Cuộc chiến cuối cùng

Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Lê Chiến Thắng (năm nay 73 tuổi, cựu chiến binh (CCB) ấp Phước Lập) từng là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 28 của Trung đoàn 2, Sư đoàn 9. Ông nhiều lần vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công vang dội thời chống Mỹ còn được ghi trong sách lịch sử của sư đoàn.

Người anh hùng trong vòng tay đồng đội

Hòa bình lập lại, ông Thắng về Bến Tre làm ăn sinh sống. Dù to khỏe, vạm vỡ, chăm chỉ lao động nhưng ông Thắng vẫn nghèo túng, chật vật làm ruộng, cấy mướn nuôi đàn con lít nhít. Trong một lần sạt lở bờ sông, nhà cửa, đồ đạc của gia đình ông đều bị cuốn hết xuống sông. Năm 2001, ở tuổi 60, ông đưa vợ và người con trai út rời bỏ quê nhà đến Tây Ninh làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Hội CCB xã Phước Vinh đón nhận và đùm bọc người đồng đội năm xưa với tất cả nghĩa tình, dù phần lớn hội viên đều nghèo khó. Hội xuất tiền quỹ ra thuê cho ông Thắng hai công đất ruộng để ông trồng kèo nèo, rau nhút. Hội còn giúp ông dựng nhà tạm trên miếng đất sâu tít trong bưng. Nhận sự giúp đỡ nghĩa tình của các đồng đội, ông Thắng quyết tâm thoát nghèo. Ông Thắng cùng các con lao động quần quật trên mảnh đất được hội trao cho. Có những hôm trăng sáng, ông Thắng lại ra vườn cày cuốc tới khuya, mãi đến khi vợ nhắc ông mới buông cây cuốc. Ông Thắng tìm tòi học hỏi cách trồng nhiều loài cây ăn trái, lấy ngắn nuôi dài. Chẳng bao lâu sau, vườn nhà cho thu hoạch, vợ ông Thắng hằng ngày đều có rau trái vườn nhà mang ra chợ bán. Ông thuê thêm đất, nuôi rắn, nuôi bò tăng thêm thu nhập. Đến nay, ở tuổi 73, ông đã thực sự thoát nghèo, được xem là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.

Ông Thắng bày tỏ: “Chống đói nghèo cũng gian nan không thua gì chống Mỹ đâu, phải bền gan mới được. Không có các đồng đội giúp đỡ, tui không có được ngày hôm nay”.

 
Từ trái qua:CCB Võ Văn Hùng, bà Phạm Thị Hồng, ông Dư Phước Hiệp, anh hùng LLVT Lê Chiến Thắng trước căn nhà đang xây tặng ông Hùng. (Ảnh chụp tháng 3-2013) Ảnh: HM

Cuộc chiến cuối cùng ảnh 2
 

Một góc căn nhà cũ của ông Võ Văn Hùng. Ảnh: HM

Những căn nhà nghĩa tình

Khi những viên gạch đầu tiên được chở đến nhà ông Võ Văn Hùng (năm nay 65 tuổi, CCB ấp Phước Trung), ông Hùng đã đứng khóc trong vòng tay đồng đội. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, ông Hùng về quê nhà chỉ còn thấy nền đất cũ. Căn nhà nhỏ bên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông bị giặc Pôn Pốt đốt rụi mấy lần. Ông Hùng và vợ tự đi chặt cây dựng chòi, bươn bả đi làm mướn kiếm tiền nuôi con. Nhưng ở xã biên giới nghèo, việc làm mướn rất bấp bênh, bữa có bữa không. Bà Bùi Thị Thiêm (vợ ông Hùng) lại mắc nhiều chứng bệnh: viêm đa khớp, hẹp van tim, thoái hóa cột sống..., ông Hùng lao đi làm mướn, giăng cá cả ngày cũng không đủ tiền mua thuốc cho vợ. Căn nhà mái lá, vách phên tre của vợ chồng ông lung lay chuẩn bị sập. Hội CCB xã Phước Vinh đã vừa vận động đóng góp trong hội, vừa đi vận động các nguồn hỗ trợ gấp cho ông Hùng. Bà Phạm Thị Hồng (Chi hội phó Chi hội CCB ấp Phước trung) ngày ngày qua trông coi việc xây nhà, giúp chăm sóc bà Thiêm đau ốm, góp ít tiền cho ông Hùng trang trải hằng ngày. Cuối cùng, căn nhà được xây với hơn 70 triệu đồng đã hoàn thành, khang trang, rộng rãi. Bà Thiêm gượng dậy, ngày ngày vá lưới thuê kiếm thêm thu nhập. “Tui mừng nhiều đêm không ngủ được. Có khi nghĩ mình nằm mơ nên lấy tay đẩy thử bức vách coi nó còn kêu cọt kẹt không rồi mới dám tin mình đang ở nhà xây thiệt” - bà Thiêm bộc bạch.

Các CCB xã Phước Vinh còn gắng sức lo cho gia đình của những người đã mất. Ông Trần Văn Hẹn (CCB ấp Phước Lợi) là thương binh nặng với những vết thương chưa bao giờ lành lặn: Bị đạn bắn mất gần một bên mặt, nhiều mảnh đạn còn ghim trong người. Năm 1989, do vết thương thường xuyên tái phát và trở nặng, ông Hẹn mất, bỏ lại vợ con chật vật trong căn nhà vách đất nhỏ xíu. Ngày ngày vợ con ông Hẹn đi làm mướn, cuộc sống quá khó khăn nên họ cũng không dám nghĩ tới việc sửa nhà đã dột nát. Năm 2013, sau khi giúp gần hết các CCB nghèo trong xã có nhà ở kiên cố, Hội CCB Phước Vinh vận động được 25 triệu đồng, các CCB thay phiên nhau đến giúp gia đình ông Hẹn coi công thợ, góp sức làm để căn nhà mau hoàn thành. Mỗi người cùng “đắp vô một chút” nên căn nhà khá khang trang, rộng 63 m2. Ông Nguyễn Thành Y (Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Phước Lợi) hồ hởi nói: “Nhiều người tới thăm nhà ông Hẹn đều nói chỉ có Hội CCB xây được căn nhà này với chừng đó tiền. Tiền công, tiền vật liệu người ta cũng giảm cho. Chúng tôi thấy yên tâm vì từ nay đồng đội của mình đã có chỗ thờ cúng ấm cúng, không bị mưa tạt như trước nữa”.

Điều đáng trân trọng là dù phần lớn các cựu binh đều khó khăn nhưng ai cũng gắng sức giúp đỡ cho những đồng đội khó khăn hơn. Ông Dư Phước Hiệp (65 tuổi, phó chủ tịch Hội CCB xã Phước Vinh) gia cảnh cũng rất khó khăn, vợ chồng ông chỉ có mảnh ruộng nhỏ, vẫn tranh thủ đi làm mướn. Vậy mà ai đề nghị giúp đỡ là ông gạt ngay đi: “Vợ chồng tôi may mắn được mạnh khỏe, còn lao động được, có nhiều đồng chí khác khó khăn hơn tôi nhiều”.

NGUYỄN HOÀNG

 

Xã Phước Vinh là một xã nghèo biên giới nhưng hoạt động của Hội CCB xã đã làm gương và khích lệ rất lớn cho phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh việc vận động xây nhà tình nghĩa, hội còn làm đại diện quản lý nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách rất tốt, giúp nhiều cựu binh thoát nghèo. Các CCB được mời làm bí thư đoàn danh dự ở các chi đoàn cơ sở và rất có uy tín ở địa phương”.

Ông TRẦN MINH TRÍ - Phó Bí thư xã Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh

Từ năm 2010 đến nay, Hội CCB xã Phước Vinh đã đóng góp và vận động xây được 21 căn nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, đã xóa hết nhà tạm của các CCB thuộc diện hộ nghèo ở xã. Ngoài ra, hội còn xây tặng được ba căn nhà cho cựu binh ở địa phương khác, trong đó có một căn đang chuẩn bị xây ở xã Hòa Hiệp.

Trong bốn năm qua, tỉnh Tây Ninh đã trao tặng năm bằng khen cho Hội CCB xã Phước Vinh vì đã có nhiều đóng góp cho xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm