Long An - ngàn năm dấu tích người xưa - Bài 3

Để di tích không thành phế tích

Do nhiều nguyên nhân, một số di tích hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức đang từng ngày xuống cấp. Cộng với quá trình đô thị hóa và hành vi xâm hại từ chính bàn tay con người, một số di tích khác cũng gần như bị xóa sổ hoàn toàn.

Chảy máu cổ vật

Nhà khảo cổ học Vương Thu Hồng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Long An, cho biết dù những người làm công tác khảo cổ học tại tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng bảo vệ nhưng không tránh khỏi tình trạng nhiều di tích bị xâm hại.

“Chẳng hạn di tích Gò Hàng ở Tân Hưng là di chỉ cư trú lớn có dấu tích các hoạt động thủ công làm đồ gốm, kim hoàn, đá quý. Tổng thể di vật ở đây thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, do bị đào xới quá nhiều nên hiện nay toàn bộ khu vực di tích Gò Hàng tầng văn hóa đã xáo trộn và bị hủy hoại nghiêm trọng. Sau đó trên bề mặt gò, một số ít hiện vật còn sót lại sau những đợt đào bới như các mảnh gốm dạng Óc Eo, hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá quý, vàng cám, vàng trứng cá,… Từ năm 1989 đến năm 1997, Bảo tàng Long An và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp đào nhiều hố thám sát tại khu vực này. Tuy nhiên, ngoài một số hiện vật như đồng tiền, trang sức bằng đồng, chì, hạt chuỗi, gốm còn sót lại, giá trị của di tích này hầu như không còn nữa” - ông Vương Thu Hồng nói.

Ở vùng trũng Đồng Tháp Mười, gần 30 di tích khác có giá trị như Gò Dung (Tân Thạnh), Gò Vĩnh Châu A (Tân Hưng), Gò Đế (Mộc Hóa) phần lớn cũng cùng chung số phận bị những người săn tìm kho báu tàn phá. Một số di tích đã bị xóa sổ gần như hoàn toàn.

Tại vùng cao của huyện Đức Hòa, bên cạnh nguyên nhân bị chiến tranh tàn phá, nhiều di tích đền tháp cổ như Gò Trâm Quỳ, Gò Tháp Lớn, Gò Tháp đã bị người dân đào bới và lấy đi nhiều gạch, vật liệu cổ. Một số tượng cổ đã bị thất lạc. Một số di tích hiện nay người dân cũng đã san phẳng để trồng lúa, hoa màu nên nhiều di tích như Gò Hai Căn, Gò Nhà Vuông cũng đã bị hủy hoại nghiêm trọng.

 
Di tích Gò Đồn hiện được dùng làm nơi chăn thả trâu bò. Ảnh: HOÀNG NAM

Ngổn ngang quy hoạch

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Lâm ngụ ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ (Đức Hòa). gần 30 năm qua, khu vườn 1.000 m2 nằm trong di tích Óc Eo Gò Xoài của bà vẫn là khoảnh đất ngổn ngang do quá trình các nhà khảo cổ học khai quật trước đó.

“Khoảng năm 1985, một số cán bộ đoàn khảo cổ đến khu vực vườn trồng xoài của nhà tôi, bảo đây là di tích cổ và xin đào khảo sát. Họ đào hơn một năm, tuy nhiên khi đi khỏi họ không lấp lại các hố đã đào, gia đình tôi nghĩ đây là công trình của Nhà nước nên cũng không dám san lấp lại để trồng cây” - bà Lâm cho biết.

Sau đó đến năm 2010, chính quyền địa phương đến gặp bà Lâm để thông báo sẽ quy hoạch khu đất đã bị đào xới trước đây của gia đình bà làm khu di tích và tiến hành kê biên đền bù. Tuy nhiên, trong phương án đền bù đã không tính đến phần thất thu trong suốt gần 30 năm nên bà Lâm không đồng ý và khiếu nại đến nhiều cấp nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tại khu đất này đã bị xây một phần tường bao xung quanh, phần đất bị đào sâu xuống khoảng 1 m.

Chung số phận với di tích Gò Xoài là di tích Gò Đồn tại ấp Bình Tả 2, Đức Hòa Hạ. Ông Nguyễn Thế Liễn - chủ đất cho biết phần đất 7.000 m2 của gia đình ông nằm trong khu quy hoạch di tích Gò Đồn từ nhiều năm nay, khu vực này đã được Nhà nước xây một phần tường bao bảo vệ. Tuy nhiên, do đợi lâu không thấy Nhà nước triển khai công trình nên mới đây, gia đình ông đã xây thêm một chuồng trâu bò kiên cố trong khuôn viên quy hoạch di tích. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực di tích này hiện nay cỏ mọc um tùm và trở thành nơi thả trâu bò của người dân. Cách đó vài trăm mét, ông Nguyễn Văn Khoa - chủ đất khu di tích Gò Năm Tước cũng đang dự định đưa máy cày san phẳng phần đất di tích để trồng hoa màu.

Quy hoạch “treo” tại di tích Gò Xoài. Ảnh: HOÀNG NAM

“Nhà nước cứ nói sẽ tính toán bồi thường sớm nhưng chờ hoài không thấy, để đất không lại lãng phí” - ông Khoa cho biết. Cũng tại khu vực này trước đây sau khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tiến hành xây tường bao và rào bằng lưới sắt để bảo vệ. Tuy nhiên, cho rằng Nhà nước chậm bồi thường nên khi thợ xây rào được gần phân nửa di tích đã bị ông Khoa ngăn cản.

Ông Phạm Văn Trấn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Long An, thông tin tại huyện Đức Hòa có hai cụm di tích khảo cổ là Bình Tả (Đức Hòa Hạ) và An Sơn (An Ninh Tây). Thời gian qua Sở đã phối hợp với UBND huyện Đức Hòa chỉ đạo Ban Quản lý dự án xây dựng công trình VH-TT&DL ký kết hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiến hành kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng hai cụm di tích trên. Việc kê biên và lập phương án bồi thường hỗ trợ đã hoàn thành trong năm 2011 với tổng kinh phí 11,3 tỉ đồng. Sở cũng đã có công văn xin bố trí vốn thực hiện công tác kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng hai di tích này. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có phương án bố trí vốn nên chưa thể bồi thường cho người dân để sớm triển khai quy hoạch khu di tích.

“Mới đây, chúng tôi cũng đã tiếp tục có công văn xin bố trí vốn, nếu được UBND chấp thuận bố trí, khả năng trong năm nay Sở sẽ tiến hành bồi thường để người dân an tâm” - ông Trấn cho biết.

HOÀNG NAM

Tiết kiệm cho đời sau

Để di tích không thành phế tích ảnh 3
 
Tại hội nghị về khảo cổ học năm 2013 tại Hà Nội đã có nhiều ý kiến lo ngại về một thực trạng đáng báo động hiện nay là các di tích đang bị tàn phá rất dữ dội. Ngay tại Phú Thọ hiện nay, các nhà khảo cổ học không còn có thể tìm được các di tích thời tiền sử để gắn với các vết tích văn hóa thời Hùng Vương. Chính vì vậy việc Bảo tàng Long An đã cố gắng giữ gìn, bảo tồn các di tích ngay khi được phát hiện trong những năm qua là điều cần được đánh giá cao.

Những cuộc khai quật các di tích hiện nay nên tính toán sao cho diện tích thật nhỏ, vừa phải, không nên sử dụng diện tích nhiều. Mục đích là vừa nghiên cứu vừa bảo tồn, tiết kiệm để tiếp tục nghiên cứu. Vì có thể hôm nay, đời này chúng ta nghiên cứu chưa tới nhưng các thế hệ đi sau họ sẽ có đủ điều kiện nghiên cứu tốt hơn.

Một vấn đề cần quan tâm nữa hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ là các tỉnh nên xúc tiến quy hoạch ngay các di tích khảo cổ học. Nếu không với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa như hiện nay thì chuyện các di tích bị hư hại, mất mát theo thời gian là điều khó tránh khỏi.

PGS-TS BÙI CHÍ HOÀNG, Viện phó Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thành viên Hộiđồng Di sản Quốc gia

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm