Để bảo vệ tên 'Biển Đông' cho Việt Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Trung Thuần cho rằng việc bảo vệ tên “Biển Đông” của VN ở diễn đàn quốc tế là một nhiệm vụ cần phải được chú ý và đẩy mạnh trong thời gian tới. Bà Thuần chỉ muốn khơi mở vấn đề và mong muốn các cơ quan chức năng và giới ngôn ngữ học Việt Nam quan tâm hơn đến yếu tố này trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN.
Pháp Luật TP.HCM xin lược đăng tham luận này.
Ba đề nghị về tên Biển Đông
Mấy năm gần đây, cùng với sự tranh chấp chủ quyền Biển Đông hiện đang xảy ra giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, cuộc tranh luận về tên gọi quốc tế của Biển Đông Việt Nam trở nên nóng hơn bao giờ hết, dẫn đến cuộc tranh luận với 3 đề nghị khác nhau: 1. Trung Quốc vẫn muốn giữ nguyên tên là “Biển Nam Trung Hoa” – South China Sea, Philippines lại muốn gọi là “Biển Tây Philippines” - West Philippines Sea, còn Việt Nam thì quan điểm của một số học giả – sử gia đề nghị đổi tên thành “Biển Đông Nam Á” Southeast Asia Sea.

Ngày 12.9.2012, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết đã thông qua Lệnh hành chính 29 (AO) chính thức gọi đây là “Biển Tây Philippines” trên bản đồ hành chính của nước này. 

Còn phía Trung Quốc, từ lâu chính phủ nước này vẫn ưu tiên tên gọi “Biển Nam Trung Hoa” (A. South China Sea ; theo cách gọi của Trung Quốc, tên đầy đủ hiện nay là "Nam Trung Quốc Hải" 南中國海, gọi tắt là “ Nam Hải” 南海 – được sử dụng phổ biến trong các văn bản chính thức xuất phát từ những thủy thủ người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, trong quá trình tìm kiếm cơ hội giao thương với Trung Hoa và sau đó được tổ chức Thủy văn quốc tế (International Hydrographic Organization – IHO) sử dụng.

Bà Nguyễn Trung Thuần, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, tác giả của tham luận.

Trong hai hướng tiếp cận, giữ lại tên gọi “Nam Trung Hoa” tạo ra những hiểu lầm địa dư, lẫn pháp lý. Các tên biển đã xuất hiện từ thời xa xưa (như “Biển Nhật Bản” hay “Biển Nam Trung Hoa”...) có thể tạo lợi thế cho các nước có tên liên quan, nếu các quốc gia này dựa vào đó tự hợp pháp hóa các lợi ích của mình và xem đó như “các chứng cứ lịch sử”, bất chấp sự thật rằng những cái tên ấy chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải. Bởi thực tế, nếu chỉ dựa vào tên biển để khẳng định chủ quyền sẽ không ổn, vì Ấn Độ Dương (India Ocean) có thể sẽ là của Ấn Độ và Mexico có thể tuyên bố vịnh Mexico (Gulf of Mexico) thuộc về mình!
Dẫu có nổ ra những sự tranh luận gì, thì trước mắt, cái tên Biển Đông thực tế vẫn là tên gọi chính thức của Việt Nam. Vậy cách bảo vệ nó là phải tìm cách xếp tên Biển Đông vào Danh mục các địa danh đã được chuẩn hóa ở cấp độ quốc gia, rồi được đăng kí chính thức ở cấp độ toàn cầu tại Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Thực trạng ở Việt Nam trong lĩnh vực địa danh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở cấp độ quốc gia, Việt Nam chưa hề có một cơ quan nào chịu trách nhiệm chung về lĩnh vực chuẩn hóa địa danh nói chung và địa danh tiếng nước ngoài nói riêng, mà mới chỉ có Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chịu trách nhiệm về mảng địa danh phục vụ riêng cho bản đồ.
Song bản “Danh mục địa danh nước ngoài thể hiện trên bản đồ” do Cục Đo đạc và Bản đồ đưa lên mạng lại mới chỉ có mỗi khung trang web chờ sẵn, chưa có nội dung.
Xem trong trang web của Cục Đo đạc và Bản đồ và trang web của Tổng cục môi trường thấy có giới thiệu: Phụ lục 28: Hướng dẫn áp dụng các mẫu phiên chuyển địa danh tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Phụ lục 29: Mẫu Bảng thống kê, đối chiếu địa danh nước ngoài..., nhưng tìm không thấy nội dung.
Về thực tiễn chuẩn hóa địa danh, mới chỉ thấy các thông tin về các hội nghị tập huấn chuẩn hoá địa danh bản đồ do Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương phối hợp với Trung tâm nghiên cứu triển khai bản đồ và Địa tin học thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ triển khai ở một số nơi như Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế..., với thuyết minh là để “thực hiện Đề án xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt nam và quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ”.
Khi thử theo thông tin ở bài trên để tìm “Đề án xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế” trên mạng thì chưa thấy đâu.
Việt Nam chưa coi trọng và chưa có sự đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực địa danh nói chung và địa danh nước ngoài nói riêng; chưa có được bộ máy quản lí cấp quốc gia và đội ngũ các chuyên gia về địa danh; chưa có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về việc chuẩn hóa địa danh. Bởi thế mà cũng rất dễ hiểu là tại sao ở Việt Nam chưa có sự thống nhất, chuẩn hóa chung trong phạm vi cả nước về mảng này; chưa có được những tư liệu cẩm nang (dưới dạng sổ tay, từ điển, bảng chỉ dẫn...) về chuẩn hóa địa danh, các bộ từ điển địa danh tên riêng xuất hiện trên thị trường chưa phải là do nhà nước đứng ra chỉ đạo biên soạn. Điều này gây nên rất nhiều trở ngại trong cả đối nội đối ngoại, trong sử dụng hàng ngày cũng như trên các văn bản, sách báo chính thống.
Việt Nam chưa gia nhập vào đội ngũ quốc tế về lĩnh vực dịa danh cũng như chuẩn hóa địa danh. Điều này dẫn đến rất nhiều thiệt thòi trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, giao lưu quốc tế và có tiếng nói của mình trên trường quốc tế.
Làm sao để bảo vệ tên Biển Đông?
Nhà nước cần dựa theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, và cao hơn là của LHQ thành lập một cơ quan cấp nhà nước chỉ đạo chung (Hội đồng chuẩn hóa địa danh nhà nước chẳng hạn) cho lĩnh vực chuẩn hóa địa danh nói chung, địa danh tiếng nước ngoài nói riêng. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi công việc có liên quan tới việc chuẩn hóa địa danh, như chỉ đạo công việc biên soạn các tư liệu công cụ (sổ tay, từ điển, bảng tra cứu...) chuẩn hóa ở cấp độ nhà nước cho các địa danh trong nước và nước ngoài.
Cơ quan này phải tìm cách hội nhập được với các hoạt động nghiên cứu về địa danh ở tổ chức Nhóm chuyên gia địa danh của LHQ, để Việt Nam có được tiếng nói trong lĩnh vực này ở tầm quốc tế, điều này là vô cùng quan trọng. Muốn thế, Việt Nam phải có được một chân chính thức trong tổ chức Nhóm chuyên gia địa danh LHQ. Khi đã trở thành thành viên của Nhóm chuyên gia địa danh LHQ, Việt Nam sẽ có cơ hội giành được tiếng nói ủng hộ từ LHQ khi muốn bảo vệ cái tên Biển Đông cho mình.
Một ví dụ rất sinh động: Vì đã có chỗ đứng trong cộng đồng địa danh của thế giới, nên khi có tranh chấp trên biển với Nhật Bản, cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng yêu cầu LHQ ghi cả 2 tên “Biển Đông” và “Biển Nhật Bản” trên các bản đồ. Tại cuộc họp của Nhóm chuyên gia về địa danh LHQ (UNGEGN) ngày 31.7.2012, Hàn Quốc kêu gọi tổ chức này sử dụng cả 2 tên “Biển Đông” và “Biển Nhật Bản” trong cuốn sách “Ranh giới giữa biển và biển”. Bắc Triều Tiên cũng đã nhất trí với lập trường của Chính phủ Hàn Quốc. Tại cuộc họp này, Seoul nhấn mạnh rằng việc sử dụng thêm cả tên “biển Đông” vẫn chưa được giải quyết vì đã không được thảo luận đầy đủ trong phiên họp của Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) tại Monaco vào tháng 4. Chính phủ Hàn Quốc kiên quyết giữ vững lập trường về việc gọi tên “Biển Đông” trong khi IHO vẫn đang tiếp tục sử dụng tên chính thức là “Biển Nhật Bản”.
Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng lên tiếng chỉ trích Tokyo không có thái độ mềm dẻo trong việc sửa đổi tên biển giữa bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm