‘Danh sách Kremlin’ chọc giận Nga, vì sao?

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin hôm 30-1 tuyên bố với các nghị sĩ dự định áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga dựa trên “danh sách Kremlin” vừa công bố cùng ngày.

“Danh sách Kremlin” là gì?

Bộ Ngân khố Mỹ ngày 30-1 bất ngờ công bố “danh sách Kremlin”, liệt kê 114 nhân vật chính trị cấp cao của Nga và 96 doanh nhân “trùm kinh tế”, những người có liên quan với Tổng thống Putin. Báo cáo này là một phần trong số các động thái trả đũa theo quyết định của lưỡng viện Mỹ, được Tổng thống Donald Trump thông qua hồi tháng 8 năm ngoái, liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Gần như toàn bộ quan chức cấp cao nhất của chính phủ Nga đều góp mặt trong danh sách này, bao gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev, Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksander Bortnikov… Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, những doanh nhân “trùm kinh tế” bị gọi tên bao gồm những nhân vật đình đám mà Mỹ cáo buộc có liên quan đến tình báo Nga như German Gref, Giám đốc điều hành ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank; Mikhail Prokhorov, Chủ tịch đội bóng rổ Brooklyn Nets; Eugene Kaspersky, Giám đốc điều hành Kaspersky Lab…

Những cái tên trong danh sách này được lựa chọn trên cơ sở cấp bậc chính thức của các chính trị gia trong chính phủ Nga hoặc các doanh nhân có tài sản ròng trị giá từ 1 tỉ USD trở lên. Theo tuyên bố của Bộ Ngân khố Mỹ, báo cáo trình lên Quốc hội cũng bao gồm một phần “phụ lục”, trong đó liệt kê những quan chức cấp thấp hơn và các nhân vật khác có tài sản dưới 1 tỉ USD. Tuy nhiên, báo cáo này cũng viết: “Đây không phải là một danh sách trừng phạt. Các cá nhân hoặc các thực thể có mặt trong báo cáo này... không có nghĩa là sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt”. Bộ Ngân khố Mỹ khẳng định sẽ “không tạo ra bất kỳ hạn chế, cấm đoán nào đối với những người có tên trong danh sách đang ở Mỹ hay nước ngoài”.

Theo báo The Guardian, có thể Mỹ sẽ không ra lệnh trừng phạt nhắm vào tất cả những người có tên trong danh sách, chẳng hạn như cấm nhập cảnh hay phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, việc có tên trong danh sách có thể sẽ khiến hoạt động giao dịch tài chính của các nhân vật này với các ngân hàng Mỹ và châu Âu trở nên phức tạp hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận với “danh sách Kremlin”. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin (phải) khẳng định lệnh trừng phạt dựa trên “danh sách Kremlin” sẽ được công bố trong thời gian tới. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Nga nổi giận

Tại một sự kiện ở Moscow, vài giờ sau khi bản danh sách nhạy cảm liệt kê tên toàn bộ chính phủ Nga và hàng chục doanh nhân nổi tiếng được công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức lên tiếng phản pháo. Trước những người ủng hộ, ông Putin nói đùa rằng ông cảm thấy “bị coi thường” khi bản thân ông không được “gọi tên” trong danh sách này. “Đây rõ ràng là một hành động không thân thiện. Báo cáo này khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã rất khó khăn, đã trở nên phức tạp hơn và chắc chắn cũng sẽ làm tổn hại đến các mối quan hệ quốc tế nói chung khác” - tổng thống Nga nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định báo cáo này sẽ không gây ra được tác động gì với nước này nhưng ông cũng bày tỏ sự thất vọng về việc hàng loạt quan chức và doanh nhân Nga bị điểm mặt gọi tên. “Phía sau mỗi doanh nhân và công ty là các công dân Nga, nhân viên và toàn bộ các ngành kinh tế của Nga. Vì vậy tất cả 146 triệu người dân Nga đã bị đưa vào danh sách này” - ông Putin kịch liệt chỉ trích.

Gọi “danh sách Kremlin” là một “bước đi thù địch” của Mỹ, Tổng thống Putin chỉ trích chính quyền của ông Trump đang đánh đồng Nga với những quốc gia bị Mỹ liệt vào “danh sách tài trợ khủng bố” như Triều Tiên và Iran, trong khi thực tế là Washington đang kêu gọi Moscow giúp kiềm chế Bình Nhưỡng, cũng như làm trung gian cho các vấn đề liên quan đến Tehran.

Ông Putin khẳng định Moscow đã biết trước về bản báo cáo này của chính quyền Washington và đã chuẩn bị biện pháp trả đũa, tuy nhiên các biện pháp này tạm thời sẽ không được triển khai trong thời gian tới. Ông chủ điện Kremlin cũng khẳng định Nga không muốn làm tình hình xấu đi và sẵn sàng “xây dựng mối quan hệ lâu dài, ổn định và dựa trên luật pháp quốc tế” với đối tác Mỹ.

“Danh sách Kremlin” cũng đã khiến cho hàng loạt nghị sĩ Nga tức giận. Ông Aleksey Chepa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Duma quốc gia Nga, nhận định với hãng tin RIA Novosti rằng đây rõ ràng là bước đi leo thang căng thẳng. Thượng nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng danh sách mà Bộ Ngân khố Mỹ công bố gần như khiến quan hệ song phương đổ vỡ. Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, người cũng có tên trong danh sách trên, chỉ trích đây là nỗ lực can thiệp cuộc bầu cử vào tháng 3 của Moscow một cách “trực diện và rõ ràng”.

Sức ép từ lưỡng viện Mỹ

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đầu tuần này cũng hứng hàng loạt chỉ trích từ các nghị sĩ Mỹ sau khi không áp đặt tức thì các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, bất chấp thời hạn của đạo luật này là ngày 29-1. Các nghị sĩ chỉ trích ông Trump không sẵn sàng cứng rắn với hành vi “gây hấn” của Nga, giữa lúc có những cảnh báo Moscow sẽ tiếp tục có những hành động can thiệp khác trong tương lai.

Ngay cả các nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng lên tiếng. “Tôi muốn biết tại sao họ không tiếp tục trừng phạt nhiều hơn. Có thể có một lý do chính đáng nào đó nhưng tôi không muốn phải nghĩ rằng đó là dấu hiệu của sự yếu đuối” - thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey O. Graham nói.

Phản hồi những chỉ trích này, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính quyền Washington tạm thời không áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow nhưng “danh sách Kremlin” được trình lên Quốc hội Mỹ là bước đi đầu tiên. “Sẽ có những biện pháp trừng phạt xuất phát từ báo cáo này” - ông Mnuchin khẳng định. Theo ông, các biện pháp này có thể được công bố vào tháng sau.

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ cũng khẳng định thật “không công bằng” khi nói Washington đã “trì hoãn các biện pháp trừng phạt”. Theo ông, có hàng trăm trang tài liệu phân loại riêng trong danh sách này đã được trình lên Quốc hội Mỹ và các biện pháp trừng phạt sẽ còn dựa trên “nhiều thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ”.

CIA lo Nga sẽ can thiệp bầu cử

Trả lời phỏng vấn BBC hôm 29-1, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho biết ông không nhận thấy Nga có dấu hiệu giảm hoạt động tình báo và lo ngại Moscow sẽ cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử lưỡng viện Mỹ vào tháng 11 năm nay.

“Tôi lường trước được việc Nga sẽ cản trở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Nhưng tôi tự tin Mỹ sẽ có được một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chúng ta sẽ có những hành động đáp trả mạnh mẽ, cứng rắn để những tác động của Nga với cuộc bầu cử sẽ không thành công” - ông Pompeo nhấn mạnh.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định Moscow không có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Đại sứ Nga cho rằng ông Pompeo đưa ra cáo buộc một cách vô căn cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm