Cuộc chiến với ‘cá sấu tài chính’ Trung Quốc

Tiêu Kiến Hoa, tỉ phú Trung Quốc (TQ), được thông báo mất tích từ ngày 28-1-2017, nhiều khả năng sẽ xuất hiện trở lại trong một phiên tòa vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới đây, các nguồn tin giấu tên của tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.

Sắp chấm dứt những bí ẩn

Trong một bản tin vào tháng 2-2017, tờ SCMP từng cho biết ông Tiêu Kiến Hoa đã được thuyết phục rời Hong Kong để trở về đại lục hỗ trợ các cuộc điều tra liên quan đến khủng hoảng thị trường chứng khoán TQ năm 2015.

Một nguồn tin giấu tên tại Bắc Kinh tiết lộ cho tờ SCMP rằng quá trình điều tra với sự hợp tác của ông Tiêu đã hoàn thành và vụ án đã được chuyển cho cơ quan tố tụng. Nguồn tin này khẳng định phiên tòa xử tỉ phú mất tích sẽ sớm diễn ra, dự kiến vào tháng tới. Một nguồn tin giấu tên khác của SCMP tại Hong Kong, có liên hệ với nhiều thương vụ của ông Tiêu, thì cho biết vị tỉ phú sẽ được xét xử vào cuối tháng 6. Hiện tờ báo của Hong Kong vẫn chưa rõ các cáo buộc dành cho ông Tiêu Kiến Hoa. Tuy nhiên, cả hai nguồn tin của tờ báo này đều cho rằng các cáo buộc sẽ không nghiêm trọng như những gì ông Ngô Tiểu Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn bảo hiểm An Bang, đang phải đối diện. Ông Tiêu được đối xử nhẹ tay hơn tỉ phú Ngô có thể nhờ sự hợp tác tự nguyện của ông trong quá trình điều tra, mức độ giá trị của những thông tin mà ông cung cấp, cũng như thái độ hợp tác thu hẹp quy mô đế chế kinh doanh của Tập đoàn Tomorrow Group do ông sáng lập và điều hành.

Vụ mất tích của ông Tiêu Kiến Hoa vào đầu năm 2017 đã gây nên những lo ngại trong dư luận ở Hong Kong. Nhiều ý kiến cho rằng quyền tự quyết của Hong Kong đã bị xâm phạm khi chính quyền đại lục đơn phương tiến hành một hoạt động chấp pháp tại đặc khu này. Các thông tin điều tra về vụ mất tích của ông Tiêu cho thấy ông cùng nhiều hành lý được 10 người lạ mặt đưa khỏi khách sạn Four Seasons Place vào rạng sáng 27-1-2017 và rời đi trên hai chiếc ô tô. Gần 12 tiếng sau, ông Tiêu được nhìn thấy đi qua chốt hải quan ở Lok Ma Chau để rời Hong Kong và đi vào Thâm Quyến, theo SCMP.

Vụ việc thêm bí ẩn sau khi gia đình ông thông báo chính thức về vụ mất tích hôm 28-1-2017 nhưng chỉ một ngày sau đã rút đơn và báo cảnh sát rằng ông Tiêu đã liên lạc cho biết ông vẫn an toàn. Rồi gần 12 ngày sau, một thông báo trên tài khoản mạng xã hội Wechat của Tomorrow Group, đề tên người viết là Tiêu Kiến Hoa, lại thông báo ông đã ra nước ngoài chữa bệnh chứ không phải bị bắt về đại lục, khẳng định sẽ sớm xuất hiện trên truyền thông. Thông báo sau đó được gỡ bỏ với lý do “hiểu nhầm”.

Cho đến nay, ông Tiêu Kiến Hoa vẫn chưa lần nào được nhìn thấy và các cơ quan chính quyền TQ cũng không công bố thông tin nào về nơi ở của nhà tỉ phú này.

Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm An Bang, ông Ngô Tiểu Huy - một “tê giác xám” trong lĩnh vực tài chính bị truy tố nhiều tội danh kinh tế. Ảnh: CCTV

Tỉ phú Tiêu Kiến Hoa mất tích suốt 15 tháng qua. Ảnh: NYT

Đánh “cá sấu” và “tê giác” tài chính

Tập đoàn Tomorrow Group hiện nắm cổ phần trong hàng trăm tập đoàn, theo SCMP. Chính phủ Bắc Kinh đánh giá đây là một rủi ro tiềm năng đối với sự ổn định tài chính quốc gia và đã yêu cầu tập đoàn này thanh lý gần 23,9 tỉ USD giá trị tài sản trong năm 2018 để trả các khoản nợ ngân hàng. Những bước đi vừa qua của Tập đoàn Tomorrow Group cho thấy sự biến mất bí ẩn của ông Tiêu có thể là một phần trong chiến lược nhằm giảm rủi ro tài chính quốc gia của chính phủ TQ.

Có chân trong nhiều thương vụ liên quan đến nhiều cựu quan chức cấp cao tại Bắc Kinh, ông Tiêu Kiến Hoa cũng được coi là một “tài sản có giá trị” trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, theo tờ The Epoch Times. Ngoài ra, ông Tiêu cũng có thể giữ vai trò lớn trong cuộc chiến của Bắc Kinh chống giới “cá sấu tài chính” - cách truyền thông TQ gọi những tỉ phú hưởng lợi khủng nhờ lũng đoạn và gây biến động trên thị trường chứng khoán TQ trong năm 2015. Ủy ban Kiểm soát chứng khoán TQ (CSRC) trong cuộc họp báo cuối tháng 2-2017, không lâu sau khi ông Tiêu biến mất bí ẩn, đã công khai lên án giới “cá sấu tài chính” đang làm hại những nhà đầu tư bằng cách trục lợi từ thị trường chứng khoán dưới vỏ bọc hợp pháp, theo Tân Hoa xã.

Ngay trước thềm kỳ họp thường niên của Quốc hội TQ tháng trước, Ủy ban Giám sát bảo hiểm TQ (CIRC) cũng bất ngờ tuyên bố chính phủ sẽ kiểm soát Tập đoàn bảo hiểm An Bang trong một năm kể từ ngày 23-2, đồng thời truy tố ông Ngô Tiểu Huy các tội danh về kinh tế sau khi mở chuyên án điều tra từ tháng 6-2017. An Bang vay mượn các khoản tiền lớn từ các ngân hàng nhà nước để thực hiện các phi vụ mua lại đắt đỏ trên toàn cầu. Truyền thông nhà nước gọi lãnh đạo các công ty như An Bang của ông Ngô hay Vạn Đạt của tỉ phú Vương Kiện Lâm là “tê giác xám”, tức những nhà tài phiệt lợi dụng vốn vay lãi suất thấp từ nhà nước để xây dựng đế chế của mình. Hiện Viện kiểm sát TP Thượng Hải đã khởi động thủ tục khởi tố ông Ngô Tiểu Huy gây quỹ phi pháp, lừa đảo và biển thủ công quỹ. Theo tờ SCMP, mức án cho những tội danh này có thể là tù chung thân.

Tái lập trật tự tài chính

Những diễn biến này cho thấy mức độ quyết tâm lớn chưa từng thấy của chính quyền TQ trong nỗ lực tái lập trật tự mảng tài chính, đặc biệt khi ông Ngô là cháu rể của cố lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình. Ông được đánh giá là có nhiều mối quan hệ với thượng tầng chính trị tại Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo cũng vào tháng 2-2017, CIRC đã tuyên bố sẽ không để ngành bảo hiểm trở thành một “câu lạc bộ của những người giàu” và cảnh báo lãnh đạo các công ty bảo hiểm nghĩa vụ lớn nhất của họ là phúc lợi của người dân.

Các rủi ro tài chính được ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo đảng Cộng sản TQ (CPC) xem là một trong ba thách thức lớn nhất mà TQ đang đối diện, bên cạnh vấn nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Trong đợt đại cải tổ chính phủ tháng qua, Ủy ban Quản lý ngân hàng đã được hợp nhất với CIRC thành một “siêu cơ quan” tài chính là Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm (CBIRC). Tờ The New York Times nhận định thành lập CBIRC là ông Tập Cận Bình đã tiến một nửa đoạn đường đến mục tiêu thành lập một cơ quan giám sát và quản lý đơn nhất cho thị trường tài chính quốc gia.

Theo phân tích của SCMP, Bắc Kinh quyết tâm tuyên chiến với những “cá sấu” và “tê giác” tài chính là một phần chiến lược “nắn dòng” hàng chục ngàn tỉ nhân dân tệ trong hệ thống tài chính nước này chảy trở lại vào nền kinh tế thật. Những dự án thương mại, xí nghiệp và công nghệ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng thật. Giới lãnh đạo TQ không thể tiếp tục làm ngơ để khối tài sản khổng lồ này tiếp tục tập trung vào bàn tay của một số ít nhà tài phiệt siêu giàu, chỉ luân chuyển từ sản phẩm tài chính này sang sản phẩm tài chính khác mà không có sự giám sát của chính phủ.

Theo tờ The New York Times, ông Tiêu Kiến Hoa sinh ra trong một làng quê nghèo ở TP Phì Thành, tỉnh Sơn Đông, TQ. Ông nổi tiếng là thần đồng khi đậu vào ĐH Bắc Kinh danh tiếng ở tuổi 14. Tại trường, ông là chủ tịch hội sinh viên và đứng về phía chính phủ trong cuộc biểu tình nổi tiếng tại Thiên An Môn năm 1989. Ông Tiêu đã trở thành công dân Canada và có hộ chiếu ngoại giao của Antigua. 

Theo tạp chí tài chính Hurun, vị tỉ phú 46 tuổi này xếp thứ 32 trong danh sách người giàu nhất TQ với tài sản ròng trị giá gần 6 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Tiêu lại không thích gây chú ý và sống một cuộc sống kín tiếng đến mức người ta đặt cho ông biệt danh là “nhà tài phiệt vô hình”. Trước khi mất tích bí ẩn, ông đã sống tại khách sạn Four Seasons Place trong nhiều năm tại một căn hộ có giá thuê gần 26.000 USD/tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm