‘Cuộc đua song mã’ đến ghế tổng thống Pháp

Sau nhiều tháng trời cạnh tranh giữa các ứng cử viên, kết quả sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 23-4 cho thấy ông Emmanuel Macron, đại diện phong trào Tiến lên (EM) và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (NF) bà Marine Le Pen sẽ chính thức bước vào vòng 2 của cuộc bầu cử. Với lập trường trái chiều giữa hai ứng viên tiềm năng, tương lai về một nước Pháp trong năm năm tới sẽ được định hình như thế nào còn tùy thuộc vào kết quả của màn song đấu ngày 7-5.

Chiến thắng sát sao

Số liệu được Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 24-4 theo kết quả từ 46/47 triệu phiếu được kiểm, tương đương 96% phiếu bầu, cho thấy kết quả không ngoài dự đoán: Ứng viên trung dung Macron và bà Le Pen thuộc phe cực hữu sẽ cùng bước vào vòng song đấu tiếp theo. Cụ thể, ông Macron được 23,82% phiếu bầu, bà Le Pen cũng sát sao khoảng 2% với kết quả 21,58%. Trong khi đó, ứng viên bảo thủ Francois Fillon được 20% và ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon được 19,6%. Bảy ứng viên còn lại đều giành tỉ lệ ủng hộ dưới 7%.

Đài CNN bình luận kết quả vòng 1 đã phản ánh sự tương quan với một vài sự kiện tầm cỡ trước đây như cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) của người Anh và sự đối đầu giữa bà Hillary Clinton cùng ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nơi những người bỏ phiếu đã bác bỏ lập trường của lực lượng truyền thống.

Macron: Nhà toàn cầu “mới nổi”

Theo AP, ông Emmanuel Macron, đại diện phong trào chính trị Tiến lên (EM) với chủ trương ôn hòa, sẽ đối mặt trước thách thức lớn chưa từng có trên con đường tiến đến chiếc ghế tổng thống Pháp: Đó là một “lính mới” của chính trường Pháp với cái tên gần như không được hầu hết người dân Pháp biết đến chỉ cách đây ba năm.

Ông Macron sinh năm 1977, là ứng viên tổng thống Pháp trẻ nhất từ trước tới nay. Nếu đắc cử, ông cũng sẽ trở thành vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp. Macron lớn lên ở Amiens, một thị trấn ở miền Bắc Pháp. Ông là người anh cả trong số ba người con của một gia đình với bố mẹ đều là bác sĩ, theo tờ Business Day. Qua lời kể của mẹ Macron, ông là một học sinh nổi bật tại trường, thường ở lại sau giờ học để tranh luận với các giáo viên thay vì chơi đùa với những đứa trẻ khác.

Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (NF), bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron, đại diện phong trào chính trị Tiến lên (EM). Ảnh: FRANCE 24

Sau khi hoàn thành năm trung học cuối cùng ở Paris, Macron theo học tại ĐH Paris-Quest Nanterre La Defense danh giá và sau đó học tại Trường Hành chính Quốc gia (ENA) với chuyên ngành thanh tra tài chính, nơi ông tốt nghiệp gần như đứng đầu lớp. Sau khi học xong, ông Macron từng làm việc cho ngân hàng đầu tư Rothschild, nơi ông kiếm hơn 3 triệu USD chỉ trong bốn năm. Năm 2014, Tổng thống Pháp Francois Holland bổ nhiệm ông Macron vào vị trí bộ trưởng kinh tế Pháp sau khi ông giữ vai trò cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế cho ông Holland được hai năm. Năm 2016, ông Macron đã tuyên bố thành lập phong trào chính trị En Marche (Tiến lên), nền tảng để ông tuyên bố tranh cử tổng thống Pháp.

Ông Macron có lập trường vững chắc về các vấn đề kinh tế. Vị ứng viên tiềm năng cũng chú trọng vào vấn đề an ninh và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong những tuần gần đây. Ông Macron cam kết nếu trở thành tổng thống Pháp, ông sẽ tăng cường sức mạnh cho lực lượng cảnh sát, quân đội và các cơ quan tình báo, đồng thời gây áp lực lên các cơ quan mạng để giám sát sát sao chủ nghĩa cực đoan.

Để cải thiện tình trạng an ninh hiện thời của châu Âu, ông Macron muốn EU triển khai khoảng 5.000 lính gác biên giới trên khắp châu Âu và những vùng biên giới nằm ngoài khu vực tự do di chuyển của khối này. Với sự tán thành mạnh mẽ dành cho một thị trường tự do cùng tinh thần doanh nghiệp, ông Macron kêu gọi nước Pháp tập trung vào việc thu lợi từ quá trình toàn cầu hóa thay vì chính sách bảo hộ được cả cánh cực hữu và tả ủng hộ.

“Chúng ta cần châu Âu, người bạn của nước Pháp. Do đó, chúng ta sẽ đóng góp để xây dựng nó” - ông Macron phát biểu ở thủ đô Paris hồi tuần này. “Vì chúng ta sẽ mạnh hơn, tôi sẽ tái xây dựng một liên minh vững chắc và cân bằng với nước Đức để tạo động lực mới cho châu Âu”. Ông Macron cam kết sẽ cải tổ nền chính trị Pháp bằng cách tổ chức một chính phủ với hầu hết các nhân vật chủ chốt mới, một vài người trong số họ sẽ đến từ lĩnh vực thương mại và xã hội dân sự.

Điều thú vị khác ở ông Macron mà không ít người ngưỡng mộ đó là câu chuyện tình vượt tuổi tác vô cùng lãng mạn. Với phong cách kiểu Mỹ mang nét khác lạ trong chính trường Pháp, trong ngày mừng chiến thắng ở vòng 1, ông đã xuất hiện tay trong tay với người vợ Brigitte của mình trên sân khấu. Cả hai đã vẫy tay trước đám đông với những giọt nước mắt hạnh phúc còn đọng lại trong khóe mắt. Bà Brigitte lớn hơn ông Macron tới 24 tuổi. Cặp đôi kết hôn vào năm 2007. Bà Brigitte luôn sát cánh và tích cực vận động cho chồng mình. “Cô ấy là một phần cuộc sống của tôi và sẽ luôn như vậy!” - ông Macron nói.

Le Pen: Đấu cho “tâm hồn” nước Pháp

Theo New York Times, thành công của bà Le Pen trong vòng đấu với 10 ứng viên khác vừa qua phải nói là một chiến thắng dành cho những ai có quan điểm thoát châu Âu và những ai muốn chứng kiến các chính sách “nước Pháp trên hết” mạnh mẽ hơn để ngăn tình trạng nhập cư, bảo vệ nền công nghiệp Pháp và giới hạn các yếu tố Hồi giáo tại Pháp như mang khăn che mặt.

Bà Le Pen, 48 tuổi, là chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (NF) với quan điểm bài EU, đặt lợi ích nước Pháp lên trên hết cùng chính sách chống người nhập cư. Là cựu luật sư, từng hai lần ly dị, bà Le Pen đang đối mặt với các cáo buộc vi phạm quy định gây quỹ vận động tranh cử, sai phạm về chi tiêu và kê khai tài sản cá nhân. Tuy nhiên, bà Le Pen đã bác bỏ cáo buộc này và gọi đây là âm mưu bôi nhọ.

“Một cuộc chiến lớn cuối cùng sẽ diễn ra. Người dân Pháp cần nắm bắt cơ hội mang tính lịch sử này” - bà Le Pen viết trên Twitter. Phát biểu trước người ủng hộ ở miền Bắc Pháp, bà Le Pen đã chỉ trích ông Macron là “người thừa kế” của tổng thống Pháp Fancois Hollande, người mà theo bà là không được yêu thích mấy. Bà nhấn mạnh: “Lựa chọn vào lúc này rất đơn giản: Hoặc bạn vì nước Pháp, hoặc bạn vì toàn cầu hóa”.

Trong khi bà Le Pen có được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri trẻ, các công nhân lao động, những người dân ven tỉnh xa xôi và những người thất nghiêp, bà hiện cố gắng giành được sự ủng hộ từ những người về hưu, lực lượng trí thức đại học và các nhà chấp pháp, theo Politico. Đối với lực lượng này, kế hoạch rời khỏi EU thông qua một cuộc trưng cầu dân ý của bà đã chứng tỏ có vấn đề.

Các chuyên gia chính trị cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu vòng 1 cho thấy sự phân chia quan điểm sâu sắc trong nền chính trị Pháp cũng như quan hệ của Pháp với Liên minh châu Âu. “Về cơ bản, điều này cho thấy Pháp đang trải qua căng thẳng chính trị sâu sắc: Đó là xung đột về vấn đề hòa nhập nước Pháp vào nền kinh tế toàn cầu và hòa nhập nước Pháp với châu Âu” - Bruno Cautres, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị thuộc Viện Sciences Po (Pháp), nhận định.

Châu Âu “thở phào”

Theo tờ Newsweek, các cơ quan tài chính và chính trị tại châu Âu đã phản ứng với kết quả sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 23-4 bằng một sự “thở phào” nhẹ nhõm sau khi ứng viên trung dung Macron với lập trường thân EU và ủng hộ toàn cầu hóa thắng thế. Sau khi kết quả được công bố, đồng euro đã tăng lên mức cao nhất 2% so với đồng USD kể từ tháng 11 năm ngoái.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rằng ông chắc chắn ứng viên Macron sẽ chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng chúc mừng chiến thắng của ông Macron. “Chúc mừng người bạn của tôi, Emmanuel Macron. Rõ ràng anh có thể chiến thắng từ lập trường ôn hòa. Đó chính là người lãnh đạo mà nước Pháp cần” - ông Osborne đăng trên Twitter.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm