền Tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi (Di tích lịch sử quốc gia) trở thành biểu tượng chung cho cả nước là chính vì thế. Khi cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu vào thăm Củ Chi, nhà thơ Tố Hữu bảo tôi đọc bài Văn bia “Đời đời ghi nhớ” của nhà thơ Viễn Phương. Nghe xong, nhà thơ Tố Hữu bảo độc đáo. Ông nói: “Từ xưa đến nay đất nước mình chưa có ai tổ chức thi Văn bia, các đồng chí có sáng kiến này, tôi hết sức biểu dương ý tưởng đó. Thứ hai, làm đền tưởng niệm con em của cả nước chứ không phải riêng của thành phố. Riêng bài Văn bia của nhà thơ Viễn Phương sâu sắc lắm. Tôi phải xác định rằng, Viễn Phương tham gia chiến đấu ở vùng này nên mới viết được những chi tiết đó, chứ còn không chiến đấu, bám trụ, thực tế ở đây dù có dùng văn chương cũng không thể nói lên hết được”.

Ông Trần Văn Nguyên và tác giả tại nhà riêng ở Củ Chi - Ảnh T.KHANH

Củ Chi hiện nay đã đô thị hóa rất nhiều, ông Mười Nguyên tự hào: “Sau giải phóng, ngoài ổn định dân, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi chúng tôi xác định về quy hoạch Củ Chi xây dựng năm cụm kinh tế - xã hội (cứ năm xã thành một cụm). Năm cụm đều có trường học cấp hai, cấp ba. Đặc biệt đồng chí Sáu Dân chỉ đạo Củ Chi giải phóng dần nhà tranh, nhà lá, nhà tôn nâng dần thành nhà ngói. Đến nay nhà sau tốt hơn nhà trước, đời sống văn hóa phát triển. Đường nông thôn ngày trước xe chạy bụi bám đầy, nay tất cả đều tráng nhựa từ ngoài lộ vào trong xóm ấp. Lãnh đạo Trảng Bàng, Bến Cát qua thăm Củ Chi đều bảo, chúng tôi không thể nào chạy theo kịp Củ Chi. Tôi rất lấy làm tự hào”.

Đền tưởng niệm có tất cả 44.752 tên anh hùng liệt sĩ được tạc tại gian chính điện cùng phối thờ. Đền khắc ghi: “43.777 liệt sĩ, 11 vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, 41 vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 975 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (Theo số liệu tính đến thời điểm 14-12-2012 của Wikipedia).
Ông Trần Văn Nguyên tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ. Bị địch bắt tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần cách mạng. Sau 1975, ông giữ chức Bí thư huyện Củ Chi. Ông đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng: Huân chương Giải phóng Nhất, nhì, ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Hai. 60 năm tuổi Đảng.


NGUYỄN TÝ - THOẠI KHANH (Ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm