Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 1

Ngôi miếu “ông Ba Tiền” nằm bên ven đường Huỳnh Văn Nghệ (KP5, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Theo người dân Bửu Long thì ngôi miếu này do dân lập cách đây gần 70 năm để thờ một chiến sĩ công an hy sinh tại nơi đây.


Trải qua gần 70 năm, ngôi miếu nhỏ và ngôi mộ của người chiến sĩ ấy vẫn còn. Tuy nhiên, thân phận và lai lịch chính xác của chiến sĩ ấy vẫn chưa được làm sáng tỏ...

Linh thiêng ngôi miếu “ông Ba Tiền”

Theo con đường Huỳnh Văn Nghệ về hướng huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), đến đoạn gần cổng chào Văn Miếu Trấn Biên (P. Bửu Long, TP.Biên Hòa), nếu để ý sẽ nhìn thấy một ngôi miếu nhỏ bên đường, có ánh đèn lập lòe, ghi hàng chữ: “Miếu ông Ba Tiền - 1994”. Ngôi miếu nằm tựa lưng vào một ngôi nhà bỏ hoang mà trước đây là công sở Bửu Long (nơi làm việc của chế độ cũ). Ban đầu, ngôi miếu cách vị trí hiện giờ 10m. Năm 1994, con đường Huỳnh Văn Nghệ được nâng cấp và mở rộng nên người ta mới di dời miếu về vị trí hiện hữu.

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 2

Bà ba Mạnh (76 tuổi), nhà sát cạnh miếu sáng nào cũng ra thắp nhang và cúng ly cà phê cho “ông Ba Tiền”. 

Bà ba Mạnh (tên thật Đỗ Thị Tú, 76 tuổi), nhà sát cạnh miếu cho biết gia đình bà sống ở đây gần 50 năm, lúc dọn đến đã thấy ngôi miếu: “Người dân nơi đây lâu nay truyền cho nhau nghe về sự linh ứng của ngôi miếu. Không ai dám gọi đích danh mà chỉ gọi là “ông Ba” hoặc “cậu Ba”. Người lớn đều dặn dò con nít, khi đi ngang miếu ông Ba không được đùa giỡn hoặc chọc phá. Ngày nào, tôi đem cà phê ra cúng và thắp nhang cho ông....”.

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 3
Phần mộ “ông Ba Tiền”được chôn cất cách ngôi miếu khoảng 400m. 

Điều đặc biệt là đồ cúng ở miếu người dân thường mang đến phải là ly cà phê, tô hủ tiếu và thuốc hút. Theo lý giải của một số người cao tuổi, trước khi bị giặc Pháp hành hình thì 3 món đó chính là suất ăn “ân huệ” cuối cùng của ông ba Tiền (?). Khi chúng tôi hỏi tên thật, gốc gác và gia đình của nhân vật được dân lập miếu thờ, những người lớn tuổi đều không nắm rõ. Người ta chỉ biết chung chung ông ba Tiền là công an Việt Minh bị Tây bắt, đem chặt đầu trước công sở Bửu Long. Bà ba Mạnh tiếp tục góp thêm chuyện về sự linh thiêng của ngôi miếu: “Miếu ông Ba nằm trực diện ngay ngã ba đường vô chợ Bửu Long (cũ) và đường xuống bến đò về Tân Uyên (Bình Dương). Hồi chưa làm đường thì nơi thường xảy ra tai nạn giao thông nhưng nhờ ông Ba “độ” nên người té xe chỉ bị trầy xước, cùng lắm là bất tỉnh...”(!)

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 4
 Trước mộ có tấm bia hình thánh giá ghi tên rõ “Phạm Văn Tiền, chết năm 46” 

Chúng tôi tìm gặp ông ba Hùng (tên thật Nguyễn Văn Hùng, 85 tuổi, nhà Đường Võ Trường Toản, khu phố 4, P.Bửu Long, sau lưng Văn Miếu Trân Biên), người có thời gian làm xã trưởng Bửu Long (chế độ cũ) từ năm 1968- 1975 tiết lộ: “Có một điều khó lý giải là mặc dù chúng tôi biết vanh vách ngôi miếu được dân lập thờ công khai một chiến sĩ cách  mạng trước tòa nhà công sở Bửu Long, nơi làm việc chính quyền cũ. Từ thời Pháp trải qua đến thời Mỹ- Ngụy nhưng chẳng ai can đảm dám “động” đến ngôi miếu hay tính chuyện di dời. Hồi xưa lính tráng tụi tôi hễ có chuyện gì thề độc một câu: “Thề có ông Ba chứng giám...”.

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 5

Do chưa được công nhận là liệt sĩ nên mộ “ông Ba Tiền” chưa được quy tập nghĩa trang liệt sĩ theo quy định và đang bị các hộ dân xung quanh xây cất lấn chiếm phần đất nhỏ nhoi của ngôi mộ 

Qua sự giới thiệu của ông ba Hùng chúng tôi đi đến nhà tìm gặp ông ba Vận (tên thật là Nguyễn Văn Vận, 86 tuổi) ở ngã ba Gạc Nai (đường Huỳnh Văn Nghệ, KP5, P.Bửu Long). Ngồi trầm ngâm suy tưởng một lúc lâu, ông ba Vận nhớ lại: “ Tôi không chính xác năm nào, nhưng năm tôi khoảng 13, 14 tuổi gì đó. Tôi đi chăn bò đi ngang qua công sở Bửu Long thì thấy dân chúng tập trung đông lắm, họ xầm xì to nhỏ là lính mã tà vừa bắt được cán bộ Việt Minh. Tôi cũng chen lấn vô coi, thấy tụi lính trói người thanh niên đó vào cây cột, đánh đập tra tấn rất dữ. Tôi ấn tượng đến giờ là nhìn thấy hai chân người đó bị đốt cháy đen thui... Còn tôi cũng không biết là lính mã tà đem ông Việt Minh đó đi xử bắn ở đâu. Mãi sau năm 1975, tôi mới nghe nói là khúc trên đó ( ngã ba đường vào chợ Bửu Long cũ –B.T.T) dân có xây một miếu thờ người tên “Ba Tiền”. Đến bây giờ, tôi cũng không dám chắc người thanh niên xưa có phải là ông Ba Tiền hay không?”.

Được người dân cung cấp nhiều thông tin, chúng tôi mới thêm hiện tại ở Bửu Long còn một “nhân chứng hiếm hoi” biết chút ít về lai lịch ông Ba Tiền. Đó là ông Hai Nhứt (88 tuổi), nhà ở 2/7A (tổ 10, KP2, P.Bửu Long). Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Hai Nhứt (tên thật là Nguyễn Tấn Khanh, nguyên bí thư chi bộ xã Tân Thành (phường Bửu Long cũ), nguyên Trưởng phòng Điện lực Biên Hòa), chỉ còn nhớ mang máng ông Ba Tiền là chiến sĩ Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa, từng hoạt động ở làng Bửu Long (Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa là tiền thân của công an Đồng Nai hiện nay – B.T.T). 

Hai người hoạt động dù ở hai đơn vị khác nhau, nhưng chung địa bàn nên có thời gian ngắn biết mặt nhau. Tạm thời ông Hai Nhứt lục lọi trong ký ức “phác họa” ông Ba Tiền có một lý lịch trích gọn: “Tên: Huỳnh Văn Tiền, sinh năm 1919, tại xã Bình Trước, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (cũ);  bị Pháp bắt trong một trận càn và bắn chết khoảng tháng 04-1946 tại trước tòa nhà công sở xã Bửu Long”.

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 6

Đền thờ liệt sĩ phường Bửu Long đặt trong khuôn viên đình thần Tân Lại (KP3, P. Bửu Long), đều không ghi tên Huỳnh Văn Tiền hoặc Phạm Văn Tiền. 

Đìu hiu ngôi mộ người “liệt sĩ”

Cách ngôi miếu khoảng 200m, sau lưng trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Đồng Nai (Trường lái Bửu Long), lâu nay có một ngôi mộ được xây bằng đá xanh, hình hộp chữ nhật cao 1m, dài 2m. Trước ngôi mộ có một tấm bia hình cây thánh giá ghi rõ tên thánh “Jean Beptis” của người có tên Phạm Văn Tiền, chết năm 46. Người dân Bửu Long tin rằng ngôi mộ này là chôn xác ông Ba Tiền. Hiện tại, ngôi mộ nằm trong phần đất của nhà bà Tống Thị Ánh Tuyết (thuộc tổ 29, KP5, P. Bửu Long). Bà Tuyết kể, ngay từ nhỏ bà được ông ngoại và mẹ ruột nói là người nằm dưới ngôi mộ trước cổng nhà và người được thờ trong ngôi miếu nhỏ ven đường là một. Cho nên, người lớn luôn căn dặn con nít trong xóm là không được ra đó nhảy lên mộ phá phách, sẽ bị “ông Ba” quở, hành bệnh.

Bà Tuyết nhớ lại, khoảng năm 1998, bà bất ngờ tiếp người vợ và con gái ông Ba Tiền từ Mỹ về thăm lại cố hương và tìm tung tích ngôi mộ của chồng và cha họ. Họ bỏ tiền ra tu bổ, xây cất lại ngôi mộ khang trang hơn. Có dựng một tấm bia đá ghi rõ tên người đã khuất, ghi năm mất nhưng không ghi năm sinh. Từ đó, năm nào người con gái ông ba Tiền cũng về nước thăm mộ nhưng khoảng 10 năm trở lại đây thì không thấy về nữa cho nên lâu rồi ngôi mộ không được ai chăm sóc.

Khi ghé thăm, đập vào mắt chúng tôi là xung quanh ngôi mộ bị “bao vây” bởi mấy căn phòng trọ và các căn nhà xây lấn chiếm hết phần đất nhỏ nhoi của ngôi mộ. Hơn nữa xộc vào mũi chúng tôi là mùi của phân mèo và chó phóng uế tùm lum xung quanh mộ. Nhìn quang cảnh lạnh lẽo, đìu hiu và...không sạch sẽ nơi an nghĩ của một chiến sĩ hy sinh vì nước vì dân mà rất buồn và chạnh lòng. Bà Tuyết thừa nhận, trước đó bà có “bốc” mấy ngôi mộ vô chủ trong phần đất nhà mình để...san bằng xây phòng trọ cho sinh viên thuê. Còn riêng phần mộ ông Ba Tiền vốn linh thiêng nên nhà Tuyết giữ nguyên hiện trạng. Bà Tuyết cho hay nhiều lần gia đình có đề nghị chính quyền địa phương di dời phần mộ “ông Ba” về nghĩa trang liệt sĩ nhưng không thấy phản hồi?

Chúng tôi “gom” hai chuyện hỏi ông Hai Nhứt, được coi là nhân chứng duy nhất biết rõ lai lịch người đã khuất: Ông Ba Tiền tên thật là Phạm Văn Tiền hay Huỳnh Văn Tiền? Và vì sao không quy tập mộ ông Ba Tiền về nghĩa trang liệt sĩ?

Được ông Hai Nhứt giải thích như sau: “Do thời gian đi qua quá lâu cho nên tôi chỉ nhớ “mang máng” ông ba Tiền họ Huỳnh. Thiệt tình là lúc đó tôi không hề biết vợ con ông Ba Tiền có dựng một tấm bia ghi rõ tên “Phạm Văn Tiền”. Cũng trước đó, vợ con ông Phạm Văn Tiền từ Mỹ về nước gặp chỉ nhờ xác nhận nơi ông Tiền chết và nơi chôn cất, chứ không nhờ làm hồ sơ liệt sĩ” (?)

Dân lập miếu thờ người chiến sĩ công an ảnh 7

Như vậy, suốt 70 năm qua cái chết khí phách anh dũng của người thanh niên Huỳnh Văn Tiền (hoặc Phạm Văn Tiền) vẫn chưa được cấp nào công nhận. 

Khi chúng tôi tra 114 tên các liệt sĩ hy sinh qua hai cuộc kháng chiến tại đền thờ liệt sĩ phường Bửu Long đặt trong khuôn viên đình thần Tân Lại (KP3, P. Bửu Long), đều không có ghi tên Huỳnh Văn Tiền hoặc Phạm Văn Tiền. Điều đáng nói hơn hết và khó hiểu là trong tư liệu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử công an Đồng Nai (congan.dongnai.gov.vn), trong bài “Công An Đồng Nai quá trình hình thành chiến đấu và trưởng thành” phần viết về thông tin các chiến sĩ Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa chiến đấu và hy sinh giai đoạn năm 1945-1946 lại không có dòng nào đề cập đến trường hợp ông Ba Tiền?

Như vậy, gần 70 năm qua khí chất anh hùng và cái chết can trường của người thanh niên trẻ Phạm Văn Tiền (hoặc Huỳnh Văn Tiền) vẫn chưa được các cấp nào công nhân và truy phong danh hiệu liệt sĩ. Dù vậy thì trong tiềm thức người dân Biên Hòa thì “ông Ba Tiền” hay “cậu Ba Tiền” mãi mãi là vị trấn thần ngôi miếu để vỗ an lòng người. Và chỉ có “liệt sĩ” trong lòng dân mới là sống mãi !
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Tâm, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) bày tỏ, rằng từ lâu chính quyền địa phương cũng biết sự tồn tại của ngôi miếu do dân lập thờ một chiến sĩ công an hy sinh trong thời kỳ kháng Pháp. Tuy nhiên, để công nhận liệt sĩ thì phải còn hồ sơ giấy tờ đầy đủ, phải có nhân chứng xác nhận và phải có thân nhân (?). Sắp tới, nếu có chủ trương của cấp trên thì chính quyền phường Bửu Long sẽ cử người tiến hành xác minh và thẩm định câu chuyện và sự tích về “ông Ba Tiền” mà dân gian Bửu Long lưu truyền lâu nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm